Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương & Công ty xi măng Long Sơn

1.000 đơn vị máu “lên đường” trong đêm góp sức cùng miền Nam kiên cường chống dịch

Sáng sớm 30-7, thông tin từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, đêm 29-7, rạng sáng 30-7, 1.000 đơn vị khối hồng cầu đã kịp thời được chuyển qua đường hàng không từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh chi viện cho kho máu của Bệnh viện Chợ Rẫy để truyền cho những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch.

Những giọt máu nóng trong đêm làm ấm lòng người bệnh

Chuyến bay khởi hành lúc 1 giờ sáng tại Hà Nội và đến hơn 4 giờ sáng 30-7, các đồng nghiệp tại Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy đã đưa được máu về kho an toàn.

 

1.000 đơn vị máu được gửi tới miền Nam chống dịch Covid-19.

Thời gian qua, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương luôn trao đổi, cập nhật tình hình tiếp nhận và cung cấp của các địa phương trên cả nước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng khan hiếm máu lần lượt xảy ra ở các địa phương nhưng đây là lần đầu tiên, tình hình hết sức khó khăn và căng thẳng bởi dịch bệnh lan rộng và khó kiểm soát hơn.

Hai lần liên tiếp trong tháng 7, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh) đã phải phát đi lời kêu gọi hiến máu. Đến ngày 28-7, Trung tâm chỉ còn 1.700 đơn vị máu. Nếu không được bổ sung, lượng máu này chỉ cung cấp được chưa đầy một tuần.

 

1.000 đơn vị máu mới tiếp nhận với hạn sử dụng dài (đến đầu tháng 9-2021) được cung cấp cho Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thấu hiểu những khó khăn này, dù lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cũng đang rất hạn chế nhưng ngay sau trao đổi ngắn với Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy và PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Viện đã ngay lập tức lên kế hoạch, phương án để vận chuyển 1.000 đơn vị máu tới Bệnh viện Chợ Rẫy.

 

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân tham gia hiến máu.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương chia sẻ, vài ngày qua, sau kêu gọi thì lượng người hiến máu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã tăng lên đáng kể. Chúng tôi nghĩ cần phải làm gì đó khi chúng ta vẫn có thể tiếp nhận máu, vẫn phối hợp được để góp sức cùng miền Nam kiên cường chống dịch. Nếu không giúp đỡ thì chỉ trong vài ngày nữa, không còn đơn vị máu nào để phục vụ nhu cầu điều trị, đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 nặng.

Các ngân hàng máu trên cả nước thiếu máu trầm trọng

Khi cả nước đang bước vào đợt dịch Covid-19 căng thẳng nhất cũng là lúc hoạt động hiến máu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt lịch hiến máu đã bị hủy hoặc lùi thời gian tổ chức. Thiếu máu theo nhóm máu, thiếu chế phẩm tiểu cầu, nhiều nơi có thời điểm chỉ cung cấp được 50-70% nhu cầu máu phục vụ điều trị.

Dịch bệnh phức tạp khiến lịch hiến máu liên tục phải hoãn, hũy. Nhiều địa phương không thể tổ chức hiến máu trong thời gian dài như: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ…

Lượng máu giảm nghiêm trọng trong khi nhu cầu sử dụng máu tại các bệnh viện vẫn rất lớn, gồm cả chế phẩm máu cho điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có ngày chỉ đáp ứng được 50%-70% nhu cầu máu cần cho cấp cứu và điều trị.

 

1.000 đơn vị khối hồng cầu được đóng thùng cẩn thận, đảm bảo điều kiện nhiệt độ bên trong thùng trước khi chuyển tới sân bay Nội Bài.

 

TS, BS Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy cho biết: “Lượng máu dự trữ giảm mạnh, nhiều thời điểm gần chạm đáy. Chúng tôi không thể tiếp nhận máu lưu động, chỉ còn cách kêu gọi người dân trực tiếp đến trung tâm hiến. Tuy nhiên, thành phố siết chặt Chỉ thị 16, người dân hạn chế ra đường cũng làm cho công tác tiếp nhận máu từ cộng đồng thêm nhiều thử thách”.

Tình trạng khan hiếm máu tại Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP Hồ Chí Minh cũng tương tự khi có ngày chỉ đón tiếp 30-50 người đến hiến máu. Trong khi đó, mỗi ngày, Bệnh viện cần phải cung cấp 300 đơn vị. Lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 1/10 lượng máu máu cần để cung cấp cho gần 150 bệnh viện trong thành phố.

Trong khi nguồn máu rất hạn chế, hai bệnh viện này luôn ưu tiên cung cấp nguồn máu cho các bệnh viện dã chiến và nhiều bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 có bệnh lý nền như suy thận, ung thư…

Còn tại Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ – nơi chịu trách nhiệm cung cấp máu cho hơn 50 bệnh viện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có ngày chỉ tiếp nhận được 50-150 đơn vị máu, thậm chí vài đơn vị.

Đẩy mạnh hiến máu tình nguyện trong bối cảnh dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng máu dự trữ trên toàn quốc đang sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã có công văn gửi các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành phố đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hiến máu tình nguyện, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; cung cấp đủ máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh tại các cơ sở y tế trong cả nước.

Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tỉnh nguyện đề nghị các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành phố báo cáo cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các cơ quan quản lý y tế địa phương chỉ đạo, tạo điều kiện trong việc đôn đốc, hướng dẫn, tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện theo kế hoạch. Đồng thời tiếp tục duy trì tổ chức các lịch hiến máu hưởng ứng Chiến dịch "Những giọt máu hồng - hè" và chương trình "Hành trình Đỏ" năm 2021; chia nhỏ các buổi, đợt hiến máu để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và nguồn máu phục vụ cho điều trị bệnh nhân.

Các đơn vị đa dạng hóa loại hình truyền thông, vận động hiến máu; đổi mới, sáng tạo để đáp ứng tình hình mới. Các bên liên quan cần tăng cường truyền thông trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các đơn vị chức năng thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), quản lý tốt người hiến máu tình nguyện; mở rộng đối tượng truyền thông tham gia hiến máu tình nguyện là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tăng ni, phật tử, chức sắc tôn giáo...

Các địa phương chưa bị phong tỏa, cách ly phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức tiếp nhận máu theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc bổ sung lịch hiến máu để hỗ trợ, điều tiết cho các địa phương bị phong tỏa, cách ly y tế. Các cơ sở cần rà soát, cập nhật thông tin các thành viên tham gia loại hình câu lạc bộ để kêu gọi tham gia hiến máu khẩn cấp hoặc khi cần được yêu cầu để kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân; thực hiện tốt hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về tổ chức hiến máu đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

 

QC