Miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại – Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích, đánh giá, từ đó chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của quy định về miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
Đặt vấn đề
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, ngày 27/11/2015 và Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, ngày 20/6/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) gồm 3 Phần, 26 Chương và 426 Điều. Trong đó, có những quy định chung và quy định riêng áp dụng đối với chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại phạm tội. Bên cạnh quy định ghi nhận việc miễn hình phạt đối với chủ thể của tội phạm là cá nhân tại Điều 59 thì nhà làm luật cũng ghi nhận việc miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại tại Điều 88. Có thể thấy, việc miễn hình phạt đối với hai chủ thể của tội phạm được ghi nhận tại hai điều luật độc lập, với những căn cứ, điều kiện áp dụng khác nhau.
1. Quy định về miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại
BLHS năm 2015 với việc quy định chế định hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại tại Chương XI, theo đó, các hình phạt chính gồm: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và hình phạt bổ sung gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Cũng giống như một số quốc gia trên thế giới, quy định về hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được xây dựng dựa trên triết lý khắc phục và ngăn ngừa hậu quả cũng như phòng ngừa tội phạm mới[1]. Khi quyết định áp dụng hình phạt cụ thể, Tòa án phải căn cứ vào các quy định về điều kiện chung cũng như quy định về điều kiện cụ thể trong mỗi Điều luật quy định về hình phạt tương ứng.
BLHS năm 2015 quy định miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại Điều 88 có nội dung cụ thể như sau: “Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”.
Đây là điều luật mới, lần đầu tiên được ghi nhận tại BLHS năm 2015, được áp dụng đối với chủ thể mới của tội phạm là pháp nhân thương mại, cũng là lần đầu tiên được ghi nhân tại BLHS năm 2015; do vậy, thực tiễn áp dụng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần sớm được nghiên cứu để chỉnh sửa, hoàn thiện.
2. Một số hạn chế, bất cập
2.1. Về điều kiện để được miễn hình phạt
Theo quy định tại Điều 88 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại phạm tội để có thể được miễn hình phạt thì phải thỏa mãn điều kiện sau:
Thứ nhất, đã khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra;
Thứ hai, đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Điều kiện thứ nhất, đòi hỏi pháp nhân thương mại phải hoàn thành việc khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Để xác định được điều kiện này, cần phải xác định, làm rõ được hậu quả do hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại gây ra bao gồm những hậu quả gì.
Điều 76 BLHS năm 2015 quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh cụ thể, thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về môi trường, tội rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đối chiếu với điều kiện thứ nhất thì thấy, việc xác định hậu quả mà pháp nhân thương mại phạm tội gây ra với nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế dường như không gặp khó khăn, tuy nhiên, đối với tội phạm về môi trường việc xác định hậu quả là điều không dễ dàng. Bởi lẽ, các tội phạm về môi trường thường gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường như gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, gây hại đến đa dạng sinh học, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe của con người[2]
Vấn đề là những hậu quả này rất khó xác định chính xác và đầy đủ tại thời điểm xét xử mà hậu quả của tội phạm đó gây ra kéo dài. Vậy, điều luật quy định điều kiện thứ nhất để được miễn hình phạt là pháp nhân thương mại đã khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là thiệt hại được xác định tại thời điểm nào? Nếu theo ngữ nghĩa của cụm từ “toàn bộ” thì không chỉ bao gồm hậu quả được xác định ở thời điểm xét xử được.
Hai là, về điều kiện đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Cũng tương tự như điều kiện thứ nhất, để xác định toàn bộ thiệt hại mà pháp nhân thương mại phạm tội gây ra là điều không khả thi, vì tội phạm về môi trường không chỉ là những thiệt hại trước mắt để có thể đong, đo, đếm được một cách rõ ràng, chính xác bằng những con số cụ thể. Thiệt hại mà nhóm tội phạm về môi trường để lại còn mãi về sau, tức là sau thời điểm xét xử. Có thể lấy dẫn chứng về vụ việc việc của Formosa Hà Tĩnh đã gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng mà việc khắc phục thiệt hại cần rất nhiều thời gian. Do vậy, việc đặt ra điều kiện này là quá chung chung, không mang tính khả thi trong thực tiễn.
Để khắc phục hạn chế này, tác giả kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy định tại Điều 88 BLHS năm 2015 để bảo đảm việc áp dụng quy định này trong thực tiễn thống nhất và dễ dàng hơn.
Tác giả đề xuất nội dung hướng dẫn cần xác định hậu quả và thiệt hại do tội phạm mà pháp nhân thương mại phạm tội được tính đến thời điểm Tòa án xét xử vụ án thì cần có những dự liệu về hậu quả và thiệt hại cho giai đoạn sau trên cơ sở đánh giá, kết luận của cơ quan có chuyên môn, ví dụ như Bộ Tài nguyên và Môi trường,…
Nội dung này cũng cần được nghiên cứu, hoàn thiện để bổ sung vào BLHS năm 2015 trong lần sửa đổi tiếp theo.
2.2. Về sự tương thích với quy định miễn hình phạt của chủ thể tội phạm là cá nhân
Trong BLHS năm 1985, quy định miễn hình phạt được ghi nhận tại khoản 2 Điều 48 với nội dung cụ thể như sau: "Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ nói ở Điều 38, đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự." BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về cơ bản là giữ nguyên so với quy định tại BLHSnăm 1985.
BLHS năm 2015 quy định về miễn hình phạt tại Điều 59 như sau: "Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự."
Đây là quy định về miễn hình phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội, theo đó, điều kiện để được miễn hình phạt của cá nhân gồm: Thứ nhất, người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS và người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể và đáng được khoan hồng đặc biệt; thứ hai, người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt và thứ ba, người phạm tội chưa đến mức miễn TNHS.
Như vậy, điều kiện miễn hình phạt áp dụng đối với cá nhân được quy định khá cụ thể, rõ ràng, trong đó có điều kiện về nhân thân người phạm tội, các tình giảm nhẹ trách nhiệm hình sự,… của người phạm tội. Có thể thấy, căn cứ để xem xét việc miễn hình phạt đối với cá nhân có những điểm tương đồng với căn cứ quyết định hình phạt đối với họ, đó là, căn cứ vào quy định của BLHS năm 2015, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đối với hình phạt tiền, Tòa án còn căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội[3].
Tuy nhiên, đối với pháp nhân thương mại phạm tội, BLHS năm 2015 chỉ đặt ra hai điều kiện như vừa phân tích ở trên là chưa thực sự phù hợp và chưa thực sự tương thích với quy định về miễn hình phạt đối với chủ thể thực hiện tội phạm là cá nhân. Như vậy, chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật. Miễn hình phạt là việc Tòa án không buộc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt về tội mà người đó đã thực hiện. Cũng giống như miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt chỉ đặt ra cho những trường hợp nếu như việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) hay áp dụng hình phạt đối với họ là không cần thiết, không đạt được mục đích của hình phạt hoặc trái với nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam[4].
Để khắc phục hạn chế này, tác giả kiến nghị, khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 nhà làm luật cần nghiên cứu sửa đổi Điều 88 BLHS năm 2015 trên cơ sở bảo đảm tính tương thích về điều kiện miễn hình phạt đối với cá nhân và pháp nhân thương mại phạm tội. Điều kiện miễn hình phạt cũng cần được xây dựng dựa trên những yếu tố cơ bản của căn cứ quyết định hình phạt quy định tại Điều 83 BLHS năm 2015, theo đó, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được coi là yếu tố “nhân thân” của pháp nhân thương mại đó.
Kết luận
Miễn hình phạt là chế định quan trọng trong luật hình sự Việt Nam thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với chủ thể phạm tội, đồng thời qua đó nhằm động viên, khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội, chứng tỏ khả năng giáo dục, cải tạo nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng và giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, quy định về miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong thực tiễn.
Hậu quả của ô nhiễm do doanh nghiệp gây thường phức tạp, kéo dài - Ánh: MH
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Hình sự năm 1985.
2. Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
3. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
4. Hướng dẫn số 329-HS2 ngày 11/5/1967 của Tòa án nhân dân tối cao về đường lối xử tội hiếp dâm và các tội phạm khác về mặt tình dục.
5. Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng năm 1967.
6. Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản Xã hội chủ nghĩa năm 1970.
7. Pháp lệnh trừng trị các tội phạm xâm phạm tài sản của công dân năm 1970.
8. Thông tư số 03/BTP/TT năm 1976 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Sắc luật số 03 SL/76 ngày 15/03/1976 quy định về các tội phạm và hình phạt.
9. Nguyễn thị Hồng Hạnh, Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo pháp luật Hoa Kỳ và các gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(376)-tháng 12/2018.
10. Tìm hiểu tội phạm môi trường là gì và hậu quả nghiêm trọng của việc phạm pháp, https://memart.vn/tin-tuc/blog/tim-hieu-toi-pham-moi-truong-la-gi-va-hau-qua-nghiem-trong-cua-viec-pham-phap-vi-cb.html, truy cập ngày 02/3/2024.
11. GS.TSKH. Lê Văn Cảm, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, phần chung, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, năm 2021.
12. Lê Văn Sua, Điều kiện được miễn hình phạt theo quy định tại điều 59 Bộ luật hình sự năm 2015, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2190, truy cập ngày 11/3/2024.
[1] Nguyễn thị Hồng Hạnh, Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo pháp luật Hoa Kỳ và các gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(376)-tháng 12/2018, tr.1.
[2] Tìm hiểu tội phạm môi trường là gì và hậu quả nghiêm trọng của việc phạm pháp, https://memart.vn/tin-tuc/blog/tim-hieu-toi-pham-moi-truong-la-gi-va-hau-qua-nghiem-trong-cua-viec-pham-phap-vi-cb.html, truy cập ngày 02/3/2024.
[3] Điều 50 BLHS năm 2015.
[4] Lê Văn Sua, Điều kiện được miễn hình phạt theo quy định tại điều 59 Bộ luật hình sự năm 2015, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2190, truy cập ngày 11/3/2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận