Trao đổi bài viết “Xác định án phí trong trường hợp yêu cầu phản tố trong vụ án ly hôn”

        Sau khi đọc nội dung bài viết “Xác định án phí trong trường hợp yêu cầu phản tố trong vụ án ly hôn” của Tác giả Huỳnh Minh Khánh, tôi xin được trao đổi như sau:

       Theo quy định tại khoản 1 Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn…”. Nếu bị đơn là anh Nguyễn Văn Hoàng cho rằng giữa chị Nguyễn Thị Thu và anh Hoàng có tài sản chung là 100 triệu đồng thì anh Hoàng hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản này cho anh được hưởng. Cho nên với lập luận của quan điểm thứ ba cho rằng anh Hoàng “yêu cầu xác định trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng thì anh và chị Thu có tài sản chung là 100 triệu đồng mà chị Thu đang giữ” là một “yêu cầu” để Tòa án phải xem xét khi giải quyết yêu cầu chia tài sản. Theo quan điểm của tôi thì lập luận này chưa hoàn toàn chính xác. Bởi các lý do sau: [1] Anh Hoàng cho rằng giữa anh và chị Thu có chung 100 triệu đồng thực chất chỉ là ý kiến chứ không phải yêu cầu. Từ việc anh Hoàng có ý kiến cho rằng giữa anh và chị Thu có tài sản chung nên anh Hoàng mới yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung; [2] Một khi anh Hoàng cho rằng số tiền 100 triệu đồng do chị Thu đang giữ là tài sản chung của anh và chị Thu và yêu cầu Tòa án giải quyết chia thì trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án phải đánh giá và xác định cho được số tiền này có phải là tài sản chung của anh Hoàng và chị Thu không. Qua đó, Tòa án có cơ sở sẽ chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu chia tài sản của anh Hoàng; [3] Đây không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn vì không thuộc một trong ba trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự. Tại khoản 2 Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự có quy định như sau:

          “Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
  2. b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
  3. c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.”

           Đối với vấn đề yêu cầu chia tài sản của anh Hoàng không được Tòa án chấp nhận thì anh Hoàng có phải chịu án phí không? Nếu anh Hoàng chịu án phí thì án phí là bao nhiêu? Tôi xin được trao đổi ý kiến như sau:

          Tại khoản 5 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu , nộp, quản lý và sử dụng  án phí và lệ phí Tòa án (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 326): “Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận” và tại điểm b khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết số 326 cũng có quy định như sau: “Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ng với giá trị phần tài sản mà họ được chia”.

        Nghiên cứu các quy định trên, cá nhân tôi cho rằng nếu yêu cầu chia tài sản chung của anh Hoàng được Tòa án chấp nhận thì anh Hoàng phải chịu án phí có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà anh Hoàng được chia và nếu yêu cầu chia tài sản của anh Hoàng không được Tòa án chấp nhận thì anh Hoàng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, trừ trường hợp anh Hoàng được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

       Tuy nhiên, đối chiếu quy định tại các Điều 11, 12 của Nghị quyết số 326 thì anh Hoàng không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí. Do đó, anh Hoàng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Số tiền án phí anh Hoàng phải chịu là 300.000 đồng.  Vì anh Hoàng không được Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu chia tài sản chung. Căn cứ điểm a tiểu mục 1.3 mục 1 của Danh mục án phí, lệ phí Tòa án kèm theo Nghị quyết số 326 thì đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch từ 6.000.000 đồng trở xuống thì mức thu là 300.000 đồng.  Việc buộc anh Hoàng phải chịu án phí là thực hiện đúng quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự, đó là “Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.”

        Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi xin trao đổi cùng tác giả Huỳnh Minh Khánh, quý đồng nghiệp và bạn đọc của Tạp chí Tòa án. Vấn đề tác giả Huỳnh Minh Khánh nêu cũng là vướng mắc trong thực tiễn giải quyết vụ án tại Tòa án. Mong là qua bài viết này quý đồng nghiệp và bạn đọc của Tạp chí Tòa án sẽ cùng nhau trao đổi thêm và có nhận thức chung về áp dụng pháp luật.

 

DƯƠNG TẤN THANH - Thẩm phán TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh