Nguyễn Văn A phạm tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn A phạm tội gì?” của tác giả Bùi Đức Tùng đăng tngày 09/9/2024, tôi cho rằng Nguyễn Văn A phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Từ nội dung vụ án, theo tác giả hiện có hai quan điểm về việc xác định tội danh của Nguyễn Văn A, cụ thể: Có quan điểm cho rằng A phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, quan điểm khác cho rằng A phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Tôi cho rằng Nguyễn Văn A phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt cóc con tin nhằm chiếm đoạt tài sản. Đó là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật và hành vi đe dọa người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Hành vi bắt, giữ người trái pháp luật có thể được thực hiện bằng những thủ đoạn khác nhau, như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt, lén lút, dùng thuốc mê, chuốc rượu say... Các thủ đoạn được sử dụng để thực hiện hành vi bắt, giữ người trái pháp luật không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành mặt khách quan của tội phạm.
Người bị bắt, giữ trái pháp luật thông thường là người thân thích của người bị đe dọa, đó là người có quan hệ huyến thống như ông bà, cha, mẹ, vợ chồng, con, anh, chị, em, người có công nuôi dưỡng, hoặc là những người có quan hệ xã hội thân thiết với người bị hại mà người phạm tội có dự định bắt, giữ để đưa ra yêu cầu trao đổi bằng tài sản để chiếm đoạt.
Sau khi bắt giữ người trái pháp luật, người phạm tội gây sức ép về mặt tâm lý, tinh thần đối với người thân thích (người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc người khác) của người bị bắt, giữ đó, buộc họ phải giao tài sản theo yêu cầu của người phạm tội. Việc gây áp lực về mặt tâm lý, tinh thần này thể hiện ở hành vi đe dọa người thân thích của người bị bắt giữ trái phép, có thể là hành vi đe dọa dùng vũ lực xâm hại đến tính mạng, sức khỏe hoặc nhân phẩm, danh dự của con tin nếu người bị đe dọa không trao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt. Hành vi đe dọa người thân thích của người bị bắt, giữ trái pháp luật có thể được chuyển tải bằng các hình thức khác nhau như trao đổi trực tiếp, nhờ người khác thông báo, thông báo qua điện thoại, tin nhắn, thư...
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội có cấu thành tội phạm hình thức. Người phạm tội chỉ cần thực hiện được hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm đã hoàn thành, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản như mong muốn hay không. Hay nói cách khác hậu quả nguy hiểm cho xã hội không phải là dấu hiệu định tội của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, A dùng thủ đoạn là chở cháu H đến bể bơi cách chỗ A gặp cháu H 3 km, đưa tiền cho cháu H để mua vé vào bơi, mục đích là để “giữ” cháu H ở bể bơi tránh sự tìm kiếm của người nhà cháu H. Sau khi thực hiện hành vi trên A nhắn tin để đe dọa, gây sức ép về tinh thần đối với mẹ và cô của cháu H với nội dung “nếu sau 17h mà không chuyển thì đừng liên lạc lại nữa” để chiếm đoạt tài sản của mẹ, cô cháu H.
Hành vi của A đã thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan trong cấu thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” như đã nêu trên.
Từ những phân tích trên, tác giả đồng tình với quan điểm của tác giả Bùi Đức Tùng cho rằng hành vi của Nguyễn Văn A đã cấu thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 169 BLHS.
Trên đây, là quan điểm của cá nhân tác giả trao đổi với tác giả bài viết, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ bạn đọc và đồng nghiệp.
TAND huyện Bình Giang, Hải Dương xét xử vụ án "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản"- Ảnh: Xuân Hiếu
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận