Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn” không?
Nguyễn Văn B có phạm tội tàng trữ trái phép súng săn hay không? hiện có nhiều quan điểm khác nhau.
Khoảng 10 giờ 40 phút ngày 07/10/2023, Phòng An ninh mạng phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an tỉnh T, phối hợp với Công an thành phố Y kiểm tra kho hàng số 03 Công ty trách nhiệm hữu hạn G, tại tổ 09, phường C, thành phố Y và kiểm tra xe ô tô nhãn hiệu Huyndai, biển kiểm soát 29A-346XY đang vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, nghi là đạn và súng, xác định lái xe ô tô là anh Nguyễn Văn B ngồi cạnh lái xe là Đào Văn X. Tiến hành kiểm tra trong cốp sau xe ô tô phát hiện 01 bao tải, bên trong có nhiều kiện hàng, B và X khai nhận nhận đó là đạn chì và linh kiện súng săn, số đạn trên mua của Trần Minh T để bán cho khách đặt hàng trên Facebook. Sau khi kiểm đếm xác định, tổng cộng 54.676 viên. Cơ quan Công an lấy ngẫu nhiên trong 08 loại đạn trên, mỗi loại 50 viên cho vào 08 hộp nhựa màu vàng niêm phong gửi giám định.
Cơ quan điều tra đã triệu tập Nguyễn Minh T để làm việc, T tự nguyện giao nộp các đồ vật, gồm: 14 hộp nhựa bên trong các hộp chứa vật thể nghi là đạn chì. Khám xét chỗ ở của X thu giữ tổng cộng 19.926 viên đạn chì, lấy ngẫu nhiên trong 03 loại đạn gửi giám định.
Theo kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh T thì: mẫu vật trong niêm phong thu giữ của B và T là đạn chì, thuộc đạn của súng săn, hiện các viên đạn này còn sử dụng để bắn được. Mẫu vật thu giữ của tại nhà X là đạn của súng hơi.
Quá trình điều tra Trần Minh T khai, khi xem các video hướng dẫn trên Youtube về việc sản xuất đạn chì, đặt mua máy dập đạn chì và tự dập các mảnh chỉ thành các viên đạn chì, có hình dạng và kích thước khác nhau để bán qua mạng. Khoảng tháng 4/2023, B và X biết T sản xuất đạn chì, nên đã thỏa thuận đặt mua đạn chì của T để bán cho khách trên Facebook, khi có hàng gói lại và sử dụng các thông tin giả để gửi hàng cho khách qua Công ty TNHH G. Ngày 07/10/2023, B và X đến kho hàng của Công ty TNHH G, để nhận hàng hoàn lại do không gửi được cho khách, thì bị Cơ quan Công an phát hiện, lập biên bản thu giữ vật chứng.
Đối với X và T chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn và cũng chưa bị kết án về tội này, nên không cấu thành tội phạm hình sự. Ngày 27/3/2024, X và T xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với Nguyễn Văn B ngày 14/3/2023, bị UBND huyện M, tỉnh T xử phạt 15.000.000 đồng về hành vi “chế tạo, trang bị, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn”, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, nên VKSND thành phố Y truy tố về tội “tàng trữ trái phép súng săn” theo khoản 1 Điều 306 BLHS 2015.
Hành vi của Nguyễn Văn B hiện có ba quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 4 Nghị quyết số 03/2022/NQ- HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự. Điểm a khoản 7 quy định: “vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 306 Bộ luật Hình sự:
a) Từ 11 đến 100 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
Điểm a khoản 8 quy định: “vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 306 của Bộ luật Hình sự.
a) Từ 101 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên.
Do khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, quy định: “Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kip, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này” không phải quy định “bao gồm: súng kíp, súng hơi hoặc đạn sử dụng cho các loại súng này”. Vì vậy, không thể coi 01 viên đạn sử dụng cho súng kíp hoặc súng hơi là một “đơn vị súng săn được”. Nguyễn Văn B có hành vi tàng trữ 54.676 viên đạn chì. Tuy nhiên, VKSND thành phố Y lại truy tố về tội “tàng trữ trái phép súng săn” theo khoản 1 Điều 306 BLHS 2015 là chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Về tình tiết “vật phạm pháp có số lượng lớn, có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn”: theo hướng dẫn tại khoản 7, khoản 8 Điều 4 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP thì vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn là “từ 11 đến 100 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên” sẽ bị truy tố theo điểm b khoản 2 hoặc điểm a khoản 3 Điều 306 BLHS 2015. Do đó, không thể coi 01 viên đạn sử dụng cho súng kíp hoặc súng hơi là 01 đơn vị súng săn, nên Nguyễn Văn B tàng trữ 54.676 viên đạn chì thì chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn” theo khoản 1 Điều 306 BLHS.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 có quy định: “Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”. Như vậy, đạn súng hơi là 1 thành tố của khái niệm súng săn. Tuy nhiên, Luật không quy định mức độ tàng trữ khối lượng bao nhiêu đạn thì truy tố nên căn cứ để xác định Nguyễn Văn B hành vi có phạm tội hay không và thuộc khoản nào của Điều 306 BLHS 2015 còn chưa rõ ràng.
Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của tác giả: Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí và công vụ hỗ trợ năm 2017 thì: “Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này”. Như vậy, súng săn được hiểu bao gồm các thành tố để tạo nên là súng kíp, súng hơi, đạn, nên chỉ cần có hành vi tàng trữ 1 trong 3 thành tố này đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn” theo quy định tại Điều 306 BLHS 2015. Nguyễn Văn B có hành vi tàng trữ 54.676 viên đạn súng hơi, nên bị truy tố tội “tàng trữ trái phép súng săn” là đúng.
Rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý độc giả.
TAND tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự "tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích" - Ảnh: Phạm Sơn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận