Về nguyên tắc xét xử theo lẽ công bằng
Kiến nghị bãi bỏ quy định về áp dụng lẽ công bằng trong BLDS và BLTTDS năm 2015
Bài viết tìm hiểu nguồn gốc của nguyên tắc xét xử theo lẽ công bằng và đề xuất nên bãi bỏ quy định của BLDS và BLTTDS 2015 về xét xử theo lẽ công bằng.
1.Sự hình thành nguyên tắc xét xử theo lẽ công bằng ở nước Anh
Năm 1066, người Normans đã đánh bại người bản xứ tại Hastings và chiếm đóng nước Anh, họ đã nhanh chóng thiết lập nên chế độ nhà nước tập quyền, bao gồm cả quá trình thi hành công lý. Luật pháp phải được thi hành thống nhất trong cả nước thay cho luật chỉ áp dụng ở từng vùng. Đây cũng là thời điểm thường được cho là bắt đầu của truyền thống luật thông pháp. Tuy nhiên, luật thông pháp mới chỉ chú ý bảo vệ quyền lợi của tầng lớp quý tộc mà chưa chú ý đến quyền lợi của những tầng lớp khác, do đó nhà Vua cho phép một người nào đó nếu không đồng ý với việc xét xử của Tòa án thì được quyền khiếu nại về tính công bằng của bản án lên nhà Vua. Nhà Vua có quyền thay đổi bản án của Tòa án, một quyền lực mà ngày nay còn lưu lại dấu tích là quyền của người đứng đầu Chính phủ trong việc tha miễn hình phạt hoặc giảm án.
Về nguyên tắc, nhà Vua sẽ xem xét giải quyết khiếu nại, nhưng trên thực tế ông giao công việc này cho các quan chức hoàng gia gọi là chancellor. Các khiếu nại ngày càng nhiều lên, do đó, đã hình thành các quy định về nội dung và quy tắc tố tụng trong việc giải quyết các khiếu nại. Dần dần Chancellor trở thành tòa chancery, các tòa án này đã xây dựng các quy định nhằm đưa lại sự công bằng hơn đối với việc áp dụng nghiêm ngặt luật thông pháp, bởi vậy mới được gọi là xét xử theo lẽ công bằng.
Thí dụ, theo luật thông pháp, nếu một người giao tài sản cho một người khác trông coi nhân danh một người nào đó (chẳng hạn như một đứa trẻ ), thì tài sản đó hoàn toàn thuộc về người nhận. Đứa trẻ không có quyền đối với tài sản đó và không thể yêu cầu sự bảo vệ của tòa án nếu như người nhận giữ tài sản đó muốn giữ nó cho chính bản thân anh ta. Các tòa chancery đã thay đổi sự mất công bằng đó bằng việc cho phép người được ủy thác giữ tài sản nhân danh một người khác là người có quyền hợp pháp đối với tài sản đó (tức là người nhận ủy thác giữ tài sản có nghĩa vụ giữ gìn, quản lý và định đoạt tài sản được ủy thác vì lợi ích của người mà họ giữ tài sản nhân danh người đó (như ví dụ trên là đứa trẻ) và không được nhập tài sản đó vào tài sản thuộc sở hữu của mình). Quyết định này đã sửa đổi, bổ sung quy định của luật thông pháp và là tiền đề cho việc xây dựng luật tín thác sau này.
Tòa chancery tồn tại hàng thế kỷ bên cạnh các tòa án theo luật thông pháp. Sau đó, hai hệ thống tòa án được sáp nhập, và tòa chancery trở thành phân tòa công bằng trong hệ thống tòa án ở Anh. Phân tòa này giải quyết các vụ án về tín thác, thừa kế, sở hữu trí tuệ và phá sản. Ngày nay, các luật và văn bản dưới luật được ban hành ngày càng nhiều đã hầu như xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật dân sự, do vậy ở Anh cũng như những nước theo truyền thống luật của Anh, việc xét xử theo lẽ công bằng (hay luật công bằng ) đã dừng lại, không phát triển thêm nữa mà tập trung phát triển án lệ.
Ở nước Anh cũng như những nước theo truyền thống luật của Anh, toàn bộ các nguyên tắc về lẽ công bằng đều do các Thẩm phán xây dựng lên. Bởi lẽ, khi xét xử họ có quyền giải thích pháp luật và khi giải thích pháp luật họ có thể sửa đổi, bổ sung quy định của luật cho phù hợp với nhu cầu của thực tiễn. Đây là một điều rất khác so với các thẩm phán ở các quốc gia theo truyền thống luật dân sự, nơi mà thẩm phán chỉ được giải thích luật theo đúng cái “khung” của điều luật chứ không thể linh hoạt vượt ra ngoài.
2.Quy định về xét xử theo lẽ công bằng ở Việt Nam
Dưới thời thuộc Pháp, người Pháp đã chủ trì soạn thảo và ban hành các Bộ luật Dân sự ở Việt Nam, Bộ Dân luật Bắc kỳ (BDLB) được ban hành năm 1931, Bộ Dân luật Trung kỳ (BDLT) được ban hành năm 1936.
Điều 4 của BDLB quy định: “Khi nào không có điều luật thi hành được, thì quan Thẩm phán xử theo tập quán phong tục, và nếu không có phong tục, thì xử theo lẽ phải và sự công bằng, cùng là châm chước tục riêng, thói quen và tình ý của người đương sự.
“Quan Thẩm phán sẽ giải quyết theo luật học và án lệ.”
Điều 4 của BDLT cũng quy định nguyên văn như Điều 4 của BDLB.
Hai bộ luật này chịu nhiều ảnh hưởng từ Bộ luật Dân sự của Pháp. Tuy nhiên, bản dịch Bộ luật Dân sự Pháp do Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội xuất bản năm 2018 thì không thấy bộ luật quy định về xét xử “theo lẽ công bằng”. Phải chăng là người Pháp đã bãi bỏ quy định này trong bộ luật của mình?!
Khi nước ta bị phân chia thành hai miền, Việt Nam cộng hòa vẫn áp dụng BDLB và BDLT cho tới khi ban hành Bộ Dân luật vào ngày 20/12/1972. Có lẽ do ảnh hưởng từ hai bộ dân luật trước đó, nên Điều 9 Bộ Dân luật này đã quy định: “Gặp trường hợp không có điều luật nào có thể dẫn dụng, thẩm phán sẽ quyết định theo tục lệ; nếu không có tục lệ, sẽ theo công bằng và lẽ phải mà xét xử và phải chú trọng đến ý định của các đương sự”.
Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 đều có quy định khi pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự, và nếu không thể áp dụng hai “nguồn” này thì theo khoản 3 Điều 45 BLTTDS, Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của BLDS, án lệ và lẽ công bằng.
Đoạn thứ ba, khoản 3, Điều 45 BLTTDS giải thích: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.
Như vậy, trong trường hợp không có một “nguồn luật” nào để áp dụng thì Tòa án sẽ áp dụng “lẽ công bằng” để giải quyết vụ việc dân sự. Tức là thẩm phán sẽ quyết định một “lẽ công bằng” đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như giải thích nêu trên là một “quy phạm pháp luật” để giải quyết vụ việc dân sự. Để thực hiện được điều này, Thẩm phán phải được quyền giải thích pháp luật theo những nguyên tắc và phương pháp thống nhất. Vấn đề này dường như đang thiếu vắng ở nước ta.
Vấn đề khác cần trao đổi là, như đã viết ở mục 1, Thẩm phán ở Anh trước đây đưa ra những nguyên tắc công bằng để giải quyết vụ án dân sự là do quy định của pháp luật về vụ việc mà họ đang giải quyết là không công bằng, chứ không phải hoàn toàn không có quy định của pháp luật về vấn đề đó. Giờ đây ở nước Anh cũng như những nước theo truyền thống luật án lệ, lẽ công bằng hay luật công bằng đã trở thành vấn đề lịch sử, vì các văn bản pháp luật được ban hành ngày càng nhiều đã xóa bỏ hầu hết những quy định không công bằng của thông luật.
Ở đây cũng cần nói thêm là khi nói nước Anh là nước theo hệ thống “luật không thành văn”, không có nghĩa là không có văn bản luật, mà do luật được quy định ở nhiều đạo luật khác nhau, như nói nước Anh không có Hiến pháp thành văn là vì các vấn đề thuộc Hiến pháp được quy định tại nhiều bản Hiến chương khác nhau, tương tự các lĩnh vực luật dân sự, luật hình sự… cũng được quy định ở nhiều đạo luật khác nhau.
Ngày nay, nước ta cũng đã ban hành rất nhiều bộ luật và có lẽ quy định ở các bộ luật này cũng sẽ không có những quy định không công bằng giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật cụ thể. Vì vậy, thiết nghĩ chúng ta nên bãi bỏ quy định về áp dụng lẽ công bằng trong xét xử các vụ việc dân sự quy định tại BLDS và BLTTDS năm 2015.
TÁI LIỆU THAM KHẢO
1.John Henry Merryman – Truyền thống luật dân sự, Giới thiệu về hệ thống luật pháp của Tây Âu và châu Mỹ la tinh, Nxb trường đại học Stanford, California, 1985.
2. Tiến sĩ Kate Malleson – Hệ thống pháp luật, Lexis Nexis –UK xuất bản 2003.
3. Rupert Cross và J.w.Harris - Tiền lệ pháp trong hệ thống pháp luật Anh, Nxb Clarendon Press – Oxford, tái bản lần thứ 4 năm 2004.
4. Ghi chép các buổi làm việc với Bruce Thomas Lander và John Gilmour, Thẩm phán Tòa án liên bang Australia từ 23-27 tháng 4 năm 2012 tại Hà Nội .
5. Vũ Văn Mẫu – Dân luật khái luận, Bộ Giáo dục quốc gia (Sài Gòn),xuất bản lần thứ hai 1960.
TAND quận Gò Vấp, TP HCM xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Ý Linh
Bài liên quan
-
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015 tương thích với Luật Tổ chức TAND năm 2024 về việc thu thập tài liệu, chứng cứ
-
Bàn về áp dụng Điều 129 BLDS năm 2015 và Án lệ số 55/2022/AL đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không tuân thủ quy định về hình thức
-
Quan hệ pháp luật tranh chấp giữa ông B và Công ty A phải căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 30 BLTTDS 2015
-
Một số quy định chung của BLDS năm 2015 - Hạn chế và kiến nghị
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận