Vũ Văn V phạm tội “Trộm cắp tài sản” và anh D, chị H là bị hại

Sau khi nghiên cứu bài viết “Vũ Văn V phạm tội gì? Ai là bị hại?” của tác giả Tạ Ngọc Nam đăng trên Tạp chí ngày 18/9; tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, hành vi của Vũ Văn V đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS 2015; anh D và chị H là bị hại trong vụ án.

Thứ nhất, ngay từ đầu V đã có ý thức chiếm đoạt tài sản là chiếc xe đạp nhãn hiệu AVATAR một cách lén lút, thể hiện qua hành vi lén mở cửa cổng, tự ý đi vào nhà anh D, chị H để lấy chiếc xe. Việc V phát hiện cháu P đang nằm ở ghế trong phòng khách, nhìn thấy sự việc là tình huống bất ngờ, trở ngại khách quan. Do đó, V đã có hành vi giả vờ lên cầu thang rồi đi xuống và nói với cháu P rằng anh D đã đồng ý cho V mượn xe để cháu P cũng tin theo.

Thủ đoạn gian dối trên của V đối với cháu P chỉ là phương thức nhằm che dấu hành vi phạm tội đồng thời nhằm lén lút qua mặt chủ sở hữu là anh D; tránh việc cháu P phát hiện ra hành vi chiếm đoạt trái pháp luật của V thì sẽ ngăn cản, truy hô hoặc báo ngay cho chủ sở hữu là anh D. Điều này cũng được thể hiện rõ ở việc khi thấy cháu P thì V đi vào nhà hỏi: “ê cu bố mẹ em đâu?” để tìm hiểu xem anh D và chị H có ở nhà hay không. Ngoài ra, việc V đưa ra lời nói gian dối đối với cháu P rằng anh D đã đồng ý cho mượn xe cũng đã thể hiện về ý thức chủ quan của V xác định chủ sở hữu anh D mới là người đang trực tiếp quản lý, chi phối đối với chiếc xe đạp này.

Thứ hai, khi V thực hiện hành vi chiếm đoạt thì chiếc xe trên đang nằm trong khuôn viên nhà của anh D, chị H, trước đó đã đóng cổng và lúc này anh D cũng đang ở trong nhà. Do đó, chiếc xe vẫn đang trong tầm quản lý và kiểm soát trực tiếp của chủ sở hữu là anh D. Mặt khác, anh D, chị H không giao quyền quản lý chiếc xe đạp cho cháu P nên P chỉ là người chứng kiến sự việc.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 62 BLTTHS năm 2015 xác định: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.

Trong vụ án này, việc cháu P đồng ý cho V mang xe đi chỉ là thái độ của người chứng kiến thể theo ý chí của chủ sở hữu là anh D, do tin tưởng vào thủ đoạn gian dối của V trong khi P không phát hiện ra hành vi của V có dấu hiệu vi phạm pháp luật để ngăn cản và ý kiến này cũng không mang ý nghĩa quyết định. Điều này cũng tương tự như trường hợp chiếc xe được chủ sở hữu dựng ở ngoài lề đường để vào mua hàng mà người trộm cắp nại ra lý do với người đang chứng kiến (bất kỳ người nào) rằng đã được chủ sở hữu đồng ý để người chứng kiến thống nhất, không cản trở nhằm lấy được chiếc xe đi. Do vậy, không thể xem việc đồng ý của cháu P nêu trên là sự chuyển giao tài sản giữa cháu P sang cho V.

Trên thực tế cháu P cũng không có hành động giao xe cho V mà do V tự ý lấy chiếc xe đạp ra khỏi tầm quản lý của anh D rồi mang đi bán. Vì vậy, cháu P hoàn toàn không có lỗi trong việc để chiếc xe đạp bị mất trộm nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường giữa cháu P đối với chủ sở hữu là vợ chồng anh D, chị H. Như vậy, cháu P không phải là người bị thiệt hại mà người chịu thiệt hại trực tiếp là anh D và chị H. Do đó, anh D, chị H mới là bị hại trong vụ án.

Trên đây là quan điểm của tác giả đối với tình huống nêu trên, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.

 

*Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum

Toà án huyện Lộc Bình, Lạng Sơn xét xử hai bị cáo bị truy tố về tội trộm cắp tài sản- Ảnh: Thanh Hiền

NGUYỄN TẤT DUẨN*