Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp trong BLHS 2015
VKSNDTC vừa truy tố trùm đa cấp Lê Xuân Giang cùng 6 thuộc cấp thuộc Công ty Liên Kết Việt vì lừa chiếm hơn 1.200 tỷ đồng của 68.000 bị hại trên cả nước. Trước tình hình vi phạm pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp diễn ra ngày càng nhiều và mức độ gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân ngày một lớn, BLHS năm 2015 đã bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a). Đây là tội danh mới, lần đầu tiên được quy định trong luật hình sự nước ta.
1. Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
Việc bổ sung một điều luật cụ thể để xử lý hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) tại thời điểm này là rất cần thiết vì suốt trong thời gian dài vừa qua hoạt động BHĐC trên thực tế đã gây thiệt hại rất lớn tới những người tham gia, tạo sự hoang mang, phẫn nộ trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trước khi có Điều 217a được thông qua thì BLHS không có điều khoản nào về xử lý hoạt động BHĐC, chính vì lẽ đó khi phát hiện ra những hành vi vi phạm pháp luật từ những công ty đa cấp do chưa có quy định về tội dung cụ thể liên quan đến hoạt động này nên các cơ quan tố tụng thường quy kết hoạt động đó vào hai tội danh chủ yếu là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản việc này là khá khiên cưỡng và không phản ánh đúng bản chất vụ việc.
Thực tế cho thấy, trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản người phạm tội đã có ý định chiếm đoạt tài sản của người bị hại ngay từ ban đầu. Giả sử trường hợp công ty đa cấp ban đầu không có hành vi lừa đảo, không có dấu hiệu gian dối, thực hiện đầy đủ những cam kết của mình với những người mua hàng, nhưng trong quá trình hoạt động của mình công ty đa cấp này mắc sai lầm trong quản lý tài chính, vi phạm các quy định về kế toán, khuyến mại, thưởng hoa hồng,… mà làm thất thoát tài sản dẫn đến gây thiệt hại cho những người mua hàng mà các cơ quan tố tụng xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản rõ ràng là không phản ánh đúng bản chất vụ việc, ảnh hưởng tới quyền lợi của công ty đa cấp cũng như xuất hiện dấu hiệu oan sai là chưa đúng tội danh, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.
Việc quy định tội danh mới này (Điều 217a) đã tạo ra một hành lang pháp lí phù hợp để xử lí kịp thời, chính xác những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trước khi có tội danh này, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến việc không đủ tính răn đe nên việc vi phạm vẫn tiếp tục với tính chất phức tạp và tinh vi hơn.
Với tội danh mới được quy định tại Điều 217a của BLHS năm 2015, các Cơ quan tố tụng đã có thêm tội danh để xét xử hành vi phạm tội của các công ty đa cấp, đảm bảo việc xét xử đúng người đúng tội, đảm bảo không oan sai khi xét xử giúp bảo vệ nền pháp chế XHCN mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng.
Điều 217a quy định: Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Trên cơ sở khái niệm về tội phạm nói chung được quy định tại Điều 8 BLHS năm 2015 và dựa trên cơ sở quy định cụ thể khi mô tả tội danh của điều luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp có thể đưa ra định nghĩa về tội phạm này như sau: “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là hành vi nguy hiểm cho xã hội thể hiện ở việc làm trái các quy định của pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp, do người có năng lực TNHS thực hiện với lỗi cố ý.”
2. Các dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
2.1.Khách thể của tội phạm
Ở đây, có thể thấy tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp gây tổn hại trực tiếp tới quyền điều hành, quản lí kinh tế của Nhà nước trong quá trình phân phối, tiêu thụ các loại hàng hóa. Bởi hành vi này có thể khiến cơ quan quản lí thị trường không thể nắm rõ tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp BHĐC và có cơ chế kiểm soát thích hợp. Đồng thời, hành vi này còn làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân, tổ chức tham gia vào mạng lướii BHĐC.
2.2.Mặt khách quan của tội phạm
BHĐC là một phương thức phân phối hoặc tiêu thụ sản phẩm mới xuất hiện ở nước ta trong những năm gần đây và được ghi nhận trong Luật Cạnh tranh 2004. Các nhà làm luật Việt Nam quan niệm pháp luật về BHĐC là một nội dung của pháp luật cạnh tranh. Theo đó, pháp luật cạnh tranh là tổng thể các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận để điều chỉnh những mối quan hệ mang tính cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau nhằm đấu tranh chống các biện pháp hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh. Trong thương mại sẽ không thiếu yếu tố cạnh tranh nếu không có hành vi của chủ thể kinh doanh muốn vượt qua đối thủ của mình để có lợi nhuận trong việc sử dụng các yếu tố đầu vào phục vụ quá trình sản xuất hoặc để thu hút khách hàng sử dụng hàng hoá dịch vụ của mình thay vì sử dụng sản phẩm tương tự của chủ thể kinh doanh khác. Ngay từ khi mới ra đời, BHĐC cạnh tranh với các phương thức tiêu thụ hàng hoá khác bằng việc sử dụng phương pháp quảng cáo trực tiếp và tận dụng các mối quan hệ của phân phối viên với người tiêu dùng để thu hút khách hàng. Vì vậy, những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực BHĐC là đối tượng chịu sự tác động của pháp luật cạnh tranh.
2.3.Về hành vi khách quan, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là việc tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.
Thứ nhất, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.
Mặc dù nhà nước ta thừa nhận việc tiêu thụ sản phẩm theo phương thức BHĐC như là một nội dung thuộc quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, thế nhưng để hạn chế những biểu hiện tiêu cực có thể phát sinh trong lĩnh vực BHĐC, nhất là phòng ngừa BHĐC bất chính cho nên doanh nghiệp BHĐC phải đăng ký trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ thể đăng ký BHĐC là doanh nghiệp thành lập theo quy định của của pháp luật về doanh nghiệp. Theo Điều 6, Nghị định 40/2018/ NĐ – CP về quản lí hoạt động BHĐC thì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cần phải được đăng kí theo quy định của pháp luật. Cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng kí hoạt động BHĐC là Cục Canh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (trước đây là Cục quản lí cạnh tranh) thuộc Bộ Công Thương. Vì vậy, việc một doanh nghiệp áp dụng phương thức BHĐC mà không có giấy chứng nhận đăng kí hoạt động bán hàng rõ ràng là trái với quy định của pháp luật nước ta.
Các doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC thuộc hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất là doanh nghiệp đó không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận; Trường hợp thứ hai là hành vi không đủ điều kiện kinh doanh BHĐC còn thể hiện ở việc chủ thể không đủ điều kiện về người tham gia BHĐC.
Người tham gia BHĐC (sau đây gọi chung là người tham gia) là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đã ký hợp đồng tham gia BHĐC với doanh nghiệp BHĐC, trừ những cá nhân được quy định tại Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
Vậy người tham gia mạng lưới BHĐC chỉ có thể là cá nhân, còn tổ chức không được quyền tham gia BHĐC. Có chăng, tổ chức nếu tham gia BHĐC chỉ với tư cách là chi nhánh hoặc đại lý phân phối sản phẩm cho doanh nghiệp BHĐC.
Thứ hai, hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC
Đây là trường hợp doanh nghiệp mặc dù đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận nhưng kinh doanh lại không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐCViệc thực hiện không đúng nội dung của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC thể hiện ở một số hành vi như:
+ Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia BHĐC;
+ Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia BHĐC;
+ Cho người tham gia BHĐC nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động BHĐC mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;
+ Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia BHĐC có quyền hưởng;
+ Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới BHĐC;
+ Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp;
+ Duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia BHĐC, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia BHĐC;
+ Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác;
+ Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới BHĐC;
+ Tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia BHĐC, trong đó, người tham gia BHĐC tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định này hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia BHĐC theo quy định của Nghị định này;
+Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép gồm: Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm; Sản phẩm nội dung thông tin số.
+ Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia BHĐC đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC để quản lý người tham gia BHĐC;
+ Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia BHĐC cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
Thứ ba, người thực hiện một trong hai hành vi trên phải kèm theo một trong các trường hợp sau thì mới cấu thành tội kinh doanh theo phương thức đa cấp.
+ Đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này hoặc là đã từng bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà vẫn tiếp tục vi phạm. Căn cứ Mục 6 và Mục 7 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định củạ BLHS thì tình tiết đã bị xử phạt hành chính được hiểu như sau: Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” và đã được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện theo đúng hướng dẫn của các văn bản đó. Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nhưng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì phân biệt như sau: Đối với điều luật quy định một tội (tội đơn) thì “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó.
+ Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên. Theo Từ điển tiếng Việt, bất chính được hiểu là trái với đạo đức, không chính đáng. Việc xác định tính trái đạo đức, không chính đáng của các khoản lợi cần phải căn cứ vào nguồn gốc của các khoản lợi thu được. Cụ thể ở đây, những khoản lợi do thực hiện hành vi vi phạm mà có chủ yếu có nguồn gốc từ nghĩa vụ của người tham gia vào mạng lưới bán hàng. Có thể kể đến như nghĩa vụ phải nộp tiền để tham gia vào mạng lưới bán hàng. Việc thu loại phí này được dàn dựng dưới hình thức gián tiếp như mua sản phẩm mẫu hay trực tiếp là một khoản tiền đặt cọc.
+ Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng trở lên. Thiệt hai xảy ra phần lớn là thiệt hai về vật chất, những cá nhân, tổ chức tham gia vào doanh nghiệp BHĐC vi phạm quy định của pháp luật có thể bị chiếm đoạt một lượng tài sản lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chính họ và rộng hơn là cả xã hội. Thiệt hại về tinh thần cũng có thể kể đến khi mà mắt đi một số lượng tài sản quả lớn, con người cũng có thể rơi vào những cú sốc gây tổn hại về mặt tinh thần của những người tham gia
+ Quy mô mạng lưới người tham gia từ 100 người trở lên.Khung tăng nặng.Hệ thống bán hàng này gặp vấn đề và đổ vỡ thì sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường cho sự ổn định và trật tự trong nền kinh tế. Đây là hậu quả rất nghiêm trọng cần phải được xử lí một cách nghiêm khắc.
Có thể thấy, hậu quảthiệt hại của các hành vi không tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp là rất lớn. Hậu quả này có thể không xảy ra ngay tức khắc. Người phạm tội có thể thu lợi từ khoản tiền của mỗi người tham gia được yêu cầu nộp, dần dần số người tham gia tăng lên và khoản lợi nhuận mà người phạm tội chiếm được cũng ngày càng khổng lồ. Vì thế. việc phát hiện ra và xử lí dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật này càng sớm thì hậu quả sẽ càng được hạn chế
Về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả: các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả như những khoản lợi nhuận bất chính mà doanh nghiệp đa cấp thu được hoặc các thiệt hại về tài sản. Mối quan hệ này được thể hiện bằng các dấu hiệu như:
– Hành vi kinh doanh đa cấp mà không có giấy chứng nhận hoặc không đúng với nội dung của giấy chứng nhận phải xảy ra trước khi thu được lợi nhuận bất chính hoặc trước khi thiệt hại cho người tham gia xảy ra.
– Các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp chứa đựng khả năng gây ra hậu quả. Ví dụ như hành vi thu tiền đặt cọc của người tham gia vào BHĐC chứa đựng khả năng doanh nghiệp chiếm đoạt tài sản của người khác.
– Những hậu quả nói trên phải phát sinh từ chính hành vi kinh doanh đa cấp mà không có giấy chứng nhận hoặc không đúng với nội dung của giấy chứng nhận.
2.3.Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
2.4.Mặt chủ quan của tội phạm
Trong tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp thì lỗi ở đây là lỗi cố ý. Các chủ thể nhận thức được rõ quy định của pháp luật yêu cầu các doanh nghiệp BHĐCphải có giấy chứng nhân đăng kí BHĐC nhưng các doanh nghiệp vẫn không đăng kí với cơ quan thẩm quyền hoặc việc doanh nghiệp dù có giấy phép đăng kí nhưng lại làm trái với nội dung trong giấy đăng kí đó là hành vi vi phạm pháp luật. Mục đích của hành vi phạm tội này là nhằm thu được những lợi ích nhất định mà chủ yếu là lợi ích về vật chất. Bán hàng theo phương thức đa cấp bản thân nó đã là phương thức bán hàng trực tiếp giảm thiểu được rất nhiều chi phí trung gian khác, mang đến khả năng tiêu thụ hàng hóa tốt nhất với chi phí hợp lí nhất. Tuy nhiên, lợi dụng điều này người phạm tội đã có những hành vi biến tướng khác nhằm thu lợi nhuận một cách tối đa mặc dù làm như vậy sẽ vi phạm pháp luật. Với tình hình đời sống hiện nay, lợi ích vật chất được đặt lên trên cả đạo đức, kỉ luật là một hiện tượng phổ biến và là mục tiêu của nhiều người.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận