Kiểm soát giá cả để bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân
Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 13/6 của Quốc hội về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, đại biểu Hoàng Quang Hàm đã nhấn mạnh một số kết quả đã đạt được cũng như bày tỏ những băn khoăn...
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), kết quả đạt được trong năm 2019, kỳ tích về chống dịch COVID-19 và ngăn chặn suy giảm kinh tế một lần nữa khẳng định sức mạnh đoàn kết của dân tộc và sự ưu việt của chế độ mà Đảng đang kiên định lãnh đạo toàn dân đi theo.
Để khắc phục khó khăn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để khôi phục kinh tế.
Đại biểu cho rằng, khi kinh tế suy giảm, nguyên lý cơ bản là nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tăng chi tiêu công và tăng cung ứng vốn để kích thích nền kinh tế, tăng cung.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 làm cho cả cung và cầu đều suy giảm nên việc nới lỏng mỗi chính sách cần phải có liều lượng phù hợp, phải đặt ra ngưỡng trần không được vượt qua, lường trước các rủi ro để điều hành và đặc biệt để thúc đẩy sản xuất lại phải quay về các câu hỏi kinh điển là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, bán cho ai để cơ cấu lại nền kinh tế và phải đặt trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập sâu, độ mở của nền kinh tế rất lớn.
Mặt khác, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, thu ngân sách chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, có lãi, không bao quát hết các doanh nghiệp khó khăn. Do vậy, cần có thêm chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn, do đứt đoạn nguồn cung đầu vào hoặc thị trường đầu ra.
Để bảo đảm dòng tiền cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả 2021. Giãn thuế thường có hiệu quả tức thời và để khắc phục khó khăn tạm thời thường hiệu quả hơn miễn thuế và không làm giảm thu ngân sách.
“Cũng cần lưu ý, nới lỏng chính sách tiền tệ phải kiểm soát được các chỉ số an toàn nợ của ngân hàng, không để phát sinh nợ xấu quá mức và phải kiểm soát được lạm phát”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ):Không để người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi
Theo đại biểu với tình hình hiện nay, việc kiểm soát giá cả là cấp bách để bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân. Hiến định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chúng ta đang thực hiện như thế.
Vì vậy, theo đại biểu, điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết bằng “bàn tay vô hình” của nhà nước. Những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ, cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách.
“Không nên để như thời gian qua dư luận cho rằng, người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi; nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu, nếu cần thiết, kinh tế nhà nước phải tham gia; nếu do khâu lưu thông thì có biện pháp hợp lý, hợp pháp cần thiết thì cân nhắc cả đến việc nhà nước thu mua trực tiếp, cung ứng trực tiếp cho thị trường”, đại biểu đề nghị.
Bên cạnh đó, cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin để công khai giá nhập khẩu vật tư, thiết bị, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân (có thể làm được thông qua tờ khai hải quan) để có giá tham khảo, kiểm soát khi mua sắm bằng kinh phí ngân sách nhà nước, không để xảy ra các vụ việc như mua máy xét nghiệm chống dịch COVID-19 thời gian qua và cũng để kiểm tra, giám sát các mặt hàng do nhà nước bình ổn giá hoặc định giá để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Công khai, minh bạch thông tin là cách để kiểm soát giá tốt nhất nên cần ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận