Tọa đàm về Chế định quản tài viên của Hàn Quốc - Kinh nghiệm cho Việt Nam
Ngày 29/10/2021, trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam" do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, TANDTC phối hợp cùng Văn phòng KOICA tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Chế định quản tài viên của Hàn Quốc - Kinh nghiệm cho Việt Nam”
Chủ trì buổi toạ đàm có ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC; bà Han Mira - Phó Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA tại Việt Nam; Thẩm phán Kim Tae Joon, chuyên gia phái cử dài hạn tại Việt Nam.
Tham dự tọa đàm có đại diện các tòa chuyên trách, các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký các Tòa án.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết Luật Phá sản năm 2014 có điểm mới quan trọng, có thể nói là một “cánh cửa” mới cho hoạt động tư pháp về các vấn đề phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã,... khi ghi nhận một chủ thể mới tham gia vào trình tự thủ tục phá sản là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản - Quản tài viên (QTV).
Chế định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản quy định tại Luật Phá sản 2014 là một trong những cải cách lớn nhất của pháp luật phá sản Việt Nam. Với việc thực hiện chế định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, việc giải quyết phá sản khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, tính chất kiêm nhiệm của các thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản. Cải cách này nhằm đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả, kịp thời và chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mất khả năng thanh toán, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xã hội hoá những hoạt động mang tính nghề nghiệp; đồng thời, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại buổi tọa đàm.
Trên thế giới, nghề Quản tài viên đã hình thành và phát triển từ lâu đời nhưng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên được ghi nhận. Để Quản tài viên hoạt động có hiệu quả trên thực tế, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Phá sản năm 2014, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh cho hoạt động kinh doanh hướng tới hội nhập quốc tế sâu rộng, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, Tòa án nhân dân tối cao đã mời các chuyên gia Hàn Quốc cùng nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến phá sản nhằm hoàn thiện pháp luật phá sản nói chung và chế định Quản tài viên nói riêng.
Ở Việt Nam, những trường hợp sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên: Luật sư; Kiểm toán viên; Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 5 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo. Điều kiện được hành nghề Quản tài viên gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan; Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.
Bộ Tư pháp thực hiện việc cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên
Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, Quản tài viên nộp hồ sơ đăng ký hành nghề cho Sở Tư pháp nơi người đó thường trú để được ghi tên vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản hành nghề. Danh sách này được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Cần lưu ý là nếu Quản tài viên là Luật sư hay Kiểm toán viên thì những người này vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật về ngành nghề đó cũng như các quy định của các hiệp hội ngành nghề tương ứng và chịu sự giám sát của các hiệp hội ngành nghề đó nếu những người này tiếp tục hành nghề các nghề nói trên song song với nghề Quản tài viên.
Luật Phá sản cũng quy định rõ cá nhân không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản gồm : Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Về chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tại Việt Nam: Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản.
Thẩm phán Kim Tae Joon phát biểu tại buổi tọa đàm.
Tại buổi toạ đàm, Thẩm phán Kim Tae Joon đã trình bày về chế định Quản tài viên và quyền bảo đảm trong thủ tục phá sản tại Hàn Quốc. Theo đó, tại Hàn Quốc không có quy định pháp luật về điều kiện bổ nhiệm Quản tài viên, thực tiễn Toà án thường lựa chọn Luật sư làm Quản tài viên. Khi Quản tài viên không phải là một chứng chỉ hành nghề thông thường do đó không tồn tại hiệp hội. Quarn tài viên là chủ thể thực hiện thủ tục phá sản, có quyền quản lý, định đoạt quỹ phá sản, bán tài sản, phụ trách nghiệp vụ phản chia thanh toán, là cơ quan chấp hành duy nhất trong thủ tục phá sản bao gồm thu thập quỹ phá sản, bán tài sản, chấp hành; Đương sự trong tranh chấp về tài sản thuộc quỹ; Tham gia vào thủ tục xác định khoản nợ phá sản; Phân chia tài sản cho chủ nợ phá sản.
Ngoài Tòa án, Bộ Tư pháp hoặc cơ quan nhà nước khác không can thiệp vào việc chỉ định và giám sát hoạt động của Quản tài viên. Tòa án chỉ định và giám sát hoạt động của Quản tài viên đối với mỗi vụ án phá sản. Khi chỉ định, Toà án áp dụng nguyên tắc trao cơ hội bình đẳng, tuy nhiên vẫn có ngoại lệ đó là Toà án xem xét đến các yếu tố như khối lượng công việc mà đang phụ trách, có liên quan đến vụ án phá sản đang phân công hay không, độ phức tạp của vụ án, năng lực giải quyết công việc, mức độ trung thực, kinh nghiệm, chuyên môn của ứng viên, Quản tài viên có ủy quyền cho người đại diện hay không, số người đại diện, thời kỳ đường nhiệm đối với trường hợp ủng viên đã được chỉ định làm Quản tài viên cho vụ án phá sản khác, nguyên nhân phá sản, quy mô tài sản của bên mặc nợ và số nợ, tính hiệu quả của việc quản lý, giám sát vụ án của Tòa án vv.
Nhân dịp này, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến thay mặt cho lãnh đạo TANDTC cảm ơn KOICA đã đồng hành với TANDTC trong suốt thời gian qua, nỗ lực cùng xây dựng một đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án có năng lực để phát triển hệ thống Tòa án ngày một mạnh hơn, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tiến bộ, hội nhập và phát triển. Đồng thời cảm ơn các chuyên gia Hàn Quốc đã thu xếp thời gian để cùng với TANDTC tổ chức tọa đàm này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận