Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng ngày càng được quan tâm tại Việt Nam. Mặc dù vậy, hiện tượng xâm phạm quyền tác giả vẫn diễn ra tràn lan ở nhiều cấp độ. Tạp chí xin giới thiệu bài viết của tác giả Đinh Văn Quế, chuyên gia pháp luật hình sự, về tội xâm phạm bản quyền tác giả quy định tại Điều 225 BLHS.
Không phải là chủ thể đặc biệt
Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là cố ý sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, bất cứ ai đến một độ tuổi theo quy định của BLHS và không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 21 BLHS 2015 thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự và trở thành chủ thể của tội phạm này.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS (không có Điều 225).
Ngoài người phạm tội, thì chủ thể của tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” còn có pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, không phải pháp nhân thương mại nào cũng là chủ thể của tội phạm này, mà chỉ có pháp nhân thương mại có đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm: Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của BLDS, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân thương mại khi có đủ các điều kiện: Được thành lập theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của BLDS 2015; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” xâm phạm đến lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế, mà trực tiếp là xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo hộ.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu[1]. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Quyền nhân thân gồm các quyền: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố sử dụng; công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản bao gồm các quyền: làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn; bản ghi âm; chương trình phát sóng; tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Quyền liên quan cũng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Tuy nhiên, nội dung quyền nhân thân và quyền tài sản của quyền liên quan phụ thuộc vào đối tượng của quyền liên quan trong từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: Nếu người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì họ có đầy đủ cả các quyền về nhân thân và các quyền về tài sản. Nếu người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền về tài sản.
Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa[2].
Quyền tác giả và quyền liên quan (liên quan đến quyền tác giả) có quan hệ mật thiết với nhau và có nhiều điểm giống nhau nhưng giữa hai quyền này vẫn có những điểm khác biệt[3].
- Quyền tác giả và quyền liên quan cùng bảo vệ thành quả sáng tạo, một số đối tượng không được bảo hộ nếu có nội dung vi phạm pháp luật. đạo đức.
- Một tác phẩm sẽ tự động được bảo hộ ngay khi ra đời mà không cần đăng ký, nộp lưu, nộp phí hay thực hiện bất cứ một thủ tục hành chính nào khác. Tuy nhiên, chủ thể của quyền tác giả, quyền liên quan vẫn có thể thực hiện thủ tục đăng ký bất kỳ lúc nào để đảm bảo quyền lợi của chủ thể khi có tranh chấp xảy ra.
Đối với những quyền tài sản thuộc quyền tác giả và quyền liên quan, đây là quyền chỉ được bảo hộ có thời hạn. Khi hết thời hạn bảo hộ, chúng sẽ không được bảo hộ nữa và thuộc về sở hữu công cộng.
Đối tượng tác động
Đối tượng tác động của tội phạm này là các tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình và bản sao của tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình.
Tác phẩm là những sản phẩm trí tuệ do con người viết ra, tạo ra, là kết quả của trí tuệ, sự sáng tạo bên trong mỗi con người. Người tạo ra những tác phẩm sẽ được gọi chung là tác giả.
Tác phẩm còn được hiểu là kết quả của hoạt động sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật cho đến khoa học đã được ấn định trên một hình thái vật chất hoặc được mặc định thể hiện ra thế giới bên ngoài thông qua hình thức nhất định.
Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì phạm vi và tính chất của các tác phẩm được bảo hộ rất rộng, không chỉ đối với những tác phẩm được tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của minh, không sao chép từ tác phẩm của người khác mà những tác phẩm phái sinh cũng thuộc đối tượng được bảo hộ với điều kiện người tạo ra những tác phẩm này không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để tạo ra tác phẩm phái sinh.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và khoa học, được thực hiện bằng bất kỳ phương tiện hay dưới hình thức thể hiện nào[4].
Sản phẩm của lao động trí tuệ sẽ được thừa nhận là tác phẩm và được bảo hộ khi đáp ứng được các yêu cầu sau đây: Tác phẩm là kết quả của hoạt động sáng tạo; Tác phẩm được ấn định trên hình thức vật chất hoặc được thể hiện thông qua hình thức nhất định; Tác phẩm phải là sản phẩm thuộc vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hay khoa học.
Tác phẩm gồm nhiều thể loại khác nhau. Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 các loại hình tác phẩm thuộc đối tượng được bảo hộ, bao gồm: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và các tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự, bao gồm như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí, tùy bút, hồi ký, thơ, kịch bản, bản nhạc, các công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học và các bài viết khác.
Ngoài ra tác phẩm còn có thể là các tác phẩm được thể hiện bằng các kí tự khác thay thế cho chữ viết. Ví dụ: Bảng chữ nổi dành cho người khiếm thị, kí hiệu tốc kí hay các kí hiệu khác tương tự mà đối tượng tiếp cận có thể sao chép nội dung bằng nhiều hình thức khác nhau.
- Các bài giảng, bài phát biểu, đây là những tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Ngoài ra còn có các loại tác phẩm khác như tài liệu giảng dạy, huấn luyện… Tuy nhiên, bài giảng, bài phát biểu sẽ chỉ được coi là tác phẩm nếu nó được ghi âm lại hoặc được lưu và thể thể hiện dưới hình thức văn bản.
- Tác phẩm sân khấu được bảo hộ đó là những tác phẩm được thể hiện thông qua hình thức trình diễn nghệ thuật trên sân khấu, như: nhạc kịch, ca kịch, kịch câm, múa, xiếc, múa rối nước…
- Tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự. Đây là những tác phẩm được tác giả hợp thành bằng nhiều hình ảnh diễn ra liên tiếp tạo ra hiệu ứng chuyển động kèm theo âm thanh hoặc không, được thể hiện trên chất liệu nhất định và có thể truyền đạt đến công chúng bằng các thiết bị kĩ thuật công nghệ cao như phim truyền hình, phim tài liệu…
- Các tác phẩm nhiếp ảnh là những tác phẩm được thể hiện thông qua dạng hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào.
- Tác phẩm báo chí là tác phẩm được thể hiện thông qua hình thức ghi nhanh, phóng sự, tường thuật, xã luận… được truyền tải đến công chúng thông qua sóng điện từ hoặc các trang báo, tạp chí, bao gồm cả phần hình ảnh lẫn phần chữ viết…
- Tác phẩm âm nhạc là các tác phẩm được thể hiện dưới dạng nốt nhạc trong bản nhạc hoặc trong các kí tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Tuy nhiên, thường phải thông qua giọng hát, nhạc cụ thì mới có thể truyền các tác phẩm này đến công chúng.
- Tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ thiết kế ngôi nhà, công trình xây dựng khác, quy hoạch không gian đã hoặc xây dựng, bao gồm các bản vẽ thiết kế, phối cảnh, thể hiện ý tưởng sáng tạo về chưa ngôi nhà, công trình, tổ hợp công trình kiến trúc, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của một vùng,…[5]
Người phạm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có thể thực hiện một trong hai hành vi sau:
- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình là hành vi nhân bản (sao chép) toàn bộ hoặc một phần tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình (như in ấn thành sách, photocopy, sang đĩa, ghi băng các tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình) mà không xin phép hoặc xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa đồng ý.
- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình là hành vi kinh doanh (bán, cho thuê,…) các bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình trên thị trường hoặc bằng hình thức khuyến mại (khi bán các hàng hóa khác) bằng các bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình mà không xin phép hoặc xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa đồng ý.
- Khi xác định tình tiết “không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan” cần chú ý:
Đối với tác phẩm đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội… người sử dụng chỉ cần trích nguyên văn ấn phẩm hoặc một phần, một đoạn ấn phẩm trong ngoặc kép (“…”) và dẫn chiếu nguồn của tác phẩm đó, thì không cần xin phép hoặc cho phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, việc sử dụng tác phẩm phải không được làm thay đổi nội dung của tác phẩm đó và phải tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, Ngành.
Các tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 225 BLHS là các tình tiết định tội, là cấu thành cơ bản của tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”. Khi áp dụng cần chú ý: Khoản 1 của Điều 225 BLHS quy định nhiều tình tiết là dấu hiệu định tội độc lập với nhau nên không phải trường hợp nào cũng phải có tất cả các hành vi quy định tại khoản 1 của điều luật, mới cấu thành tội phạm, mà chỉ cần cố ý thực hiện 01 trong các hành vi quy định tại các điểm a hoặc b là đã cấu thành tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” rồi.
Hậu quả của tội phạm
Hậu quả của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành. Các hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình hoặc phân phối bản sao đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng trở lên. Việc xác định thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan do hành vi sao chếp tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình hoặc phân phối bản sao đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình nhất thiết phải do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự theo Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhà làm luật nên quy định trường hợp, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì vẫn cấu thành tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”, vì hiện nay hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan xảy ra khá phổ biến, nhiều trường hợp đã bị các cơ quan chức năng xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính nhưng vẫn vi phạm. Hy vọng, khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung BLHS các nhà làm luật nên quan tâm đến vấn đề này.
Ngoài hành vi khách quan, hậu quả, thì đối với tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” nhà làm luật còn quy định một số dấu hiệu khách quan khác, đó là: Quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc trị giá hàng hóa vi phạm từ 100.000.000 đồng trở lên.
Việc xác định quy mô thương mại hoặc số tiền thu lợi bất chính hoặc trị giá hàng hóa vi phạm cũng phải do hội Hội đồng giám định Tư pháp kết luận.
Tương tự như đối với tình tiết gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan nếu người phạm tội thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng hoặc trị giá hàng hóa vi phạm dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì vẫn cấu thành tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”.
Một số tác giả khi bình luận các dấu hiệu khách quan của tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” cho rằng ngoài gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan thì quy mô thương mại, thu lợi bất chính, trị giá hàng hóa vi phạm cũng là hậu quả do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan gây ra. Ý kiến này mới nghe có vẻ hợp lý nhưng thực chất không phải như vậy, vì quy mô thương mại, thu lợi bất chính, trị giá hàng hóa vi phạm không phải là thiệt hại vật chất cho xã hội, mà cụ thể trong trường hợp phạm tội này thì quy mô thương mại, thu lợi bất chính và trị giá hàng hóa chỉ là những biểu hiện thuộc mặt khách quan của tội phạm; khi nhà làm luật quy định trong cấu thành tội phạm thì đó là dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Ngoài ra, khi xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, thì còn phải căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành về quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là những văn bản rất quan trọng và làm căn cứ xác định dấu hiệu khách quan của tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”.
Người phạm tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” được thực hiện do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Thông thường, động cơ, mục đích của người phạm tội chủ yếu vì tư lợi, động cơ tư lợi là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm này, được quy định trong cấu thành tội phạm và là dấu hiệu tăng nặng hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật. Biểu hiện động cơ của người phạm tội được quy định số tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được.
Ngoài động cơ tư lợi được quy định trong điều luật thì người phạm tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” còn có thể vì động cơ khác, trong đó có cả động cơ vì thành tích của đơn vị và cá nhân người phạm tội hoặc vì ghen ghét, đố kỵ, trả thù.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền nhân thân”
Đây không phải là cấu thành tăng nặng hay giảm nhẹ của tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền nhân thân” đối với người phạm tội, mà là cấu thành độc lập và chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền nhân thân”. Đây là quy định hoàn toàn mới so với BLHS 1999 nên chỉ áp dụng đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền nhân thân của pháp nhân thương mại kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.
Tuy nhiên, không phải pháp nhân thương mại nào cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền nhân thân”, mà chỉ đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền nhân thân khi nhân danh pháp nhân thương mại đó; vì lợi ích của pháp nhân thương mại đó; khi thực hiện hành vi phạm tội có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của người có trách nhiệm của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS[6].
Việc xác định hành vi phạm tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền nhân thân” của pháp nhân thương mại cũng tương tự như đối với người phạm tội.
Theo quy định tại khoản 2 của Điều 75 BLHS thì việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân của pháp nhân thương mại đó. Trách nhiệm cá nhân của pháp nhân thương mại nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền nhân thân”, thì cũng như đối với người phạm tội.
Thông thường cá nhân của pháp nhân thương mại có thể là người đứng đầu hoặc chỉ là nhân viên của pháp nhân thương mại. Nếu là người đứng đầu của pháp nhân thương mại có hành vi chỉ đạo việc xâm phạm quyền tác giả, quyền nhân thân thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền nhân thân” hoặc các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế quy định trong Chương XVIII BLHS.
Khác với người phạm tội, hình phạt đối với pháp nhân thương mại chỉ là hình phạt tiền và hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn.
[1] khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009
[2] Khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009.
[3] “Xem: Điểm giống nhau và khác nhau giữa quyền tác giả và quyền liên quan” của tác giả Hậu Nguyễn trên Luật Việt Nam.
[4] Khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005
[5] Nguyễn Thị Huyền (Luật Hoàng Phi.vn)
[6] Xem Điều 75 Bộ luật Hình sự
TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử vụ án Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp - Ảnh: Ma Quang Lâm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận