Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, là nhà thơ lớn của nước ta, là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ của dân tộc

Tối 30/6, tại Lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822-2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Cùng tham dự Lễ kỷ niệm có các vị  lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng,  Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung ương và địa phương qua các thời kỳ; ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; các đại sứ, tổng lãnh sự các nước; các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó vươn lên; đoàn kết vượt qua bao gian khổ hy sinh của Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã truyền cảm hứng cho cuộc Đồng Khởi thần kỳ năm 1960, góp phần hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định: Sự kiện  Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh danh nhân và cùng tổ chức kỷ niệm 200 ngày sinh của ông là niềm tự hào cho đất nước Việt Nam nói chung, là vinh dự lớn cho tỉnh Bến Tre nói riêng. Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời cảm ơn trân trọng đến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia và các nhà khoa học đã hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành cùng tỉnh Bến Tre trong việc hoàn thành hồ sơ trình UNESCO bảo đảm nội dung, thời gian quy định. “Chúng ta vinh dự khẳng định rằng Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân Văn hóa được thế giới ghi nhận. Sức ảnh hưởng, cốt cách, giá trị những tác phẩm của ông đã vươn tầm thế giới, được cả nhân loại tìm hiểu, nghiên cứu. Văn đàn thế giới sẽ ghi thêm tên một Danh nhân của Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu bằng tất cả sự trọng thị và mến mộ” - Chủ tịch Trần Ngọc Tam nhấn mạnh.

Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Bến Tre nguyện tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức, nhân cách của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong xây dựng văn hoá, con người Bến Tre; tạo điều kiện cho văn hóa thấm sâu và trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển Bến Tre phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tỉnh Bến Tre là vùng quê gắn bó với Nguyễn Đình Chiểu. Những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre đã thực hiện nhiều công việc có ý nghĩa sâu sắc nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà Nguyễn Đình Chiểu để lại cho thế hệ hiện tại và mai sau.

Nguyễn Đình Chiểu, sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước đầy biến động, vì hoàn cảnh gia đình và điều kiện ly tán thời chiến tranh, ông đã lỡ nhiều kỳ thi nên không theo đường quan lộ, rồi không may lâm bệnh mù lòa, nhưng không vì thế mà buông xuôi. Trái lại, ông đã vượt qua sự trắc trở của số phận, trở thành một thầy thuốc có y thuật cao, một thầy giáo tâm huyết, một nhà thơ đi đầu trong phong trào chống thực dân có ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực và trên thế giới. Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương về tinh thần học tập suốt đời, ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh nguy nan vẫn là hiện thân của nhân cách sống trong sáng, bình dị, cao đẹp nhưng đầy khí chất của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Nam Bộ nói riêng. Trong thời kỳ đất nước bị họa ngoại xâm, nỗi nhà tai biến, nỗi mình bi thương, bao nghiệt ngã của cuộc đời giáng lên một con người nhỏ bé, hiền hòa, chất phác. Nhưng cũng nhờ đó tôi rèn cho ông bản lĩnh và thái độ sống không buông xuôi trước số phận. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương”.

“Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 1963 nhận định Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, là nhà thơ lớn của nước ta, là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ của dân tộc. Trước tác của Nguyễn Đình Chiểu đã cho thấy những đóng góp lớn lao của ông đối với văn học nước nhà”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Các bộ, ngành trung ương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bến Tre, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu; tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước; phát huy giá trị văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong giai đoạn mới; chú trọng ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, nghiên cứu, sáng tác văn hóa nghệ thuật về Nguyễn Đình Chiểu; thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu.

 

Trao Nghị quyết vinh danh của UNESCO công nhận Danh nhân thế giới Nguyễn Đình Chiểu cho lãnh đạo tỉnh Bến Tre - Ảnh: HM

Thay mặt Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc, ngài Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã chia sẻ niềm vui với tỉnh Bến Tre, Việt Nam. Ông gửi lời cảm ơn trân trọng đến tỉnh Bến Tre vì đã tổ chức chuỗi sự kiện vinh danh đầy ý nghĩa. Đây là cơ hội để chúng ta không những tôn vinh một cá nhân xuất sắc mà còn đề cao giá trị cá nhân cụ Nguyễn Đình Chiểu tới cộng đồng quốc tế rộng lớn.

Theo ngài Christian Manhart, lý do để Đại hội đồng UNESCO đưa ra quyết định này vì tác giả Nguyễn Đình Chiểu là một nhân vật xuất chúng và là một trong những nhà thơ Việt Nam được tôn vinh nhiều nhất và có các tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng. “Qua các tác phẩm thơ của mình, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần phổ biến những quan niệm đạo đức Nho giáo về trung, hiếu, nghĩa. Các tác phẩm của cụ cũng đề cao sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, dẫn dắt chúng ta trên những con đường hướng tới hòa bình. Điều này thậm chí còn có nhiều ý nghĩa hơn trong thời điểm hiện nay, trong bối cảnh bất ổn trên toàn cầu”, ông Christian Manhart nói. 

Trước đó, nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ – nhà giáo – thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu ngày 29/6, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Bộ VHTTDL và Ủy ban Quốc gia UNESCO đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”.

 

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo

Các tham luận của các học giả nước ngoài cho thấy, Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã được nghiên cứu và ngưỡng mộ ở nhiều nước. Tiến sĩ Pascal Bourdeaux đến từ Viện khảo cứu cao cấp Pháp, nêu: “Nguyễn Đình Chiểu thuộc thế hệ nếm trải cuộc xâm lăng của Pháp và hứng chịu những hậu quả đầu tiên của chế độ thực dân. Sự nghiệp văn chương của ông phản ánh rõ điều này. Một số tác phẩm sớm được dịch sang tiếng Pháp như “Lục Vân Tiên”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Chính vì thế, nhà cầm quyền Pháp duy trì mối quan hệ đầy mâu thuẫn với Đồ Chiểu lúc sinh thời. Hay nói rộng ra, đó là quan hệ văn hóa đặc biệt được hình thành giữa nền văn học Pháp, nơi đón nhận những bản dịch của nhà thơ và di cảo của ông, vẫn cần được tiếp tục khám phá”.

Nêu lên sự tương đồng giữa hai tác phẩm “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu và “Chun – Hyang Jeon” khá thịnh hành ở Hàn Quốc, hai nhà nghiên cứu Hàn Quốc – Jeon Hye Kyung và Lee Hyeo Heong nhận xét: “Ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, thế kỷ 18 và 19 là giai đoạn đánh dấu sự kết thúc thời kỳ toàn thịnh của văn học chữ Hán, vốn là thể loại văn viết phổ biến ở khu vực Đông Á, và đón chào thời kỳ toàn thịnh của văn học chữ quốc ngữ. Trong thời kỳ này, văn học chữ Nôm phổ biến tại Việt Nam và văn học Hangeul lên ngôi tại Hàn Quốc. Theo đó, tại Việt Nam có các tác phẩm tiêu biểu như “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên”, còn tại Hàn Quốc xuất hiện “Thẩm Thanh truyện” và “Xuân Hương truyện”.

Giáo sư A. Ya. Sokolovsky đến từ Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông của Nga, chia sẻ: “Tên tuổi của nhà thơ yêu nước Việt Nam vĩ đại nhất thế kỷ 19 – Nguyễn Đình Chiểu, được nhiều người biết đến ở Nga. Ông chủ yếu được biết đến với tư cách là một đại biểu xuất sắc của văn học chống Pháp tại Việt Nam thời thuộc địa. Tác phẩm chính của ông được biết đến ở đất nước chúng tôi, nhờ vào những bản dịch và nghiên cứu của những nhà Phương Đông học”.   

Nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm

 

 

NGÔ THỊ THÁP (Cao đẳng Du lịch Hà Nội)