Mức độ đáp ứng của pháp luật tố tụng dân sự trước yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Bài viết đánh giá và dự báo mức độ đáp ứng của pháp luật tố tụng dân sự trước yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc thực hiện quyền khởi kiện tranh chấp dân sự và cách thức người khởi kiện gửi đơn; thu thập chứng cứ, tài liệu; ứng dụng giao dịch điện tử trong hoạt động tống đạt văn bản tố tụng; thủ tục hòa giải trực tuyến.
Tốc độ thay đổi nhanh chóng của nền công nghiệp 4.0 buộc Nhà nước phải thay đổi cách tiếp cận khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực thi pháp luật trên thực tế; phải có sự thay đổi và hình thành tư duy mới về pháp luật trên cơ sở nền tảng pháp luật pháp quyền, dân chủ; ưu tiên phát triển, ứng dụng công nghệ pháp luật trên cả luật nội dung và luật hình thức, nhằm đáp ứng yêu cầu của Nhà nước và hội nhập quốc tế.
Những yếu tố của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến quá trình giải quyết vụ việc dân sự
Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII (Nghị quyết số 27-NQ/TW) thì việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng dân sự là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Từ thực tiễn công tác xét xử và kiểm sát xét xử các vụ việc dân sự theo thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong những năm qua, tác giả cho rằng cần đánh giá và dự báo được mức độ đáp ứng (thích ứng) của pháp luật tố tụng dân sự trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, đánh giá được những yếu tố tác động trực tiếp đến toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 ở một số khâu công tác nghiệp vụ sau đây:
Về thực hiện quyền khởi kiện tranh chấp dân sự và cách thức người khởi kiện gửi đơn khởi kiện tại Tòa án:
Quyền khởi kiện vụ án dân sự là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được hiến định. Có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc chuyển đổi số tại Tòa án và cơ quan Công tố/Viện kiểm sát… để chuyển đổi các hoạt động như nộp đơn khởi kiện theo phương pháp truyền thống sang hệ thống nộp đơn điện tử, đưa hoạt động của Tòa án đến gần người dân hơn với sự hỗ trợ của công nghệ, có thể kể đến các quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này như: Mỹ, Trung Quốc... Thông thường, để thực hiện nộp đơn khởi kiện và các hoạt động tố tụng theo hình thức trực tuyến, các bên đương sự phải đăng ký tài khoản với tên thật trên nền tảng tố tụng trực tuyến do Tòa án có thẩm quyền cung cấp.
Trên cơ sở đó, Tòa án sẽ xác thực số điện thoại, số căn cước công dân, số hộ chiếu và danh tính của đương sự. Sau khi phần mềm đã xác thực danh tính trực tuyến, đương sự sẽ được cấp một tài khoản cá nhân để đăng nhập vào nền tảng tố tụng điện tử. Đương sự có nghĩa vụ bảo mật tài khoản và mật khẩu đăng nhập cá nhân. Khi đã được cấp tài khoản, mọi hành vi tố tụng được thực hiện trên nền tảng tố tụng điện tử; việc đăng nhập vào tài khoản này sẽ được coi là hành vi tố tụng, bởi chính chủ tài khoản đã được xác thực, trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh rằng tài khoản đăng nhập của đương sự bị đánh cắp hoặc lỗi hệ thống phần mềm.
Khoản 1 Điều 4 BLTTDS năm 2015 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khởi kiện bằng hành vi khởi kiện. Khi đương sự thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự, về hình thức phải làm đơn khởi kiện theo mẫu tại khoản 1 Điều 189 BLTTDS năm 2015. Mẫu đơn khởi kiện được quy định tại Mẫu số 23 Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng trong việc hướng dẫn đương sự trình bày các tranh chấp dân sự tại Tòa án.
Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cách thức người khởi kiện gửi đơn khởi kiện đến Tòa án bằng hình thức gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Đây là quy định nhằm mở rộng quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án qua hình thức trực tuyến để đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng và kịp thời.
Về thu thập chứng cứ, tài liệu để phục vụ cho việc giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án (theo Điều 97 BLTTDS năm 2015):
Để có đầy đủ cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì việc phát hiện, bảo quản, thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đối với những loại chứng cứ có tính nhạy cảm cao như chứng cứ tồn tại trên các thiết bị điện tử, mạng xã hội (facebook, zalo, messenger, viber…), mạng máy tính, mạng viễn thông. Bởi vì, các chứng cứ, tài liệu này sẽ để lại các dấu vết điện tử được ghi lại, lưu truyền dưới dạng dữ liệu điện tử như logfile, IP, domain, mã độc, thời gian, không gian mạng, tồn tại dưới dạng những tín hiệu điện tử, có thể nhận biết, phát hiện, bảo quản và ghi lại vào ổ USB, đĩa CD/VCD… hoặc in ra giấy, ảnh và có thể sử dụng làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
Tuy nhiên, để sử dụng dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong giải quyết vụ việc dân sự, cần tuân thủ những yêu cầu nhất định như: Việc thu thập dữ liệu điện tử phải hợp pháp; chứng cứ điện tử được sử dụng làm căn cứ trong quá trình tố tụng phải đảm bảo có liên quan và cần thiết, hợp pháp và tuân thủ các yêu cầu về thủ tục; bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn hoặc chính xác. Một thông tin được rút ra từ dữ liệu điện tử để được coi là chứng cứ phải đảm bảo thuộc tính: Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.
Để đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ điện tử thì việc thu thập và đánh giá chứng cứ phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Điều 94 BLTTDS năm 2015 quy định nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử; khoản 3 Điều 95 BLTTDS năm 2015 quy định thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác. Theo đó, giao dịch điện tử phải được phát hiện, bảo vệ, thu thập, bảo quản, đánh giá và sử dụng theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Về ứng dụng giao dịch điện tử trong hoạt động tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự trong vụ việc dân sự:
Hiện nay, giao tiếp điện tử trong và ngoài nước thông qua internet ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh và một số lĩnh vực khác. Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ thông tin đã tác động đến mọi lĩnh vực và cách thức truyền thống. Pháp luật tố tụng dân sự của hầu hết các nước hiện nay đã thừa nhận phương thức tống đạt điện tử các văn bản tố tụng bên cạnh các phương thức tống đạt truyền thống như tống đạt trực tiếp hay qua đường bưu điện. Pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam cũng đã ghi nhận giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu trên nền tảng tố tụng của Tòa án.
Cụ thể, khoản 2 Điều 176 BLTTDS năm 2015 quy định: “Việc cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”. Vấn đề này đang được thực hiện theo Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP ngày 30/12/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS số 92/2015/QH13, Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử (Nghị quyết số 04/2016). Theo đó, đương sự được lựa chọn giao dịch điện tử với Tòa án theo một trong các hình thức sau: Gửi và nhận thông điệp dữ liệu điện tử với Tòa án; chỉ nhận thông điệp dữ liệu điện tử do Tòa án cấp, tống đạt, thông báo.
Tuy nhiên, việc gửi này phụ thuộc nhiều vào ý chí của đương sự, nên thực tiễn áp dụng chưa được phổ biến vì vẫn còn những ràng buộc pháp lý quy định: “Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử” (khoản 2 Điều 173 BLTTDS năm 2015).
Về việc đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ việc dân sự:
Đối với các tài liệu, chứng cứ mà đương sự nộp qua Cổng thông tin điện tử, khoản 1 Điều 19 Nghị quyết số 04/2016 quy định: “Người khởi kiện, người tham gia tố tụng đã gửi tài liệu, chứng cứ qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án phải nộp bản chính hoặc bản sao hợp pháp tài liệu, chứng cứ đó chậm nhất là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.
Đối với các tài liệu, chứng cứ mà người tham gia tố tụng gửi cho Tòa án bằng phương tiện điện tử sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại thì thời hạn giao nộp bản chính và bản sao hợp pháp tài liệu, chứng cứ đó được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng”.
Thủ tục hòa giải trực tuyến trong tố tụng dân sự:
Chuyển đổi phương thức hoà giải trực tiếp tại Tòa án sang hòa giải trực tuyến trên nền tảng công nghệ số đang là xu thế tất yếu trong tố tụng dân sự các nước trên thế giới. Bởi vì, nó không những tiết kiệm được thời gian, chi phí của các chủ thể tham gia, mà còn phát huy được thế mạnh của công nghệ để đạt hiệu quả cao hơn so với môi trường hòa giải trực tiếp tại Tòa án.
Về tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến trong tố tụng dân sự:
Tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến trong tố tụng dân sự đang dần trở thành xu thế tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu ứng dụng mạng internet, kết nối vạn vật và điện toán đám mây trong tố tụng dân sự, cho phép các Tòa án tiến hành các phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Tuy nhiên, hoạt động tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án là giai đoạn rất quan trọng trong quy trình tố tụng cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có sự chuẩn bị đầy đủ nhất cả về nền tảng công nghệ, cơ sở vật chất và con người (Hội đồng xét xử). Đặc biệt, cần cân nhắc đến việc bảo vệ các quyền, lợi ích cơ bản, hợp pháp của công dân, tổ chức. Mặt khác, tổ chức phiên tòa trực tuyến có thể gây ảnh hưởng lớn đến quyền thủ tục công bằng của đương sự trong vụ việc dân sự.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong đó có phiên tòa xét xử các vụ việc dân sự. Hiện nay, cả Tòa án và VKSND các cấp đang ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ thông tin và các hoạt động tố tụng như: Mã hóa các hồ sơ, tài liệu, các bút lục và thực hiện sơ đồ hóa tư duy khi báo cáo án và sơ đồ hóa hiện trường vi phạm pháp luật cả trong các vụ án hình sự và dân sự, hành chính…
Trường hợp Tòa án áp dụng các quy định của pháp luật quốc tế và quốc gia liên quan đến việc ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài (theo Điều 475 BLTTDS năm 2015): Nhận thấy rõ yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, ngày 17/5/2021, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tạo bước chuyển biến tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số. Chỉ thị xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành là khâu đột phá, trọng tâm của năm 2021 và các năm tiếp theo, hướng tới xây dựng một hệ thống thông tin ngành Kiểm sát nhân dân hiện đại, trên cơ sở các quy trình nghiệp vụ và cơ cấu tổ chức hợp lý, đưa công nghệ thông tin trở thành một yếu tố nền tảng trong hệ thống các quy trình nghiệp vụ kiểm sát hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách VKSND trong tình hình mới.
Với ý nghĩa và phương châm đó, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 - 2030”, phát triển Viện kiểm sát điện tử hướng đến Viện kiểm sát số, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành xây dựng Viện kiểm sát điện tử với đặc trưng là tất cả các hoạt động, lĩnh vực công tác được tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin ở mức cao nhất và hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện đối với các lĩnh vực hoạt động của VKSND.
Đến năm 2030, trên cơ sở nền tảng Viện kiểm sát điện tử, từng bước chuyển các hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân lên môi trường số (Viện kiểm sát số). Như vậy, hoạt động của VKSND trong lĩnh vực dân sự sẽ đáp ứng được yêu cầu của nền tư pháp điện tử, trong sự đồng bộ với Tòa án nhân dân và các cơ quan trong bộ máy tư pháp khác.
Một số kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, khoản 2 Điều 97 BLTTDS năm 2015 quy định về biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án, nhưng lại không quy định về biện pháp thu thập nguồn dữ liệu điện tử của Tòa án, cũng như trình tự, thủ tục thu thập nguồn dữ liệu điện tử. Do đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề này. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới để tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng Tòa án điện tử trong giải quyết các vụ việc dân sự, thông qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận công lý và các thông tin của công dân, giảm bớt công việc hành chính tại Tòa án, hỗ trợ Thẩm phán trong việc xét xử, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động này.
Thứ hai, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi cách tiếp cận và tư duy pháp lý theo hướng thay đổi mạnh mẽ, từ thụ động, “chạy theo” sự việc, hiện tượng xã hội và quan hệ xã hội sang chủ động, đón đầu và định hướng cho quan hệ xã hội.
Thứ ba, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên nhiều phương diện, đa chiều, dự báo trước tình hình để tham mưu cho Quốc hội ban hành mới, cũng như sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nói chung và đặc biệt là các quy định của pháp luật tố tụng dân sự nói riêng. Từ đó, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang biến đổi mạnh mẽ.
*Theo Kiemsat.vn
Chứng cứ điện tử được trình chiếu tại một phiên tòa - Ảnh: MH
Bài liên quan
-
Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai
-
Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự: Giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án
-
Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi
-
Một số giải pháp và kiến nghị để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số tại Tòa án và xây dựng Tòa án điện tử
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận