Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung để yêu cầu Viện kiểm sát giám định hàm lượng chất ma túy là cần thiết

Sau khi nghiên cứu bài viết “Giám định hàm lượng chất ma túy trong vụ án hình sự” của tác giả Đặng Ngọc Anh - Nguyễn Thị Phương Thảo, đăng ngày 18/9/2024, tôi cho rằng trả hồ sơ điều tra bổ sung để yêu cầu Viện kiểm sát giám định hàm lượng chất ma túy là cần thiết.

Qua nghiên cứu về nội dung vụ án và các quy định pháp luật có liên quan cho thấy cách áp dụng pháp luật giải quyết vụ án như sau: 

Thứ nhất, Căn cứ hướng dẫn tại Tiết 1.4 Mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (được sửa đổi bởi Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP), mặc dù các chất MDMB-INACA và MDMB-BUTINACA chưa được xác định là chất ma túy vào thời điểm hành vi phạm tội diễn ra, nhưng những người thực hiện hành vi có ý thức rằng họ đang mua bán chất ma túy. Từ đó truy cứu trách nhiệm hình sự của các bị cáo dựa trên hành vi, mà không cần phải xác định hàm lượng chất ma túy 

Điều này phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật tại khoản 1 Điều 156 và khoản 2 Điều 152 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015: Quy định không áp dụng hiệu lực trở về trước đối với những quy định mới gây ra trách nhiệm pháp lý nặng hơn cho các bị cáo. Các chất này không nằm trong danh mục ma túy tại thời điểm hành vi phạm tội, nên không cần giám định hàm lượng chất ma túy để xác định khung hình phạt. Việc tiếp tục truy tố các bị cáo là hợp lý, không cần trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Thứ hai, Việc áp dụng Nghị định 90/2024/NĐ-CP vừa được ban hành trong thời gian truy tố, đưa hai chất MDMB-INACA và MDMB-BUTINACA vào danh mục chất ma túy và Viện kiểm sát cần phải giám định hàm lượng ma túy để xác định hàm lượng. Tòa án cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung và yêu cầu Viện kiểm sát tiến hành giám định hàm lượng chất ma túy để làm rõ yếu tố định khung hình phạt là không cần thiết. Bởi vì:

- Căn cứ tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015, nguyên tắc cơ bản của pháp luật Hình sự là “không hồi tố" đối với các quy định gây bất lợi cho người phạm tội. Các văn bản quy phạm pháp luật hình sự không được phép áp dụng hiệu lực trở về trước nếu quy định đó tạo ra trách nhiệm pháp lý mới hoặc làm tăng trách nhiệm pháp lý. Nghị định 90/2024/NĐ-CP ban hành vào ngày 17/7/2024 quy định MDMB-INACA và MDMB-BUTINACA là chất ma túy. Tuy nhiên tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội (tháng 5/2024) các chất này chưa được liệt kê trong danh mục. Việc áp dụng Nghị định 90/2024/NĐ-CP để truy tố các bị cáo cho hành vi phạm tội trước ngày Nghị định có hiệu lực sẽ vi phạm nguyên tắc không hồi tố trong Hình sự.

- Đối với nội dung: “Những quy định của pháp luật tố tụng cũng là áp dụng pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi tố tụng. Ví dụ: Một vụ án dân sự, xử sơ thẩm trước ngày 01/7/2016 (ngày có hiệu lực của BLTTDS 2015) thì thủ tục theo quy định của BLTTDS năm 2004, xử phúc thẩm sau ngày 01/7/2016 thì thủ tục theo quy định của BLTTDS năm 2015. Còn đối với pháp luật nội dung, trong nhiều trường hợp, pháp luật chưa có hiệu lực đã phải áp dụng và pháp luật đã hết hiệu lực vẫn phải áp dụng” áp dụng trong tố tụng Dân sự, không phải là căn cứ để xác định Hồi tố trong Hình sự (ngoài ra, các giai đoạn tố tụng của một vụ án Hình sự và Dân sự là khác nhau trước giai đoạn đưa vụ án ra xét xử). Vì vậy, theo quan điểm cá nhân tôi việc căn cứ vào nội dung này là không phù hợp.

Từ những phân tích về các quan điểm nêu trên. Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng việc Tòa án không phải trả hồ sơ mà tiếp tục xét xử vụ án là phù hợp và đúng căn cứ của pháp luật.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc và quý độc giả./.

 

NGÔ THỊ HUỆ (Tòa án quân sự Quân khu 3)