Vướng mắc khi thu thập và xử lý vật chứng đối với vụ án bị kháng cáo hoặc kháng nghị phúc thẩm
Trong bài viết tác giả đưa ra các vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện quy định về thu thập và xử lý vật chứng khi giải quyết phúc thẩm vụ án hình sự.
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định rất cụ thể về các trường hợp xử lý vật chứng khi giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, có nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xử lý vật chứng không đúng quy định; khi đó chủ sở hữu hoặc người quản lý vật đã tiêu hủy hoặc bán cho người khác dẫn đến không thể thu thập lại được. Khi quyết định của bản án liên quan đến vật chứng bị kháng cáo hoặc kháng nghị phúc thẩm, do vật chứng không thu thập lại được dẫn đến vướng mắc trong quá trình xét xử phúc thẩm vụ án.
Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án[1]. Vật chứng là một loại chứng cứ quan trọng để các cơ quan, người tiến hành tố tụng căn cứ vào đó xem xét giải quyết vụ án hình sự. Các vật chứng được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử phải được xem xét xử lý theo quy định của BLTTHS. Tùy thuộc vào tính chất của từng loại vật chứng mà cơ quan điều, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định xử lý bằng các hình thức phù hợp. Căn cứ pháp lý, cũng như hình thức xử lý vật chứng được BLTTHS quy định rất cụ thể và quá trình áp dụng xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng cơ bản đảm bảo thuận lợi và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, trong giai đoạn xét xử, Tòa án hoặc Hội đồng xét xử khi xử lý vật chứng xong, sau đó bản án sơ thẩm bị kháng cáo hoặc bị kháng nghị phúc thẩm thì một số trường hợp gặp vướng mắc, gây lúng túng trong việc giải quyết dứt điểm vụ án.
Điều 105 BLTTHS quy định: “Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án...”. Căn cứ quy định này thì việc thu thập vật chứng sẽ được thu thập ở tất cả các giai đoạn – giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Theo đó, trong giai đoạn xét xử, nếu có vật chứng cần phải thu thập để đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án, thì Tòa án phải tiến hành thu thập vật chứng đó để đưa vào hồ sơ vụ án đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ án đó.
Khoản 1 Điều 106 BLTTHS quy định, việc xử lý vật chứng được tiến hành ở cả ba giai đoạn tố tụng, cụ thể: do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định xử lý nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định xử lý nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định xử lý nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định xử lý nếu vụ án đã đưa ra xét xử.
Về các trường hợp xử lý cụ thể đối với các loại vật chứng trong vụ án cũng được BLTTHS quy định chi tiết. Theo đó, có ba hướng xử lý vật chứng khi giải quyết vụ án: Thứ nhất, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; thứ hai, đối với vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; thứ ba, nếu vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy[2].
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 106 BLTTHS, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án, Hội đồng xét xử cũng có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy; vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở quy định tại Điều 106 BLTTHS, trong thực tế xét xử có nhiều trường hợp tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm xử lý vật chứng bằng hình thức trả lại vật chứng là tài sản cho chủ sở hữu trước khi mở phiên tòa, do xác định không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án. Hoặc cũng có trường hợp, Tòa án cấp sơ thẩm xác định vật chứng mà giai Cơ quan điều tra thu thập không phải là vật chứng nên trả lại cho chủ sở hữu trước khi đưa vụ án ra xét xử. Việc xử lý trong trường hợp này vừa đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu tài sản, vừa giúp cho việc giải quyết vụ án được thuận lợi đối với trường hợp vật được thu thập đưa vào hồ sơ vụ án mà không phải là vật chứng thì không có căn cứ để xử lý khi quyết định trong bản án.
2. Vướng mắc khi xử lý vật chứng ở giai đoạn xét xử phúc thẩm
- Thứ nhất, đối với vật Tòa án cấp sơ thẩm xác định không phải là vật chứng, hoặc là vật chứng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định không liên quan đến việc xét xử, nên xử lý bằng hình thức trả lại cho chủ sở hữu trước khi xét xử; nhưng sau khi xét xử sơ thẩm, có kháng cáo hoặc kháng nghị phúc thẩm yêu cầu xác định đó là vật chứng hoặc vật chứng đó có ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS thì khi giải quyết vụ án, cụ thể trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, thì Tòa án phải trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản bị thu giữ không phải là vật chứng, hoặc tài sản bị thu giữ là vật chứng nhưng không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Từ quy định này, trong thực tế giải quyết vụ án, một số trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm xác định vật bị thu giữ không phải là vật chứng hoặc là vật chứng nhưng xác định không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, cũng như thi hành án nên xử lý bằng hình thức trả lại cho chủ sở hữu.
Vấn đề xảy ra là sau khi tuyên án sơ thẩm thì bị hại hoặc Viện kiểm sát cho rằng vật đã trả lại cho chủ sở hữu là vật chứng hoặc vật đó có ảnh hưởng đến quá trình xét xử và thi hành án, từ đó có kháng cáo hoặc kháng nghị phúc thẩm. Nếu trong trường hợp này vật đã trả lại cho chủ sở hữu vẫn còn thì Tòa án sẽ tiến hành thu thập lại để đảm bảo cho việc xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp vật đó đã bị chủ sở hữu tiêu hủy nên không còn tồn tại, khi đó việc xử lý vụ án liên quan đến vật đó sẽ được tiến hành như thế nào?
Ví dụ, Trần A đến nhà Nguyễn B chơi, sau đó A vào phòng riêng của B thấy có chiếc đồng hồ đeo tay (trị giá 15.000.000đ) để trên bàn nên lấy bỏ vào túi áo khoác, sau đó đi ra ngoài. Vì sợ ở lâu sẽ bị phát hiện, nên A lấy lý do có việc gấp nên ra về. Sau đó, A bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “trộm cắp tài sản”; chiếc áo khoác A mặc khi lấy đồng hồ bỏ vào được cơ quan điều tra thu thập và kèm theo hồ sơ vụ án. Quá trình xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng chiếc áo khoác A mặc không phải là vật chứng nên trả lại cho A trước khi xét xử; khi được trả lại chiếc áo thì A đã mang đi tiêu hủy. Sau khi xét xử, Viện kiểm sát cho rằng chiếc áo khoác A mặc và dùng để che giấu chiếc đồng hồ là vật chứng trong vụ án nên kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị tịch thu tiêu hủy. Thực trạng này xảy ra trong thực tế dẫn đến những người có liên quan lúng túng trong việc xử lý; và chưa có quy định nào trong BLTTHS điều chỉnh về vấn đề này.
- Thứ hai, đối với vật chứng hoặc vật không phải là vật chứng, được trả lại cho chủ sở hữu trước khi xét xử sơ thẩm và vật đó đã được bán cho người khác. Khi chủ sở hữu bán tài sản cho người khác mà tài sản đó là vật chứng trong một vụ án, xét về tính chất pháp lý là vi phạm, không được phép. Tuy nhiên, tại thời điểm bán thì vật đó không được xem là vật chứng, hoặc là vật chứng trong vụ án, nhưng được Tòa án trả lại cho họ, nên việc bán vật chứng của họ là phù hợp và đúng quy định của pháp luật. Vấn đề cần bàn ở đây là, khi vụ án bị kháng cáo hoặc kháng nghị phúc thẩm yêu cầu xem xét vật đó là vật chứng và xử lý theo quy định của BLTTHS. Vậy trong trường hợp này việc thu thập vật đó sẽ được tiến hành như thế nào và quyền lợi của người mua vật đó được xử lý ra sao?
Trường hợp này trong các quy định của BLTTHS về xử lý vật chứng chưa được đề cập đến. Tuy nhiên, để giải quyết vụ án đảm bảo đúng quy định và giải quyết toàn diện các vấn đề thì trong trường hợp này cũng phải tiến hành thu thập lại vật chứng để đảm bảo xét xử phúc thẩm. Trong trường hợp nếu vật đó bị tiêu hủy hoặc không thể tìm lại được thì sẽ xử lý thế nào, trong quy định của BLTTHS cũng chưa được đề cập đến, từ đó gây lúng túng cho việc giải quyết vụ án.
- Thứ ba, căn cứ vào đâu để thu thập lại vật chứng đã xử lý trong giai đoạn xét xử sơ thẩm đảm bảo cho việc xét xử phúc thẩm. Như đã nêu, trong trường hợp vật chứng đã được xử lý bằng hình thức trả lại cho chủ sở hữu trước khi xét xử sơ thẩm, nếu bản án có kháng cáo hoặc kháng nghị phúc thẩm liên quan đến vật chứng thì phải tiến hành thu thập lại vật chứng đó. Tuy nhiên, trong các quy định về thu thập chứng cứ, vật chứng của BLTTHS hiện hành không đề cập cụ thể đến trường hợp thu thập vật chứng trong các trường hợp đã nêu. Thực tiễn xét xử, các Tòa án vận dụng việc thu thập vật chứng ở giai đoạn điều tra, cũng như việc thu thập chứng cứ tại giai đoạn xét xử để tiến hành thu thập lại các vật chứng đã được Tòa án cấp sơ thẩm trả lại cho chủ sở hữu. Nhưng việc vận dụng này cũng có quan điểm cho rằng không phù hợp, không đảm bảo đúng thủ tục tố tụng; vì trong BLTTHS không quy định cụ thể.
3. Kiến nghị hoàn thiện quy định về thu thập và xử lý vật chứng
- Một là, quy định cụ thể về trường hợp thu thập lại vật chứng trong quá trình giải quyết vụ án hình. Điều 105 BLTTHS quy định: “Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật”. Mặc dù quy định cụ thể về việc phải thu thập đầy đủ, kịp thời các vật chứng có liên quan đến vụ án để đưa vào hồ sơ vụ án, nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với các vật chứng chưa được thu thập, nếu có thì phải thu thập kịp thời, đầy đủ để đưa vào hồ sơ vụ án đảm bảo cho việc giải quyết toàn diện, đúng tính chất của vụ việc, đảm bảo cho quyết định của Tòa án đúng pháp luật. Đối với trường hợp, vật chứng đã được thu thập theo quy định tại Điều 105 BLTTHS, nhưng cơ quan, người tiến hành tố tụng xử lý bằng hình thức trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; sau đó phát hiện việc xử lý không đúng và ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án thì căn cứ vào đâu để thu thập lại vật đó thì chưa có quy định cụ thể.
Để đảm bảo có căn cứ và quá trình thu thập vật chứng được thuận lợi đối với trường hợp đã xử lý không đúng quy định, trong BLTTHS cần quy định cụ thể trường hợp thu thập lại vật chứng đã được xử lý, nhưng không đúng quy định của pháp luật. Theo đó, cần quy định cụ thể về trường hợp vật chứng đã được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử lý, nhưng không đảm bảo đúng bản chất của vụ việc thì phải tiến hành thu thập lại kịp thời, đầy đủ và mô tả chi tiết đặc điểm của vật chứng vào biên bản thu thập vật chứng. Như vậy, Điều 107 BLTTHS được bổ sung như sau:
“Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án, vật chứng sau khi thu thập được xử lý không đúng, thì phải tiến hành thu thập lại kịp thời. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật”.
- Hai là, hướng dẫn rõ trường hợp vật hoặc vật chứng được xử lý, nhưng không đúng và đã bị tiêu hủy hoặc không thu thập lại được thì căn cứ vào đặc điểm được mô tả trong biên bản thu thập trước đó để xem xét... Khi một vật hoặc vật chứng đã được xử lý, nhưng sau đó cơ quan tiến hành tố tụng khác hoặc cấp trên xác định đó là vật chứng hoặc vật chứng đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đánh giá tính đúng đắn và khách quan của vụ án. Về nguyên tắc như đề cập trên, cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành thu thập lại để đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án; nhưng vì nhiều lý do khác nhau, người sở hữu, quản lý vật đã tiêu hủy hoặc đã bán cho người khác và không thể thu thập lại được. Khi thuộc trường hợp này, quá trình giải quyết vụ án bắt buộc phải căn cứ vào các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án hoặc vật chứng khác có liên quan để xem xét, đánh giá tính đúng đắn của vụ án. Trong trường hợp này, bắt buộc phải căn cứ vào biên bản thu thập vật chứng trước đây để xem xét tính chất của vật chứng khi thu thập trước đó đã được mô tả chi tiết kết hợp với các chứng cứ khác đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo có cơ sở pháp lý và khi giải quyết các trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn rõ, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào biên bản thu giữ vật chứng trước đó làm cơ sở cho việc đánh giá tính chất của vụ án.
- Ba là, cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp vật được xử lý trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý, nếu người đó bán cho người khác thì khi tịch thu lại việc xác định quyền lợi của các bên, căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự để giải quyết.
Tóm lại, thu thập và xử lý vật chứng là một trong những nội dung quan trọng của quá trình giải quyết vụ án hình sự. Thu tập và xử lý vật chứng đúng sẽ đảm bảo quyền lợi của người sở hữu, người quản lý tài sản; ngược lại nếu xử lý sai sẽ ảnh hưởng đến quá trình đánh giá tính khách quan, tính toàn diện vụ án và có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu, người quản lý tài sản. Việc thu thập vật chứng và các trường hợp xử lý vật chứng đã được quy định cụ thể trong BLTTHS, nhưng thực tế xét xử vẫn còn vướng mắc. Để đảm bảo quá trình xử lý vật chứng được thuận lợi, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn và quy định cụ thể vào BLTTHS các trường hợp tương ứng.
Lực lượng kỹ thuật hình sự giám định tang vật vụ án mua bán trái phép chất ma túy - Ảnh: Minh Khánh/ TTTĐ - Ảnh: Minh Khánh
Bài liên quan
-
Năm 2024 hệ thống Tòa án đã xét xử nhiều vụ án trọng điểm
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Tiếp tục khởi tố 5 bị can là nguyên Bí thư, Chủ tịch của tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn
-
Tội danh bị truy tố của 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận