Hội thảo về dự thảo Báo cáo Nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ tại Việt Nam

Ngày 25/4/2019, tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo Nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ tại Việt Nam và góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì và điều hành hội thảo.

Khắc phục vướng mắc, bất cập

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc Hội thảo nêu rõ: Để hình thành cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành án lệ và áp dụng án lệ vào hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Nghị quyết bước đầu làm rõ được khái niệm án lệ, các tiêu chí lựa chọn án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử, đồng thời đưa ra một quy trình ban hành án lệ hết sức chặt chẽ từ khâu rà soát, phát hiện, đề xuất án lệ đến khâu thẩm định, thông qua án lệ. Trên cơ sở Nghị quyết này, đến nay, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 26 án lệ. Các án lệ được công bố đã góp phần bổ khuyết cho hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án; đồng thời, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của các Tòa án.

Tuy nhiên, sau hơn 03 năm thi hành, việc áp dụng Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Nghị quyết cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như: Chưa có quy trình thông qua án lệ theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với những quyết định giám đốc thẩm mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thống nhất lựa chọn phát triển thành án lệ tại phiên tòa giám đốc thẩm; Quy trình “hủy bỏ, thay thế án lệ” chưa thực sự phù hợp; Một số hướng dẫn của Nghị quyết còn chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng, ví dụ xác định thế nào là “vụ việc tương tự” tại khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết; Quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất, phát triển thành án lệ còn rườm rà, phức tạp, chưa hiệu quả; Chưa có hướng dẫn cụ thể về cách viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của Tòa án dẫn đến việc viện dẫn án lệ không thống nhất.

Được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc, Nhóm nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực tiễn thi hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và đưa ra những khuyến nghị để cải thiện quy trình lựa chọn án lệ trong dự thảo Báo cáo nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ tại Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, TANDTC đã xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

“Để đảm bảo chất lượng của Báo cáo nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ tại Việt Nam và dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, tại Hội thảo hôm nay, tôi đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến đối với nội dung của dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết. Ý kiến góp ý của các đồng chí sẽ là tư liệu tham khảo quan trọng cho chúng tôi trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo, dự thảo Nghị quyết”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu đánh giá cao sự nỗ lực của TANDTC trong việc tuyển chọn, công bố và áp dụng án lệ trong xét xử trong thời gian qua. Tuy nhiên, để việc tuyển chọn, áp dụng án lệ phù hợp hơn, có hiệu quả hơn thì cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi. Do đó, Hội thảo này có ý nghĩa rất tích cực.

Báo cáo đảm bảo tính khách quan

TS Nguyễn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Nguyên Phó Chánh án TANDTC, Trưởng nhóm nghiên cứu, trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo Nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ tại Việt Nam.

Góp ý đối với dự thảo Báo cáo, Hội thảo đã nghe tham luận của TS. Phạm Quý Tỵ – Nguyên Phó Chủ nhiệm, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự;  TS. Nguyễn Văn Nam – Phó Trưởng khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân và các ý kiến khác của đại biểu dự hội thảo.

Các ý kiến tham luận nhìn chung đều đánh giá: Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đối tượng tham gia khảo sát là các công chức có chức danh tư pháp (Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án) tại 19 Tòa án nhân dân các cấp; một số văn phòng Luật sư, các luật gia, chuyên gia, giảng viên chuyên ngành Luật tại các cơ sở đào tạo về Luật như Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp. Với tổng cộng 318 phiếu khảo sát, trong đó 44,5% là Thẩm phán, 12,6% là Thẩm tra viên, 34,1% là Thư ký Tòa án, 8,8% là Luật sư, luật gia, giảng viên chuyên ngành Luật là đảm bảo tính khách quan của kết quả khảo sát.

Nhận xét chung về quy trình rà soát, phát hiện bản án, đề xuất, phát triển thành án lệ theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP các ý đồng tình với nhận định trong Báo cáo cho rằng quy trình cần đơn giản hơn nữa.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Ông Jacob Gammelgaard (Đan Mạch), Chuyên gia cải cách tư pháp quốc tế bình luận: “Mục tiêu của báo cáo không phải là để phân tích so sánh, và với tư cách là người bình luận, tôi sẽ cố gắng không vào đi vào chi tiết. Tuy nhiên, để làm rõ, tôi cho rằng sẽ hữu ích khi chỉ ra rằng việc sử dụng án lệ tại các quốc gia dân luật hầu như không có điểm chung với tình hình ở Việt Nam, ngoại trừ nguyên tắc chung là “các vụ án giống nhau được xét xử như nhau”.

Chuyên gia phân tích: Mặc dù vậy, quy trình mà Việt Nam áp dụng lại rất giống với thủ tục trong hệ thống tư pháp Trung Quốc. Trung Quốc áp dụng Hệ thống vụ án hướng dẫn. Quy trình tại Trung Quốc tương tự với quy trình tại Việt Nam trong vấn đề tuyển chọn án lệ, xây dựng dự thảo án lệ (tại Trung Quốc được gọi là Các điểm chính trong xét xử) và áp dụng án lệ tại các Tòa án.

Tại các quốc gia theo hệ thống dân luật và thông luật, mấu chốt của suy luận pháp lý, và từ đó sử dụng án lệ, là để phân biệt giữa pháp luật với sự việc. Thẩm phán phải xác định đâu là các sự việc có liên quan, xác định đâu là luật áp dụng và sau đó, thông qua quá trình suy luận pháp lý, đưa ra kết luận. Đề cập đến “sự kiện pháp lý” có thể gây nhầm lẫn giữa ba bước phân tích trong việc sử dụng án lệ.

Trong báo cáo, một vài Thẩm phán đã nói về sự khó khăn trong việc xác định liệu sự kiện trong vụ án có thực sự “tương tự” hay không, và do đó khi nào và làm thế nào áp dụng được án lệ sẵn có. Đây thực sự là thách thức chính trong quá trình áp dụng án lệ. Sẽ hữu ích hơn nếu có một sự phân biệt rõ ràng giữa các sự kiện của vụ án và pháp luật liên quan để quyết định khi nào và bằng cách nào sử dụng án lệ.

Bình luận về thủ tục hủy bỏ án lệ, chuyên gia cho rằng: “Nó không chỉ ra được liệu việc thay đổi pháp luật hoặc quy định có nhất định phải làm mất hiệu lực của một án lệ. Sự mất hiệu lực này có thể cũng không phải là rõ ràng đối với những người làm luật hay thực hành luật. Một sự thay đổi về pháp luật có thể ảnh hưởng đến một án lệ, nhưng cũng có thể không, tùy thuộc vào hoàn cảnh”.

Trong mọi tình huống, ít nhất là trong hệ thống dân luật, một án lệ được áp dụng với các vụ án thực tế và các hoàn cảnh thực tế, điều sẽ quyết định liệu án lệ đó còn có thể được áp dụng hay không. Do đó, án lệ sẽ tồn tại theo mức độ có thể áp dụng được, giao động từ mức áp dụng mạnh đến yếu đến không còn hiệu lực.

Điểm cuối cùng là sẽ cần một bộ máy phức tạp để hủy bỏ án lệ. Để phân tích và duy trì một khối lượng án lệ còn-hiệu-lực như vậy sẽ tốn nhiều thời gian. Cứ cho là, trong hoàn cảnh hiện tại, số lượng án lệ vẫn ở mức hạn chế, việc này có thể không phải là mối bận tâm chính. Nhưng nếu số lượng án lệ tăng đến 500 hay 1000 hoặc thậm chí nhiều hơn, nhiệm vụ hủy bỏ án lệ có thể sẽ trở thành nguyên nhân làm trì trệ, gây nản lòng cho các Thẩm phán và khiến TANDTC bị chỉ trích.

Hiểu được điều này, một số người tham gia báo cáo đã nêu lên quan ngại về việc làm thế nào thực hiện được thủ tục hủy bỏ. “Báo cáo nên dành nhiều không gian hơn để thảo luận về những quan ngại của người tham gia và cho họ đưa ra ý kiến làm thế nào cải thiện được quy trình hiện tại”- chuyên gia nói.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP

Phần II của Hội thảo là Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết: Sau hơn 03 năm thi hành, việc áp dụng Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đã phát sinh những vướng mắc bất cập như: quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất, phát triển thành án lệ còn rườm rà, phức tạp, chưa hiệu quả; chưa có hướng dẫn cụ thể về cách viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của Tòa án dẫn đến việc viện dẫn án lệ không thống nhất, thậm chí nhiều Thẩm phán không viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của mình mà chỉ xét xử theo đường lối mà án lệ đưa ra; chưa có quy trình thông qua án lệ theo thủ tục rút gọn đối với những quyết định giám đốc thẩm mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC thống nhất lựa chọn phát triển thành án lệ tại phiên tòa giám đốc thẩm; một số hướng dẫn của Nghị quyết còn chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng, ví dụ xác định thế nào là “vụ việc tương tự” tại khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết, chưa thể hiện rõ trường hợp nào thì phải áp dụng án lệ, trường hợp nào thì không áp dụng án lệ; sử dụng thuật ngữ “hủy bỏ án lệ” chưa phù hợp.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, TANDTC xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/HĐTP ngày 28-10-2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Dự thảo Nghị quyết còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, đó là về thông qua án lệ theo trình tự, thủ tục rút gọn (Điều 6a dự thảo Nghị quyết); Về công bố bãi bỏ án lệ (Điều 9 dự thảo Nghị quyết); Về áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự (khoản 2 Điều 8 dự thảo Nghị quyết); Về viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của Tòa án (Điều 8a dự thảo Nghị quyết); Về rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ (Điều 3 dự thảo Nghị quyết).

Góp ý đối với dự thảo Nghị quyết, tập trung vào những nội dung còn có quan điểm khác nhau, Hội thảo đã nghe tham luận của PGS.TS. Đỗ Văn Đại – Trưởng khoa Khoa luật Dân sự, Đại học Luật Tp HCM; TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng khoa  háp luật thương mại quốc tế, Đại học Luật Hà Nội; ThS. Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế, Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Hải An – Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc Kiểm tra II và các ý kiến khác của các đại biểu.

THÁI VŨ - HÙNG LAN