Thẩm quyền ra quyết định phục hồi vụ án hình sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Trong phạm vi bài viết, tác giả bàn về thẩm quyền ra quyết định phục hồi vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và những vướng mắc khi áp dụng quy định này trong thực tế.

Phục hồi vụ án hình sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm là quy định mới bổ sung của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) so với BLTTHS năm 2013, là trường hợp Tòa án quyết định tiếp tục việc giải quyết vụ án mà trước đó đã bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm.

1.Quy định của luật

Điều 283 BLTTHS năm 2015 quy định về phục hồi vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm như sau:

“1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định phục hồi vụ án.

Trường hợp Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án không thể thực hiện được thì Chánh án ra quyết định phục hồi vụ án.

2. Trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ đối với từng bị can, bị cáo thì ra quyết định phục hồi vụ án đối với từng bị can, bị cáo.

3. Quyết định phục hồi vụ án phải ghi rõ lý do phục hồi vụ án và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

4. Khi phục hồi vụ án, Tòa án có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này.

Trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi vụ án không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử”.

Theo quy định của điều luật, được coi là có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ: Bị can, bị cáo bị tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo được tạm đình chỉ vụ án nay đã khỏi bệnh; đã có kết quả trưng cầu giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp đối với vụ án hoặc đã bắt được bị can, bị cáo bỏ trốn theo lệnh truy nã; đã có kết quả xử lý văn bản pháp luật theo kiến nghị của Tòa án.

 Được coi là có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ: Vụ án được đình chỉ theo yêu cầu của người bị hại quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS nhưng sau đó phát hiện căn cứ cho rằng người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức; Vụ án được đình chỉ khi có một trong các căn cứ sau đây nhưng xuất hiện lý do để hủy quyết định đình chỉ vụ án: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Đối với vụ án có nhiều bị can, bị cáo cùng được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ nhưng chỉ có lý do hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ đối với một hoặc một số bị can, bị cáo thì ra quyết định phục hồi vụ án đối với từng bị can, bị cáo.

Người có thẩm quyền ra quyết định phục hồi vụ án là Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án. Trường hợp Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án không thể thực hiện được thì Chánh án ra quyết định phục hồi vụ án. Đó là trường hợp Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án hết nhiệm kỳ thẩm phán mà không được tái nhiệm, chuyển công tác, nghỉ hưu, ốm đau hoặc lý do khác mà không còn thẩm quyền hoặc không thể ra quyết định phục hồi vụ án.

Quyết định phục hồi vụ án phải ghi rõ lý do phục hồi vụ án và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của BLTTHS năm 2015. Nội dung phục hồi vụ án bao gồm: Số, ngày, tháng, năm, địa điểm, ban hành quyết định đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án; Căn cứ ban hành quyết định phục hồi vụ án; Lý do phục hồi vụ án; Họ, tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành Quyết định phục hồi vụ án và đóng dấu.

Khi phục hồi vụ án, Tòa án có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của BLTTHS. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn (bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh); các biện pháp cưỡng chế (Áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản). Chánh án, Phó Chánh án có quyền quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, trường hợp có căn cứ quy định tại Điều 119 BLTTHS năm 2015 và xét thấy cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi vụ án không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử.

2.Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng

Qua nghiên cứu nội dung điều luật thấy có một số vướng mắc khi áp dụng quy định phục hồi vụ án, cụ thể:

Thứ nhất, trường hợp quyết định đình chỉ vụ án không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật: Theo quy định của khoản 1 Điều 283 BLTTHS năm 2015, khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án, Thẩm phán đã ra quyết định đình chỉ ra quyết định phục hồi vụ án. Tuy nhiên, quy định như vậy sẽ mâu thuẫn với các quy định tại Phần thứ 6 của BLTTHS năm 2015: “Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật”; đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, việc xem xét lại phải thông qua thủ tục giám đốc thẩm (Điều 370 BLTTHS năm 2015) hoặc tái thẩm (Điều 397 BLTTHS năm 2015). Như vậy, quy định tại khoản 1 Điều 283 BLTTHS gây khó khăn trong áp dụng pháp luật, xác định thẩm quyền trong trường hợp phải xem xét lại quyết định đình chỉ vụ án.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 2 Điều 330 BLTTHS năm 2015 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị: “Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án… và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này”. Trường hợp quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án đã bị kháng cáo, kháng nghị, nếu Thẩm phán đã ra một trong các quyết định này nhận thấy có lý do để hủy bỏ thì cũng không có thẩm quyền quyết định phục hồi vụ án. Bởi thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị là của Tòa án cấp trên theo quy định tại Điều 344 BLTTHS năm 2015. Trong trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án sơ thẩm thì Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án cũng không được tham gia giải quyết lại vụ án đó.

Thứ ba, sau khi phục hồi vụ án ai sẽ là người tiếp tục giải quyết vụ án, Thẩm phán đã ban hành quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án hay phải là Thẩm phán khác. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 BLTTHS năm 2015 thì Thẩm phán phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi trong trường hợp: “Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm trong vụ án đó”. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu có căn cứ hủy bỏ quyết định đình chỉ để phục hồi vụ án thì Thẩm phán đã ra quyết định đình chỉ vụ án không được tiếp tục giải quyết vụ án đó.

3.Đề xuất, kiến nghị

Để áp dụng thống nhất quy định về phục hồi vụ án giai đoạn xét xử sơ thẩm, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền phục hồi, giải quyết vụ án tạm đình chỉ, vụ án đình chỉ hoặc sữa đổi, bổ sung như sau:

  Sửa đổi quy định khoản 1 Điều 283 BLHS năm 2015: 

 “1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định phục hồi vụ án.

 

TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử  vụ án giết người - Ảnh: CH/ Báo ST

Ths LÊ ĐÌNH NGHĨA ( Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)