Luận bàn về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với người đứng đầu thời nhà Nguyễn

Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Để bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, nhà Nguyễn có những cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với người đứng đầu.

1. Đặt vấn đề

Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Triều đại này cầm quyền trong bối cảnh biến động phức tạp của lịch sử, chịu sự tác động của nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Lãnh thổ mở rộng bậc nhất, tình trạng cát cứ mới chấm dứt, lòng người ly tán, nhân tâm biến động… Đó là những thách thức mà nhà Nguyễn phải đối mặt ở giai đoạn Nguyễn sơ. Nhu cầu hoàn thiện bộ máy nhà nước nhằm củng cố vương quyền trở nên cấp bách, trong đó, kiểm soát quyền lực nhà nước là yếu tố sống còn để củng cố quyền lực, thiết lập trật tự xã hội và phát triển quốc gia - một nước Đại Việt đã không chỉ còn giới hạn địa lý ở khu vực Đàng Ngoài và vừa trải qua hơn 200 năm nội chiến phân liệt.

Tuy nhiên, nếu kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các nhà nước hiện đại được bắt đầu bằng yếu tố phân quyền (quyền lực nhà nước được chia làm ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp) thì ở nhà nước phong kiến nói chung, triều Nguyễn nói riêng, mọi quyền lực nhà nước đều do vị chủ tể của quốc gia nắm giữ. Vì vậy, tính chất của kiểm soát quyền lực nhà nước thời kì này không xuất phát từ quan điểm phân chia quyền lực nhà nước mà xuất phát từ bản chất và cơ chế thực thi quyền lực của một nhà nước quân chủ chuyên chế. Trong đó, không thể thiếu việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu - là các vị hoàng đế nắm trong tay cả vương quyền và thần quyền.

2. Cơ sở hình thành

Sự hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với người đứng đầu không phải là mới mẻ ở thời nhà Nguyễn. Là một chế độ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, nhà Nguyễn tiếp nối nhà Hậu Lê đã đẩy Nho giáo lên đến đỉnh cao tuyệt đối như một học thuyết chính trị - pháp lý độc tôn ngự trị trong đường lối cai trị. Vì vậy, không khó lý giải khi quyền lực của vị quân vương cũng phần nào bị giới hạn bởi chính nội dung của Nho giáo.

Trước hết, Nho giáo đề cao chữ Đức, đặc biệt cái Đức của người đứng đầu. Học thuyết này đòi hỏi người làm vua phải có lòng nhân, phải thương yêu thần dân của mình: quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung”. Người quân tử mà đại diện cao nhất chính là vị quân vương phải biết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Như vậy, uy quyền mà vua có được là để ổn định đời sống người dân, mang lại điều yên ổn cho dân, đối xử với dân bằng tình nhân ái. Chính tư tưởng này của Nho giáo là yếu tố tác động tới quá trình nắm giữ và thực thi quyền lực tối cao của các vị vua, trong đó có các vị vua triều Nguyễn. Quyền lực tưởng như tuyệt đối nhưng thực tế bị giới hạn bởi học thuyết cai trị mà Nho giáo đề ra. Nó buộc các vị vua phải cân nhắc đến quyền lợi của người dân, uy tín của cá nhân trước khi đưa ra một quyết sách.

Bên cạnh đó, khác với mô hình nhà nước phong kiến tập quyền Trung Hoa - mẫu hình của các nhà nước phong kiến Việt Nam, Đại Việt vốn là một nước nhỏ. Sự hình thành nhà nước phong kiến từ nền tảng 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Sự phát triển của nhà nước phong kiến trải qua tiếp 1000 năm, vẫn đối mặt với hiểm họa xâm lược từ phương Bắc. Các triều đại có thể hình thành, tồn tại, đạt đến đỉnh cao là nhờ sự ủng hộ của người dân. Lịch sử chứng minh, bất cứ nhà cầm quyền nào không được lòng dân, chính quyền đó đều thất bại[1]. Đó là bài học kinh nghiệm mà có lẽ đến thời Nguyễn, các vị vua đã lĩnh hội đầy đủ, để phải cân nhắc yếu tố thuận lòng dân khi nắm giữ và thực thi vương quyền. Các vị vua Nguyễn đã từng cho tồn tại trống đăng văn tại Tam Pháp ty để người dân có thể tự đánh trống kêu oan[2]. Đây là một trong những biểu hiện sinh động và trực tiếp của việc những vị vua uy quyền ngự tại kinh đô đã rất coi trọng lợi ích và tiếng nói của người dân.

3. Cơ chế thực hiện

Cơ chế tự kiểm soát

Vua trong nhà nước quân chủ chuyên chế phương Đông luôn là biểu tượng của quyền lực tuyệt đối. Triết lý của vương quyền là vua thực thi quyền lực trên cơ sở Thiên mệnh. Đối với nhà nước phong kiến Việt Nam, vua thâu tóm cả thế quyền và thần quyền. Đến thời nhà Nguyễn, tính tập quyền của một nền quân chủ chuyên chế đã tồn tại gần 10 thế kỉ được đẩy đến đỉnh cao. Hoàng đế nhà Nguyễn luôn đặt mục tiêu nắm trọn vương quyền. Tuy vậy, ở một khía cạnh khác, các vị hoàng đế cũng tự kiểm soát quyền lực của mình như một phương cách khẳng định tài năng, uy tín, tham vọng dẫn dắt quốc gia.

Như trên đã đề cập, cơ chế tự kiểm soát của các vị vua trong nhà nước phong kiến Việt Nam nói chung, trong vương triều nhà Nguyễn nói riêng trước hết đến từ đạo đức của người quân tử theo thuyết Nho giáo. Các vị vua Nguyễn được đào tạo theo Nho học, thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, coi trọng thuyết Thiên mệnh, từ đó cũng coi trọng trách nhiệm của người đứng đầu và sự ấm no của người dân. Những thời điểm loạn lạc, mất mùa, thiên tai, các vị vua Nguyễn đều thể hiện sự lo nghĩ cho dân. Tháng 6/1833, vua Minh Mạng ban dụ tự trách “Thực bởi ta đây đức bạc lỗi nhiều, chưa hay cảm cách đến trời, để thu lấy hòa khí, đến nỗi dân ta mắc nhiều tai vạ và thiếu thốn. Ta tự xét mình, sợ hãi xiết bao. Càng nghĩ phải sửa đức hay, ngăn tai biến, để xoay lại ý trời, làm chính sự tốt, ra ơn huệ nhiều[3]. Vua cho rằng những sự việc như hạn hán, giặc dã là do bản thân mình chưa đủ đức đủ tài để thấu đến trời đất, tự nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu, cha mẹ của dân. Thuyết tu thân của Nho giáo đã tác động sâu sắc tới tư tưởng của các vị quân vương. Do vậy, mặc dù đứng đầu thiên hạ, nắm giữ cả vương quyền và thần quyền nhưng việc sử dụng quyền lực đó thực ra không tuyệt đối. Tự vua đã giới hạn quyền lực của mình bằng quan niệm về trách nhiệm của một Thiên tử.

Bên cạnh đó, nhà Nguyễn kế thừa tư tưởng thân dân của các triều đại phong kiến trước đó. Mặc dù trong từng giai đoạn lịch sử, vị trí quyền lực tối cao của nhà nước có thể nằm trong tay minh quân hay bạo chúa nhưng về cơ bản, các vị vua trong 10 triều đại phong kiến Việt Nam đều đề cao tư tưởng thân dân. Vì vậy, từ vua Gia Long đến vua Tự Đức đã kế thừa quan điểm của các bậc tiền nhân là đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Với quan điểm như vậy, quyền lực họ nắm trong tay phải phục vụ cho dân chứ không thể ưu tiên phục vụ lợi ích cá nhân. Luôn được coi là vị vua có tham vọng bậc nhấc trong việc thâu tóm quyền lực nhưng bản thân vua Minh Mạng cũng rất coi trọng quan điểm thân dân. Vì thế, Minh Mạng chính yếu có quyển 6 Ái dân và quyển 7 Thương dân, trong đó thể hiện tâm tư, sự suy xét hết mình vì dân, yêu cầu toàn bộ quan lại trong bộ máy nhà nước phải dốc sức đảm bảo đời sống của dân thường.

Ví dụ như năm Minh Mệnh thứ hai, tại trấn Thanh Ba và Ninh Bình, gió lớn mưa to, các nơi hành cung và quan xá phần nhiều bị đổ nát, các quan Trấn thần xin bắt dân sửa chữa. Vua dụ rằng “Dân nầy bị tai biến nhiều, còn phải vỗ về, thương xót chưa đủ, há lại bắt buộc phải phục dịch khó nhọc ư”. Sau đó vua bèn khiến thuê thợ làm”[4]. Hay như năm Minh Mệnh thứ năm, mấy năm liền dân Nghệ An đói kém, lâm cảnh điêu linh, vua truyền cho các địa phương phát chẩn. Quan khâm phái Vũ Xuân Cẩn từ Nghệ An về phục mạng, tự xin chịu tội Vi chế vì phát ít cho kẻ thân thể tráng kiện, phát nhiều cho trẻ nhỏ xanh xao yếu đuối trong khi lệnh vua cấp cho người lớn 1 quan tiền, sáu bát gạo, trẻ nhỏ được cấp một nửa. Vua phán: Nếu lợi cho dân, mà tự chuyên là việc nên làm vậy, không có tội gì”[5]. Tư tưởng thân dân, vì dân tự trở thành một phương tiện kiểm soát, hạn chế quyền lực của vua, hướng các vị vua triều Nguyễn sử dụng quyền lực ấy mưu lợi cho dân.

Kiểm soát từ quan lại, người dân

Mặc dù là triều đại đi theo hướng tuyệt đối hóa quyền lực người đứng đầu trong nền quân chủ chuyên chế nhưng nhà Nguyễn cũng nhận thức được cần có cơ chế hạn chế được nhược điểm khi một người ở trên đỉnh cao quyền lực. Định chế công đồng và chế độ đình nghị là sự dung hòa cho tính cực đoan của chính thể quân chủ chuyên chế, có thể coi như đó là phương thức điều tiết quyền lực hiệu quả khi nhà Nguyễn cầm quyền.

Dưới thời vua Gia Long, Hội đồng đình thần gồm các quan đại thần có hàm nhất phẩm và nhị phẩm phải nghị bàn chính sự vào 4 ngày hàng tháng (ngày 2, 9, 16 và 24). Theo sắc dụ của vua, phàm trong chức trách của các nha môn có việc gì khó giải quyết, đều phải họp công đồng để chỉnh lý”[6]. Sau này, Hội đồng đình thần còn bổ sung thêm thẩm quyền phúc thẩm các bản án đã tuyên bị đương sự kháng cáo tại các địa phương[7].  

Đến thời vua Minh Mạng, Hội đồng đình thần được cải tổ sang chế độ đình nghị - được hoàn thiện để trở thành cơ quan công nghị, đóng góp vai trò tích cực trong việc thực thi hiệu quả quyền lực nhà nước. Với quy định có việc gì quan yếu tất giao xuống đình nghị”, những công việc quan trọng của quốc gia đều có thể được bàn bạc công khai, tránh việc vua quá thiên về ý kiến cá nhân. Thành phần Hội đồng này mở rộng hơn, thêm ba trật mới (chánh tam phẩm, tòng tam phẩm, chánh tứ phẩm) cùng với các quan viên thành, dinh, trấn trong thời gian về kinh triều kiến cũng được tham dự kì đình nghị. Hội đồng đình thần trở thành một “chính phủ mở rộng”[8].

Mặc dù là người có quyền quyết định tối cao và cuối cùng đối với mọi vấn đề đại sự quốc gia nhưng vua vẫn cho phép quan lại được quyền “can thiệp” vào quyết định của mình ở mức độ nhất định. Năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), vua ra chỉ dụ: Đối với tấu sớ của các địa phương, dù vua đã châu phê nhưng việc thuộc về bộ nào hoặc nha môn nào đều nên kiểm duyệt kĩ càng, mười phần đích xác thoả đáng, chiếu lệ thi hành. Nếu có chỗ không hợp, hãy lập tức tâu lại, xin ý chỉ”.[9] Cách thức làm việc này tránh được những sai lầm có thể xảy ra trong quá trình vua thực thi quyền lực tối cao.

Tóm lại, có thể nhận diện bản chất việc thực thi quyền lực của vua trong mối quan hệ với hệ thống quan lại như sau: “Vua có quyền tối thượng nhưng quyền hành pháp bị giới hạn bởi các quyền thanh tra, giám sát của các quan chức ở Ngự sử đài, Đô sát viện. Bề tôi là chấp hành, nhưng ý kiến của triều thần trong các hội đồng tư vấn và Triều đình vẫn có tiếng nói chi phối chính kiến nhà vua. Một số trọng thần có nhiệm vụ đặc biệt vẫn hưởng được quyền “tiền trảm hậu tấu” .[10]

4. Kết luận

Từ một vài luận bàn về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với người đứng đầu thời nhà Nguyễn, có thể rút ra một số yếu tố mang tính quy luật trong thực thi quyền lực nhà nước.

Thứ nhất, bất kể là nhà nước theo mô hình tổ chức nào, kiểm soát quyền lực nhà nước luôn là nhu cầu khách quan. Bởi tính chất đặc biệt, bao trùm của quyền lực nhà nước, khó nhà nước nào có thể tồn tại nếu không hình thành cơ chế chế ước quyền lực.

Thứ hai, luôn tồn tại mối liên hệ chặt chẽ giữa tính thân dân của một nhà nước với yếu tố kiểm soát quyền lực nhà nước. Tuy nhà nước là một tổ chức đặc biệt, đã có những giai đoạn lịch sử dường như tách ra khỏi xã hội nhưng bản chất xã hội của nhà nước luôn tồn tại. Cùng với đó là cơ chế kiểm soát quyền lực để bảo đảm tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hướng đến nhu cầu của xã hội và người dân.

Cuối cùng, kiểm soát, chế ước quyền lực nhà nước chỉ có thể được thực hiện hiệu quả khi chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước tự nhận thức được bản chất, vai trò, vị trí của nhà nước trong xã hội và trong các mối quan hệ. Đây cũng là đòi hỏi đặt ra với nhà nước - cho dù ở kiểu nhà nước nào, với thể chế chính trị nào.

 

[1] Thế kỉ XV, Nhà Hồ thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh vì không tập hợp được sức dân; thế kỉ XVI, nhà Mạc không thể duy trì được quyền lực sau khi lật đổ nhà Lê do không được người dân Đàng Ngoài ủng hộ.

[2] Xem: Ngô Đức Lập, Trống Đăng văn - Biểu tượng dân chủ của triều Nguyễn và vấn đề phát huy giá trị trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Huế xưa và nay, số 120/2013, tr.84-90.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, 2006, tập 3, tr.847.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nxb. Thuận Hóa, 2010, tr.224.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nxb. Thuận Hóa, 2010, tr.236-237.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 3,  Nxb. Giáo dục, 2006, tr.561.

[7] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tập 2, tr.310-311

[8] Phạm Đức Anh, Mô hình tổ chức nhà nước ở Việt Nam thế kỉ X - XIX, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2023, tr.204.

[9] Hội điển, tập 2, tr.393.

[10] Đỗ Bang, Khảo cứu kinh tế và tổ chức bộ máy nhà nước thời Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, 1998, tr.96.

ThS. NHÂM THUÝ LAN (Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia)

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nxb. Thuận Hóa, 2010.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 3,  Nxb. Giáo dục, 2006.

3. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tập 2.

4. Phạm Đức Anh, Mô hình tổ chức nhà nước ở Việt Nam thế kỉ X - XIX, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2023.

5. Đỗ Bang, Khảo cứu kinh tế và tổ chức bộ máy nhà nước thời Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, 1998.

6. Ngô Đức Lập, Trống Đăng văn - Biểu tượng dân chủ của triều Nguyễn và vấn đề phát huy giá trị trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Huế xưa và nay, số 120/2013, tr.84-90.

 

Vị trí Tam pháp ty thời Nguyễn - Ảnh: Thái Vũ