Vướng mắc từ thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản và một số kiến nghị hoàn thiện
Quy định của pháp luật về tài sản tại các Bộ luật Dân sự đã được sửa đổi và hoàn thiện tương đối nhiều để phù hợp với đòi hỏi thực tế. Song, quá trình áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp vẫn gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nghiên cứu và chỉ ra một số vướng mắc, bất cập từ hoạt động thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản, từ đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Đặt vấn đề
Tài sản, sở hữu tài sản luôn được xác định là vấn đề trung tâm của pháp luật dân sự. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Bộ luật Dân sự (BLDS), các vấn đề xoay quanh chế định tài sản luôn được chú trọng chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện. Tuy vậy, thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập, có thể kể đến như tranh chấp hợp đồng vay có đối tượng là vàng, thỏa thuận phân chia tài sản là quyền sử dụng đất của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, xác định công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; xác định công sức trông nom, duy trì, bảo quản di sản trong vụ án tranh chấp về thừa kế hay các tranh chấp hợp đồng tín dụng có yêu cầu thanh toán tiền lãi chậm trả… Thực tiễn này cho thấy, các quy định của pháp luật hiện hành cũng tồn tại nhiều hạn chế.
1. Vướng mắc về giải quyết tranh chấp hợp đồng vay có đối tượng là vàng và kiến nghị hoàn thiện
Vàng được xác định là một loại tài sản theo quy định của pháp luật dân sự[1] và tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau[2]. Trong đời sống xã hội, ngoài thuộc tính giá trị, giá trị sử dụng lớn, con người thường có thói quen mua bán, kinh doanh kiếm lời, tích trữ để sở hữu, vàng còn là đối tượng của quan hệ cho vay.
Khác với đối tượng là tiền trong quan hệ cho vay, việc vay vàng trong đời sống dân sự tương đối phổ biến nhưng khi có tranh chấp, quy định của pháp luật hiện hành lại chưa thực sự rõ ràng, dẫn tới nhiều quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau. Có thể kể tới các quan điểm sau:
Một là, việc cho vay vàng khi chưa được cấp giấy phép là không đúng quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm phải quy đổi thành tiền tại thời điểm xét xử[3]. Theo quan điểm này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng[4] và cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép. Cho nên, việc cho nhau vay vàng khi chưa được cấp giấy phép là không đúng quy định pháp luật. Tòa án không được tuyên buộc bị đơn trả vàng cho nguyên đơn mà phải quy đổi vàng thành tiền tại thời điểm xét xử. Sau đó, Tòa án buộc bị đơn trả tiền cho nguyên đơn tương ứng với số vàng mà bị đơn có nghĩa vụ phải trả cho nguyên đơn. Đồng thời, tuyên buộc bị đơn có nghĩa vụ trả tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong giai đoạn thi hành án.
Hai là, việc cho vay vàng không vi phạm điều cấm của luật nên cần công nhận để bảo đảm quyền tự do trong quan hệ dân sự[5]. Trường hợp giải quyết tranh chấp, Tòa án cần buộc bên vay phải trả cho bên cho vay số vàng còn nợ và quy đổi theo giá vàng tại thời điểm xét xử để làm căn cứ tính tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bị đơn trong giai đoạn thi hành án. Quan điểm này viện dẫn quy định tại Điều 463 BLDS năm 2015: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn số nợ vàng đã vay theo thỏa thuận.
Chúng tôi cho rằng, Điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24/2012/NĐ-CP) có phạm vi điều chỉnh bao gồm: hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng. Như vậy có thể kết luận, hoạt động cho vay vàng giữa cá nhân với cá nhân không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Thêm vào đó, hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng quy định tại Điều 19 Nghị định này bao gồm hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp; mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp; sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này; hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép; vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Điều này củng cố cho kết luận, việc cho vay vàng giữa các cá nhân không vi phạm điều cấm của pháp luật. Vì vậy, cá nhân thiết lập hợp đồng cho vay có đối tượng là vàng là hoàn toàn hợp pháp, theo đó, sẽ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa các bên. Trường hợp bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả số vàng còn nợ và lãi suất theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Để khắc phục vướng mắc này, chúng tôi kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản xác định rõ đường lối giải quyết đối với các tranh chấp hợp đồng vay tài sản có đối tượng không phải là tiền, trong đó nhấn mạnh đối với quan hệ cho vay có đối tượng là vàng thì theo hướng coi vàng cũng là một loại tài sản, được giao dịch bình thường như các loại tài sản khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định cụ thể khác.
2. Vướng mắc trong việc xác định hình thức của văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất trong thời kỳ hôn nhân và kiến nghị hoàn thiện
Thực tiễn cho thấy, trong các vụ án tranh chấp tài sản khi ly hôn, sau khi ly hôn và yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung, Tòa án thường nhận định, nếu thỏa thuận của vợ chồng về phân chia tài sản chung là quyền sử dụng đất thì phải lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định tại Điều 502 BLDS năm 2015 và khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 (nay là khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024[6]). Ví dụ: Bản án số 31/2022/HNGĐ-PT ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh TG về tranh chấp chia tài sản sau ly hôn, yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng giữa nguyên đơn chị Phạm Thái N và bị đơn anh Văn Thanh B đã nhận định: “Chị N kháng cáo yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng được Ủy ban nhân dân xã P chứng thực số 67 quyển 01- SCT/CK,ĐC ngày 05/8/2018 là không có căn cứ. Bởi lẽ, văn bản thỏa thuận này anh chị xác lập trên cơ sở tự nguyện. Tại Tòa, chị N cũng xác định khi ký vào văn bản chị cũng đã đọc hiểu rõ nội dung thỏa thuận và đồng ý ký tên. Như vậy, về hình thức cũng như nội dung của văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng phù hợp với Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch không trái pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội nên văn bản này cần phải được công nhận”[7]. Hoặc Bản án dân sự phúc thẩm số 15/2019/HNGĐ- PT ngày 25/10/2019 giữa nguyên đơn ông Lê Đăng Kh và bị đơn bà Đàm Thị M, TAND tỉnh HY cũng nhận định: “Về hình thức: Biên bản phân chia đất của vợ chồng ông Kh, bà M có lập thành văn bản nhưng không có công chứng, chứng thực nên không phát sinh hiệu lực theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình; điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015”[8].
Về vấn đề này, khi nhìn nhận vấn đề hình thức của việc phân chia tài sản chung là quyền sử dụng đất của vợ chồng, chúng tôi có quan điểm như sau:
Thứ nhất, pháp luật hiện hành đang bỏ sót quy định về hình thức của văn bản thỏa thuận phân chia tài sản là quyền sử dụng đất của vợ chồng. Quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 (nay là điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024), khoản 1 Điều 119, Điều 502 BLDS năm 2015… mà các Tòa án thường dẫn chiếu áp dụng không đề cập trực tiếp cũng như đặt ra yêu cầu bắt buộc về hình thức bằng văn bản công chứng hay chứng thực đối với văn bản phân chia tài sản là quyền sử dụng đất của vợ chồng. Thay vào đó là sự viện dẫn mang tính chất mặc định, thỏa thuận phân chia tài sản của vợ chồng là hợp đồng và có đối tượng là quyền sử dụng đất nên cần được áp dụng như các loại giao dịch có đối tượng là quyền sử dụng đất khác.
Thứ hai, đồng thuận việc hiểu văn bản thỏa thuận của vợ chồng phân chia tài sản là quyền sử dụng đất nói riêng và tài sản nói chung là một loại hợp đồng. Vì nó mang đầy đủ các đặc điểm (tính chủ thể, sự thỏa thuận của các chủ thể, mục đích là làm phát sinh hậu quả pháp lý nhất định) của một loại hợp đồng. Tuy nhiên, tính chất của việc phân chia tài sản chung vợ chồng khác với các loại hợp đồng chuyển quyền sở hữu. Nó có thể là sự phức hợp của nhiều hoạt động như: phân định rõ phần quyền, tặng cho, chuyển giao, mua bán, nhượng quyền… trong quá trình xác định lại chủ sở hữu đối với tài sản được phân chia.
Thứ ba, BLDS năm 2015 ghi nhận ngoại lệ (Điều 129) trong trường hợp giao dịch vi phạm quy định về hình thức vẫn có thể được công nhận nếu các bên chứng minh được đã thực hiện hai phần ba nghĩa vụ. Theo đó, trường hợp văn bản không được công chứng, chứng thực nhưng nếu trên thực tế, vợ chồng đã thực hiện quyền, nghĩa vụ theo đúng nội dung thỏa thuận nhưng sau đó lại phát sinh tranh chấp thì Tòa án cần áp dụng khoản 2 Điều 129 BLDS năm 2015 để công nhận văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng.
Tuy nhiên, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh tình trạng bản án của Tòa án cấp dưới bị Tòa án cấp trên hủy, sửa do lỗi chủ quan, bảo đảm sự tương thích giữa văn bản pháp luật chung và văn bản pháp luật chuyên ngành, chúng tôi kiến nghị cần bổ sung vào quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nội dung sau: “Thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong văn bản thỏa thuận phân chia thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.
Nhìn chung, đang có sự không thống nhất giữa các văn bản luật liên quan khi xem xét văn bản thỏa thuận phân chia tài sản của vợ chồng là quyền sử dụng đất. Luật Hôn nhân và gia đình thực hiện đúng vai trò xác định quyền của vợ chồng được thỏa thuận phân chia nhưng văn bản chia như thế nào lại dẫn chiếu sang pháp luật đất đai. Luật Đất đai năm 2013, năm 2024 cũng không hề đề cập tới loại văn bản thỏa thuận này của vợ chồng. Pháp luật dân sự quy định chung về hình thức của giao dịch và các ngoại lệ vi phạm vẫn có thể được công nhận. Trong khi nhận thức của các Tòa án áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp còn nhiều bất cập, thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng. Chính vì vậy, liên quan tới loại văn bản thỏa thuận phân chia tài sản của vợ chồng nói riêng và văn bản thỏa thuận phân chia tài sản là quyền sử dụng đất nói chung, cũng như định hướng thực hiện mở rộng quyền dân sự của các chủ thể liên quan tới quyền của người sử dụng đất, chúng tôi xin đề xuất trong thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2024, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 27 theo hướng: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này và các quyền khác theo quy định của luật liên quan”. Đồng thời, quy định rõ tại điểm a khoản 3 Điều 27 nội dung hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, văn bản thỏa thuận phân chia tài sản là quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp pháp luật dân sự có quy định khác.
3. Vướng mắc trong việc xác định công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung khi Tòa án giải quyết các tranh chấp tài sản chung của vợ chồng và kiến nghị hoàn thiện
Để bảo đảm việc phân chia tài sản chung của vợ chồng được thực hiện công bằng, phù hợp với thực tế, khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định khi ly hôn, tài sản chung của vợ, chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố nhất định để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ, chồng được chia, trong đó có yếu tố công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi là lao động có thu nhập. Điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”. Thực tế, việc xác định công sức đóng góp theo hướng dẫn nêu trên mới chỉ mang tính chất định tính chứ không có một định lượng theo tỷ lệ phần trăm các bên được hưởng một cách rõ ràng nên dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau. Mặc dù Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã ban hành Án lệ số 03/2016/AL ngày 06/4/2016, trong đó có nhận định: “Khi chia tài sản chung của vợ chồng là nhà đất mà tài sản này có nguồn gốc là của gia đình bên vợ hoặc gia đình bên chồng cho vợ chồng thì phải coi người vợ hoặc người chồng được gia đình cho nhà đất có công sức đóng góp nhiều hơn để chia theo công sức của mỗi bên và cần căn cứ vào nhu cầu về chỗ ở để chia hiện vật cho các bên nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các đương sự”. Tuy nhiên, lại không giải thích, quy đổi “phần nhiều hơn” ra tỷ lệ phần trăm nhất định để các Tòa án áp dụng một cách thống nhất khi phân chia.
Thực tiễn xét xử cho thấy, trường hợp cùng là nguồn gốc quyền sử dụng đất được bố, mẹ bên vợ hoặc bên chồng tặng cho, nhưng có Tòa án phân chia cho người đó theo tỷ lệ 60/40; có Tòa án phân chia theo tỉ lệ 65/35. Đơn cử như tại Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh BD[9] có nhận định: “Do nguồn gốc nhà, đất do cha mẹ bị đơn tặng cho mà có và hiện nay bị đơn đang trực tiếp cùng hai con sống trên nhà đất. Nguyên đơn chỉ yêu cầu được chia giá trị tài sản nên Tòa án cấp sơ thẩm giao toàn bộ nhà đất cho bị đơn quản lý, sử dụng là có căn cứ. Nguyên đơn hiện cũng chưa có chỗ ở ổn định, phải đi thuê nhà nên Tòa án sơ thẩm đã xem xét, hoàn cảnh cũng như công sức của các bên và chia cho nguyên đơn 35% khối tài sản tranh chấp, chia cho bị đơn 65% khối tài sản có tranh chấp là phù hợp”. Như vậy, bản án đã phân chia tài sản chung có nguồn gốc do cha, mẹ bị đơn tặng cho theo tỷ lệ 65/35. Tuy nhiên, mặc dù có tính chất tương tự nhưng bản án của Tòa án khác ấn định tỷ lệ phân chia tài sản là 60/40[10], cụ thể, Tòa án nhận định: “Về công sức tạo lập tài sản chung vợ chồng: Diện tích đất 250.7m2 có nguồn gốc là của bố mẹ ông L tặng cho vợ chồng nên ông L được tính công sức đóng góp nhiều hơn bà Y khi phân chia tài sản chung. Cụ thể, ông L được hưởng 60% giá trị quyền sử dụng đất, bà Y được hưởng 40% giá trị quyền sử dụng đất”.
Bên cạnh những vụ án nêu trên, trong hoạt động xét xử còn xuất hiện trường hợp cùng vụ án, Tòa án các cấp xét xử xác định tỷ lệ công sức đóng góp khác nhau và thậm chí còn sử dụng các thuật ngữ gây khó hiểu. Cụ thể, vụ án[11] giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa ông Th và bà T. Theo đó: “Nguồn gốc quyền sử dụng đất là ông Th được Nhà nước bồi thường và bán đất tái định cư. Sau khi kết hôn, ông, bà kê khai hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cả ông và bà. Ông, bà đã xây dựng nhà 03 tầng trên diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi ông, bà yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, Tòa Sơ thẩm đã xác định tỉ lệ công sức đóng góp là 60/40% (trong đó ông 60%, bà T được 40%). Ông Th không chấp nhận nên kháng cáo phần phân định tỉ lệ % giá trị tài sản bà T được hưởng. Toà Phúc thẩm phân chia ông Th được 67% do đóng góp phần lớn vào khối tài sản chung, bà T được 33%”.
Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong việc xác định công sức đóng góp của vợ chồng khi chia tài sản chung, chúng tôi cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng ghi nhận rõ nguyên tắc: Một là, trường hợp không thể thỏa thuận, định mức tối đa phần trăm công sức đóng góp của vợ hoặc chồng đối với nguồn gốc tài sản được xác định là ngang nhau. Điều này cũng tương thích với quy định xác định tỷ lệ phần quyền của vợ chồng là ngang nhau trong khối tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân[12] (trừ trường hợp có thỏa thuận lựa chọn chế độ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân). Hai là, trường hợp một bên chứng minh được có sự chênh lệch về mức độ đóng góp công sức, tỷ lệ phần quyền có thể thay đổi. Tuy nhiên, cần xây dựng các tiêu chí để bảo đảm mức độ cũng như giá trị công sức đóng góp (ví dụ như thời gian, công sức, hiện trạng, chi phí đầu tư làm gia tăng giá trị, sự thỏa hiệp đã tồn tại (nếu có)…). Ba là, xây dựng hoặc công nhận án lệ và bảo đảm trong công tác xét xử, các vụ án có tính chất tương tự không được sai lệch quá 10% khi xác định tỷ lệ công sức đóng góp của vợ hoặc chồng.
4. Vướng mắc trong việc xác định công sức trông nom, duy trì, bảo quản di sản trong vụ án tranh chấp về thừa kế và kiến nghị hoàn thiện
Pháp luật dân sự quy định người quản lý di sản được thanh toán chi phí bảo quản di sản (Điều 640 BLDS năm 2005, tương ứng với Điều 618 BLDS năm 2015), đồng thời, cũng quy định chi phí bảo quản di sản là một trong các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được ưu tiên thanh toán (Điều 683 BLDS năm 2005, tương ứng với Điều 658 BLDS năm 2015). Án lệ số 05/2016/AL của TAND tối cao cũng có đề cập tới việc xem xét về công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế: “Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế; nếu Tòa án quyết định việc chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức”. Vấn đề đặt ra là, thanh toán công sức cho người quản lý di sản là bao nhiêu, bằng một khoản tiền nhất định hay bằng hiện vật thì cho đến nay vẫn chưa có quy định pháp luật hay văn bản hướng dẫn về vấn đề này, dẫn đến sự không thống nhất trong thực tiễn xét xử. Có Tòa án trích công sức cho người trông nom, duy trì, bảo quản di sản bằng một suất thừa kế, có Tòa án trích công sức bằng ½ suất thừa kế, cũng có Tòa án tự quyết định mức trích công sức bằng một số tiền nhất định. Chẳng hạn, Bản án dân sự sơ thẩm số 846/2017/DSST ngày 10/7/2017 của TAND thành phố H đã tuyên: “Xác định diện tích 600m2 đất thuộc thửa 1911 tờ bản đồ số 2 thuộc xã N nay là phường N, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh là di sản của ông Lê Văn T và bà Lê Thị Đ. Di sản chia đều cho 6 người con gồm: Ông Lê Văn D, bà Lê Thị S1, bà Lê Thị S2, bà Lê Thị H1, bà Lê Thị H2, ông Lê Văn H (chết có con là Lê Thị H3, Lê Thị T), mỗi suất có diện tích 85,7m2, ông D được hưởng một phần công sức bằng một suất thừa kế, tổng cộng hai phần.”[13]. Theo Bản án này thì bị đơn được tính công sức bằng một suất thừa kế. Tuy nhiên, Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2022/DS-ST ngày 08/4/2022 của TAND tỉnh HY và Bản án dân sự phúc thẩm số 270/DS-PT ngày 02/6/2023 của TAND cấp cao tại H giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn H và bị đơn bà Nguyễn Thị Q đã trích công sức trông nom, quản lý di sản cho bị đơn bằng tiền. Cụ thể, Bản án tuyên: “8. Áng trích công sức cho bà Nguyễn Thị Quý khoản tiền quản lý di sản và nộp thuế quyền sử dụng đất từ năm 2005 đến thời điểm tranh chấp thừa kế năm 2021 là 17 năm, mỗi năm là 500.000 đồng bằng 8.500.000 đồng. Giá trị di sản của cụ Chi và cụ Mai còn lại để chia thừa kế là 147.575.000 đồng”[14]. Qua hai ví dụ nêu trên cho thấy, việc tính công sức trông nom, bảo quản di sản trong thực tiễn xét xử phụ thuộc vào niềm tin nội tâm của Thẩm phán và sự đánh giá của Hội đồng xét xử mà chưa hề có một số tiêu chí cụ thể để xác định.
Với thực tiễn trên, chúng tôi kiến nghị TAND tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn hoặc án lệ về trích công sức cho người trông nom, bảo quản di sản thừa kế theo hướng thiết lập các tiêu chí cụ thể như: thời gian trông nom, công sức bỏ ra để thực hiện việc trông nom, chăm sóc, bảo quản di sản, giá trị di sản được trông nom gia tăng hay giảm sút… Theo đó, định mức thù lao tương ứng với các lao động cùng loại tại vùng, địa phương có di sản đó. Trường hợp đã có tiêu chí nhưng vẫn chưa thể xác định được thì ấn định tối thiểu bằng ½ suất thừa kế và tối đa bằng một suất thừa kế. Điều này được lý giải bởi việc trông nom, chăm sóc, bảo quản di sản đã có nên không thể không tính chi phí (mức tối thiểu) thanh toán. Còn mức chi phí tối đa sẽ tùy thuộc vào việc giá trị di sản được trông nom gia tăng tương ứng công sức bỏ ra để thực hiện là nhiều hơn, mức độ chăm sóc, bảo quản cũng phức tạp hơn.
5. Vướng mắc về giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng có yêu cầu thanh toán tiền lãi chậm trả và kiến nghị hoàn thiện
Theo Điều 25 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phạt vi phạm thì: “(1) Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp tổ chức tín dụng hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này; (2) Tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”. Điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư này cũng quy định về mức phạt vi phạm: “Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”.
Tại Điều 8 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn:
(1) Đối với hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 01/01/2017 thì lãi trong hợp đồng được xác định bao gồm: Một là, lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả được xác định theo lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất tương ứng với thời hạn vay chưa trả. Hai là, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng;
(2) Đối với hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01/01/2017 thì lãi trong hợp đồng được xác định bao gồm: Một là, lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ gốc quá hạn được xác định theo như hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 01/01/2017 như trình bày trên. Hai là, trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn.
Như vậy, hướng dẫn tại Điều 8 nêu trên của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP vẫn chưa rõ ràng về nội dung phạt vi phạm. Điều này dẫn đến trong thực tiễn còn tồn tại nhiều quan điểm trong việc chấp nhận hay không yêu cầu của ngân hàng đối với khoản lãi phạt vi phạm. Hệ quả là, cùng loại tranh chấp hợp đồng tín dụng, trong đó các bên thỏa thuận về lãi suất (bao gồm lãi suất trong hạn và lãi suất nợ quá hạn), thỏa thuận phạt vi phạm nhưng có Tòa án xử chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm, có Tòa án xử chỉ chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn mà không chấp nhận phạt vi phạm vì cho rằng tính lãi suất quá hạn đồng thời phạt vi phạm là “lãi chồng lãi”, “phạt chồng phạt”.
Chúng tôi cho rằng, việc chấp nhận vừa tính lãi suất quá hạn, vừa phạt vi phạm là vi phạm nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn, vi phạm quy định về “lãi chồng lãi”. Bởi lẽ, việc tính lãi suất quá hạn cũng là một hình thức áp dụng đối với hành vi không trả nợ đúng hạn. Do đó, cần áp dụng thống nhất Điều 12 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP: “Xử lý việc không trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay tài sản: (i) Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án xem xét, quyết định theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn; (ii) Hợp đồng vay tài sản vừa có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa có thỏa thuận lãi trên nợ gốc quá hạn hoặc hình thức khác áp dụng đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án căn cứ quy định tương ứng của BLDS, Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng BLDS, Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất để xem xét, quyết định xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 1 Điều này”.
Kết luận
Từ những phân tích và ví dụ điển hình qua các vụ án nêu trên cho thấy, thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong thời gian tới, việc hoàn thiện pháp luật cần phải xem xét để đưa vào quy trình rà soát, chỉnh sửa, bổ sung khi có điều kiện. Các vấn đề đang tồn tại mang tính cấp bách nêu trên, TAND tối cao cần phải có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và chính xác.
Nguồn Tạp chí TAND số 19 năm 2024.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
3. Luật Đất đai năm 2013.
4. Luật Đất đai năm 2024.
5. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
6. Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
7. Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 về áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
8. Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
9. Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phạt vi phạm.
10. Án lệ số 03/2016/AL ngày 06/4/2016 về vụ án ly hôn.
11. Án lệ số 05/2016/AL ngày 06/4/2016 về xem xét về công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế.
12. Bản án dân sự sơ thẩm số 846/2017/DSST ngày 10/7/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
13. Bản án dân sự phúc thẩm số 270/2023/DS-PT ngày 02/6/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
14. Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 25/2022/HNGĐ-PT ngày 19/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
15. Bản án số 02/2022/HNGĐ-ST ngày 11/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
16. Bản án dân sự sơ thẩm số 846/2017/DSST ngày 10/7/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
17. Bản án phúc thẩm số 08/2021/HNGĐ-PT ngày 29/4/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên về tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa ông Th và bà T.
[1] Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2] Điều 3 Nghị định số 24/2012/NĐ – CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đưa ra dạng tồn tại và khái niệm về vàng (Vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng, vàng nguyên liệu).
[3] Quan điểm này được thể hiện tại Bản án số 32/2023/DS-PT ngày 30/3/2023 giữa nguyên đơn ông Đinh Mạnh Đ, sinh năm 1957, địa chỉ: Xóm 1, xã Ngh 1, huyện Ngh, tỉnh Nam Định và bị đơn ông Đinh Quang Th, sinh năm 1972 và bà Trần Thị Ngọc B, sinh năm 1973, cùng địa chỉ: Xóm 5, xã Ngh1, huyện Ngh, tỉnh Nam Định.
[4] Điều 4 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
[5] Quan điểm này được thể hiện tại Bản án số 05/2019/DS-ST ngày 30/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Sóc Trăng.
[6] Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 43/2024/QH15).
[7] Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, Bản án số 31/2022/HNGĐ –PT ngày 10/8/2022.
[8] Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên, Bản án số 15/2019/HNGĐ – PT ngày 25/10/2019.
[9] Bản án số 25/2022/HNGĐ-PT ngày 19/9/2022 của TAND tỉnh Bình Dương giữa nguyên đơn bà Phạm Ngọc Th và bị đơn ông Trần Trọng N.
[10] Bản án số 02/2022/HNGĐ-ST ngày 11/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Y với bị đơn ông Hoàng Văn L.
[11] Bản án Phúc thẩm số 08/2021/HNGĐ-PT ngày 29/4/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên về tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa ông Th và bà T.
[12] Xem khoản 2 Điều 213 BLDS năm 2015: “Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”.
[13] Bản án dân sự sơ thẩm số 846/2017/DSST ngày 10/7/2017 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
[14] Bản án dân sự phúc thẩm số 270/2023/DS- PT ngày 02/6/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
VKSND TP Sóc Trăng phối hợp Tòa án xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” - Ảnh: Lê Kiều Mị.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận