Pháp luật hình sự đối với đời sống

Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 - gọi là BLHS năm 2015.

1.Các nhiệm vụ của BLHS năm 2015

Nghiên cứu pháp luật; chúng tôi nhận thấy luật nào cũng có nhiệm vụ riêng của luật đó và được quy định tại 1 điều luật. Về BLHS năm 2015, tại Điều 1 của luật này quy định nhiệm vụ của BLHS năm 2015 như sau: “Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm… Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt.”

Theo quy định này, thì BLHS năm 2015 có 5 nội dung bảo vệ gồm:

-Bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước.
-Bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân.
-Bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc.
-Bảo vệ lợi ích của nhà nước, tổ chức.
-Bảo vệ trật tự pháp luật.

BLHS năm 2015 chống mọi hành vi phạm tội và giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, đồng thời cũng quy định rõ ràng rằng là BLHS năm 2015 có nhiệm vụ quy định về tội phạm và hình phạt.

Các nhiệm vụ của BLHS năm 2015 được cụ thể hóa tại phần thứ 2 của Bộ luật quy định về “Các tội phạm” (từ Điều 108 quy định tội phản bội tổ quốc đến Điều 425 quy định tội làm lính đánh thuê).

Về nhiệm vụ của BLHS năm 2015 quy định về “tội phạm và hình phạt”. Thực hiện nhiệm vụ này. Tại Điều 8 BLHS năm 2015 giải thích tội phạm như sau:

“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.

“Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.

Tuy nhiên, BLHS năm 2015 đã căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong BLHS năm 2015 đã phân thành 04 loại tội phạm sau đây:

Tội phạm ít nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

Tội phạm nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

Tội phạm rất nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2.Đối tượng phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự

BLHS năm 2015 quy định có 02 đối tượng phạm tội hải chịu trách nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân.

2.1.Về cá nhân: BLHS năm 2015 căn cứ vào tuổi của người phạm tội để xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 thì có 2 độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự là:

-Người từ đủ 16 tuổi trở lên: Phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

-Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều: 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS năm 2015.

2.2.Về pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự: Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Theo quy định tại Điều 76 BLHD năm 2015 quy định thì pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều: 188, 189,190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của BLHS năm 2015.

3. Về hình phạt

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

3.1.Các hình phạt với người phạm tội: Theo quy định tại Điều 32 BLHS năm 2015 thì các hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội là:

“1. Hình phạt chính bao gồm: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền; c) Cải tạo không giam giữ; d) Trục xuất; đ) Tù có thời hạn; e) Tù chung thân; g) Tử hình.

2. Hình phạt bổ sung bao gồm: a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; b) Cấm cư trú; c) Quản chế; d) Tước một số quyền công dân; đ) Tịch thu tài sản; e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3.2.Theo quy định tại Điều 33 BLHS năm 2015 thì các hình phạt được áp dụng đối với pháp nhân thương mại là:

1. Hình phạt chính bao gồm: a) Phạt tiền; b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm: a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; b) Cấm huy động vốn; c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Để đảm bảo việc áp dụng hình phạt đúng pháp luật, BLHS năm 2015 có quy định về việc áp dụng từng hình phạt. Ví dụ: Hình phạt tiền nếu hình phạt này áp dụng đối với cá nhân phạm tội thì căn cứ vào Điều 35 BLHS năm 2015 để thực hiện. Cũng là hình phạt tiền, nếu hình phạt này áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì căn cứ vào Điều 77 BLHS năm 2015 để thực hiện ./.

ĐỖ VĂN CHỈNH