Người phiên dịch trong vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài- Thực tiễn và khuyến nghị
Bài viết này tác giả tập trung phân tích những quy định pháp luật về người phiên dịch trong giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật và đưa ra những giải pháp mang tính hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
1.Quy định pháp luật hiện hành
Khoản 1 Điều 81 BLTTDS 2015 quy định: “Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch”.
Điều 82 BLTTDS 2015 đã quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người phiên dịch và nếu như người phiên dịch rơi vào những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 82 BLTTDS 2015 thì người phiên dịch phải từ chối phiên dịch hoặc bị thay đổi trong những trường hợp đó. Thủ tục từ chối người phiên dịch hoặc đề nghị thay đổi người phiên dịch được thực hiện theo quy định tại Điều 83 BLTTDS 2015. Mặc dù pháp luật hiện hành quy định về người phiên dịch trong vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài khá đầy đủ nhưng trong thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn nhiều cách áp dụng khác nhau. Do đó, vấn đề này cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.
Vụ án có đương sự là người nước ngoài tham gia tố tụng tại Tòa án thì phải có người phiên dịch do Tòa án mời. Hiện nay, tiêu chuẩn phiên dịch chưa quy định cụ thể nên thông thường phiên dịch chỉ là những người biết được ngôn ngữ cần dịch. Cơ quan tiến hành tố tụng không có khả năng kiểm tra, thẩm định trình độ, khả năng dịch thuật của phiên dịch trong hoạt động tố tụng. Trong tố tụng đòi hỏi người dịch phải có trình độ pháp lý nhất định mới có thể hình dung được các hoạt động tố tụng để giải thích cho các đương sự nghe và hiểu được chính xác. Tiêu chuẩn này không phải bất cứ người phiên dịch nào cũng có được.
Pháp luật hiện hành không có quy định điều kiện, tiêu chuẩn như thế nào để một người có thể trở thành người phiên dịch, mà pháp luật chỉ xác định trách nhiệm pháp lý của người phiên dịch.
Thực tế, khi Tòa án chấp nhận cho một người làm phiên dịch cho đương sự thì người đó phải là người biết thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ cần phải dịch. BLTTDS 2015 chỉ quy định người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác sang tiếng Việt và ngược lại, nhưng thực tế cho thấy người phiên dịch cũng cần phải có kiến thức pháp luật nhất định thì mới có thể dịch đầy đủ và chính xác yêu cầu của Tòa án cũng như yêu cầu, nguyện vọng của đương sự.
Người phiên dịch là người do đương sự tự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận. Nhưng do pháp luật không có quy định điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành người phiên dịch nên trong thực tế, mặc dù đương sự tự lựa chọn người phiên dịch, nhưng sau đó họ vẫn khiếu nại vì cho rằng người phiên dịch đã không dịch đúng, đủ những lời khai của họ. Pháp luật cũng chỉ quy định trường hợp người phiên dịch cố ý dịch sai thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, nhưng trường hợp do thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật mà người phiên dịch đã dịch sai thì chưa có quy định trách nhiệm.[1]
2.Thực tiễn áp dụng
Ví dụ: Vụ án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 03/2019/HNGĐ-PT của TANDCC tại Hà Nội, giữa nguyên đơn anh BP, sinh năm 1965; quốc tịch: Mỹ và bị đơn chị Lương Thị Thúy H.
Nội dung vụ án: Trong thời kỳ hôn nhân vào các năm 2009 đến năm 2011 anh BP đã nhiều lần gửi tiền cho vợ là chị Thúy H thông qua Ngân hàng; tổng số là 21.850 USD. Theo kết quả xác minh số tiền này đã được rút khỏi tài khoản của chị Thúy H. Ngoài ra, trong thời gian từ ngày 26/4/2011 đến ngày 26-4-2014, anh BP được chuyển trả lương vào tài khoản, với số tiền là 349.664.300 đồng. Trong số tiền này, nguyên đơn đã rút 30.000.000 đồng vào ngày 17/10/2013 và 60.000.000 đồng vào ngày 16/4/2014 tại Ngân hàng; tổng cộng là 90.000.000 đồng. Số tiền còn lại, căn cứ vào xác nhận của Ngân hàng có 170.062.650 đồng rút bằng thẻ phụ mang tên Lương Thị Thúy H và 89.601.650 đồng rút bằng thẻ chính mang tên anh BP; số tiền này là do chị H sử dụng thẻ của chồng để rút; vì tại thời điểm rút tiền chủ tài khoản không có mặt tại Việt Nam; tổng số chị H đã rút là 259.664.300 đồng. Như vậy, tổng số tiền chị H nhận của anh BP là 21.850 USD và 259.664.300 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị H đã thừa nhận việc nhận khoản tiền này.[2]
Trong vụ án này, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng thời là người phiên dịch, các cấp Tòa khác nhau có nhiều quan điểm cụ thể.
Quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận vấn đề này cho phép người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng thời là người phiên dịch. Tuy nhiên, quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm thì không chấp nhận và có nhận định: “Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, anh BP không sử dụng được tiếng Việt. Biên bản phiên tòa thể hiện, khi xét xử sơ thẩm, anh BP có mặt tại phiên tòa và có mặt người đại diện theo ủy quyền là bà Phan Thị Hương T. Tại phiên tòa, các đương sự thỏa thuận việc người đại diện đồng thời là người phiên dịch cho anh BP. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận thỏa thuận này của các đương sự là vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 46 và điểm a khoản 3 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (nay được quy định tại các điểm a khoản 2 Điều 82 và khoản 1 Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015)”.
Điểm a khoản 2 Điều 82 BLTTDS 2015 quy định về người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng hoặc thay đổi và quy định tại khoản 1 Điều 52 BLTTDS 2015 quy định về người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi. Trong trường hợp này rõ ràng, cấp sơ thẩm có thiếu sót trong việc tiến hành mời người phiên dịch cho đương sự là người không hiểu tiếng Việt nhưng việc các đương sự thỏa thuận việc người đại diện đồng thời là người phiên dịch cho anh BP. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận thỏa thuận này của các đương sự, cấp phúc thẩm hủy án của cấp sơ thẩm là không thật sự thuyết phục bởi lẽ, theo điểm a khoản 2 Điều 82 và khoản 1 Điều 52 BLTTDS năm 2015 và tại Điều 87 BLTTDS 2015 quy định những trường hợp không được làm người đại diện thì không hề quy định người đại diện không đồng thời là người phiên dịch.
Thứ hai, theo khoản 2 Điều 81 BLTTDS 2015: “Trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người khuyết tật nhìn hoặc người khuyết tật nghe, nói biết được chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật thì người đại diện hoặc người thân thích có thể được Tòa án chấp nhận làm người phiên dịch cho người khuyết tật đó”. Như vậy, có thể thấy Tòa án cũng có thể chấp nhận người đại diện làm người phiên dịch cho người khuyết tật đó.
Mặc khác, bà Phan Thị Hương T đang đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp cho anh BP, đang thay mặt anh B P tham gia tố tụng trước Tòa việc anh BP không hiểu tiếng Việt nên bà T phiên dịch cho anh BP là hoàn toàn trung thực. Ngoài ra, tác giả cho rằng cũng không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Hơn nữa việc dân sự cốt ở đôi bên “các đương sự thỏa thuận việc người đại diện đồng thời là người phiên dịch cho anh B P”. Do đó, thiết nghị Tòa án nên tôn trọng sự thỏa thuận này.
3.Kiến nghị
Do đó, vấn đề người phiên dịch trong giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong thời gian tới rất cần sự hướng dẫn của TADNTC để quá trình áp dụng pháp luật được thống nhất. Từ những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật tác giả kiến nghị TANDTC nên ban hành văn bản hướng dẫn như sau:
Thứ nhất, pháp luật hiện hành không có quy định điều kiện, tiêu chuẩn như thế nào để một người có thể trở thành người phiên dịch, mà pháp luật chỉ xác định trách nhiệm pháp lý của người phiên dịch. Do đó, theo tác giả cần thiết phải có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của phiên dịch tham gia tố tụng tại Tòa án, chế tài đối với phiên dịch đối với nội dụng phiên dịch và nếu như vắng mặt theo yêu cầu của Tòa án thì xử lý như thế nào để nhằm giải quyết vụ án được chính xác, khách quan và công bằng hơn.
Thứ hai, theo tác giả trong trường hợp các đương sự thỏa thuận việc người đại diện đồng thời là người phiên dịch thì Tòa án không coi đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Một phiên tòa tại TAND huyện Tịnh Biên, An Giang - Ảnh: Thanh Nga
[1] Lê Na (2017), “Hoàng thiện pháp luật về giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học luật Hà Nội, tr. 73.
[2] Vụ án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 03/2019/HNGĐ-PT ngày 19/8/2019 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, về việc: “Tranh chấp chia tài sản sau ly hôn” giữa nguyên đơn anh B P, với bị đơn chị Lương Thị Thúy H. Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án của Tòa án nhân dân tối cao, link https://congbobanan.toaan.gov.vn/ (truy cập ngày 21/7/2021).
Bài liên quan
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự: Giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án
-
Bàn về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
-
Chủ thể rút yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự - bất cập và kiến nghị
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận