Thành phố Thuận An & Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nam
Thuận An (Bình Dương): Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá
Năm 2020, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, Thành ủy Thuận An cùng với tinh thần nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Thuận An vẫn phát triển tích cực và có những kết quả rất đáng ghi nhận.
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
|
Về phát triển kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, trong năm 2020 với giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước thực hiện 234.700 tỷ đồng, đạt 95,22% Nghị quyết HĐND thành phố. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ ước đạt 72.700 tỷ đồng, tăng 10,34% so với cùng kỳ, đạt 91,98% so với Nghị quyết HĐND. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước thực hiện 130 tỷ đồng, giảm 29,9% so với cùng kỳ và đạt 68,3% Nghị quyết HĐND. Công tác quy hoạch đất đai, xây dựng và môi trường cũng được quan tâm và tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong năm 2020, thành phố cũng tập trung thực hiện đầu tư công theo chỉ tiêu của tỉnh giao, với tổng vốn 1.858,522 tỷ đồng/111 dự án. Ước lũy kế giá trị giải ngân 1.858,522 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Công tác thu chi được thực hiện chính xác khách quan với tổng thu ước thực hiện năm 2020 là 4.121,612 tỷ đồng, đạt 95,17% so với dự toán UBND tỉnh giao (tỉnh giao) và NQ.HĐND, trong đó, ngân sách địa phương được hưởng đưa vào cân đối 1.171,395 tỷ đồng, đạt 83,59% tỉnh giao và NQ.HĐND.
Về giáo dục – đào tạo: năm học 2019 – 2020, học sinh hoàn thành chương trình lớp học bậc tiểu đạt 96,1%, giảm 1%; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học; tốt nghiệp THCS đạt 98,27%, tăng 1,6%; tốt nghiệp THPT đạt 99,48%, tăng 1,34%.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng được đẩy mạnh góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án theo kế hoạch đề ra; tập trung chỉ đạo quyết liệt các dự án trọng tâm, nhất là các dự án đền bù, xây dựng khu tái định cư.
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện bảo đảm kịp thời. Đến nay, giảm 231 hộ nghèo, đạt 105%. Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội 472,2 triệu đồng. Tổ chức các hoạt động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, Tháng hành động Vì trẻ em, Tết Trung thu, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025.Tổ chức 15 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 412 học viên tham gia, đạt 100% kế hoạch. Giới thiệu việc làm cho 11.800 lao động (đạt 83,4%), trong đó có 9.834 lao động thường trú (đạt 819,5% NQ. HĐND). Thành phố đã chi trợ cấp ưu đãi thường xuyên, trợ cấp khó khăn cho 5.083 đối tượng chính sách và đối tượng xã hội với tổng số tiền 32,163 tỷ đồng. Trao tặng 24 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa quân dân 1,79 tỷ đồng và tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), ước đến ngày 31/12/2020 tham gia BHYT 563.869 người, chiếm 92,2% dân số toàn thành phố, đạt 111,5% NQ. HĐND và đạt 107,2% kế hoạch tỉnh giao. Thu bảo hiểm xã hội (BHXH) 4.144,028 tỷ đồng, chi trả 1.417,586 tỷ đồng cho 250.573 đối tượng được thụ hưởng. Còn 900 đơn vị nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp số tiền 78,9 tỷ đồng. Triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân; ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội số”.
Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, nhất là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trung tâm Y tế thành phố và y tế các xã, phường khám bệnh 319.944 lượt người; 1.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 539 ca so với cùng kỳ; 808 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 629 ca so với cùng kỳ; 7 ca mắc bệnh sởi, giảm 36 ca so với cùng kỳ.
Công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; việc huy động xã hội hóa thực hiện chỉnh trang đô thị trên địa bàn đạt kết quả tốt..
Thuận An - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn
Thành phố đã tập trung thực hiện các thủ tục chuyển đổi lên thành phố. Công tác cải cách hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính chuyển biến tích cực. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Tổ chức bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả, ổn định; kỷ luật, kỷ cương hành chính được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đấu tranh, phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ và cứu hộ cứu nạn được triển khai đồng bộ, hiệu quả; tỷ lệ điều tra khám phá án cao (đạt 90,7%); không để băng nhóm hoạt động lộng hành, kéo dài (triệt xóa 08 băng nhóm); phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông giảm.
Với những kết quả đạt được, UBND thành phố Thuận An cũng đề ra những phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 như sau:
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Trên cơ sở kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn của năm 2020, UBND thành phố xây dựng đề ra chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2021 như sau:
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 248.782 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 89.421 tỷ đồng tăng 23% so với năm 2020. Giá trị sản xuất nông nghiệp 130,7 tỷ đồng tăng 0,5% so với năm 2020.
Tổng thu ngân sách đạt 3.715,622 tỷ đồng, bằng 90,15% so với ước thực hiện năm 2020. Tổng chi ngân sách 1.478,221 tỷ đồng, bằng 101,6% so với ước thực hiện năm 2020, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí 272,3 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 4,4%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; giới thiệu việc làm cho 9.100 lao động (trong đó có 1.000 lao động thường trú); phấn đấu giảm 130 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh.
Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia: 70,9%.
Xây dựng phường Bình Nhâm đạt chuẩn văn minh đô thị.
Số giường bệnh trên vạn dân đạt 30 giường/vạn dân.
Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 100%.
Tỷ lệ người dân sử dụng điện: 100%.
Tỷ lệ hộ dân cư thành thị sử dụng nước sạch: >98%.
Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: >98%.
Vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,7% dân số toàn thành phố.
|
Thành phố Thuận An trở thành đô thị dịch vụ hàng đầu của Bình Dương. |
|
Để đạt được những chỉ tiêu cụ thể, cần triển khai các kế hoạch và định hướng cụ thể như:
Về công nghiệp: Tiếp tục thực hiện các chủ trương của tỉnh, đầu tư có chọn lọc về quy mô, công nghệ, ngành nghề. Kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về giá bán điện. Về thương mại, dịch vụ tiếp tục thực hiện văn minh thương mại, chương trình bình ổn thị trường hàng hóa. Thực hiện có hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung công tác chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Thường xuyên kiểm tra, giải toả chợ tự phát, lấn, chiếm lòng, lề đường. Công tác xây dựng cơ bản, quản lý đô thị và quy hoạch được thực hiện theo Nghị quyết đại hội đảng bộ thành phố khóa XII. Triển khai có hiệu quả đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Thuận An đến năm 2040. Lập điều chỉnh quy hoạch phân khu 10 xã, phường.
Về văn hóa, xã hội: Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, vận động toàn xã hội tham gia công tác giảm nghèo, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo giảm nghèo bền vững. chủ động nắm tình hình, phát hiện kịp thời các vụ việc tranh chấp lao động, đình công. Vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế đạt chỉ tiêu được giao. Nâng cao chất lượng y tế, nhất là đại dịch COVID-19, không lơ là, chủ quản, mất cảnh giác. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn và các phong trào thi đua trong toàn ngành Giáo dục và đào tạo. Duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ và phổ cập giáo dục ở các bậc học. Quản lý tốt giáo dục mầm non nhất là mầm non ngoài công lập. Quan tâm nâng cao chất lượng học sinh giỏi ở các trường tạo nguồn và chất lượng cao của thành phố. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Năm văn hóa văn minh đô thị” gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, các mô hình nếp sống văn minh đô thị và phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Tổng kết kế hoạch thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị giai đoạn 2017 – 2020 và 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ đạt chỉ tiêu về số lượng và chất lượng. Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ; xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn./.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam
Đồng hành Cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp
Những năm gần đây, Hà Nam đã trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Làm nên sức hấp dẫn ấy của Hà Nam không thể không nói tới vai trò của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hà Nam.
Sự đồng hành sát sao, chủ động, tích cực, sáng tạo của Ban đã giúp các doanh nghiệp KCN hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu hút thêm nhiều các dự án đầu tư, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam.
Những con số “vàng”
Theo số liệu thống kê cho thấy những năm qua Hà Nam luôn nằm trong top 10 - 15 tỉnh thành thu hút đầu tư hiệu quả hàng đầu cả nước trong thời gian qua. Tính đến đầu năm 2020, các KCN của tỉnh Hà Nam đã thu hút được khoảng 411 dự án trong đó có 250 dự án FDI và 161 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.246,23 triệu USD và 29.713,4 tỷ đồng. Số dự án FDI được đầu tư từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trong đó khoảng 83% các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Các dự án lớn chủ yếu tập trung vào các ngành điện, điện tử, viễn thông, trong đó có những dự án giá trị trên 300 triệu USD.
Đáng chú ý như tháng 5/2019, Tập đoàn Teijin - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư đến từ Nhật Bản được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép đầu tư dự án 12 triệu USD tại KCN Đồng Văn III. Dự án sẽ sản xuất sợi carbon cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, công nghiệp ô tô, kỹ thuật nhựa, y tế, thể thao…
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2019 trong các KCN đạt trên 34,5%/năm. Doanh nghiệp trong các KCN đang giải quyết việc làm cho trên 69 nghìn lao động, trong đó có trên 46 nghìn lao động tỉnh Hà Nam. Đến hết năm 2019, tổng số lao động đang làm việc trong các KCN tỉnh Hà Nam là 70.973 lao động.
Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp
“Cánh tay phải” đắc lực đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp
Lý giải về sự thành công mang yếu tố bất ngờ và đột phá trong thu hút đầu tư của tỉnh Hà Nam những năm gần đây, bên cạnh yếu tố vị trí địa lý thuận lợi, báo chí và các chuyên gia đề cập nhiều với những nỗ lực mạnh mẽ của Hà Nam trong việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư của tỉnh như: Ban hành các chỉ thị, nghị quyết về định hướng thu hút đầu tư, nghị quyết về cải cách hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng,… Hiện nay, Hà Nam có 8 khu công nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, khu công nghiệp Đồng Văn III vừa được thông qua quy hoạch 1/2000 được kỳ vọng sẽ là điểm đến mới thu hút nhà đầu tư khi tới Hà Nam. các KCN của tỉnh đều được chú trọng đầu tư, xây dựng đồng bộ, đầy đủ hạ tầng thiết yếu từ nhà ở cho chuyên gia, công nhân, cho tới cung cấp điện nước tới chân các nhà máy. Đặc biệt là giá thuê thấp hơn rất nhiều so với các khu lân cận cũng là lợi thế của tỉnh trong thu hút dòng vốn đầu tư.
Đồng chí Trần Văn Kiên – Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Nhà đầu tư.
Ngoài các chính sách ưu đãi chung của Chính phủ đối với các dự án vào KCN như ưu đãi về thuế TNDN, thuế XNK,… tỉnh Hà Nam còn thực hiện nhất quán 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư. Cùng với đó là sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, sự phối kết hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành.
Và trong những thành công ấn tượng của Hà Nam trong công tác thu hút đầu tư, không thể không nói tới sự đóng góp của Ban quản lý các KCN tỉnh nơi những năm qua đã thực sự là “cánh tay phải”, là bệ đỡ đầy tin cậy, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong KCN, Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam luôn xác định là cơ quan đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trên cơ sở các quy định của pháp luật, của trung ương, địa phương và quy chế quản lý các KCN để doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Hà Nam. Ban đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng các KCN; công tác thu hút đầu tư; bảo vệ môi trường, đất đai, Ban đã luôn chú trọng tới việc hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, hỗ trợ tuyển dụng lao động, phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về các lĩnh vực: Đầu tư, môi trường, lao động, BHXH,… cho doanh nghiệp; Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức các Hội nghị gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp để lắng nghe, giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh trong thu hút đầu tư. Những hoạt động tích cực đó luôn được các nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao.
Cùng với vai trò đồng hành với các doanh nghiệp, Ban quản lý các KCN thường xuyên chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Từ đó có các biện pháp xử lý kịp thời tránh gây ra các nguy cơ lớn ảnh hưởng tới môi trường, người dân và hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN. “Mục tiêu thu hút FDI của tỉnh bám sát chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, Hà Nam hướng tới xây dựng chính sách thu hút dự án hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Các KCN ưu tiên thu hút trong các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, chế biến thực phẩm. Chúng tôi cũng thành lập riêng các trung tâm để hỗ trợ riêng dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Trần Văn Kiên – Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam chia sẻ.
Lãnh đạo Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư và tặng hoa chúc mừng cho 4 Nhà đầu tư
Có thể nói, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công trong công tác quản lý nhà nước về KCN, giúp các doanh nghiệp KCN hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu hút thêm nhiều các dự án đầu tư, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam xác định cần phải nỗ lực, đổi mới và sáng tạo hơn nữa. “Trong thời gian tới, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ trong Khu công nghiệp, nhất là chất lượng cung cấp điện, nước, hạ tầng giao thông; tạo phong cách làm việc chuyên nghiệp, năng động để thu hút đầu tư hiệu quả vào Khu công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển”- chỉ đạo của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Hà Nam - Lê Thị Thủy cũng chính là chủ trương mà Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam sẽ quyết tâm thực hiện.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận