Thừa Thiên Huế: Thí điểm thanh toán chi phí khám chữa bệnh không dùng tiền mặt

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp bàn về công tác triển khai việc chi trả không dùng tiền mặt trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) theo chỉ đạo của UBND tỉnh và đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, bắt đầu từ tháng 7/2020, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai thí điểm việc thực hiện thanh toán chi phí KCB không dùng tiền mặt. Lợi ích của việc thanh toán chi phí KCB không dùng tiền mặt là an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, góp phần quan trọng vào công tác cải cách thủ tục hành chính, làm giảm tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh. Đặc biệt nhấn mạnh, giai đoạn đầu, người bệnh không phải trả chi phí cấp thẻ, giao dịch thanh toán điện tử.

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai sẽ gặp một số khó khăn, nhất là do thói quen của người dân vẫn thích cầm tiền mặt đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn không có tài khoản ngân hàng, không thành thạo thao tác trên thiết bị điện tử thông minh…. Để kịp thời triển khai theo thời gian quy định ông Nguyễn Xuân Sơn đề nghị BHXH tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành lập đoàn công tác liên ngành để đánh giá tình hình thực tế tại địa phương từ đó có cơ sở đưa ra các giải pháp tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác này.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu – Phó Giám đốc BHXH tỉnh nhất trí với đề nghị của Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông. Trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ cơ sở dữ liệu hộ gia đình để tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Hai đơn vị cũng thống nhất công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen dùng tiền mặt.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Tiếu cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các các Công ty viễn thông trên địa bàn phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh gửi các thông điệp truyền thông về chính sách BHXH, BHYT đến người lao động và nhân dân thông qua hình thức gửi tin nhắn đến các thuê bao di động.

Nội dung thông điệp tuyên truyền, giới thiệu về những ưu điểm, tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, vừa thực hiện tiếp cận người dân, tăng số người tham gia và phát triển đối tượng bền vững. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm đến công tác truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở bởi đây là kênh thông tin có sức ảnh hưởng, lan tỏa cả về bề rộng và chiều sâu, đến mọi thành phần, các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Phương án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, BHYT của BHXH tỉnh đã nhận được sự đồng thuận của Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng công tác truyền thông phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Nội dung truyền tải phải thống nhất, cô đọng, dễ hiểu và cần thiết tạo lập một kênh truyền thông độc lập.

Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các nhà mạng phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh thực hiện tin nhắn theo định kỳ, và duy trì thường xuyên để tạo thói quen cho người sử dụng. Đồng thời chỉ đạo Đài truyền thanh thực hiện phát sóng định kỳ nội dung tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở cũng đề nghị BHXH tỉnh phối hợp trong việc cung cấp tin, bài đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông và đề xuất đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Đô thị thông minh vì đây là những kênh truyền thông có số lượng người truy cập lớn.

Trước mắt, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền nội bộ gửi nội dung thông điệp truyền thông về BHXH, BHYT cho đối tượng công chức, viên chức trên toàn tỉnh trong tháng 7/2020.

YẾN NHI