Một số khía cạnh của vật quyền hưởng dụng

Vật quyền hưởng dụng là một chế định quan trọng và phức tạp trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Bài viết này phân tích một số khía cạnh của quyền hưởng dụng và tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, từ đó giúp thống nhất nhận thức pháp luật trong thực tiễn.

Quyền của chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 263 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng có quyền định đoạt tài sản như: Chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác thông qua các hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi. Việc định đoạt của chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không làm chấm dứt quyền hưởng dụng của người đang hưởng dụng. Chủ sở hữu là người được chuyển giao tài sản qua mua bán, tặng cho, đổi là chủ thể kế thừa quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đã chuyển giao tài sản cho mình. 

Theo khoản 2 Điều 263 BLDS năm 2015, chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng có quyền yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng, khi người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình theo Điều 262 BLDS năm 2015.

Cụ thể là: Trường hợp người hưởng dụng khai thác tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không phù hợp với công dụng và mục đích sử dụng tài sản có thể xảy ra khi người hưởng dụng vì mục đích kinh tế cao hơn, mà gây thiệt hại hoặc làm giảm sút giá trị của tài sản hưởng dụng, ví dụ: Khi hưởng dụng đất đai, người hưởng dụng chỉ được khai thác, sử dụng vào mục đích canh tác, nhưng người này lại lấy phần đất màu mỡ trên bề mặt dùng vào việc khác hoặc bán đi kiếm lời, đã làm bạc màu diện tích đất này.

Trường hợp khác, người hưởng dụng đã đào ao, hồ để nuôi trồng thủy sản trên diện tích đất canh tác mình đang hưởng dụng hoặc xây dựng cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các loại hàng hóa khác mà gây ra ô nhiễm đất đai, nguồn nước... trái với những điều đã thỏa thuận, trái luật hoặc trái với ý chí của người lập di chúc. Ví dụ: Người hưởng dụng không quản lý được tài sản mình đang thực hiện quyền hưởng dụng để hao hụt, mất mát, hư hỏng do cẩu thả, không bảo dưỡng tài sản là động sản, không chăm sóc súc vật, bỏ mặc súc vật và không thực hiện chế độ tiêm phòng bệnh, để súc vật bị bệnh, chậm lớn hoặc chết hàng loạt...; việc giữ gìn, bảo quản tài sản không theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, để cho hệ thống dây chuyền, thiết bị của máy móc bị hao mòn do sử dụng không đúng...; không thực hiện nghĩa vụ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản để hư hỏng, lãng phí; không thực hiện nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản để mặc cho tài sản bị hủy hoại do bão, lũ, hỏa hoạn mà hư hỏng. Với những hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc bảo trì tài sản, để xảy ra những thiệt hại hoặc làm giảm sút giá trị của tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, chủ sở hữu tài sản hoặc người có quyền chiếm hữu tài sản có quyền yêu cầu truất quyền hưởng dụng tài sản của người hưởng dụng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng 

 Chủ sở hữu tài sản không được cản trở, thực hiện các hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng (khoản 3 Điều 263 BLDS năm 2015).

Người hưởng dụng thực hiện quyền khai thác, sử dụng tài sản của chủ sở hữu dựa trên các căn cứ xác lập quyền hưởng dụng có thời hạn hoặc đến hết cuộc đời nếu là cá nhân, không quá 30 năm nếu pháp nhân. Người hưởng dụng có các quyền và nghĩa vụ đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng tương tự như quyền của chủ sở hữu, trừ quyền định đoạt tài sản. Vì vậy, chủ sở hữu tài sản không được thực hiện các hành vi cản trở, gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền của người hưởng dụng. Trong trường hợp tài sản của chủ sở hữu đang là đối tượng của quyền hưởng dụng thuộc về người hưởng dụng, thì quyền sở hữu của chủ sở hữu bị hạn chế, trừ quyền định đoạt. Chủ sở hữu không được cản trở, gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền của người hưởng dụng, như: Làm hạn chế điều kiện khai thác, sử dụng tài sản một cách bình thường của người hưởng dụng; bao vây, ngăn cấm người hưởng dụng khai thác, sử dụng tài sản không phù hợp với mục đích sử dụng tài sản hoặc trái với thông lệ của việc sử dụng tài sản; tung tin thất thiệt về hoa lợi thu được của người hưởng dụng, ngăn cản lối đi ra đường công cộng, bến sông, nơi tiêu thụ sản phẩm, đồng thời vi phạm cả quyền địa dịch của người hưởng dụng; bán phá giá sản phẩm cùng loại với sản phẩm do người hưởng dụng tài sản tạo ra nhằm gây thiệt hại về tài sản, uy tín của người hưởng dụng.  

Chủ sở hữu tài sản phải thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng theo định kỳ, sửa chữa đại trà, tổng thể, không để dẫn đến tình trạng suy giảm đáng kể tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản (khoản 4 Điều 263 BLDS năm 2015). Trường hợp chủ sở hữu tài sản không thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật định, bên hưởng dụng tự sửa chữa tài sản và trả chi phí cho việc sửa chữa theo định kỳ hoặc đại trà, thì chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng có nghĩa vụ hoàn trả cho người hưởng dụng. 

3. Quyền hưởng dụng là vật quyền và là tài sản có thể dùng để góp vốn, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ

Dựa vào các căn cứ xác lập quyền, thời hạn, quyền của người hưởng dụng để xác định người hưởng dụng được thực hiện các hành vi pháp lý theo hiệu lực, thời hạn, phạm vi nào, cần bàn luận về những khía cạnh pháp lý như sau:

Thứ nhất, quyền của người hưởng dụng.

 Theo quy định tại các điều 261 và 264 BLDS năm 2015, người hưởng dụng có quyền:

Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng. Đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản mang giá trị thanh toán và có thể chuyển giao. Vì vậy, chủ thể hưởng dụng có quyền tự mình khai thác, sử dụng tài sản để thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. 

Quyền hưởng dụng cho dù được xác lập từ các căn cứ nào thì đối tượng của quyền này cũng là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với nguyên tắc bắt buộc này, chủ thể của quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật có quyền cho phép người thứ ba khai thác, sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng để thu hoa lợi, lợi tức.

Việc khai thác, sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng để thu hoa lợi, lợi tức khi dùng để góp vốn đầu tư vào một doanh nghiệp, một công ty hay tập đoàn sản xuất cũng tuân theo các điều kiện, trình tự, hình thức, thủ tục về góp vốn. Việc hưởng lợi nhuận và chịu rủi ro cũng căn cứ vào giá trị của đối tượng quyền hưởng dụng trong việc khai thác, sử dụng trong thời hạn của quyền hưởng dụng theo luật định, thỏa thuận hoặc di chúc.

Tài sản của người hưởng dụng được xác định theo hiệu lực và thời hạn của quyền hưởng dụng. Khi sử dụng quyền hưởng dụng để góp vốn vào doanh nghiệp, công ty thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ nhất định, thì người hưởng dụng là chủ sở hữu của những hoa lợi, lợi tức thu được trong quá trình sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, chứ không phải là chủ sở hữu tài sản. Vì vậy, việc hưởng lợi nhuận, chịu rủi ro trong thời hạn đầu tư quyền hưởng dụng thuộc về người có quyền hưởng dụng. Khi có tranh chấp xảy ra, chủ thể của quyền hưởng dụng có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn trước Tòa án.

Nguyên tắc khai thác, sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng là phải bảo quản, duy trì, không được làm hư hỏng, hạn chế giá trị sử dụng, mất mát, thất lạc tài sản. Chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp, công ty, tập đoàn sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ được chuyển giao và khai thác, sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng do người có quyền hưởng dụng dùng quyền này để góp vốn phải sử dụng tài sản đúng với chức năng và công dụng của tài sản. Khi người thứ ba cản trở, chiếm hữu, sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không đúng thỏa thuận, thì người hưởng dụng có quyền tự bảo vệ, yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, trả lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người hưởng dụng tài sản là đất đai, bất động sản khác có các quyền và nghĩa vụ do luật định, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc về quyền địa dịch, quyền bề mặt.

Địa vị pháp lý của người có quyền hưởng dụng theo hiệu lực của quyền và thời hạn hưởng dụng.

Thứ hai, quyền của người hưởng dụng là quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác trong một thời hạn nhất định.

Người hưởng dụng có quyền chuyển giao quyền hưởng dụng của mình cho người thứ ba hoặc dùng quyền  hưởng  dụng để góp vốn vào các doanh nghiệp, công ty với tư cách của một chủ thể góp vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ nhằm thu lợi nhuận. Vì vậy, người hưởng dụng có quyền đối với phần hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác công dụng đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, bởi người hưởng dụng là chủ sở hữu của phần hoa lợi, lợi tức. Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản này. Khi có tranh chấp liên quan đến tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng và hoa lợi, lợi tức do việc khai thác công dụng của tài sản, thì người hưởng dụng có quyền yêu cầu ngăn chặn các hành vi xâm phạm và yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường. Người có quyền hưởng dụng còn có quyền kiện vật quyền trong trường hợp tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng đang bị người khác chiếm hữu trái pháp luật. 

Ngoài ra, đối tượng của quyền hưởng dụng là đất đai và các bất động sản khác còn chịu quyền địa dịch trong trường hợp cụ thể, chủ thể của quyền hưởng dụng phải thực hiện các quy định về quyền địa dịch và quyền bề mặt. Đồng thời, chủ thể của quyền bề mặt cũng được hưởng các quyền địa dịch và quyền bề mặt trong trường hợp tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được quyền địa dịch và quyền bề mặt theo quy định của pháp luật đối với các bất động sản liền kề khác hoặc quyền đối với bề mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất. 

Thứ ba, quyền hưởng dụng có vai trò bảo toàn vốn và duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ. 

Căn cứ vào Điều 257 BLDS năm 2015, nếu quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc thì người được chỉ định hưởng dụng tài sản của người để lại tài sản sau khi chết được quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc khai thác tài sản được chỉ định là tài sản hưởng dụng. Vì vậy, người được chỉ định là người hưởng dụng chỉ có quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc khai thác tài sản mà không có quyền sở hữu tài sản.

Quyền hưởng dụng theo di chúc được thực hiện trong những trường hợp cụ thể không những bảo đảm duy trì, phát triển được khối di sản của người chết để lại, mà còn giữ được việc sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ thông qua việc khai thác công dụng của tài sản và ngăn chặn được nguy cơ suy yếu, phá sản một cơ sở sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ. Quyền hưởng dụng theo di chúc mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, dân sự, lao động và các quan hệ xã hội khác liên quan đến di sản của cá nhân để lại sau khi qua đời.

Do tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được chuyển giao cho cá nhân hoặc pháp nhân khai thác công dụng để hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản có thời hạn, cho nên khối di sản của người chết để lại chưa được chia thừa kế. Việc chưa chia di sản của người chết để lại là một doanh nghiệp, một công ty, một cơ sở sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, giữ sự bình ổn trong quan hệ xã hội, quan hệ dân sự, quan hệ lao động liên quan đến tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.

Do tài sản chưa được chia thừa kế, nên tài sản này không bị chia nhỏ thành nhiều suất cho người thừa kế. Theo đó, một cơ sở sản xuất, một công ty, một doanh nghiệp là tài sản của cá nhân để lại sau khi qua đời vẫn được bảo đảm tính nguyên trạng, vẫn duy trì được sản xuất và bảo đảm việc làm cho nhiều người, duy trì được sản xuất không bị ngưng trệ, năng lực sản xuất của cơ sở vẫn được duy trì và tránh được những rủi ro liên quan đến người thừa kế không có năng lực quản lý.

 Thứ tư, tạo điều kiện cho cá nhân có tài sản khi lập di chúc có quyền lựa chọn chủ thể thừa kế quyền hưởng dụng.

Cá nhân hoặc pháp nhân có năng lực, có uy tín trong sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ được khai thác công dụng của tài sản để duy trì sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ, giữ được uy tín trên thương trường và những đối tác thường xuyên của chủ sở hữu cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nếu quyền hưởng dụng không được xác lập theo di chúc, có nhiều khả năng di sản của cá nhân để lại sau khi qua đời sẽ được đem chia cho những người thừa kế: Khi đó, tài sản là cơ sở sản xuất, sản nghiệp của chủ sở hữu bị đem chia nhỏ cho các suất thừa kế theo luật hoặc theo di chúc, do đó cơ sở sản xuất gặp nhiều rủi ro. Cũng không ít trường hợp người thừa kế không có năng lực chiếm hữu, sử dụng phần di sản được chia, mà còn sử dụng, chi tiêu không đúng mục đích, không mang lại lợi ích. Việc chia nhỏ một cơ sở sản xuất, một sản nghiệp của cá nhân sau khi qua đời có thể còn là nguyên nhân làm mất trật tự công cộng, phá vỡ quan hệ tình cảm của những người được hưởng di sản. Vì vậy, pháp luật quy định căn cứ xác lập quyền hưởng dụng theo di chúc là điều kiện và tạo ra những khả năng trong việc khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản là di sản của người chết để lại chưa được đem chia thừa kế.

Thứ năm, đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản.

Mọi tài sản đều có thể là đối tượng của quyền hưởng dụng nếu được khai thác công dụng làm phát sinh hoa lợi, lợi tức. Các loại trái phiếu, vật đều có thể là đối tượng của quyền hưởng dụng theo thỏa thuận hoặc theo di chúc. Các loại trái phiếu, ngân phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác là đối tượng của quyền hưởng dụng phải tuân theo những quy định của pháp luật tài chính, ngân hàng và các văn bản pháp luật có liên quan./. 

Theo Kiemsat.vn

Chợ Bắc Hà - Ảnh: Tháo Vũ

PGS.TS PHÙNG TRUNG TẬP