VỤ BA BÉ GÁI BỊ BUỘC LÀM VIỆC TẠI QUÁN CAFE NGỌC LAN 79 -CÓ CẤU THÀNH TỘI PHẠM HAY KHÔNG?
Văn phòng Luật sư Trường Thành
NỘI DUNG VỤ VIỆC
Mấy ngày qua nhiều báo chí trong cả nước thông tin về vụ việc ba bé gái độ tuổi từ 13 – 14 tuổi ở tỉnh Bình Thuận vào thành phố Hồ Chí Minh xin việc. Sau khi lên mạng tìm kiếm thông tin, các cháu gặp một đối tượng tên Công. Công hứa giới thiệu các cháu làm nhân viên phục vụ nhà hàng với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau đó, Công nói nhà hàng không còn tuyển người. Công chở các cháu đến quán cà phê Ngọc Lan 79 bán cho chủ quán với giá 4 triệu đồng/cháu rồi Công bỏ về. Các cháu kể khi biết đây là cà phê ôm, các cháu không chịu làm việc thì chủ quán yêu cầu phải trả lại số tiền mà chủ quán đưa cho “cò”. Do các cháu không có tiền trả nên người của quán buộc phải làm ít nhất 3 tháng. Lương mỗi tháng là 4 triệu đồng. Dù biết các cháu không đủ tuổi nhưng chủ quán vẫn yêu cầu các cháu ngồi chung với khách, cho khách “thoải mái”, nếu phản đối sẽ bị mắng chửi. Các cháu luôn bị thu giữ sim, điện thoại, canh phòng, khi đi ngủ sẽ bị bảo vệ canh giữ và rút thang để khỏi bỏ trốn.
Chủ quán Bùi Tấn Thành thừa nhận đã đưa cho “cò” 12 triệu đồng và nhận các em vào làm. Tuy nhiên, ông Thành phủ nhận việc ép các bé ôm khách hoặc cho tiếp viên bán dâm trong chòi và không giam giữ các bé.
Từ nội dung vụ việc nêu trên có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng vụ việc đã cấu thành tội phạm cần thiết phải điều tra, truy tố và xét xử. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Chúng tôi nêu ra đây những quan điểm cơ bản nhất nhằm bàn luận vụ việc nói trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay chưa?
CÁC QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU
Quan điểm thứ nhất cho rằng, chủ quán cafe Ngọc Lan 79 – ông Bùi Tấn Thành (sau đây gọi chung là chủ quán café 79) và “Cò” không cấu thành tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự. Quan điểm này cho rằng “Nếu nhìn sơ thì giống như mua bán người nhưng thực sự không phải. Mua bán người giống như mình bắt đứa bé rồi mua bán trao đổi lấy tiền. Còn vụ này các cháu muốn có tiền nên đến trung tâm xin việc làm rồi bọn cò lái bắt mối mới dẫn đến quán cà phê. Đó giống như một hình thức giới thiệu việc làm rồi thu tiền”[1].
Quan điểm thứ hai cho rằng, chủ quán và “cò” có dấu hiệu phạm tội của tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo điều 120 – Bộ Luật Hình sự.
Quan điểm này cho rằng chủ quán đã có hành vi dùng tiền để trao đổi các bé gái như một loại hàng hóa, biến các cháu thành những con nợ. Đây là việc làm lừa lọc, thất đức, gây phẫn nộ trong dư luận. Tại khoản 1, điều 4 Thông tư số 01/2013-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23-7-2013 về việc hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em nêu rõ: “Mua bán trẻ em” được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa. “Ở đây vì các em mới chỉ từ 13-14 tuổi (dưới 16 tuổi) nên giao dịch giữa “cò” và chủ quán có thể có dấu hiệu của tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo điều 120 – Bộ luật Hình sự[2].
Quan điểm thứ ba cho rằng, với thông tin vụ việc nêu trên thì chủ quán café 79 đã phạm tội giữ người trái pháp luật theo quy đinh tại Điều 123 Bộ luật hình sự. Theo quan điểm này, thì chủ quán đã có hành vi giữ người trái pháp luật với các dấu hiệu như thu giữ sim, điện thoại để không cho liên lạc với bên ngoài, có người canh phòng, khi đi ngủ bị rút cầu thang để không thể bỏ trốn,…
Quan điểm thứ tư cho rằng, ngoài việc chủ quán café 79 và “cò” đã có dấu hiệu đầy đủ của tội mua bán trẻ em thì cần phải khởi tố vụ án đối với hành vi dâm ô đối với trẻ em theo quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự đối với các đối tượng đã dâm ô với các bé gái. Bởi theo lời khai của các bé gái thì chủ quán café 79 đã bắt các bé phải ngồi chung với khách trên một chiếc võng duy nhất trong chòi lá, phải để cho khách “thoải mái” ôm ấp, sờ nắn,… như vậy có đủ dấu hiệu để khởi tố vụ án đối với tội danh này.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ tư này, chủ quán cafe 79 và “Cò” đã có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hinh sự. Bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất, xét về hành vi mua bán trẻ em thì giữa chủ quán café 79 và “Cò” đã có hành vi mua bán 3 bé gái. Việc mua bán này bắt ngồn từ hành vi dụ dỗ, lừa phỉnh của “Cò” – lừa các bé gái xin việc, nhưng thực chất là bán các bé cho chủ quán café 79. Chủ quán café 79 biết rõ việc mua bán này là không có sự đồng ý của các bé gái nhưng vẫn mua vì mục đích riêng của mình. Việc ua bán này đã hoàn thành, chủ quán café 79 đã trả đủ tiền cho “Cò” và “Cò” đã giao 3 bé gái cho chủ quán café 79.
Như vậy, hành vi mua bán này đã cấu thành tội mua bán trẻ em phù hợp hướng dẫn tại khoản 1, Điều 4 Thông tư số 01/2013-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23-7-2013 về việc hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em là ““Mua bán trẻ em” là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa”. Cụ thể trong trường hợp này là các hành vi gồm: Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua[3] và hành vi: Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác[4].
Thứ hai, xét về mặt hậu quả thì hành vi mua bán trẻ em nêu trên đã cắt đứt liên lạc với gia đình các bé gái, thoát ra khỏi sự quản lý của bố mẹ, gia đình. Hành vi mua bán này đã xâm phạm quyền tự do, thân thể của trẻ em và quyền được quản lý, chăm sóc, giáo dục của trẻ em. Cao hơn là đã xâm phạm đến quyền con người của trẻ em. Điều này đã được chủ quán café 79 thừa nhận.
Thứ ba, chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm thứ tư nói trên về việc cần khởi tố vụ án dâm ô với trẻ em theo quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự. Bởi vì, đã có dấu hiệu xâm hại, dâm ô đối với trẻ em và cần phải khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.
Trên đây là quan điểm nhận xét, đánh giá của cá nhân đối với vụ việc nói trên, rất mong nhận được sự đánh giá, trao đổi của toàn thể bạn đọc./.
[1] Báo Người lao động, ngày 14/11/2017, http://nld.com.vn/phap-luat/cong-an-noi-gi-vu-tha-chu-quan-ep-3-be-gai-tiep-khach-20171114105236884.htm.
[2] Báo Người lao động, ngày 14/11/2017, http://nld.com.vn/phap-luat/giai-cuu-3-be-gai-khoi-quan-ca-phe-tra-hinh-20171113211738214.htm.
[3] Điểm a khoàn 1 Điều 4 Thông tư số 01/2013-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23-7-2013 về việc hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.
[4] Điểm d khoàn 1 Điều 4 Thông tư số 01/2013-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23-7-2013 về việc hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận