Quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự - Góc nhìn từ một vụ án

Bài viết sau đây phân tích quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự dưới góc nhìn từ một vụ án cụ thể.

1. Quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự - thay đổi của pháp luật theo hướng hạn chế chủ thể có quyền khởi kiện

Quyền con người nói chung, quyền khởi kiện nói riêng là một trong những quyền cơ bản của con người đã được quy định trong các văn kiện pháp lý quốc tế như Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về quyền con người năm 1946, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Ở nước ta, quyền khởi kiện của đương sự cũng là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời được thể chế hóa cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể khái niệm khởi kiện vụ án dân sự. Theo đó, các cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 186 BLTTDS năm 2015).

Như vậy, thông qua các quy định của pháp luật có thể hiểu khởi kiện vụ án dân sự là hành vi của các cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền, tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đưa vấn đề có tranh chấp ra trước Tòa án có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định nhằm yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.[1]

Về quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự (THADS), khoản 13 Điều 26 BLTTDS năm 2015 quy định “Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.

Liên quan đến chủ thể có quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản trong THADS, Luật THADS đã có sửa đổi, bổ sung theo hướng hạn chế chủ thể có quyền khởi kiện. Theo khoản 1 Điều 102 Luật THADS năm 2008, “Đương sự, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản”. Đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án (khoản 1 Điều 3). Theo khoản 2 Điều 102 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 (có hiệu lực từ 01/7/2015), “Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản”.

Như vậy, đối tượng được quyền khởi kiện tranh chấp về kết quả bán đấu giá của Luật THADS năm 2008 rộng hơn nhiều so với luật hiện hành[2]. Vậy tại sao lại có sự sửa đổi không cho đương sự trong thi hành án, trong đó có chủ sở hữu tài sản, người phải thi hành án được quyền khởi kiện về việc bán tài sản của họ. Qua nghiên cứu thấy rằng, Tờ trình và Thuyết minh dự án Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 không đề cập đến nội dung này. Tuy nhiên, có một số giải thích cho việc sửa đổi nêu trên, như “… bên cạnh việc giữ nguyên quyền của Chấp hành viên, Luật đã thay đổi quyền của đương sự trong việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, hạn chế tình trạng lợi dụng để kéo dài việc thi hành án bằng quy định mới chỉ dành quyền này cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản”[3], hay “… người phải thi hành án là người có tài sản bị cưỡng chế kê biên để thi hành án nên đã bị mất quyền là người có tài sản bán đấu giá, mất quyền là bên bán trong giao dịch bán đấu giá tài sản thi hành án. Do đó, người phải thi hành án không có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án… Người phải thi hành án dân sự nếu có căn cứ xác định Chấp hành viên vi phạm quy trình thi hành án dân sự trong việc tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án không có quyền khởi kiện hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án nhưng có quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án theo quy định tại Điều 140 và Điều 154 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Người bị thiệt hại do quyết định thi hành án, hành vi thi hành án vi phạm pháp luật được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.[4]

2. Quan điểm khác nhau từ một vụ án cụ thể

2.1. Vụ án “Tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản” giữa nguyên đơn là ông Lưu Hồng T, bị đơn là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố H.[5]

Ông Lưu Hồng T là chủ sở hữu nhà và đất tại địa chỉ số 195/23 (số cũ là 241/3) ĐBP, phường T, quận B, thành phố H theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 114117 do UBND quận B cấp ngày 31/12/2004 và Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất số 611/HĐ-TCQSDĐ ngày 04/5/2006 do Phòng Công chứng chứng nhận. Căn nhà trên là tài sản bảo đảm, được bán để thi hành án theo Quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản số 72/QĐ-CCTHA ngày 13/6/2012 của Chi cục THADS quận B và đã được đưa ra bán đấu giá tài sản theo Hợp đồng số 211 ngày 01/8/2013 và Hợp đồng sửa đổi, bổ sung lần 8 ngày 05/3/2015 giữa Chi cục THADS quận B và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố H.

Ngày 04/6/2015, ông T khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thực hiện ngày 16/4/2015, với kết quả người mua trúng đấu giá là ông Nguyễn Thanh T với giá bằng giá khởi điểm là 13.950.000.000 đồng. Lý do yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá là theo kết quả định giá của Công ty định giá Q thì giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là 20.278.000.000 đồng, sau 08 lần hạ giá, chỉ bán được giá khởi điểm lần 8 là 13.950.000.000 đồng; cuộc đấu giá chỉ còn một người tham gia đấu giá là ông Nguyễn Thanh T, điều này không đúng với quy định về việc đấu giá tài sản bắt buộc phải có 02 người trở lên tham gia. Ông Lưu Hồng T cho rằng quy trình đấu giá như vậy là không hợp lệ và không khách quan, tốc độ giảm giá quá nhanh nên yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá nêu trên, nên khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản. Ngày 29/6/2015, Tòa án nhân dân (TAND) quận T, thành phố H thụ lý vụ án và giải quyết vụ án.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 585/2017/DSST ngày 12/12/2017, TAND quận T, thành phố H quyết định:

“Bác yêu cầu của nguyên đơn - ông Lưu Hồng T về việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản ngày 16/4/2015 do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố H thực hiện đối với tài sản bán đấu giá là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số địa chỉ số 195/23 (số cũ là 241/3) ĐBP, phường T, quận B, thành phố H”.

Ngày 02/11/2017, ông Lưu Hồng T kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm.

Ngày 26/12/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận T ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNPT-VKS-DS, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 691/2018/DSPT ngày 19/7/2018, TAND thành phố H quyết định:

“1. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 585/2017/DSST ngày 12/12/2017 của Tòa án nhân dân quận T.

1.1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lưu Hồng T.

1.2. Hủy kết quả bán đấu giá tài sản ngày 16/4/2015 do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố H thực hiện ...

1.3. Hủy Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 59/HĐ-MB lập ngày 16/4/2015 được Phòng Công chứng chứng nhận...”

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 222/2019/KN-DS ngày 20/5/2019, Chánh án TAND cấp cao kháng nghị đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 691/2018/DSPT ngày 19/7/2018 nêu trên.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 155/2019/DS-GĐT ngày 03/7/2019, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao quyết định chấp nhận toàn bộ Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 222/2019/KN-DS ngày 20/5/2019; hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 691/2018/DSPT ngày 19/7/2018, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 585/2017/DSST ngày 12/12/2017 và đình chỉ giải quyết vụ án.

Ngày 29/10/2019, ông Lưu Hồng T có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 02/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 20/01/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị đối với Quyết định giám đốc thẩm số 155/2019/DS-GĐT ngày 03/7/2019; đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Quyết định giám đốc thẩm nêu trên, giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 691/2018/DSPT ngày 19/7/2018.

2.2. Do có thay đổi pháp luật (tại thời điểm thụ lý và xét xử vụ án) về chủ thể có quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản trong THADS như đã phân tích lại mục 1, nên các cấp Tòa án có quan điểm khác nhau về quyền khởi kiện của ông Lưu Hồng T yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thực hiện ngày 16/4/2015:

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng ông T có quyền khởi kiện hủy kết quả bán đấu giá tài sản ngày 16/4/2015, vì ông T khởi kiện ngày 04/6/2015, TAND quận T đã thụ lý vụ án ngày 29/6/2015 là đúng quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật THADS năm 2008 đang có hiệu lực. Theo đó, ông T là người phải thi hành án – tức là đương sự, nên có quyền khởi kiện.

Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao cho rằng mặc dù thời điểm ông T khởi kiện và Tòa án thụ lý là đúng quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật THADS năm 2008. Tuy nhiên, tại thời điểm xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2015); theo quy định của Luật này, ông T là người phải thi hành án không có quyền khởi kiện. Vì vậy, phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm a khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 (thuộc trường hợp “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện).

Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị đơn giám đốc thẩm của ông T tại TAND tối cao, cũng có hai quan điểm khác nhau liên quan đến quyền khởi kiện của ông T:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, quyền khởi kiện là quyền dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015[6], đây không phải là quyền tố tụng. Tại thời điểm ông T khởi kiện, Tòa án sơ thẩm thụ lý, Luật THADS năm 2008 đang có hiệu lực thi hành, quy định ông T có quyền khởi kiện. Vì vậy, Tòa án thụ lý, giải quyết là đúng, mặc dù có thay đổi pháp luật về quyền khởi kiện tại thời điểm xét xử như đã nêu tại mục 1.

Quan điểm thứ hai cho rằng, quyền khởi kiện được quy định tại Điều 186 BLTTDS năm 2015, đây là quyền tố tụng nên phải áp dụng pháp luật tố tụng tại thời điểm xét xử. Trong vụ việc này, mặc dù ông T khởi kiện và Tòa án thụ lý theo Luật THADS năm 2008, nhưng tại thời điểm xét xử, Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã có hiệu lực, vì vậy phải áp dụng Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014, tức là ông T không có quyền khởi kiện, Tòa án đã thụ lý, giải quyết thì phải hủy bản án và đình chỉ giải quyết vụ án (giống quan điểm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao).

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 35/2020/DS-GĐT ngày 14/7/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã nhận định: Ông Lưu Hồng T là người phải thi hành án, có tài sản là nhà đất tại địa chỉ số 195/23, theo Quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản số 72/QĐ-CCTHA ngày 13/6/2012 của Chi cục THADS quận B, thành phố H, nên là đương sự theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 3 Luật THADS năm 2008.

Khoản 1 Điều 102 Luật THADS năm 2008 quy định: “Đương sự, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản”. Việc bán đấu giá tài sản diễn ra vào ngày 16/4/2015. Ngày 04/6/2015, ông Lưu Hồng T khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản. Ngày 29/6/2015, TAND quận T, thành phố H thụ lý vụ án và giải quyết vụ án là đúng quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật THADS năm 2008 nêu trên và khoản 13 Điều 26 BLTTDS năm 2015. 

Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao căn cứ khoản 2 Điều 102 Luật THADS năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015) để cho rằng ông T không có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản, chỉ có quyền khiếu nại theo Điều 140 Luật THADS, từ đó hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng với các quy định nêu trên.

3. Một số lưu ý có liên quan

Thứ nhất, cần phân biệt giao dịch bán đấu giá tài sản thông thường với bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án

- Bán đấu giá tài sản thông thường:

Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ có quy định một điều về bán đấu giá tài sản nhưng, nằm trong Mục “Hợp đồng mua bán tài sản” là Điều 451 với nội dung:

“Tài sản có thể được đem bán đấu giá theo ý chí của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Tài sản thuộc sở hữu chung đem bán đấu giá phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu chung, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Việc bán đấu giá tài sản phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia và được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản”.

Sở dĩ trong BLDS năm 2015 chỉ còn quy định tại một điều có tính nguyên tắc, dẫn chiếu đến pháp luật về đấu giá tài sản vì theo chương trình xây dựng pháp luật thì Luật Đấu giá tài sản sẽ được thông qua ngay sau BLDS năm 2015. Luật Đấu giá tài sản đầu tiên là Luật Đấu giá tài sản năm 2016, có hiệu lực từ 01/7/2017 (trước Luật Đấu giá tài sản là BLDS năm 2005 và Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 14/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản).

Như vậy, bán đấu giá tài sản thông thường cũng là một loại hợp đồng mua bán tài sản, nên tranh chấp về bán đấu giá tài sản thông thường là loại “Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự” quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS năm 2015.

- Bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về THADS:

Cần phải hiểu quy định tại khoản 13 Điều 26 BLTTDS năm 2015 bao gồm hai loại tranh chấp là: (i) tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; (ii) tranh chấp về thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Việc bán đấu giá tài sản để thi hành án là khác với bán đấu giá thông thường, tranh chấp về kết quả bán đấu giá theo quy định của pháp luật về THADS là tranh chấp quy định tại khoản 13 Điều 26, khác với tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản thông thường quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS.[7]

Thứ hai, quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 vẫn được áp dụng sau khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành

Có quan điểm cho rằng quy định chỉ có Chấp hành viên và Người mua được tài sản bán đấu giá được quyền khởi kiện chỉ có hiệu lực đến thời điểm Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành (01/7/2017) vì Luật Đấu giá tài sản không quy định hạn chế chủ thể khởi kiện như Luật THADS. Tuy nhiên, quan điểm này là không đúng. Luật Đấu giá tài sản có phạm vi điều chỉnh cả việc bán đấu giá tài sản thi hành án, nhưng không có quy định riêng về chủ thể có quyền khởi kiện trong trường hợp bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án. Chỉ trong trường hợp luật quy định về cùng một vấn đề thì mới áp dụng quy định của luật ban hành sau (khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Do đó, quy định tại Điều 102 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành đồng thời với Luật Đấu giá tài sản. Khi xem xét việc bán đấu giá tài sản bị cưỡng chế thi hành án có đúng quy định của pháp luật không thì vẫn phải áp dụng Luật Đấu giá tài sản nhưng về quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá này thì vẫn phải áp dụng Điều 102 Luật THADS hiện hành[8].

Thứ ba, quyền khởi kiện là quyền dân sự thuộc pháp luật nội dung

Theo quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Quyết định giám đốc thẩm số 35/2020/DS-GĐT ngày 14/7/2020, có thể hiểu quyền khởi kiện là quyền dân sự thuộc pháp luật nội dung. Việc xác định một chủ thể có quyền khởi kiện hay không phải căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nội dung quy định về quyền khởi kiện có hiệu lực tại thời điểm khởi kiện (tất nhiên trình tự, thủ tục khởi kiện và việc giải quyết vẫn phải theo quy định của pháp luật tố tụng).

 4. Vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu

Như đã phân tích ở mục 1, chủ thể có quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản trong THADS đã bị hạn chế theo pháp luật hiện hành (khoản 2 Điều 102 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014), theo đó, chủ sở hữu tài sản bị thi hành án (người phải thi hành án) không có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu thêm quy định này cho phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ quyền sở hữu. Cụ thể, Điều 11: Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này; khoản 1 Điều 14: Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài; khoản 2 Điều 164: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Mặc dù người phải thi hành án có tài sản bị cưỡng chế kê biên bị hạn chế quyền của chủ sở hữu như quan điểm nêu tại mục 1, nhưng về mặt pháp lý thì họ vẫn là chủ sở hữu tài sản và như vậy, họ có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền sở hữu của mình theo các quy định nêu trên nếu việc bán đấu giá để thi hành án có vi phạm./.

 

 

[1] Đoàn Thị Ngọc Hải, Quyền khởi kiện của đương sự trong tố tụng dân sự, https://lsvn.vn/quyen-khoi-kien-cua-duong-su-trong-to-tung-dan-su.html, truy cập ngày 15/12/2021.

[2] Chu Xuân Minh, Giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản để thi hành án, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/giai-quyet-tranh-chap-ve-ket-qua-ban-dau-gia-tai-san-de-thi-hanh-an, truy cập ngày 15/12/2021.

[3] Bộ Tư pháp, Tài liệu phục vụ Hội nghị quán triệt Luật THADS và sơ kết công tác THADS 6 tháng đầu năm 2015, tr. 35.

[4] Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá của người phải thi hành án dân sự, https://vksndtc.gov.vn/hoidap/Pages/hoi-dap.aspx?ItemID=283, truy cập ngày 15/12/2021.

[5] Quyết định giám đốc thẩm số 35/2020/DS-GĐT ngày 14/7/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[6] Điều 11, Điều 14, khoản 2 Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[7] Chu Xuân Minh, tlđd.

[8] Chu Xuân Minh, tlđd.

THS. NCS. TẠ ĐÌNH TUYÊN