Kiến nghị hoàn thiện dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc
Qua nghiên cứu Dự thảo 2.1 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc, tác giả có một vài ý kiến góp ý và kiến nghị hoàn thiện.
Thứ nhất, về hình thức đặt cọc thống nhất như dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc đặt cọc được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản. Tuy nhiên, bằng hành vi cụ thể cần bỏ, không quy định hoặc quy định chỉ chấp nhận một vài hình thức như: tin nhắn điện thoại, mạng xã hội, dữ liệu điện tử, thư điện tử do chính chủ (bên đặt cọc, bên nhận cọc) đã đăng ký giao dịch với nhau hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp cho Tòa án có thẩm quyền.
Thứ hai, về hiệu lực của hợp đồng đặt cọc, thống nhất như dự thảo Nghị quyết, pháp điển Mục 13 Phần III công văn 196/TANDTC- PC ngày 03/10/2023 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.
Dự thảo Nghị quyết cần quy định thêm khoản 4 Điều 3: “Đối với trường hợp hợp đồng đặt cọc có công chứng tại Văn phòng công chứng nhằm bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng, nhà ở (bất động sản) hoặc tài sản bắt buộc phải đăng ký cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc trong khoảng thời gian đã thỏa thuận theo hợp đồng. Khi đó, hợp đồng đặt cọc đương nhiên không phát sinh hiệu lực với người thứ ba, bên nhận đặt cọc có quyền thực hiện quyền tài sản đối với quyền sử dụng, nhà ở (bất động sản) hoặc tài sản bắt buộc phải đăng ký cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Quy định này nhằm khắc phục thực tiễn đời sống xã hội, các bên tham gia ký kết hợp đồng đặt cọc được công chứng với nhau, nhưng bên mua (bên nhận chuyển nhượng) không muốn thực hiện (không muốn mua, không muốn nhận chuyển nhượng) mà đã quá thời hạn ấn định để ký kết hợp đồng chuyển nhượng (hợp đồng mua bán) đối với quyền sử dụng, nhà ở (bất động sản) hoặc tài sản bắt buộc phải đăng ký cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng bên bán (bên chuyển nhượng) cũng không thể thực hiện quyền tài sản của mình, do liên hệ bên mua, bên nhận chuyển nhượng không được và thông tin về quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc bắt buộc phải đăng ký cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã có dữ liệu đang giao dịch đối kháng với người thứ ba thì không thể nào bên bán (bên chuyển nhượng) giao kết với ai được, buộc họ phải khởi kiện vụ án tranh chấp tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Thiết nghĩ, khi và chỉ khi thêm quy định này sẽ góp phần giảm bớt tranh chấp phát sinh tại Tòa án.
Thứ ba, về phạt cọc và không phạt cọc, tác giả đồng tình phương án 2:
Bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc có thể thỏa thuận mức tiền phạt cọc khác với mức “một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” quy định tại khoản 2 Điều 328 của BLDS năm 2015 nhưng không vượt quá năm lần mức tiền đặt cọc. Trường hợp bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc thỏa thuận về mức phạt cọc vượt quá năm lần giá trị tài sản đặt cọc thì khi giải quyết tranh chấp, Tòa án chỉ chấp nhận phạt cọc bằng năm lần mức tiền đặt cọc.
Quy định theo phương án này nhằm mục đích hạn chế tình trạng nhiều trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt cọc rất cao (10 hoặc 20 lần giá trị tài sản đặt cọc) và tương ứng với quy định tại Điều 201 của BLHS về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Khoản 4 Điều 6 dự thảo Nghị quyết kế thừa nội dung hướng dẫn tại Mục 1 Phần I của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP.
Khoản 5 Điều 6 dự thảo Nghị quyết hướng dẫn trừ trường hợp có thỏa thuận khác, Tòa án xem xét, quyết định phạt cọc theo quy định tại khoản 2 Điều 328 của BLDS mà không áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 419 của BLDS, không tính lãi đối với khoản tiền phạt cọc.
Thực tiễn xét xử, các bên tham gia giao dịch đôi khi bản chất là hợp đồng vay tài sản nhưng lại ký kết hợp đồng đặt cọc, mà bên nhận đặt cọc nhận tiền là tiền vay khi không còn khả năng trả nợ phải chịu hậu quả pháp lý hợp đồng đặt cọc gấp 10 hoặc 20 lần giá trị tài sản đặt cọc nếu tính ra số tiền đã vượt quy định tại Điều 201 của BLHS về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Do đó, việc quy định “mức tiền phạt cọc không vượt quá năm lần mức tiền đặt cọc” là phù hợp, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, không trái quy định khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.
Thứ tư, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc, tác giả đồng tình Điều 7 Dự thảo Nghị quyết, nhưng cần quy định thêm theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 40 của BLTTDS do tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết.
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận