Vấn đề phạt cọc trong dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc

Bài viết phân tích, làm rõ các quan điểm khác nhau về phạt cọc trong dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Trên cơ sở dự thảo Nghị quyết (dự thảo 2.1) của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc, tác giả có một số đóng góp ý kiến như sau về vấn đề phạt cọc:

Theo Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, đặt cọc là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng1. Đồng thời, BLDS năm 2015 cũng quy định 03 trường hợp xử lý hậu quả đối với tài sản đặt cọc gồm: (i) Nếu hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; (ii) Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; (iii) Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác 2.

Điều 6 dự thảo Nghị quyết đề cập “Phạt cọc là thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của luật, theo đó nếu bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì ngoài việc phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc còn phải trả cho bên đặt cọc một khoản tiền”, “Trường hợp các bên không thỏa thuận phạt cọc thì trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì bên đặt cọc yêu cầu bên nhận đặt cọc vẫn phải trả cho bên đặt cọc một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc”. Điều 6 dự thảo Nghị quyết cũng nêu hai phương án liên quan đến số tiền phạt cọc như sau:

Phương án 1: Bên đặt cọc và nhận đặt cọc có thể thỏa thuận mức tiền phạt cọc khác với mức “một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” quy định tại khoản 2 Điều 328 của BLDS.

Phương án 2: Bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc có thể thỏa thuận mức tiền phạt cọc khác với mức “một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” quy định tại khoản 2 Điều 328 BLDS năm 2015 nhưng không vượt quá năm lần mức tiền đặt cọc. Trường hợp bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc thỏa thuận về mức phạt cọc vượt quá năm lần giá trị tài sản đặt cọc thì khi giải quyết tranh chấp, Tòa án chỉ chấp nhận phạt cọc bằng năm lần mức tiền đặt cọc.

Trên thực tế, một trong những vấn đề quan tâm khi xem xét đến giao dịch đặt cọc đó là vấn đề phạt cọc. Thực tiễn xét xử, có những giao dịch đặt cọc thỏa thuận gấp 10 lần, thậm chí 20 lần mức tiền đặt cọc, đặc biệt là các vụ án giao kết hợp đồng thông qua người môi giới, có quan điểm cho rằng cần giới hạn lại mức thỏa thuận phạt cọc, quan điểm khác lại cho rằng cần tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự ngay từ ban đầu, bởi lẽ pháp luật cho phép “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Do đó, khoản 3 Điều 6 Dự thảo 2.1 Nghị quyết đã đề cập đến hai phương án là không giới hạn việc thỏa thuận giữa các bên hoặc giới hạn số lần phạt cọc bằng năm lần mức tiền đặt cọc.

Quan điểm của tác giả, thống nhất với phương án 2, trên thực tế, các giao dịch về bất động sản có thể được bên nhận đặt cọc (thường là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) soạn thảo một hợp đồng mẫu liên quan đến đặt cọc, có sẵn các điều khoản liên quan đến vấn đề phạt cọc cao gấp nhiều lần so với số tiền đặt cọc. Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề tài chính gặp khó khăn, bên đặt cọc không thể giao kết, thực hiện hợp đồng, trong trường hợp này nếu như căn cứ vào hợp đồng mẫu nêu trên để tính số tiền phạt cọc là vượt quá khả năng chi trả của bên đặt cọc, dẫn đến khó khăn cho việc thi hành án nếu có tranh chấp phát sinh. Mặc dù, việc thỏa thuận phạt cọc không trái với BLDS, tuy nhiên về khía cạnh xã hội trong đời sống dân sự thì chưa thật sự phù hợp. Do đó, việc điều chỉnh số lần phạt cọc là yêu cầu khách quan. Đồng thời, tránh một trong các bên lạm dụng việc phạt cọc gây ảnh hưởng đến bên còn lại hoặc nhằm mục đích lợi dụng việc không giới hạn số lần phạt cọc để thỏa thuận giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với người thứ ba. Ví dụ: A đang thiếu nợ rất nhiều người, để trốn tránh nghĩa vụ với các chủ nợ, A lập hợp đồng đặt cọc với B là người thân của A để chuyển nhượng phần đất do A đứng tên và thỏa thuận nếu như A không chuyển nhượng đất cho B thì phải chịu số tiền phạt cọc là 20 lần mức tiền đặt cọc. Sau đó, bằng nhiều cách thức khác nhau, A không thực hiện chuyển nhượng đất cho B. Trong trường hợp này, A phải chịu phạt cọc đối với B. Sự thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ nợ khi phải chấp nhận sự thỏa thuận phạt cọc giữa A và B, điều này ảnh hưởng đến nghĩa vụ tài sản của A đối với các chủ nợ. Hoặc trường hợp một bên biết được hợp đồng chuyển nhượng không thể thực hiện được nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bên còn lại lập hợp đồng đặt cọc với số tiền phạt cọc cao dẫn đến thiệt hại người yếu thế.

Bên cạnh đó, ngoài hai phương án về vấn đề phạt cọc như khoản 3 Điều 6 dự thảo 2.1 đã nêu ở trên, tác giả cũng đề xuất dự thảo Nghị quyết nên bổ sung trường hợp việc phạt cọc dù giới hạn bao nhiêu lần nhưng không vượt quá giá trị tài sản giao dịch. Điều này bảo đảm việc tôn trọng thực hiện các quyền tài sản của các bên khi tham gia giao dịch.

Trên đây là góp ý của tác giả để phân tích, làm rõ các quan điểm về phạt cọc trong dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc./.


 

 

VÕ HOÀNG KHẢI - CHÂU THANH QUYỀN (TAND tỉnh Hậu Giang)

1 Khoản 1 Điều 328 BLDS năm 2015.

2 Khoản 2 Điều 328 BLDS năm 2015.