Một số bất cập về thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong tố tụng dân sự
Thủ tục tạm ngừng phiên tòa được xem là một thủ tục tố tụng mới được ghi nhận tại Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng thủ tục này đã phát sinh một số bất cập, cần được khắc phục.
Việc ghi nhận thủ tục tố tụng mới này so với các BLTTDS trước đây là điều cần thiết, bởi lẽ trong quá trình xét xử thì Hội đồng xét xử (HĐXX) cần phải tạm ngừng phiên tòa vì một số nguyên nhân như do tình trạng sức khỏe của người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa hoặc HĐXX cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa... Từ thực trạng trên nên BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thủ tục tạm ngừng phiên tòa và được ghi nhận cụ thể tại Điều 259 (Đối với thủ tục xét xử sơ thẩm) và Điều 304 (Đối với thủ tục xét xử phúc thẩm). Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng thủ tục tạm ngừng phiên tòa thì phát sinh một số bất cập.
1.Về căn cứ tạm ngừng phiên tòa
Theo quy định tại khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015 thì ghi nhận trong quá trình xét xử, HĐXX có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:
"a) Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;
b) Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;
c) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;
d) Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại;
đ) Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải;
e) Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này".
Tuy nhiên, việc ghi nhận căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015 là chưa phù hợp. Bởi lẽ, pháp luật tố tụng dân sự ghi nhận là trong trường hợp cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ thì HĐXX có quyền áp dụng thủ tục tạm ngừng phiên tòa mà không xem xét đến trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trước đó, cụ thể là trách nhiệm của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án trong việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trước khi mở phiên tòa xét xử.
Khi Thẩm phán được Chánh án phân công giải quyết vụ án thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán có thể tiến hành các hoạt động tố tụng như xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án. Tuy nhiên do lỗi chủ quan của Thẩm phán nên đã không nghiên cứu kỹ hồ sơ giải quyết vụ án đặc biệt là trong việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nên đã đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa thì trong quá trình xét xử thì HĐXX thấy rằng cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ nên đã tạm ngừng phiên tòa.
Việc ghi nhận căn cứ tạm ngừng phiên tòa tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015 đã vô tình tạo điều kiện cho Thẩm phán không có trách nhiệm trong hoạt động tố tụng là xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ một cách đầy đủ, toàn diện. Đồng thời có một số trường hợp Thẩm phán đã biết rằng cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nhưng nay đã gần hết thời hạn chuẩn bị xét xử nên đã đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa xét xử thì HĐXX tạm ngừng phiên tòa với lý do là cần phải xác minh, thu thập bồ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa. Sau đó, HĐXX có thể ra quyết định tạm đình chỉ với lý do là chưa khắc phục việc tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015. Dẫn đến vụ án được giải quyết kéo dài, ảnh hưởng đến lợi ích của các đương sự trong vụ án.
Do đó, theo quan điểm của người viết thì pháp luật tố tụng dân sự cần phải bổ sung nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015 là đối với trường hợp cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mới và tài liệu chứng cứ mới này không buộc người tiến hành tố tụng phải biết trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa. Cụ thể như trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử các đương sự trình bày là có người làm chứng biết được vụ án tranh chấp nhưng đương sự không được Thẩm phán giải thích việc yêu cầu triệu tập người làm chứng dẫn đến tại phiên tòa xét xử đương sự có yêu cầu triệu tập người làm chứng. HĐXX phải tạm ngừng phiên tòa với lý do là cần lấy lới khai và phải đưa người làm chứng tham gia tố tụng. Hoặc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử các đương sự có trình bày phần đất tranh chấp gồm nhiều thửa đất nhưng Thẩm phán lại bỏ sót việc thu thập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số thửa đất tranh chấp. Sau đó, vụ án được ra ra xét xử thì HĐXX cũng ra quyết định tạm ngừng phiên tòa với lý do cẩn phải thu thập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất đang tranh chấp. Do đó đối với những trường hợp mà trong hồ sơ thể hiện rõ là người tiến hành tố tụng cần phải tiến hành, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng do lỗi chủ quan của người tiến hành tố tụng nên đã không xác minh, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ thì pháp luật không ghi nhận trường hợp này thuộc trường hợp tạm ngừng phiên tòa.
Trường hợp 2: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì nguyên đơn là ông A khởi kiện bị đơn là bà B về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Ông A trình bày rằng khi cho bà B vay thì hai bên có lập một bản giấy xác nhận nợ tiền vay của bà B do ông A giữ. Nhưng trong quá trình cất giữ thì ông A đã bị thất lạc nên không thể cung cấp cho Tòa án và phía bà B cũng không thừa nhận việc vay tiền của ông A. Khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử thì tại phiên tòa ông A trình bày là mới tìm lại được giấy nhận nợ của bà B và bị đơn là bà B trình bày là giấy nhận nợ do ông A đưa ra là không phải chữ ký của bà A và bà A yêu cầu giám định chữ ký. Do đó, HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để thu thập và xác minh giấy nhận nợ do ông A trình bày tại phiên tòa. Đối với trường hợp này thì theo quan điểm của người viết thì việc tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ là hợp lý. Bởi lẽ, trong trường hợp này việc không thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ là biên nhận nợ do ông A cung cấp là khách quan, không có lỗi, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trước đây trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Nói tóm lại, việc quy định bổ sung nội dung căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015 là để nhằm tăng trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ và hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng trong việc thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Hạn chế vụ án kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự.
2.Về trình tự thủ tục tố tụng
Hiện nay có ba quan điểm khác nhau về việc thực hiện tiến trình thủ tục tố tụng tại phiên tòa xét xử khi căn cứ tạm ngừng phiên tòa được khắc phục.
Quan điểm 1: HĐXX sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục tố tụng tại phiên tòa tiếp mà trước đây Tòa án đã mở phiên tòa. Cụ thể như trước đây phiên tòa xét xử đến phần thủ tục xét hỏi thì trong quá trình xét hỏi, HĐXX cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ nên đã tạm ngừng phiên tòa. Nay phiên tòa được mở lại thì HĐXX cần tiếp tục thực hiện lại thủ tục xét hỏi tại phiện tòa mà không cần phải thực hiện thủ tục bắt đầu phiên tòa, phần trình bày của đương sự lại.
Quan điểm 2: HĐXX sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục tố tụng tại phiên tòa tiếp mà trước đây Tòa án đã mở phiên tòa xét xử hoặc sẽ được bắt đầu lại từ đầu các trình tự thủ tục tại phiên tòa xét xử tùy thuộc vào sự tham gia mới của Viện kiểm sát. Theo quan điểm này thì trong quá trình HĐXX xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà thỏa mãn điều kiện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa xét xử tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS năm 2015 thì trường hợp này cần thiết phải bắt đầu lại các bước trình tự thủ tục tại phiên tòa để đảm bảo việc kiểm sát tại phiên tòa của Viện kiểm sát. Ngược lại đối với trường hợp Viện kiểm sát đã tham gia phiên tòa đã tạm ngừng trước đây hoặc vụ án không có sự tham gia phiên tòa của Viện kiểm sát từ khi mở phiên tòa trước đây đến thời điểm mở lại phiên tòa khi căn cứ tạm ngừng phiên tòa không còn thì HĐXX sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục tố tụng tiếp tại phiên tòa như quan điểm 1.
Quan điểm 3: HĐXX sẽ thực hiện đầy đủ các bước trình tự thủ tục tố tụng tại phiên tòa mà không phụ thuộc vào sự có mặt của Viện kiểm sát mới phát sinh khi HĐXX tạm ngừng phiên tòa.
Theo người viết thì quan điểm 3 là hợp lý, bởi lẽ khi mở lại phiên tòa xét xử khi căn cứ tạm ngừng phiên tòa không còn thì HĐXX cần phải kiểm tra sự có mặt và vắng mặt của đương sự. Hơn nữa việc bắt đầu thủ tục tại phiên tòa lại còn giúp các đương sự nắm rõ được quyền và nghĩa vụ tố tụng của người tham gia phiên tòa. Từ đó giúp người tham gia tố tụng thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng tại phiên tòa và sau phiên tòa được tốt hơn, đảm bảo sự tin tưởng của nhân dân đối với sự công khai, minh bạch của Tòa án trong hoạt động xét xử.
Nói tóm lại, thủ tục tạm ngừng phiên tòa được xem là thủ tục mới tiến bộ hơn của BLTTDS năm 2015 so với các BLTTDS trước đây. Tuy nhiên việc quy định về căn cứ tạm ngừng phiên tòa và trình tự thủ tục khi mở lại phiên tòa khi căn cứ tạm ngừng được khắc phục vẫn còn chưa quy định phù hợp và hướng dẫn rõ ràng. Dẫn đến việc áp dụng thực tế về thủ tục tạm ngừng phiên tòa một cách lạm dụng, không thống nhất. Do đó việc tiếp tục hoàn thiện quy định về thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong pháp luật tố tụng dân sự là điều cần thiết.
TAND huyện Đại Lộc, Quảng Nam xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Nguyễn Kim Oanh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận