Vướng mắc khó khăn về các tội liên quan án ma túy và kiến nghị

Gần đây TANDTC ban hành Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 và Công văn số 02/2021/TANDTC –PC ngày 02/8/2021  giải đáp vướng mắc trong xét xử, tuy nhiên thực tiễn trong một số vụ việc cụ thể đã gặp phải vướng mắc định tội danh án ma túy.

Trước đó, từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tham khảo vận dụng tinh thần Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng chương XVIII "các tội phạm về ma túy".

1. Nhận mua hộ ma túy có được coi là đồng phạm tội mua bán trái phép chất ma túy không?

 Vào ngày 15/2/2021, Trần Thị H đến phòng trọ của Nguyễn Thị T chơi thì T bận công chuyện nhà nên T có nhờ H đi mua ma túy dùm cho T thì H đồng ý (ý thức chủ quan của H: vì giữa H và T là quan hệ bạn bè, không quan tâm T mua ma túy về vì mục đích gì). Khi đi mua ma túy H đi cùng với N; H mua dùm ma túy cho T với giá 1.400.000đồng (tiền do T đưa cho H, địa điểm người bán ma túy cho T cung cấp cho H), tại khu vực trước nhà Tú Le (không rõ lai lịch) ở trong hẽm đường Tôn Đức Thắng, thành phố S. Khi H mang ma túy về cho T, T cùng N bán lại cho người khác. Lượng ma túy này T và N đã bán hết, đến ngày 24/02/2021, T mua ma túy về phân ra cùng N bán lại cho người khác thì bị Công an bắt quả tang. Cơ quan tiến hành tố tụng đã truy cứu trách nhiệm hình sự của T và N về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 251 BLHS.

Vấn đề đặt ra, Trần Thị H có phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm với Nguyễn Thị T về tội mua bán trái phép chất ma túy hay không?

Quan điểm thứ nhất: Trần Thị H không phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm với Nguyễn Thị T. Vì xét về mặt chủ quan: Trần Thị H không biết được Nguyễn Thị T mua ma túy về để bán lại cho người khác; Trần Thị H chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy nếu Cơ quan Công an thu giữ được số lượng ma túy ở lần mua ngày 15/2/2021, đủ định lượng phải chịu trách nhiệm hình sự. Do lượng ma túy lần này, T và N đã bán cho người nghiện hết, nên không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự của Trần Thị H.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm tác giả: Trần Thị H phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy, với vai trò người giúp sức cho Nguyễn Thị T. Vì theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007  hướng dẫn một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” tại tiểu mục 3.3 Chương II: “… Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 này[1] (có Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác) đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.”

Nguyễn Thị T là người chủ mưu, người thực hành về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trần Thị H là người giúp sức trong trường hợp đồng phạm thì không nhất thiết cùng động cơ, mục đích với người thực hành, người chủ mưu. Hơn nữa, Trần Thị H là người giúp sức trong đồng phạm, xác định dấu hiệu trách nhiệm hình sự vai trò của người đồng phạm thông qua vai trò người thực hành (là nguyễn Thị T). T  thực hiện hành vi cấu thành tội Mua bán trái phép chất ma túy thì người giúp sức phải chịu trách nhiệm hình sự chung với người thực hành ở hành vi cấu thành tội Mua bán trái phép chất ma túy. Trần Thị H không nhận giúp cho T đi mua ma túy cùng với N trong lần này, thì không có việc T và N mang ma túy bán lại cho người khác. Do đó, Trần Thị H phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức về tội Mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 251 BLHS.

2. Trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy, bị cáo đầu vụ cho ma túy đồng phạm mình sử dụng thì có phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không?

Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B đều là người sử dụng ma túy và A là người bỏ tiền ra mua ma túy mang về phân ra bán lại cho người nghiện, B xin tham gia cùng A bán ma túy, để được A cho ma túy sử dụng. Mỗi ngày, A cho B sử dụng ma túy 01 lần, cho tiền ăn cơm. Tình huống đã đặt ra, A và B đều phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, nhưng vướng mắc liệu A có phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, khi mà A đã cung cấp ma túy cho B sử dụng không?

Vấn đề này đã có hai quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất, theo tinh thần Công văn 89[2] và Công văn số 02[3] thì A có hành vi cung cấp ma túy nên A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Quan điểm thứ hai theo tác giả, dù A cung cấp ma túy, nhưng bản chất là B đã bỏ công ra bán ma túy cùng A, giúp sức với A bán ma túy nên B có được ma túy sử dụng từ A cung cấp, suy cho cùng là sự đổi chát “sức lao động” có được, thay vì A trả công B bằng tiền, B lấy tiền này mua lại ma túy của A để sử dụng thì A không phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, càng vì tính nhân đạo pháp luật không nên xử A thêm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là phù hợp.

3. Vừa mua ma túy xong mời lại người bán ma túy cho mình sử dụng ma túy tại nhà người bán, người bán cung cấp dụng cụ sử dụng ma túy thì có phạm tội tổ chức sử dụng ma túy hay không?

B mua ma túy về bán lại cho người khác, C tham gia bán bán ma túy cùng với B với vai trò đồng phạm giúp sức. A mua ma tuý của B tại nhà B; B cho A sử dụng ma túy tại nhà B và cung cấp dụng cụ sử dụng ma túy; A sử dụng ma túy thì A cũng cho B và C cùng sử dụng ma tuý chung. B phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Vậy B có phạm tội tổ chức sử dụng ma tuý hay tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy? Và A cho người B, C sử dụng ma túy thì có phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không?

Xung quanh tình huống này, đã có quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đối với hành vi của B vừa bán ma túy cho A, nhưng lại cho A mượn địa điểm tại nhà B sử dụng ma túy nên B ngoài tội mua bán trái phép chất ma túy thì B còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy[4]. Đối với loại ma túy đá (Methamphetamine) cần có dụng cụ sử dụng, nên B đã cung cấp dụng cụ sử dụng ma túy cho A bỏ ma túy vào sử dụng nên B phải chịu trách nhiệm hình sự thêm tội Tổ chức sử dụng trái phép ma túy. A mời B và C sử dụng ma túy chung nên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép ma túy (cả A, B đều phạm tội thuộc tình tiết định khung đối với 02 người trở lên theo điểm b Khoản 2 Điều 255 của BLHS).

Tuy nhiên theo quan điểm tác giả: Đối với hành vi của A dù có cho B và C sử dụng ma túy cùng, nhưng do đặt trong tình huống là B, C vừa bán ma túy cho A, việc A cho B, C sử dụng ma túy dưới hình thức “trả công” từ việc B cho địa điểm, dụng cụ để sử dụng ma túy, mục đích chính của A chỉ nhằm thỏa mãn bản thân được sử dụng ma túy; hơn nữa A cung cấp ma túy tại địa điểm của người khác quản lý trong tình huống bị động nên cần loại trừ xém xét trách nhiệm hình sự của A đối với trường hợp này[5]. Tuy nhiên, đối với hành vi của B chỉ phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy và tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, vì: B cung cấp địa điểm, dụng cụ để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy đã thu hút vào tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy để cho cả ba người sử dụng (A, B, C đều sử dụng ma túy chung) là phạm tội định khung đối với 02 người trở lên theo điểm b Khoản 2 Điều 255 của BLHS.

4. Nhận 13 ống bơm kim tiêm để cho bản thân sử dụng ma túy có phạm tội Tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy hay không?

Về nội dung tình huống: Vào khoảng 11 giờ, ngày 20/8/2021, Danh K gọi điện cho H (không rõ nhân thân) mua 02 triệu đồng ma túy, loại Heroin và xin một ít ống bơm kim tiêm về sử dụng (do K sử dụng ma túy bằng hình thức tiêm chích). K nhờ G đi lại nhà H lấy ma túy mang về cho K. Tại chốt kiểm dịch Covid 19, G bị lực lượng chức năng phát hiện bắt quả tang và thu giữ ma túy cùng 13 ống bơm kim tiêm. Qua điều tra xác định: Thu giữ ma túy, có khối lượng là 2,5847 gam, loại Heroine; mười ba ống bơm kim tiêm, được K thừa nhận là do K mua của H. G chỉ biết vận chuyển giúp K bên trong có ma túy từ H giao.

Về tội danh Danh K phạm tội tội tàng trữ trái phép chất ma túy; G phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra Danh K có phạm tội tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy (đối với 13 ống bơm kim tiêm) theo quy định điểm b khoản 1 Điều 254 BLHS hay không?

Quan điểm thứ nhất: Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 254 của BLHS:

Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.

Hành vi của Danh K thừa nhận và chứng minh được 13 ống bơm kim tiêm xin từ H mang về để sử dụng ma túy cho bản thân là tàng trữ dụng cụ 13 đơn vị dụng cụ (13 ống bơm kim tiêm) là có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ cùng loại dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, đã thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội này nên Danh K phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 254 của Bộ luật hình sự.  

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: So với quy định tại Điều 196 BLHS 1999 thì quy định tại Điều 254 BLHS 2015 về cấu thành cơ bản được cụ thể hơn, do đã được pháp điển hóa Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC - Bộ Tư pháp, hướng dẫn các tội về ma túy. Về bản chất nội dung của hai điều luật không khác nhau. Theo đó tinh thần những quy định hướng dẫn Điều 196 BLHS 1999 từ Thông tư liên tịch số 17 vẫn được vận dụng áp dụng, vì không có quy định mới có lợi hơn cho người phạm tội, không có hướng dẫn mới thay thế thì những hướng dẫn cũ vẫn có giá trị để nhận thức và áp dụng pháp luật, nên tham khảo Thông tư liên tịch số 17 xác định hành vi tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy vẫn là cần thiết:

Về khái niệm: 1.3. “Phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là những vật được sản xuất ra với chức năng chuyên dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy hay tuy được sản xuất ra với mục đích khác, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Theo khái niệm đã đặt ra ống bơm kim tiêm có phải là đơn vị dụng cụ để sử dụng ma túy hay không? Thực tế, người sử dụng ma túy sử dụng bằng hình thức chích, để tiêm được ma túy vào cơ thể thì cần ống bơm kim tiêm và nước cất. Do đó, có phải một đơn vị dụng cụ có phải gồm cả 1 ống bơm kim tiêm và nước cất; còn 01 ống bơm kim tiêm không thì chưa đủ một đơn vị. Hơn nữa theo khái niệm ống bơm kim tiêm thuộc trường hợp: “tuy được sản xuất ra với mục đích khác, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy”. Theo đó, ống bơm kim tiêm sản xuất phục vụ lĩnh vực ý tế là chính để xác định là “đã.. sử dụng trái phép chất ma túy” cần xác định các ống bơm kim tiêm này đã qua sử dụng tiêm chích thì mới thỏa mãn khái niệm trên.

5.2. “Tàng trữ các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi cất giữ các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này ở bất kỳ địa điểm nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali hoặc cho vào thùng xăng xe…) để dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo đó, tại tiểu mục 5.5. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:

…b) Người lần đầu sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túychỉ dùng các phương tiện, dụng cụ này để cho bản thân họ sử dụng trái phép chất ma túy, thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính. Trường hợp đã bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự;…

          Đối với Danh K có hành vi tàng trữ 13 ống bơm kim tiêm với mục đích sử dụng cho bản thân của K. K chưa bị xử lý hành chính về hành vi tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy lần nào thì lần này (20/8/2021) được coi là lần đầu K tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy và chỉ dùng dụng cụ này để cho bản thân K sử dụng trái phép chất ma túy, thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, K chỉ phải bị xử lý hành chính. Nên theo quan điểm thứ nhất đối với Danh K phạm tội Tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định điểm b Khoản 1 Điều 254 của Bộ luật hình sự năm 2015, là chưa chính xác, chưa xem xét loại trừ trường hợp tại điểm b tiểu mục 5.5 Thông tư liên tịch số 17. Như vậy, K không phạm tội tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy.

5. Kiến nghị

Từ những vụ việc cụ thể, đặt ra yêu cầu đòi hỏi công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhằm tránh oan sai người vô tội, bỏ lọt tội phạm, đã phát sinh thực tiễn nhận thức và quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau kể cả các cơ quan tiến hành tố tụng, nhiều trường hợp phải thỉnh thị cơ quan liên ngành tư pháp cấp trên thống nhất, song tác giả cho rằng dù VKSNDTC, TANDTC có hướng dẫn giải đáp trong xét xử nhưng các văn bản này không chính thức, giá trị pháp lý không cao, vận dụng tinh thần văn bản quy pháp luật hướng dẫn BLHS năm 1999[6]  có trường hợp quan điểm cũng chưa thật thống nhất. Do vậy, tác giả kiến nghị TANDTC, VKSNDRC và Bộ Công an sớm hướng dẫn kịp thời, đầy đủ bằng thông tư liên tịch hoặc Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nhằm nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, đặc biệt các tội phạm về ma túy, góp phần giữ vững trật tự trị an, địa phương.

 

Tòa án nhân dân huyện Kon Rẫy, Kon Tum xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép chất ma túy - Ảnh: Hoàng Anh

 

 

 

 

[1] 3.3. “Mua bán trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:

a) Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;

b) Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

c) Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có);

đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;

e) Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.

[2] 1. Đối tượng có hành vi đưa ma túy cho người khác sử dụng, nhưng không phát hiện có người chỉ huy, phân công, điều hành đối tượng để đưa ma túy cho người khác sử dụng. Vậy trường hợp này có xử lý đối tượng là người trực tiếp đã cung cấp ma túy cho người khác về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” hay không?

Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Hình sự thì “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.” Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy[1]. Trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng có đồng phạm nhưng đồng phạm ở đây được hiểu là thực hiện theo sự chỉ huy, phân công điều hành (không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm).

Do đó, hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự.

[3] 7. A là người đi mua ma túy về (B không biết A mua ma túy). Sau đó A và B đến nhà C chơi. Khi đến nhà C, A mới bỏ ma túy ra và bảo “ai chơi thì chơi”. Lúc này cả 03 người cùng sử dụng ma túy, sau đó D đến nhà C và thấy ma túy trên bàn nên đã tự lấy sử dụng. A, B, C và D đều là người nghiện ma túy. Vậy A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không?

Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30-6-2020 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp nghiệp vụ thì: "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Trong trường hợp này, A là người cung cấp ma túy cho B, C, D để họ thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự.

[4] 6. Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm hoặc có hành vi khác để chứa chấp người nghiện ma túy cùng sử dụng trái phép chất ma túy thì có bị xử lý hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Hình sự hay không?

Theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì: "b) Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma túy, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 của Bộ luật Hình sự”.

Theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14-11-2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì: “...Bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II; mục 8 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT”. Cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn thay thế nội dung này của Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP .

Theo quy định tại khoản 1 Điều 256 của Bộ luật Hình sự thì: “Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này...”. Quy định này không loại trừ việc xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy có hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Cho nên, đối với trường hợp người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm để cùng sử dụng ma túy nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự thì bị xử lý về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

[5] Ngày 30/11/2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn số 5442/VKSTC-V14 về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự lại hướng dẫn áp dụng pháp luật về “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” tại tiểu mục 16.2 mục 16 phần I như sau: “… người nghiện ma tuý có hành vi cung cấp chất ma tuý cho người nghiện ma tuý khác sử dụng tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.

[6] Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng chương XVIII "các tội phạm về ma túy", công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 và Công văn số 02/2021/TANDTC –PC ngày 02/8/2021  giải đáp vướng mắc trong xét xử; Đối với VKSNDTC có ban hành công văn 5442/VKSTC-V14 về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm2015

 

 

 

VÕ VĂN NHƯ (Thẩm phán TAND TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)