Xét xử trực tuyến : Giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, xét xử trực tuyến là một giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp và qua bài viết này, tác giả đề xuất một vài kiến nghị đối với hệ thống Tòa án nhân dân trong hoạt động xét xử.

Xét xử trực tuyến là phương thức xét xử gồm một chuỗi quy trình và thiết bị thực hiện công tác xét xử trong đó những người tham gia phiên tòa có thể giao tiếp với nhau qua mạng (không cần phải có mặt tại phòng xử án). Xét xử trực tuyến sử dụng kết nối mạng để thực hiện công tác xét xử. Mọi hoạt động như xem xét chứng cứ, tài liệu, xét hỏi, tranh luận... đều được thực hiện trực tuyến qua thiết bị kết nối mạng (thường là máy tính) với một máy chủ có lưu giữ sẵn toàn bộ tài liệu và phần mềm cần thiết để thực hiện công tác xét xử. Người tham gia xét xử trực tuyến có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (WiFi, WiMAX), mạng nội bộ (LAN). Nội dung xét xử trực tuyến có thể được chia sẻ qua các công cụ điện tử hiện đại như máy tính, mạng vệ tinh, mạng Internet, Intranet, các website... hoặc có thể thu được từ đĩa CD, băng video, audio...

1. Đặc điểm của xét xử trực tuyến

Hiện nay, luật tố tụng nước ta (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) chỉ quy định xét xử trực tiếp, không quy định xét xử trực tuyến. Vì vậy, có thể khẳng định, xét xử trực tuyến là phương thức xét xử mới chưa được quy định trong luật tố tụng Việt Nam.

Đặc điểm đặc trưng của xét xử trực tuyến là xét xử mà không cần tiếp xúc trực tiếp giữa những người tham gia phiên tòa và vì vậy, họ (một số họ) không cần phải có mặt tại phòng xử án. Đây là giải pháp đột phá nhằm góp phần thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bối cảnh đại dịch covid-19 đang diễn ra toàn cầu và tại Viêt Nam.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các biến chủng mới như Delta hoặc những biến chủng khác có khả năng tiếp tục xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, số lượng người mắc bệnh, tử vong tăng nhanh, nguồn cung ứng vắc xin trên toàn thế giới còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu là những thách thức rất lớn đối với nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động của Tòa án, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác và tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi phải có các giải pháp ứng phó kịp thời, đồng bộ, phù hợp[1], [2], [3].

Thời gian qua, hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) tiếp tục thi hành Hiến pháp năm 2013 là việc triển khai thực hiện các luật, bộ luật mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp với yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tư pháp và tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc. Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ. Nhìn chung, kết quả các mặt công tác của Tòa án nhân dân các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động tố tụng ngày càng công khai, minh bạch; chất lượng công tác của Tòa án nhân dân được nâng lên, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội[4], nhất là trong nhiệm kỳ 2016-2021 chưa phát hiện trường hợp nào Tòa án kết án oan người vô tội; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là án kinh tế, tham nhũng không có trường hợp nào xét xử quá thời hạn luật định; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử ngày càng được bảo đảm tốt hơn... Công tác xây dựng ngành Tòa án nhân dân được chú trọng, hướng đến tính chuyên nghiệp, hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển[5].

2. Kinh nghiệm quốc tế về xét xử trực tuyến

Về nguyên tắc, việc giải quyết một vụ án sử dụng phòng xét xử điện tử sẽ tương tự như xét xử ở phòng xét xử thông thường. Để đảm bảo được yêu cầu này, phòng xét xử trực tuyến phải đáp ứng được điều kiện để phiên tòa được diễn ra như phiên tòa xét xử truyền thống. Mặc dù xét xử trực tuyến nhưng Tòa án vẫn phải đảm bảo tính trung thực trong việc xác minh chứng cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân chứng ở xa tham dự phiên tòa, đưa ra lời khai và bằng chứng trung thực. Do đó, phòng xét xử phải hiện đại, được kết nối mạng và bố trí thiết bị thông minh phục vụ cho hoạt động xét xử. Đương sự ở nơi xa, có thể đến Tòa án gần nhất để tham dự phiên tòa.

Hàn Quốc đã ứng dụng hệ thống truyền hình hội nghị phục vụ việc xét xử các vụ án hình sự và các vụ án dân sự, kinh doanh-thương mại đơn giản. Theo đó, phòng xét xử của Tòa án được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ thông tin như hệ thống truyền hình trực tuyến với ca-mê-ra chất lượng siêu nét; máy tính màn hình cảm ứng hiển thị thông tin cho bàn hội đồng xét xử; máy chiếu để chiếu hình ảnh chứng cứ, tài liệu lên màn hình lớn; hệ thống chuyển đổi giọng nói thành chữ viết hiển thị lên màn hình để những người tham dự phiên tòa theo dõi và đồng thời sử dụng làm biên bản phiên tòa; bố trí phương tiện điện tử tại vị trí ngồi của Thẩm phán, công tố viên và luật sư; cung cấp chức năng chia sẻ hình ảnh trong thiết bị vô tuyến như máy tỉnh bảng, điện thoại di động. Cách thức tổ chức các phiên tòa trực tuyến được thực hiện như sau: Đối với việc xét xử các vụ án hình sự: Các trại tạm giam có phòng xét xử do cơ quan quản lý trại tạm giam quản lý được trang bị đầy đủ phương tiện điện tử như hệ thống âm thanh, màn hình hiển thị, hệ thống truyền hình hội nghị kết nối đến phòng xét xử của Tòa án. Đặc biệt, màn hình hiển thị được trang bị tại phòng xét xử của trại tạm giam rất lớn để tạo cảm giác cho bị cáo như đang đứng trước hội đồng xét xử tại trụ sở Tòa án. Trường hợp người làm chứng, người bị hại không đến dự phiên tòa thì Tòa án sẽ cấp tài khoản và mật khẩu để sử dụng máy vi tính kết nối với hệ thống xét xử trực tuyến. Việc xét xử trực tuyến các vụ án hình sự nhằm mục đích đảm bảo tính an toàn và tiết kiệm chi phí, nhân lực trong việc dẫn giải bị cáo, nhất là đối với các bị cáo nguy hiểm và trại tạm giam xa trụ sở Tòa án. Ngoài ra, để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật thay cho việc xét xử lưu động, một số phiên tòa về hình sự sẽ được truyền hình trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của Tòa án để tất cả người dân có thể theo dõi. Đối với các vụ án dân sự và kinh doanh-thương mại đơn giản: Phần lớn những vụ án dân sự và kinh doanh-thương mại đơn giản đều được các Tòa án xét xử trực tuyến. Trong quá trình giải quyết đơn khởi kiện trực tuyến, Thẩm phán được phân công giải quyết sẽ tạo ra một “phòng xét xử điện tử”, cấp tài khoản truy cập vào phòng xét xử này để nguyên đơn và bị đơn có thể dùng máy vi tính kết nối Internet tham dự phiên tòa.

Xinh-ga-po, tất cả các phòng xét xử tại trụ sở Tòa án tối cao đều được trang bị cơ sở hạ tầng cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét xử trực tuyến. Luật sư cũng có thể sử dụng máy tính cá nhân, truy cập hồ sơ vụ án điện tử và trình bày vụ việc thông qua việc sử dụng công nghệ thích hợp. Tất cả các phòng xét xử đều được lắp đặt hệ thống hỗ trợ nghe cho người khiếm thính sử dụng thiết bị trợ thính telecoil ở một mức độ nhất định để tham dự phiên tòa. Thiết bị công nghệ thông tin Infocomm di động: Nhằm khuyến khích luật sư tận dụng những tiến bộ của công nghệ để trình bày vụ án tốt hơn, các thiết bị công nghệ thông tin di động được trang bị sẵn để sử dụng trong tất cả các phòng xét xử. Các thiết bị này bao gồm hệ thống phóng đại hình ảnh của các vật thể 3D hoặc tài liệu bản cứng và vô tuyến độ phân giải cao với hệ thống hiển thị tương tác cho phép người dùng chú thích nội dung một cách rõ ràng. Thiết bị hội nghị truyền hình: Các thiết bị hội nghị truyền hình có sẵn trong phòng xét xử có thể được sử dụng để nhân chứng dễ bị tổn thương hoặc nhân chứng ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa trình bày lời khai. Luật sư cũng có thể kết nối máy vi tính cá nhân với hệ thống nghe nhìn để trình chiếu bằng chứng lên màn hình máy vi tính và màn hình trình chiếu.

Ô-xtơ-rây-li-a, Tòa án có các công nghệ và thiết bị trong phòng xét xử cho mỗi Thẩm phán. Những thiết bị kỹ thuật này bao gồm thiết bị họp trực tuyến, máy quay tài liệu; wifi; máy vi tính và các thiết bị liên quan khác. Cùng với trang web và các trang thiết bị, phòng xét xử trực tuyến còn có hệ thống công cụ trực tuyến mà Tòa án xây dựng để hỗ trợ quá trình tố tụng hiệu quả như hồ sơ Tòa án trực tuyến và các công cụ truy cập tài liệu của Tòa án như cổng thông tin chung của Tòa án thuộc Khối thịnh vượng chung, trang tìm kiếm luật Liên bang và các hồ sơ trực tuyến của vụ án. Toà án có các phương tiện phục vụ cho việc họp trực tuyến tại các phòng xét xử và văn phòng thư ký Tòa án trên toàn quốc[6].

3. Một số đề xuất, kiến nghị đối với hệ thống Tòa án nhân dân

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng bí thư; kết luận của Bộ Chính trị; công điện và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư; nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết của Chính phủ; chỉ thị, công điện, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; để bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống TAND (gọi chung là công chức). Chánh án TANDTC đã có văn bản yêu cầu Chánh án các Tòa án, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về công tác phòng, chống dịch. Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt trong đơn vị.

Hai là, các Tòa án: (1) Tạm dừng việc nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ và tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở Tòa án. Tòa án thông báo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thông qua các phương thức khác như: Gửi đến Tòa án thông qua dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. (2) Tạm dừng việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và các tài liệu, chứng cứ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng phương thức trực tiếp mà thực hiện bằng các phương thức khác như: Qua dịch vụ bưu chính; qua phương tiện điện tử; qua các phương thức khác theo quy định của pháp luật tố tụng. (3) Tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết; tạm dừng việc triệu tập đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến Tòa án đối với các vụ án, vụ việc đang còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.

Trường hợp vụ án, vụ việc đã hết thời hạn giải quyết (kể cả thời gian gia hạn) và bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Khi bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp. Tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện[7].

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chỉ tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh từ khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng (từ ngày 31/5/2021), riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) áp dụng theo Chỉ thị 16, TAND quận Gò Vấp buộc phải tạm dừng xét xử các vụ án. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa phát đi thông báo khẩn về việc yêu cầu tạm dừng các phiên tòa xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm, bắt đầu từ ngày 09/6/2021 đến khi có thông báo mới. Với quy định không tập trung quá 5 người, TAND Thành phố Hồ Chí Minh, TAND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng buộc phải thông báo hoãn nhiều phiên xét xử.

Việc tạm dừng các phiên tòa đã ảnh hưởng đến công tác xét xử cũng như quyền lợi của bị can, bị cáo, đương sự và người liên quan. Để giải quyết tình thế này, liên ngành tố tụng thành phố Thủ Đức thống nhất đưa ra phương án sẽ đề xuất cấp trên chấp thuận chủ trương cho thí điểm xét xử trực tuyến những vụ án hình sự đối với các bị cáo đang bị tạm giam tại nhà giam giữ của Công an thành phố Thủ Đức, góp phần hạn chế rủi ro lây nhiễm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19[8].

Để giải quyết tình hình trên, giải pháp tổ chức xét xử trực tuyến, phiên tòa trực tuyến là rất cần thiết, quan trọng và cấp bách, vừa đảm bảo công tác xét xử đúng tiến độ, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, đồng thời, giảm thiểu một khoản chi phí khi di chuyển, áp giải bị cáo đến phiên tòa.

Phiên tòa trực tuyến cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng... vẫn tham gia phiên xử tại phòng xét xử của Tòa án; các bị cáo bị xét xử sẽ vẫn ở nơi giam giữ và có đường truyền trực tiếp với nơi tạm giam của bị cáo để tiến hành thủ tục xét xử bình thường. Xét xử trực tuyến có thể áp dụng cho cả vụ án đơn giản hoặc phức tạp, vụ có nhiều hoặc ít bị cáo, nếu các thủ tục tố tụng và công tác xét xử được đảm bảo theo đúng quy định pháp luật[9]. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, xét xử trực tuyến đã xuất hiện ở một số nước như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Ô-xtơ-rây-li-a, Xinh-ga-po...

 

Sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để trình chiếu các tài liệu, chứng cứ trong quá trình xét xử tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) - Ảnh: BND

Những yêu cầu cơ bản khi tổ chức phiên toà trực tuyến

Toà án sẽ xét xử trực tuyến?

Về hiện thực hóa phương thức xét xử trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Xem xét tạo hành lang pháp lý để Tòa án xét xử trực tuyến


[1] Chính phủ (2021), Tờ trình số 262/TTr-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về việc đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

[2] Quốc hội (2021), Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021.

[3] Chính phủ (2021), Báo cáo số 264/BC-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về tình hình dịch bệnh Covid-19, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19.

[4] Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013;

Nghị quyết số 52/2013/QH13 ngày 21/6/2013 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5;

Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm;

Nghị quyết số 69/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII;

Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự;

Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo;

Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án (thay thế các nghị quyết số 37, 63 và 111 nêu trên): sửa đổi, quy định một số chỉ tiêu cao hơn, đồng thời bổ sung một số chỉ tiêu mới so với các nghị quyết trước.

[5] Ủy ban Tư pháp (2021), Báo cáo 2923/BC-UBTP14 ngày 16 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân và Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành Tòa án nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021).

[6] Tòa án nhân dân tối cao (2021), Báo cáo số 44/BC-TANDTC ngày 02 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao tổng quan về kinh nghiệm xét xử trực tuyến của một số quốc gia trên thế giới.

[7] Tòa án nhân dân tối cao (2020), Chỉ thị số 02/2020/CT-CA ngày 10 tháng 3 năm 2020 của TANDTC về phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống Tòa án nhân dân.

[8] https://thanhnien.vn/thoi-su/toa-an-se-xet-xu-truc-tuyen-1397976.html

[9] https://thanhnien.vn/thoi-su/toa-an-se-xet-xu-truc-tuyen-1397976.html

TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội) ThS. PHÙNG VĂN HUYÊN (Chuyên viên cao cấp, Văn phòng Quốc hội)