Lựa chọn sáng suốt để bảo vệ động vật hoang dã
Nhân ngày Động Thực vật Hoang dã Thế giới (03/03/2021), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ra mắt phim ngắn truyền thông mới nhất “Sự lựa chọn sáng suốt” để khuyến khích người dân sử dụng y học hiện đại để chữa bệnh thay vì sử dụng động vật hoang dã (ĐVHD).
Phim bắt đầu với cảnh xe cấp cứu trên đường đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Đến ngã ba, xe cấp cứu đột nhiên dừng lại vì lái xe không biết nên đưa bệnh nhân tới bệnh viện nào: cơ sở chữa trị bằng ĐVHD hoặc bệnh viện hiện đại. Sau cuộc tranh cãi giữa bác sĩ, vợ bệnh nhân và thậm chí cả bệnh nhân đang trong tình trạng nguy cấp, cuối cùng họ đã chọn rẽ về bệnh viện hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Sau một năm đầy biến động do đại dịch Covid-19 – được cho là có nguồn gốc từ ĐVHD, gây ra, qua phim này, ENV kêu gọi cộng đồng hãy chấm dứt tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD ở Việt Nam. Trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép thì người dân nên cùng chung tay để chấm dứt tình trạng tiêu thụ ĐVHD. Sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD không chỉ tàn phá thiên nhiên hoang dã mà còn có những tác động cực kỳ nguy hiểm đến con người như những gì chúng ta đã chứng kiến trong năm 2020”.
Tàn phá thiên nhiên và tận diệt ĐVHD đang đe dọa tới hành tinh và cuộc sống của chúng ta. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho thấy mối liên hệ giữa việc buôn bán và tiêu thụ ĐVHD với nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Theo đó, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm trong 30 năm qua có nguồn gốc lây lan từ động vật sang người, bao gồm HIV/AIDS, cúm gia cầm, cúm lợn, SARS, Ebola, MERS và hiện nay nhiều khả năng là Covid-19.
Trước những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng do tình trạng buôn bán ĐVHD gây ra, ENV kêu gọi Bộ Y tế thúc đẩy phát triển các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối nguy hiểm của việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ và tiếp xúc với ĐVHD. Chiến dịch “Đừng để tái diễn” của ENV diễn ra trên quy mô toàn quốc từ tháng 4/2020 đến nay cũng nhằm cảnh báo những rủi ro từ việc buôn bán và tiêu thụ ĐVHD.
Bên cạnh các chiến dịch truyền thông của các tổ chức xã hội, bà Dung cũng nhấn mạnh vai trò đi đầu của các ban, ngành liên quan trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Bà Dung cho rằng: "Tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học mà còn là mối nguy hại đối với sự an toàn và sức khỏe cộng đồng. Thiên nhiên đã lên tiếng đáp trả rõ ràng. Chúng ta cần phải lắng nghe và hành động để ngăn chặn các đại dịch khác có nguồn gốc từ động vật gây tổn hại sức khỏe và sự tồn tại của nhân loại."
Trong năm 2020, ENV đã tiếp nhận số lượng các vụ vi phạm về ĐVHD lớn nhất từ trước đến nay. Tính đến cuối năm 2020, Đường dây nóng của ENV trung bình mỗi ngày tiếp nhận 10 vi phạm. Đáng chú ý, số lượng các vi phạm liên quan đến quảng cáo, rao bán các sản phẩm từ ĐVHD trên internet tăng đáng kể. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ ĐVHD tại Việt Nam vẫn ở mức cao.
Trong 10 năm qua, ENV đã và đang nỗ lực chấm dứt tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép tại các cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền. Mới đây, ENV đã gửi thông tin đến gần 2.300 cửa hàng thuốc Đông y trên cả nước nhằm cung cấp thông tin về pháp luật liên quan đến ĐVHD cũng như khuyến khích các dược sĩ, y, bác sĩ Đông y sử dụng những loại thuốc từ thảo dược để chữa bệnh.
"Giống như tình thế của người bệnh nhân trong phim này, chúng ta không thể lãng phí thêm thời gian. Chúng ta phải chung tay xóa bỏ tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép ở Việt Nam," bà Dung cảnh báo. "Tôi tin người dân sẽ sáng suốt và lựa chọn y học hiện đại để bảo vệ để bảo vệ sức khỏe của mình thay vì các bài thuốc từ ĐVHD."
Ảnh: Báo Lâm Đồng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận