Quyền về đời sống riêng tư trên các nền tảng mạng xã hội - góc nhìn từ thực tiễn và pháp lý
“Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” là một trong các quyền công dân cơ bản, tuy nhiên, quyền công dân này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp bị xâm phạm hoặc bị tiếp cận một cách “thầm lặng” có chủ đích bởi các nền tảng mạng xã hội.
1. Dẫn nhập
Không gian mạng là một dạng môi trường thực tế ảo, nơi hỗ trợ kết nối và tương tác giữa các người sử dụng (sau đây gọi là “người dùng”) thông qua các ứng dụng nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok, Instagram, Gmail và các dạng khác tương tự (sau đây gọi chung là “các ứng dụng”), lợi ích mang lại nhìn từ yếu tố giải trí, trao đổi thông tin và sự thuận tiện trong việc kết nối từ xa mà các ứng dụng này mang lại là việc không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu các nền tảng mạng xã hội có hành vi tiếp cận nhằm thu thập và sử dụng thông tin dữ liệu cá nhân người dùng hoặc cung cấp tạo điều kiện cho các chủ thể khác tiếp cận khai thác thông tin cá nhân người dùng nhưng chưa nhận được sự đồng ý hoặc sự ưng thuận chưa hoàn toàn từ phía người dùng thì lại là một vấn đề pháp lý cần được nhìn nhận từ các góc độ phù hợp, đặc biệt là hành vi tiếp cận quyền đối với “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân”.
“Hành vi tiếp cận quyền” có thể được hiểu là việc tìm kiếm, tiếp nhận, sử dụng và truyền đạt lại thông tin liên quan đến quyền nào đó của cá nhân hoặc tổ chức (chủ thể) thông qua các phương thức khác nhau, có thể nhận được hoặc không nhận được sự ưng thuận của chủ thể nhưng không xâm phạm hoặc chưa thể xem là xâm phạm đến quyền của chủ thể quyền. Trên các nền tảng mạng xã hội, hành vi tiếp cận quyền này thường diễn ra một cách “thầm lặng” và chủ thể bị tiếp cận quyền có thể vẫn chưa nhận thức được hoặc nhận thức được nhưng vẫn “giữ im lặng” hoặc bỏ qua hành vi tiếp cận quyền.
Điều đó có thể xuất phát từ hành vi tiếp cận quyền này không ảnh hưởng quá lớn đến quyền riêng tư của cá nhân, thậm chí mục đích của hành vi tiếp cận quyền lại đáp ứng được sở thích và nhu cầu khi sử dụng các ứng dụng của chính bản thân người dùng. Do đó, trong một số trường hợp thì việc giữ im lặng trước hành vi tiếp cận và sử dụng thông tin về sở thích, dữ liệu cá nhân của người dùng có thể là nguyên nhân trực tiếp tạo điều kiện cho hành vi tiếp cận quyền và “gây trở ngại” cho việc xác định trách nhiệm pháp lý.
Thuật ngữ “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” được quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 và Điều 38 BLDS năm 2015, cả hai văn bản pháp lý đều ghi nhận tính bất khả xâm phạm của quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, nhưng lại không đưa ra khái niệm mang tính pháp lý về quyền nhân thân này, do đó việc xác định phạm vi của quyền cũng chưa thể xác định cụ thể. Song, “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân” có thể được tiếp cận dựa trên việc diễn giải không chính thống từ nội dung của ba khái niệm: (i) đời sống riêng tư, (ii) bí mật cá nhân và (iii) bí mật gia đình.
Theo từ điển Merriam - Webster[1] thì khái niệm “riêng tư” (privacy) theo nghĩa thông thường là trạng thái tách biệt khỏi sự giám sát hoặc là trạng thái tự do tách khỏi sự xâm nhập trái phép. Về mặt pháp lý, riêng tư được hiểu là trạng thái một mình (hay độc lập) của cá nhân và có khả năng giữ một số vấn đề cá nhân đặc biệt cho riêng mình[2] và “quyền riêng tư” (right of privacy) là quyền của một người không bị xâm phạm hoặc công khai đối với các vấn đề mang tính chất cá nhân[3]. Một cách tổng quát, quyền riêng tư bao gồm quyền: không bị can thiệp và xâm nhập; để liên kết một cách tự do với chủ thể mà cá nhân muốn; có thể kiểm soát được chủ thể là người có thể xem hoặc sử dụng thông tin về cá nhân đó[4]. Trên cơ sở những lý giải về thuật ngữ “riêng tư”, khái niệm về “đời sống riêng tư” có thể được định nghĩa là các mối quan hệ được giữ riêng biệt diễn ra trong cuộc sống đời tư thường ngày, gắn liền với mỗi cá nhân, mang tính cá biệt và đặc trưng riêng biệt đối với từng cá nhân, không chịu sự giám sát của các chủ thể khác.
Đối với khái niệm “bí mật” có thể được tiếp cận dưới hai góc độ: (i) theo cách định nghĩa của Từ điển Merriam - Webster thì “bí mật” (secret) được định nghĩa là một cái gì đó được giữ che giấu hoặc không giải thích được, được giữ kín khỏi sự hiểu biết của những người khác hoặc chỉ được chia sẻ một cách bảo mật với một số ít người[5]; (ii) cách hiểu về khái niệm “bí mật” trên cơ sở Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 của Việt Nam: “Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”[6], theo đó một vấn đề được xem là bí mật nhà nước nếu nó là thông tin với nội dung quan trọng được giữ bí kín và sự bộc lộ công khai của thông tin này có thể gây hại cho an ninh quốc gia.
Nhận định chung: bản chất của quyền về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân được hình thành từ tập hợp của một nhóm quyền nhân thân, bất kỳ hành vi tiếp cận quyền đối với một hoặc một số nội dung được đề cập trong ba khái niệm trên mà không có sự ưng thuận hoàn toàn của người dùng thì đều bị coi là hành vi xâm phạm đến tính bất khả xâm phạm của quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân.
2. Sự thừa nhận về mặt pháp lý đối với quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Xuất phát từ bản chất của luật nội dung và kỹ thuật lập pháp từ các hệ thống pháp luật, “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” được sử dụng dưới tên gọi và cách thức quy định khác nhau nhưng về tính chất nội hàm đều có sự tương đồng về nghĩa.
Xét ở góc độ luật quốc tế, tại Điều 12 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 quy định: “Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”[7]. Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, tại Điều 17 ghi nhận: “1. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. 2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy”[8]. Cả hai Công ước của Liên hiệp quốc (Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên) đều thừa nhận quyền được bảo đảm bí mật đời tư, gia đình và danh dự cá nhân là quyền con người và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm việc thực thi quyền này.
Các quyền liên quan đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình dưới góc độ pháp luật của Liên minh châu Âu được sử dụng với thuật ngữ “quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư và gia đình” (right to respect for private and family life) và được thừa nhận tại Điều 7 Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu: “Mọi người đều có quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư và gia đình, nhà ở và thông tin liên lạc của mình”[9]. Quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư và gia đình là một trong những quyền con người cơ bản bất khả xâm phạm của mỗi công dân ở các nước thuộc khối Liên minh châu Âu được quy định tại Chương 3 về Các quyền tự do (“freedoms”).
Về phương diện luật quốc gia, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam được quy định trong các bản Hiến pháp qua các giai đoạn, tại Điều thứ 11 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”. Kế thừa quy định này của Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục làm rõ quyền này, cụ thể: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”[10]. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng lần lượt được luật hóa bởi BLDS năm 2015: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”[11] và Luật An ninh mạng năm 2018 coi bất kỳ hành vi cố ý làm lộ thông tin bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp cá nhân bị coi là bất hợp pháp[12].
3. “Sự thầm lặng” của hành vi tiếp cận quyền đối với quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình từ các nền tảng mạng xã hội
3.1. Nhận diện hành vi tiếp cận quyền
Hành vi tiếp cận quyền từ các ứng dụng mạng xã hội có thể xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản: (1) hành vi tiếp cận và sử dụng thông tin dữ liệu cá nhân người dùng được che giấu có chủ đích của chủ thể cung ứng ứng dụng; (2) sự im lặng của người dùng mang hàm ý ngầm chấp nhận tạo điều kiện cho hành vi tiếp cận quyền.
Thứ nhất, các hành vi tiếp cận quyền được bắt nguồn từ bản chất tất yếu của ứng dụng, mục đích kinh doanh và tạo lợi thế cạnh tranh so với các chủ thể cung ứng dịch vụ khác trong cùng lĩnh vực:
(i) Hành vi tiếp cận quyền nhắm vào thông tin dữ liệu, sở thích cá nhân của người dùng thông qua sự tương tác của người dùng trong khi sử dụng ứng dụng: sự tương tác của người dùng thông qua các hoạt động như thao tác ấn vào “biểu tượng thể hiện cảm xúc”, bình luận về một sự kiện hoặc thông tin được công khai, theo dõi các trang cộng đồng công khai hay trang cá nhân của người dùng khác,… mọi hoạt động và thao tác của người dùng sẽ được các ứng dụng ghi nhận và lưu trữ dưới dạng hệ thống dữ liệu (“database”), sau đó các dữ liệu này xử lý bằng phầm mềm chuyên dùng để phân tích chính xác sở thích của người dùng và đưa ra kết quả cụ thể về những nội dung thông tin mà người dùng quan tâm.
Chẳng hạn, trong trường hợp nhiều người dùng cùng thảo luận trao đổi về một vấn đề liên quan chuyến du lịch trải nghiệm bằng tính năng nhắn tin (“chat”) của một ứng dụng mạng xã hội, thì sau một khoảng thời gian ngắn trên tài khoản của các người dùng sẽ nhận được hiển thị một hoặc một số đường dẫn truy cập (link) hoặc trang thông tin điện tử với đề xuất gợi ý các nội dung, hình ảnh hoặc đoạn phim ngắn có liên quan đến một hoặc một số địa điểm du lịch đã được các người dùng trao đổi trước đó và một cách hiển nhiên rằng người dùng sẽ không đồng ý để các ứng dụng này tiếp cận tin nhắn theo cách thức ẩn danh, đây là minh chứng cho vấn đề xâm phạm quyền liên quan đến thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân.
(ii) Bộc lộ công khai một số thông tin, sự kiện mà người dùng quan tâm cho những người dùng khác: phần lớn các ứng dụng mạng xã hội đều cho phép người dùng thiết lập quyền riêng tư cho phép hoặc không cho phép công khai trong các hoạt động trên tài khoản người dùng. Tuy nhiên, đối với một số ứng dụng khác không có tính năng thiết lập quyền riêng tư này hoặc trong trường hợp người dùng quên tự thiết lập quyền riêng tư hoặc quyền riêng tư đã được mặc định sẵn ở chế độ công khai, thì các hoạt động của người dùng sẽ bị bộc lộ công khai với người khác. Ví dụ, mỗi khi người dùng tương tác bằng cách ấn vào biểu tượng cảm xúc đối với những thông tin sự kiện hay theo dõi hoặc thích các trang thông tin điện tử với nội dung mở, hoặc bình luận về nội dung của người dùng khác bằng tài khoản cá nhân hay bình luận về một đoạn phim ngắn,… thì sự tương tác này chia sẻ một cách công khai với các người dùng khác. Có thể phần lớn người dùng sẽ không phản đối nhưng thực tế quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của họ đang bị tiếp cận một cách thầm lặng từ các nền tảng mạng xã hội.
(iii) Cho phép các trang thông tin điện tử (“website”) mang tính chất kinh doanh, tài khoản cộng đồng công khai hoặc các tài khoản người dùng khác tiếp cận thông tin người dùng với các mục đích khác nhau: nhờ vào việc thu thập các thông tin người dùng quan tâm bằng hệ thống chuyên biệt, chủ thể cung cấp ứng dụng sẽ gợi ý các trang thông tin điện tử hoặc tài khoản mà người dùng có thể quan tâm với mục đích tiếp thị sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cho người dùng. Hoặc cho phép các trang thông tin điện tử và các tài khoản này nhắn tin mang tính tiếp thị, quảng cáo trực tiếp đến tài khoản của người dùng thông qua tính năng trò chuyện (“chat”). Việc tự ý cho phép các tài khoản khác hoặc các trang thông tin điện tử tiếp cận thông tin, sở thích của người dùng mà chưa có sự ưng thuận của họ hoặc vượt quá giới hạn phạm vi sự ưng thuận, thì hành vi này không dừng lại ở mức độ tiếp cận quyền mà bị xem là hành vi xâm phạm quyền.
Thứ hai, sự im lặng của người dùng có thể mang ý nghĩa ưng thuận cho hành vi tiếp cận và sử dụng thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng, trong trường hợp này cần làm rõ hai vấn đề:
Có sự nhận thức của người dùng đối với hành vi tiếp cận quyền: Trong hiểu biết của người dùng, họ ý thức được hành vi của các nhà cung cấp ứng dụng đã tiếp cận đến các thông tin riêng tư cá nhân của chính bản thân người dùng nhưng chưa được sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, người dùng lại chọn cách im lặng và chấp nhận cho hành vi đó tiếp tục diễn ra, điều đó đồng nghĩa với việc người dùng đã ngầm đồng ý cho nhà cung cấp ứng dụng quyền tiếp cận thông tin riêng tư cá nhân. Nhưng việc im lặng của người dùng trong trường hợp này có đồng nghĩa với việc chấp thuận cho hành vi tiếp cận thông tin cá nhân hay không. Trở lại với một nguyên tắc trong giao kết hợp đồng dân sự là “sự im lặng của bên được đề nghị có thể được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng” được ghi nhận trong pháp luật về dân sự, cụ thể tại khoản 2 Điều 393 BLDS năm 2015 liên quan đến việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, quy định: “Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng; trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên”.
(i) Theo đó, sự im lặng của một bên sẽ không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nếu không có thỏa thuận giữa các bên rằng sự im lặng của một bên là đồng ý giao kết hợp đồng với bên kia. Nhưng trong thực tiễn hoạt động tư pháp của Tòa án, đôi khi sự im lặng đồng nghĩa với chấp nhận giao kết hợp đồng trong một số trường hợp: trường hợp một, bên được đề nghị giao kết im lặng nhưng đã thực hiện một phần nghĩa vụ của hợp đồng; trường hợp hai, bên được đề nghị nhận thức được bên còn lại đang thực hiện nghĩa vụ ghi trong hợp đồng nhưng không có ý kiến phản đối; trường hợp ba, bên được đề nghị giữ sự im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng, song sau đó lại yêu cầu bên đưa ra đề nghị thực hiện nội dung trong hợp đồng. Trong ba trường hợp này, thì “trường hợp hai” được nhận định mang bản chất khá tương đồng với sự im lặng và không phản đối của người dùng để cho hành vi tiếp cận quyền tiếp tục thực hiện và người dùng ý thức được điều này.
(ii) Thiếu đi sự nhận thức của người dùng đối với hành vi tiếp cận quyền: trong giới hạn hiểu biết về kiến thức pháp luật, đôi khi người dùng không nhận thức được quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của mình đang bị tiếp cận hoặc xâm phạm bởi các ứng dụng mạng xã hội, nên đang có sự tồn tại của hành vi xâm phạm quyền do thiếu sự ưng thuận từ trước của người dùng. Tuy nhiên, khi đã ý thức hành vi tiếp cận và sử dụng thông tin cá nhân nhưng người dùng vẫn giữ im lặng và không có động thái phản đối thì sẽ không đặt ra vấn đề xâm phạm quyền mà chỉ dừng lại trong cách hiểu của khái niệm về hành vi tiếp cận quyền.
3.2. Hợp thức hóa hành vi tiếp cận quyền thông qua chính sách quyền riêng tư
Để bảo đảm việc tiếp cận một cách hợp pháp thông tin, dữ liệu người dùng, chủ thể cung ứng ứng dụng đã xây dựng chính sách về điều khoản dịch vụ, quy định về quyền riêng tư, theo đó các ứng dụng đề nghị được phép thu thập và sử dụng thông tin riêng tư cá nhân người dùng với mục đích cải tiến và mang đến sự tốt nhất cho người dùng khi sử dụng ứng dụng. Trong quan điểm nhìn nhận của nhóm tác giả, thì chính sách điều khoản dịch vụ về quyền riêng tư một số ứng dụng là nhằm hợp thức hóa hành vi tiếp cận quyền đối với quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân người dùng. Đối với phần lớn ứng dụng mạng xã hội, trong nội dung chính sách quyền riêng tư[13] sẽ giúp bảo đảm rằng các ứng dụng này vẫn tôn trọng quyền riêng tư cá nhân của người dùng trong khi vẫn đang có hành vi tiếp cận quyền. Nếu nhìn nhận và đánh giá từ góc độ kinh doanh của các dạng ứng dụng mạng xã hội thì việc thu thập và sử dụng thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng là hoạt động cần thiết và phải thực hiện nhằm để cung ứng dịch vụ và đề xuất cho người dùng các sản phẩm, dịch vụ của chủ thể khác trong mục đích quảng cáo tiếp thị.
Do đó, xét về bản chất kinh doanh của các ứng dụng mạng xã hội, có thể nhận định dù ngay cả khi người dùng không cho phép các chủ thể này tiếp cận thông tin dữ liệu, sở thích cá nhân thì các ứng dụng này vẫn sẽ tiếp cận và khai thác thông tin của người dùng, nên điều khoản dịch vụ về bảo đảm quyền riêng tư chỉ đơn thuần là một điều khoản để hợp thức hóa hành vi tiếp cận và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng. Mặt khác, các chủ thể cung ứng ứng dụng đang tận dụng và khai thác tâm lý lựa chọn sự im lặng hoặc không phản đối của người dùng đối với những thông tin cá nhân không quá nhạy cảm hoặc chỉ là sở thích đơn thuần của cá nhân mà không làm phương hại đến cá nhân người dùng. Sự im lặng của người dùng có thể gián tiếp tạo điều kiện để hợp thức hóa hành vi tiếp cận quyền của các ứng dụng mạng xã hội.
4. Chế tài xử lý hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Thứ nhất, chế tài xử lý vi phạm hành chính: Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ), cụ thể tại Điều 101 cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng hình thức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Xét về phạm vi điều chỉnh thì quy định này dường như chỉ áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm “bí mật đời tư” của cá nhân và chia tách “quyền về bí mật đời tư” của cá nhân ra khỏi phạm vi của “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” của cá nhân (do xuất phát từ cách sử dụng từ diễn đạt), song xét ở góc độ nghĩa bao hàm, thì “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” thuộc phạm vi nghĩa của “bí mật khác” theo quy định của Điều 101 và thuộc sự điều chỉnh về xử lý vi phạm quyền tại điều này.
Thứ hai, chế tài xử lý hình sự: Vận dụng “nguyên tắc đã bị xử lý vi phạm hành chính” được ghi nhận trong phần lớn các loại tội phạm của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tại Điều 159 về “tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” (thuộc chế định về các tội phạm xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân) quy định rằng nếu cá nhân đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm[14]. Mặc dù, quy định của Điều 159 không đề cập rõ về hành vi xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, nhưng về nghĩa nội hàm thì hành vi “xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác” cũng có thể được diễn giải theo cách hiểu về hành vi xâm phạm “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” tại Điều 38 BLDS năm 2015.
Thứ ba, bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc của pháp luật dân sự: biện pháp dân sự theo BLDS năm 2015 về bồi thường thiệt hại (vật chất hoặc tinh thần) được đặt ra theo nguyên tắc có thiệt hại thực tế, nếu chủ thể bị xâm phạm quyền chứng minh được có thiệt hại thực tế xảy ra và mối quan hệ nhân quả là hệ quả tất yếu và trực tiếp giữa hành vi xâm phạm quyền và thiệt hại trên thực tế.
Tuy nhiên, xét đến các yếu tố cấu thành hành vi vi phạm pháp luật, để đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với hành vi tiếp cận quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, cần được xác định: (i) tính trái pháp luật của hành vi; (ii) năng lực chủ thể thực hiện hành vi; (iii) vấn đề lỗi; (iv) sự tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả. Nhưng xét về tính thực tế, việc chứng minh thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần của người dùng sẽ khó thực hiện hoặc mức độ thiệt hại thực tế không đáng kể, chưa kể đến việc người dùng ý thức được hành vi xâm phạm quyền nhưng không phản đối hoặc cảm thấy hài lòng với cách thức hoạt động của các ứng dụng. Do đó, việc đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể xâm phạm quyền có thể vẫn chưa đủ cơ sở, đặc biệt đối với chế tài hình sự vì mức độ nghiêm trọng của hành vi chưa cao.
5. Kết luận và khuyến nghị
“Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” - Một dạng quyền của quyền con người, đồng thời cũng là một dạng quyền của quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ và là quyền bất khả xâm phạm của con người. Thông tin dữ liệu người dùng được sử dụng hoặc chia sẻ trên môi trường không gian mạng có thể bị xâm phạm ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Mặc dù phạm vi quyền chưa được xác định cụ thể, nhưng pháp luật Việt Nam đã định khung pháp lý khá hoàn thiện để điều chỉnh hành vi xâm phạm quyền. Song, ngoài cơ chế pháp lý, thì biện pháp tự bảo vệ cần được ưu tiên vận dụng trước, bởi xuất phát từ tính thầm lặng của hành vi tiếp cận quyền, theo đó, khi sử dụng các ứng dụng mạng xã hội, người dùng cần ý thức được rằng khả năng thông tin dữ liệu cá nhân sẽ bị tiếp cận, được thu thập và lưu trữ bởi các ứng dụng này cho các mục đích khác nhau.
Do đó, người dùng cần hiểu rõ các điều khoản dịch vụ liên quan đến chính sách quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân trước khi chấp nhận các điều khoản đó và thiết lập quyền riêng tư ở mức độ cao đối với tài khoản cá nhân trên các ứng dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần thể hiện sự phản đối yêu cầu chấm dứt một hoặc một số hành vi tiếp cận quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp xử lý phù hợp. Nhìn chung, hành vi tiếp cận quyền sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời tư cá nhân người dùng, nhưng chung quy lại thì đó là quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, dù ở cấp độ nào thì hành vi này đã tiếp cận đến tính bất khả xâm phạm của quyền.
Quyền riêng tư có thể bị xâm phạm hoặc bị tiếp cận một cách “thầm lặng” có chủ đích bởi các nền tảng mạng xã hội - Ảnh: MH
[1] Merriam - Webster là Nhà xuất bản từ điển danh tiếng của Mỹ và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1828.
[2] Từ điển Merriam - Webster. “Privacy”, https://www.merriam-webster.com/dictionary/privacy#legalDictionary, truy cập ngày 09/02/2023.
[3] Từ điển Merriam - Webster. “right to privacy”, https://www.merriam-webster.com/legal/right%20of%20privacy, truy cập ngày 09/02/2023.
[4] Office of the Australian Information Commissioner - Australian Government. What is privacy?, https://www.oaic.gov.au/privacy/your-privacy-rights/your-personal-information/what-is-privacy, truy cập ngày 01/3/2023.
[5] Từ điển Merriam - Webster, “Secret”, https://www.merriam-webster.com/dictionary/secret, truy cập ngày 09/02/2023.
[6] Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018.
[7] United Nations. Universal Declaration of Human Rights, https://www.un.org/en/about-us/universal-declaration-of-human-rights, truy cập ngày 10/02/2023.
[8] United Nations. International Covenant on Civil and Political Rights. Truy xuất từ https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/international-covenant-civil-and-political-rights. Truy cập ngày 15/02/2023.
[9] European Union Agency for Fundamental Rights. EU Charter of Fundamental Rights, http://fra.europa.eu/en/eu-charter/article/7-respect-private-and-family-life, truy cập ngày 20/02/2023.
[10] Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013.
[11] Khoản 1 Điều 38 BLDS năm 2015.
[12] Điều 17 Luật An ninh mạng năm 2018.
[13] Xem thêm: Công ty Meta (Facebook). Điều khoản dịch vụ, https://www.facebook.com/terms.php, truy cập ngày 14/02/2023.
[14] Điểm đ khoản 1 Điều 159 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận