Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Bài viết đưa ra quan điểm của tác giả về các nội dung cụ thể của quyền tư pháp; chủ thể duy nhất thực hiện quyền tư pháp là Tòa án; xác định hình thức thực hiện quyền tư pháp của Tòa án là xét xử. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra các kiến nghị cụ thể thể hiện quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp trong hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
1. Đặt vấn đề
Bằng quy định "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyết tư pháp" tại Điều 102, Hiến pháp năm 2013 đã xác định quyền tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tinh thần của Hiến pháp năm 2013 được tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Quan điểm và chính sách nêu trên của Đảng và Nhà nước Việt Nam cần được nghiên cứu và triển khai thực hiện. Các vấn đề lý luận cũng như thực tiễn về quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp cần phải được nghiên cứu để có nhận thức thống nhất, trên cơ sở đó thể chế hóa quan điểm của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 vào hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về hệ thống tư pháp nói riêng.
2. Quan niệm về quyền tư pháp
Trong khoa học chính trị và pháp lý nước ta, đặc biệt là sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, đã có nhiều bài viết nêu quan niệm về quyền tư pháp khá khác nhau. Có thể đưa ra một số quan điểm sau đây:
- Quan điểm 1: Kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp nhà nước về quyền tư pháp cho rằng: "Quyền tư pháp là quyền lực Nhà nước được trao cho Tòa án nhân dân thực hiện nhân danh Nhà nước phán quyết mang tính quyền lực về những tranh chấp và vi phạm pháp luật"[1].
Khái niệm này đã thể hiện được các đặc điểm của quyền tư pháp là: 1) Quyền tư pháp là quyền lực nhà nước; 2) Quyền tư pháp được trao cho Tòa án; 3) Nội dung của quyền tư pháp là phán quyết mang tính quyền lực về những tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, khái niệm này cũng có một số điểm thiếu chính xác. Đó là: 1) Tòa án được giao thực hiện quyền tư pháp, nhưng Tòa án không nhân danh Nhà nước để thực hiện quyền lực nhà nước như các cơ quan lập pháp, hành pháp; Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 2) Về nội dung, ngoài phán quyết về các tranh chấp, các vi phạm pháp luật, Tòa án còn phán quyết về một số quyền con người (quyền nhân thân phi tài sản)...
- Quan điểm 2: Quyền tư pháp là "khả năng và năng lực riêng có của Tòa án trong việc thực hiện thẩm quyền xét xử và các thẩm quyền khác theo phương thức nhất định để tác động đến hành vi của con người và các quá trình phát triển xã hội"[2].
Khái niệm này được xây dựng từ góc độ triết học - pháp lý về quyền tư pháp. Theo khái niệm này, quyền tư pháp đương nhiên thuộc về Tòa án; vấn đề là Tòa án có đủ khả năng và năng lực thực hiện nó hay không mà thôi. Mục đích của quyền tư pháp là để tác động đến hành vi của con người và các quá trình phát triển xã hội.
Tuy nhiên, khái niệm này chưa thể hiện rằng: 1) Quyền tư pháp là một bộ phận quyền lực nhà nước được phân công; 2) Chưa làm rõ được mối quan hệ giữa quyền tư pháp với xét xử và 3) Xác định quá rộng quyền tư pháp, nhầm lẫn giữa thẩm quyền của Tòa án với các nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao; coi quyền tư pháp bao gồm thẩm quyền xét xử và thẩm quyền khác như kiểm soát quyền lập pháp, quyền hành pháp, tổng kết thực tiễn, ban hành án lệ...
- Quan điểm 3: Quyền tư pháp là bộ phận thiết yếu của các cơ quan cấu thành nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trong xã hội, phán quyết đối với các vi phạm pháp luật cũng như sự hợp pháp của các hoạt động lập pháp, hành pháp[3]...
Quan điểm này đã thể hiện khá đầy đủ: 1) Vị trí của quyền tư pháp là bộ phận thiết yếu của hệ thống cơ quan nhà nước; 2) Nội dung quyền tư pháp bao gồm giải quyết các tranh chấp trong xã hội, phán quyết đối với các vi phạm pháp luật cũng như sự hợp pháp của các hoạt động lập pháp, hành pháp.
Tuy nhiên, cũng như các khái niệm trên, quan điểm này: 1) Đánh đồng cơ quan Tòa án với quyền tư pháp; 2) Chưa phân biệt được mối quan hệ giữa xét xử với quyền tư pháp; 3) Tách bạch một cách máy móc phán quyết về tính hợp pháp các hoạt động lập pháp, hành pháp với các tranh chấp...
Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Với quy định này, lần đầu tiên, Tòa án nhân dân được coi là chủ thể thực hiện quyền tư pháp. Bằng quy định này, Hiến pháp xác định rõ ràng, cụ thể vị trí, vai trò, chức năng của Tòa án nhân dân trong bộ máy cơ quan nhà nước.
Mặc dù còn có thể có những ý kiến ít nhiều khác nhau, nhưng theo chúng tôi, tinh thần của Hiến pháp quy định rõ ràng quyền tư pháp của Tòa án nhân dân thể hiện ở các quyền sau[4]:
* Quyền phán quyết về các vi phạm pháp luật, quyền giải quyết các tranh chấp và quyền quyết định về quyền con người, quyền công dân:
- Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất có quyền ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp xảy ra trong xã hội. Xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực nhà nước đều thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, quy định của Hiến pháp là cơ sở hiến định cho việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các loại án, thể hiện xu thế tất yếu của Nhà nước pháp quyền. Ví dụ: ngoài áp dụng chế tài đối với người phạm tội, chế tài đối với các vi phạm hành chính (tội vi cảnh) cũng thuộc chức năng của Tòa án;
- Quyền con người là quyền thiêng liêng, quan trọng nhất đối với con người, do Hiến pháp quy định và thực hiện trực tiếp mà không cần thông qua luật định. Vì vậy, Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất phán quyết những vấn đề về quyền con người (như tuyên bố một người đã chết, xác định cha, mẹ cho con, tuyên bố tước, hạn chế tự do, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các hình phạt liên quan đến quyền con người…). Đặc biệt, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người không chỉ bị hạn chế bằng luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng (Điều 14 Hiến pháp năm 2013); mà hạn chế quyền đó chỉ được thực hiện bằng quyết định của Tòa án, cơ quan thực hiện quyền tư pháp;
- Tòa án công nhận và quyết định cho thi hành các thoả thuận, phán quyết ngoài Tòa án Việt Nam (phán quyết trọng tài, bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài). Bằng quyết định này, Tòa án làm cho các thỏa thuận, các phán quyết ngoài Tòa án tính quyền lực tư pháp để được thi hành bằng cơ chế thi hành án.
* Quyền kiểm soát của cơ quan tư pháp (Tòa án) đối với việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp:
Theo quy định của Hiến pháp (Điều 2), là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân có chức năng kiểm soát các cơ quan khác trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp. Theo chúng tôi, phạm vi kiểm soát của Tòa án thể hiện cơ bản trong các điểm sau đây:
- Đối với hoạt động lập pháp, thông qua hoạt động xét xử của mình, Tòa án phải có quyền: 1) Phán quyết tính hợp hiến các quy định của luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành, của các pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định không áp dụng các quy định đó trong hoạt động xét xử của mình. Cơ chế phán quyết đó có thể là bằng Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp hoặc bằng một cơ chế hữu hiệu, khả thi khác phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia; 2) Giải thích luật, pháp lệnh. Luật, pháp lệnh được ban hành có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng là cơ quan áp dụng luật để phán quyết về các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp, phán quyết về quyền con người được Hiến pháp ghi nhận, Tòa án phải có quyền hiểu và giải thích những nội dung chưa rõ ràng, chưa xác định đó của luật được áp dụng. Đặc trưng của việc giải thích luật của Tòa án thể hiện ở chỗ việc giải thích đó thông qua các phán quyết cụ thể có hiệu lực pháp luật (án lệ), thông qua các văn bản của cơ quan xét xử cao nhất (như Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) và thông qua các biện pháp bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật khác.
- Đối với hoạt động hành pháp: 1) Trước hết, Tòa án nhân dân thụ lý, giải quyết các khiếu kiện hành chính, phán quyết về các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện. Vì vậy, việc mở rộng thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân là xu thế tất yếu của xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; 2) Tòa án nhân dân phán quyết về các vi phạm pháp luật mà cơ quan hành pháp, khi thực hiện chức năng tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện và truy cứu ra trước Tòa án để Tòa án phán quyết có vi phạm pháp luật hay không và biện pháp chế tài để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đó.
Từ góc độ này, có thể khẳng định:
- Một là, xu thế mở rộng thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong phán quyết xử lý mọi vi phạm pháp luật, bao gồm cả vi phạm hành chính;
- Hai là, cơ quan truy cứu các vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức ra trước Tòa án để phán xử phải là cơ quan hành pháp. Vì thế, không ngẫu nhiên mà Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra vấn đề nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát thành cơ quan Công tố thuộc Chính phủ;
- Ba là, Tòa án có quyền xem xét, phán quyết về quyết định hành chính, hành vi hành chính; mà cả tính hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Hay nói cách khác, thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án cần được mở rộng.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, khi nghiên cứu quyền kiểm soát các cơ quan khác trong thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp thì cũng cần lưu ý phân biệt quyền kiểm soát việc thực hiện quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp với quan hệ chế ước giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan cùng thực hiện hoạt động tư pháp. Quyền kiểm soát được thực hiện giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở hiến định; còn quyền chế ước là giữa các cơ quan thực hiện các hoạt động tư pháp theo các giai đoạn và chức năng tố tụng trên cơ sở các luật tố tụng tư pháp. Nếu không có sự phân biệt rõ ràng vấn đề này sẽ dẫn đến lúng túng trong quy định chức năng nhà nước và chức năng tố tụng của Tòa án nhân dân; trong xác định các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và nguyên tắc tố tụng; trong xác định đối tượng điều chỉnh của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật tố tụng tư pháp.
* Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thực hiện quyền tư pháp:
Để thực hiện quyền tư pháp, Hiến pháp cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân một cách cụ thể, rõ ràng. Theo khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiến pháp đã nhấn mạnh việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân là những nhiệm vụ đầu tiên của Tòa án nhân dân; sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đó là nhiệm vụ đặc trưng thể hiện cao nhất, tập trung nhất đối với cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Tòa án phải là nơi mà các chủ thể tìm đến lẽ phải, tìm đến sự thật, tìm đến sự công bằng..., tức là tìm đến công lý; có nghĩa là khi quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm hoặc bị tranh chấp, người dân tìm đến Tòa án như là tìm đến công lý. Vì vậy, có thể nói, theo Hiến pháp, Tòa án là biểu tượng của công lý và có nhiệm vụ bảo vệ công lý.
Khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Như vậy, Hiến pháp giao cho Tòa án nhân dân tối cao thẩm quyền bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Đây không phải là quyền tư pháp, mà là quyền hạn bảo đảm quan trọng cho hoạt động thực hiện quyền tư pháp. Điều này có nghĩa là ngoài tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao còn có thể bằng các hình thức khác nhau bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử như thực hiện giám đốc xét xử, ban hành án lệ.
Với tinh thần trên, theo chúng tôi, việc Tòa án nhân dân tổ chức tổng kết thực tiễn, tìm ra những vướng mắc trong nhận thức về pháp luật, trong thực tiễn áp dụng pháp luật, ban hành án lệ... để có những biện pháp giải đáp, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của các Tòa án nhân dân, nhất là của Tòa án nhân dân tối cao là nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, chứ không phải là nội dung của quyền tư pháp.
3. Thực hiện quyền tư pháp
- Chủ thể thực hiện quyền tư pháp được nhìn nhận từ hai góc độ:
+ Từ góc độ chính trị - pháp lý, từ góc độ tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, thì chủ thể thực hiện quyền tư pháp là Tòa án nhân dân.
+ Từ góc độ tố tụng tư pháp, góc độ xét xử, chủ thể thực hiện quyền tư pháp là Hội đồng xét xử được thành lập theo vụ việc. Tùy theo tính chất vụ việc thuộc thẩm quyền mà việc xét xử của Tòa án được thực hiện bằng phiên tòa hoặc phiên họp.
- Hình thức thực hiện quyền tư pháp là xét xử. Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Như vậy, khác với việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân được thực hiện bằng xét xử. Bằng quy định như trên, về thực chất có thể hiểu, Tòa án thực hiện tư pháp thông qua xét xử; xét xử là hình thức tố tụng thực hiện quyền tư pháp (quyền nội dung). Mối quan hệ giữa quyền tư pháp với xét xử là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức thực hiện. Với chức năng thực hiện quyền tư pháp thông qua hình thức xét xử, Hiến pháp khẳng định vị trí trung tâm của Tòa án trong hệ thống tư pháp, vị trí trọng tâm của hoạt động xét xử trong các hoạt động tư pháp.
Hoạt động xét xử của Tòa án được thực hiện thông qua phiên tòa (hình sự, dân sự, hành chính...) bằng Hội đồng xét xử hoặc phiên họp do Thẩm phán chủ trì. Mọi hoạt động tố tụng tư pháp (phiên tòa hay phiên họp) đều do Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán được thành lập theo vụ việc tiến hành.
Xét xử là hoạt động tố tụng được thực hiện theo thủ tục tố tụng tư pháp chặt chẽ, vô tư, khách quan, tuân thủ pháp luật trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ quyền con người và mang tính độc lập tuyệt đối.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị tại Chương I dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chung của Tòa án nhân dân tại các điều độc lập. Cụ thể:
- Điều...: Chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân
1. Tòa án nhân dân có chức năng thực hiện quyền tư pháp với các thẩm quyền sau đây:
a) Phán quyết về các vi phạm pháp luật;
b) Giải quyết các tranh chấp do cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện;
c) Xem xét, quyết định một số vấn đề về quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật;
d) Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các phán quyết của Tòa án nước ngoài; các phán quyết trọng tài;
đ) Xem xét, quyết định về tình hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật.
2. Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bằng hoạt động xét xử các vụ án, giải quyết các việc thuộc thẩm quyền bằng phiên toà hay phiên họp theo thủ tục mà pháp luật tố tụng quy định.
3. Tòa án thực hiện quyền tư pháp nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều...: Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân
1. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Thông qua việc thực hiện quyền tư pháp, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
Điều...: Thẩm quyền của Tòa án nhân dân
1. Giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động theo quy định của luật.
2. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của luật.
3. Quyết định công nhận và cho thi hành các thoả thuận và phán quyết tư pháp ngoài Tòa án Việt Nam.
4. Quyết định việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế; quyết định một số vấn đề về quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật.
5. Xem xét, quyết định tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của luật.
6. Thực hiện quyền hạn về thi hành án theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật[5].
5. Kết luận
Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, việc nghiên cứu về quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân và hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) để thể hiện tinh thần cải cách tư pháp là rất cần thiết.
Trong bài viết này, chúng tôi thể hiện quan điểm khoa học của mình về quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp và thể hiện các nội dung đó trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân với mong muốn góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong giai đoạn mới./.
[1] TS. Nguyễn Văn Quyền, PGS. TS. Nguyễn Tất Viễn (Chủ biên), Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ lý luận đến thực tiễn, NXB. Tư pháp, 2018, tr. 180.
[2] GS. TS. Võ Khánh Vinh, Về quyền tư pháp và chế độ tư pháp ở nước ta, Tạp chí Toà án nhân dân, số 16/2019, tr. 3.
[3] GS. TS. Nguyễn Đăng Dung, Chế ước quyền lực nhà nước, NXB. Đà Nẵng, 2008, tr.408-410; TS. Nguyễn Ngọc Chí, Chức năng Toà án theo cấp xét xử trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung, trong sách Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, những vấn đề lý luận và thực tiễn, tập 1, NXB. Hồng Đức, 2012, tr. 605-609; Từ điển Luật học, NXB. Bách khoa, NXB. Tư pháp, 2006, tr.657.
[4] Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
[5] Ngoài thẩm quyền chung này, các Toà án khác nhau còn có thẩm quyền riêng tương ứng được quy định ở các Chương sau của Luật. Ví dụ: Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật, ban hành án lệ, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật...
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
3. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến 2020.
4. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Chí, Chức năng Tòa án theo cấp xét xử trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung, trong sách Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, những vấn đề lý luận và thực tiễn, tập 1, NXB. Hồng Đức, 2012.
6. GS. TS. Nguyễn Đăng Dung, Chế ước quyền lực nhà nước, NXB. Đà Nẵng, 2008.
7. TS. Nguyễn Văn Quyền, PGS. TS. Nguyễn Tất Viễn (Chủ biện), Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩ Việt Nam từ lý luận đến thực tiễn, NXB. Tư pháp, 2018.
8. Từ điển Luật học, NXB. Bách khoa, NXB. Tư pháp, 2006.
9. GS. TS. Võ Khánh Vinh, Về quyền tư pháp và chế độ tư pháp ở nước ta, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 16/2019.
PGS. TS. Trần Văn Độ phát biểu tại Hội thảo khoa học "Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – Vấn đề lý luận và thực tiễn" năm 2021 - Ảnh: noichinh.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận