Những khó khăn trong phòng, chống XHTD trẻ em và giải pháp

Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại, bạo hành đối với trẻ em, đặc biệt là các vụ xâm hại tình dục (XHTD) đối với trẻ em gái. Những vụ việc này khiến cho dư luận xã hội hết sức bàng hoàng, phẫn nộ và đau xót. Yêu cầu có sự vào cuộc của các cấp và sự đồng bộ trong các quy định của luật pháp, chính sách về phòng, chống XHTD trẻ em và việc hiện thực hóa các quy định của pháp luật trên thực tế...

Tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2017 toàn quốc phát hiện 1592 vụ xâm hại trẻ em với 1757 đối tượng gây án, xâm hại 1642 em (nam 125 em và nữ 1517 em). Trong đó, số vụ án XHTD trẻ em 1370 vụ (chiếm 86% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em), với 1416 đối tượng, xâm hại 1397 em. Kết quả xử lý hình sự: 1362 vụ (chiếm 85,5 %) với 1446 đối tượng (chiếm 82,2%); xử lý hành chính: 230 vụ (chiếm 14,5%) với 311 đối tượng (chiếm 17,8%).

Qua số liệu thống kê và phản ánh của báo chí cho thấy tính chất của các vụ việc có xu hướng ngày càng phức tạp, trẻ em bị XHTD xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non; hiếp dâm tập thể… đối tượng XHTD trẻ em không chỉ là người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

Xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí là dẫn tới trẻ em bị tử vong hoặc trẻ em tự tử. Đối tượng XHTD trẻ em đa phần là những người quen, họ hàng, hàng xóm. Địa bàn có tình hình XHTD trẻ em xảy ra nghiêm trọng và phức tạp là một số tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nam bộ.

Trong thời gian gần đây, một số vụ việc XHTD nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội như: Cháu bé 13 tuổi ở tỉnh Cà Mau tự tử sau khi bị người hàng xóm XHTD nhiều lần; vụ việc dâm ô trẻ em tại thành phố Vũng Tàu; vụ việc cháu bé sinh năm 2012 bị đối tượng 78 tuổi là hàng xóm XHTD ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; vụ việc cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội bị XHTD…

Pháp luật về phòng, chống XHTD trẻ em ở nước ta hiện nay

Pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống XHTD trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người, đặc biệt là Luật Trẻ em năm 2016. Bên cạnh đó, nhiều chính sách về bảo vệ trẻ em và phòng, chống XHTD trẻ em cũng đã được quan tâm triển khai như Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016-2020 [1] với mục tiêu mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó, chú trọng không để trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội để phát triển.

Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cũng đã quy định về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chính sách hỗ trợ đối với từng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (bao gồm cả nhóm trẻ em bị XHTD);

Để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/05/2017 về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, theo đó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải xử lý nghiêm các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em và tăng cường giáo dục kỹ năng phòng, tránh bạo lực, xâm hại trẻ em.

 Một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện

Một là: Pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi XHTD trẻ em nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em.

Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em bỏ sót nhiều hành vi; việc xử lý vi phạm hành chính ít được thực hiện trên thực tế mà chủ yếu tập trung vào các vi phạm hình sự nên tính phòng ngừa, răn đe yếu; thiếu các quy trình và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của bạo lực, xâm hại.

Thiếu những quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại.

Hai là, cơ chế phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trung ương và giữa các sở, ngành địa phương trong công tác phòng, chống và giải quyết các vụ việc XHTD trẻ em chưa rõ ràng; chưa có cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan y tế, giáo dục, tư pháp với cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ XHTD trẻ em hoặc hỗ trợ, bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của các hành vi XHTD trước, trong và sau quá trình tố tụng.

Một số cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục và cá nhân thiếu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, tìm cơ chế, giải pháp phù hợp để trợ giúp gia đình, nạn nhân là trẻ em trong việc tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ, can thiệp phù hợp (chăm sóc y tế, tham vấn, trợ giúp pháp lý, trị liệu tâm lý…); thậm chí che giấu vụ việc XHTD trẻ em hoặc dàn xếp khi xảy ra vụ việc.

Ba là, việc tuyên tuyền, giáo dục chưa tác động rộng khắp đến các địa bàn, các gia đình và trẻ em do thiếu lực lượng tuyên truyền viên và nghiệp vụ của người đi tuyên truyền chưa cao.

Việc giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho trẻ em và cha mẹ chưa được các cơ quan thông tin đại chúng coi trọng; khung giờ và thời lượng phát sóng chương trình truyền hình, phát thanh về trẻ em chưa được ưu tiên.

Bốn là, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em thiếu tính đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa có sự quản lý và giám sát chặt chẽ, còn nhiều khác biệt giữa giữa các vùng miền về số lượng và chất lượng cung cấp dịch vụ

Năm là, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt ở cấp xã còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn [2].

Nhiều cán bộ bảo vệ trẻ em (đặc biệt cán bộ cấp xã và cộng tác viên) chưa được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc với trẻ em.

Sáu là, việc phân bổ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ trẻ em chưa tương xứng và còn thấp so với yêu cầu thực tế.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em có tổng kinh phí huy động cho thực hiện Chương trình là 905 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 230,65 tỷ đồng (bằng 25,2% mức dự kiến); ngân sách địa phương là 585,37 tỷ đồng (bằng 78,9% mức dự kiến).

Một số giải pháp

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật: Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm XHTD trẻ em, ngoài việc tạo môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan có vai trò rất quan trọng đáp ứng tình hình thực tiễn. Vì vậy, việc rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi XHTD trẻ em, đặc biệt là hành vi dâm ô đối với trẻ em để thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật.

Hai là, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về bảo vệ trẻ em: Truyền thông, phổ biến các quy định về bảo vệ trẻ em trong Luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan để các quy định được triển khai thực hiện có hiệu quả, hiệu lực.

Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa XHTD và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho trẻ em.

Tăng cường truyền thông về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ba là, công tác tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực: Xây dựng, tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em và cơ chế phối hợp hoạt động, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong công tác phòng, chống và giải quyết các vụ việc XHTD trẻ em.

Bố trí và nâng cao năng lực, ổn định đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương, đặc biệt ở cấp xã, phường, thị trấn đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng.

Bốn là, xây dựng và thực hiện kế hoạch, phân bổ ngân sách bảo vệ trẻ em đảm bảo yêu cầu. Điều chỉnh, bổ sung chương trình, kế hoạch của địa phương; phân bổ, ngân sách Trung ương, địa phương hằng năm để đảm bảo thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 có hiệu quả.

Triển khai hệ thống bảo vệ trẻ em, hệ thống trợ giúp xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ em và định kỳ rà soát, thu thập thông tin, số liệu về trẻ em bị xâm hại, bạo lực.

Năm là, củng cố dịch vụ bảo vệ trẻ em, rà soát, đánh giá hoạt động, quy hoạch các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và ngoài công lập, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt. Phát triển các mô hình điểm tư vấn bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, điểm tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học.

Khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ, đăng ký hoạt động cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật.

Sáu là, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, ưu tiên phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em cho các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp. Thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đảm bảo đúng quy trình và hiệu quả.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em. Đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết, xử lý các vấn đề, vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, được xã hội, cộng đồng dân cư quan tâm./.

 

 

[1] Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ

[2] Cấp Trung ương có 32 công chức; cấp tỉnh có 441 người làm công tác trẻ em và bình đẳng giới (có địa phương kiêm nhiệm công tác Quỹ bảo trợ trẻ em); cấp huyện có gần 1.000 cán bộ hầu hết là kiêm nhiệm; trên 11.000 cán bộ ở cấp xã đa phần là kiêm nhiệm; có 23/63 tỉnh, thành phố thành lập được đội ngũ cộng tác viên với số lượng hơn 70.000 người với mức thù lao từ 50.000đồng đến 363.000đồng/người/tháng.

LÃ VĂN BẰNG (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)