Thảo luận về các bản án, quyết định của Tòa án đề xuất lựa chọn để phát triển án lệ

Ngày 11/10/2018, TANDTC đã tổ chức cuộc họp Hội đồng tư vấn án lệ để thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung của từng dự thảo án lệ mà TANDTC vừa xây dựng, dự kiến đưa ra HĐTP xem xét, công nhận là án lệ. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ, chủ trì phiên họp. Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo về các bản án, quyết định của Tòa án được đề xuất để phát triển nguồn án lệ.

Theo báo cáo của Vụ trưởng Vụ Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Chu Thành Quang trình bày, từ ngày 05/3/2018 đến ngày 30/9/2018, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã nhận được 23 bản án, quyết định giám đốc thẩm do Vụ Giám đốc kiểm tra III và một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh đề xuất; 20 bản án, quyết định giám đốc thẩm do các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đề xuất; chủ động nghiên cứu, rà soát khoảng gần 1000 quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. Trên cơ sở kết quả rà soát, tiếp nhận các đề xuất nêu trên và ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo về án lệ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 17-9-2018, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã xây dựng, lựa chọn 23 dự thảo án lệ.

Các bản án, quyết định về Hình sự

 1.Về Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/HS-GĐT ngày 16-8-2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Giết người” (Dự thảo án lệ số 01)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Bị cáo có hành vi tấn công bị hại nên bị đuổi đánh, bị cáo đã dùng dao khua khoắng với mục đích ngăn những người khác tấn công mình gây tử vong cho một người và gây thương tích cho một người khác; hành vi của bị cáo không xuất phát từ một lý do vô cớ hay những mâu thuẫn nhỏ nhặt; bị cáo không có mục đích tước đoạt tính mạng của bị hại.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, bị cáo chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Giết nhiều người” và “Có tính chất côn đồ”.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do vụ việc chưa mang tính đại diện cao để phát triển thành án lệ (Vụ Giám đốc kiểm tra I); việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp “Giết nhiều người” và “Có tính chất côn đồ” là rất phức tạp, phải căn cứ vào từng vụ việc cụ thể để quyết định (TS. Phạm Quý Tỵ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội).

2.Về Quyết định giám đốc thẩm số 07/2018/HS-GĐT ngày 20-3-2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Giết người” (Dự thảo án lệ số 02)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Trong vụ án đồng phạm về “Tội giết người”, người thực hành, người giúp sức chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt mà bàn bạc kế hoạch đánh bị hại; người thực hành dùng hung khí nguy hiểm chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay của bị hại; việc bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người thực hành. Người giúp sức mặc dù không có ý thức tước đoạt tính mạng của bị hại nhưng chấp nhận, để mặc hậu quả xảy ra. Người thực hành bị áp dụng tình tiết tăng nặng “Có tính chất côn đồ”.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, người giúp sức không bị áp dụng tình tiết tăng nặng “Có tính chất côn đồ”.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do trong một vụ án, việc xác định một người phạm tội “Giết người” hay tội “Cố ý gây thương tích” phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể (TS. Phạm Quý Tỵ); việc xử H về tội “Giết người” có phần mâu thuẫn với Án lệ số 01 đã ban hành (TAND tỉnh Kiên Giang).

Có ý kiến cho rằng trong vụ án hình sự, nếu đã có đồng phạm thì không thể một người phạm tội này, một người phạm tội khác được. Trong vụ việc này, bị cáo H có vai trò rất tích cực, quyết định giám đốc thẩm chưa phản ánh hết vai trò của H (TS Nguyễn Trí Tuệ – Phó Chánh án TANDTC).

3.Về Bản án phúc thẩm số 331/2018/HS-PT ngày 28-5-2018 của TANDCC tại Hà Nội về vụ án “Giết người” (Dự thảo án lệ số 03)

Trong bản án này, tình huống pháp lý là: Bị cáo bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để xử lý nhưng không chấp hành mà còn điều khiển xe đâm thẳng vào cảnh sát giao thông làm cho bị hại phải bám vào gương chiếu hậu của xe. Bị cáo tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, đánh lái, chuyển hướng nhằm hất bị hại xuống đường, gây đa chấn thương cho bị hại. Bị cáo tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy và bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ. Thực tế đã có trường hợp với tình huống tương tự như vụ việc này nhưng có Tòa án lại xử về tội “Chống người thi hành công vụ” mà không xử về “Tội giết người” với tình tiết định khung là “Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” (TS Nguyễn Trí Tuệ ).

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do với những tình tiết trong vụ án này thì các Thẩm phán đều xử về tội “Giết người” mà không xử về tội “Chống người thi hành công vụ” và việc xử về tội “Giết người” là đúng pháp luật (TS. Phạm Quý Tỵ, Vụ Giám đốc kiểm tra I). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: việc xét xử bị cáo về tội giết người là không thỏa đáng (TP Nguyễn Xuân Tùng – Chánh án TAND Quận 9 TPHCM).

4.Về Quyết định Giám đốc thẩm số 26/2017/HS-GĐT ngày 13-11-2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Cố ý gây thương tích” (Dự thảo án lệ số 04)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Bị cáo và bị hại đã xô xát, đánh nhau. Bị hại dùng hung khí nguy hiểm tấn công bị cáo trước; bị cáo chống trả dẫn tới hung khí nguy hiểm văng khỏi tay bị hại và không còn khả năng sử dụng để tấn công bị cáo. Mặc dù được người khác can ngăn nhưng bị cáo và bị hại tiếp tục đánh nhau và bị cáo đã gây thương tích cho bị hại trên 11%.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, hành vi của bị cáo không thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng; bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích” mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ do chưa rõ vấn đề pháp lý mang tính hướng dẫn (TAND tỉnh Ninh Thuận).

5.Về Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2017/HS-ST ngày 23-02-2017 của TAND tỉnh Hà Tĩnh về vụ án “Vô ý làm chết người” (Dự thảo án lệ số 05)

Trong bản án này, tình huống pháp lý là: Bị cáo và bị hại là người trong cùng gia đình, không có mâu thuẫn và cùng một phe trong lúc đánh nhau; bị cáo khua súng chống đỡ sự tấn công của người khác, trong lúc chống đỡ bị cáo vô tình làm súng nổ mà không có ý thức nhằm vào người khác để bắn. Bị hại chết là ngoài ý muốn chủ quan bị cáo.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người” mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người”.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do lập luận, phán quyết của Tòa án trong vụ án này chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn án lệ (LS.TS. Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Vụ Giám đốc kiểm tra I); bị cáo sử dụng súng (là nguồn nguy hiểm cao độ, có khả năng gây ra hậu quả chết người) trong vụ xô xát, đánh nhau, nhưng lại nói là không phải tội “Giết người” thì không thực sự thỏa đáng (TAND Quận 9).

 

Vụ trưởng Vụ PC-QLKH Chu Thành Quang trình bày báo cáo 23 dự thảo án lệ

6.Về Quyết định giám đốc thẩm số 08/2015/HS-GĐT ngày 23-4-2015 của Tòa Hình sự TANDTC về vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Dự thảo án lệ số 06)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Bị cáo dùng giấy tờ giả, xe máy mang biển kiểm soát giả đi cầm cố nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, việc chưa chiếm đoạt được tài sản và không thực hiện được tội phạm đến cùng do nguyên nhân ngoài ý muốn của bị cáo.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ.

7.Về Quyết định giám đốc thẩm số 10/2013/HS-GĐT ngày 22-7-2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Dự thảo án lệ số 07)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Các bị cáo cùng một số đối tượng khác đã có sự bàn bạc, thống nhất về phương thức thực hiện tội phạm; dùng thủ đoạn gian dối (thành lập doanh nghiệp không có chức năng hoạt động như đã hứa hẹn với bị hại; cố ý đưa ra những thông tin không đúng sự thật; thực hiện nhiều hành vi lừa dối khác để bị hại tin đó là sự thật) chiếm đoạt tài sản của bị hại trong một thời gian dài.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung là “Có tổ chức”.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do vụ việc chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của án lệ (Vụ Giám đốc kiểm tra I)

8.Về Quyết định giám đốc thẩm số 47/2017/HS-GĐT ngày 20-9-2017 của TTANDCC tại Đà Nẵng về vụ án “Cố ý gây thương tích” (Dự thảo án lệ số 08)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Bị cáo là công an xã đã sử dụng vũ lực trong lúc lấy lời khai của bị hại. Theo quy định của pháp luật thì trường hợp này bị cáo không có quyền sử dụng vũ lực đối với bị hại. Việc bị hại chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích” mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ”.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ.

9.Về Quyết định giám đốc thẩm số 09/2015/HS-GĐT ngày 23-4-2015 của Tòa Hình sự TANDTC về vụ án “Tham ô tài sản” (Dự thảo án lệ số 09)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Bị cáo lợi dụng sơ hở trong quản lý của ngân hàng, bằng thủ đoạn gian dối, nhiều lần trực tiếp làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng do bị cáo quản lý nhưng thực tế không chi trả cho bất kỳ ai. Quá trình điều tra bị cáo đã khắc phục được một phần số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội tham ô tài sản”; giá trị tài sản mà bị cáo chiếm đoạt phải xác định là toàn bộ số tiền mà bị cáo đã làm thủ tục chi trái pháp luật.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do vụ việc chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí của án lệ (Vụ Giám đốc kiểm tra I).

Các bản án, quyết định về Lao động

 10.Về Quyết định giám đốc thẩm số 01/2017/LĐ-GĐT ngày 09-8-2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” (Dự thảo án lệ số 10)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Người sử dụng lao động đã có thư mời làm việc có nội dung xác định loại hợp đồng lao động và thời gian thử việc. Người lao động đã thử việc theo đúng thời gian thử việc trong thư mời làm việc, hết thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động không có thoả thuận nào khác.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định người lao động và người sử dụng lao động đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động theo loại hợp đồng lao động trong thư mời làm việc.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ vì đường lối đối với loại việc này đã rõ (TAND Quận 1).

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thấy rằng vụ việc này liên quan đến áp dụng Bộ luật Lao động năm 2012, xoay quanh việc đánh giá hậu quả pháp lý của quan hệ lao động sau thời gian thử việc. Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định rõ nếu hai bên không giao kết thì hậu quả pháp lý như thế nào. Thực tế các Tòa án địa phương cũng thường xuyên phản ánh vướng mắc về nội dung này. Trong vụ việc này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã khẳng định quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động sau thời gian thử việc mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc (mặc dù hai bên không có thỏa thuận nào khác) là quan hệ lao động. Giải pháp pháp lý được nêu ra trong quyết định giám đốc thẩm này có ý nghĩa bổ khuyết cho những hạn chế, thiếu sót của pháp luật, làm rõ các quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, đảm bảo các vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý cơ bản giống nhau phải được giải quyết như nhau.

Các bản án, quyết định về Kinh doanh – Thương mại

11.Về Quyết định giám đốc thẩm số 20/2017/KDTM-GĐT ngày 14-7-2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp yêu cầu hủy quyết định của Đại hội đồng cổ đông” (Dự thảo án lệ số 11)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Điều lệ, quy chế hoạt động của công ty có quy định thư ký ghi biên bản Đại hội đồng cổ đông là phải là thư ký của công ty nhưng pháp luật không quy định. Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông đã biểu quyết nhất trí thư ký đại hội không phải là thư ký của doanh nghiệp. Thư ký đại hội đã ghi chép, phản ánh đúng diễn biến của Đại hội, không ảnh hưởng đến trình tự, thủ tục thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, thư ký lập biên bản Đại hội đồng cổ đông được coi là hợp pháp.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ. Về việc này, một số chuyên gia đầu ngành về pháp luật doanh nghiệp như LS. Nguyễn Ngọc Bích, LS. Trương Nhật Quang – Công ty Luật YKVN đều đồng tình với việc lựa chọn phát triển thành án lệ (PGS.TS. Đỗ Văn Đại).

Có ý kiến đề nghị xây dựng thêm tình huống án lệ liên quan đến đoạn 3 phần “Nhận định của Tòa án” về việc người được mời họp Đại hội đồng cổ đông không nhận và cho rằng không nhận được thông báo mời họp nhưng có biết về việc họp và có mặt tại cuộc họp thì không coi là triệu tập không hợp lệ (Vụ Giám đốc kiểm tra II).

Có ý kiến đề nghị cân nhắc phát triển án lệ vì lý do dễ dẫn đến sự lạm dụng, lạm quyền khi xét xử (TAND cấp cao tại TP HCM).

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thấy rằng vấn đề triệu tập người được mời họp Đại hội đồng cổ đông không phải là vấn đề pháp lý điển hình, nổi bật trong vụ việc này; trong quá trình tổng kết thực tiễn xét xử, các Tòa án cũng không phản ánh vướng mắc về vấn đề này. Do vậy, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đề xuất chỉ lựa chọn một vấn đề pháp lý như đã nêu trong dự thảo án lệ.

12.Về Quyết định giám đốc thẩm số 08/2016/KDTM-GĐT ngày 20-5-2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng cho thuê tài sản” (Dự thảo án lệ số 12)

Về tình huống án lệ 1:

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý 1 là: Hợp đồng cho thuê tài sản có thời hạn, không có thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng, bên thuê chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng không được bên cho thuê đồng ý; thời gian từ khi bên thuê có văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng quá ngắn dẫn đến bên cho thuê không thể có hợp đồng khác thay thế ngay; bên cho thuê yêu cầu bên thuê phải thanh toán tiền thuê tài sản trong thời gian còn lại của hợp đồng.

Giải pháp pháp lý 1 là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bên thuê có lỗi và phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại gây ra cho bên cho thuê; thiệt hại thực tế là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị không nên phát triển án lệ nếu không có định lượng cụ thể thế nào là “thời gian quá ngắn”, tránh tình trạng tùy tiện áp dụng án lệ này (TANDCC tại TPHCM).

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thấy rằng việc xác định thế nào là “thời gian quá ngắn” phải tùy vào tình tiết của từng vụ việc cụ thể; việc đưa ra định lượng cụ thể thế nào là “thời gian quá ngắn” sẽ không đảm bảo tính khái quát của án lệ, làm giới hạn việc áp dụng án lệ trong thực tiễn. Việc xây dựng tình huống án lệ như trên cũng là để phù hợp với định hướng sửa đổi khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC theo hướng quy định “…vụ án có các tình tiết, sự kiện pháp lý cơ bản có ảnh hưởng đến đường lối giải quyết của vụ án giống nhau thì giải quyết như nhau”, được đa số các đại biểu tại Hội thảo đồng thuận. Do vậy, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học xin được giữ nguyên đề xuất như đã nêu tại dự thảo án lệ.

Về tình huống án lệ 2:

Tình huống pháp lý 2 là: Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của Tòa án cấp phúc thẩm là có căn cứ, nhưng sau đó bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật theo quyết định này bị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, cần thiết phải xét xử lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Pháp luật không có quy định việc hủy quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn trong trường hợp này.

Giải pháp pháp lý 2 là: Trường hợp này, Tòa án phải hủy quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Về các ý kiến góp ý: Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do vụ việc này sẽ dẫn đến cách hiểu bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực theo quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn. Luật không có quy định về việc án sơ thẩm có hiệu lực theo quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn. Về mặt nguyên lý thì khi hủy bản án sơ thẩm không nhất thiết phải hủy quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn (PGS.TS. Đỗ Văn Đại).

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thấy rằng vấn đề pháp lý có ý nghĩa quan trọng được nêu trong quyết định giám đốc thẩm này là:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (tương ứng với Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) thì bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị khi có một trong ba căn cứ được nêu tại điều luật này. Tuy nhiên, đối với vụ việc cụ thể này, mặc dù không có các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn, nhưng việc kháng nghị quyết định này là cần thiết, từ đó mới có cơ sở xem xét lại bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật nhưng vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Thứ hai, pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định rõ trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét kháng cáo quá hạn thì hiệu lực của bản án sơ thẩm được xác định như thế nào.

Vấn đề pháp lý được nêu tại quyết định giám đốc thẩm này có ý nghĩa bổ khuyết cho những thiếu sót, hạn chế của pháp luật tố tụng; nhất là trong chế định về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học xin được giữ nguyên đề xuất như đã nêu tại dự thảo án lệ.

13.Về Quyết định giám đốc thẩm số 02/2013/KDTM-GĐT ngày 08-01-2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” (Dự thảo án lệ số 13)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Trường hợp người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết bảo lãnh thông qua thế chấp tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay (bên được bảo lãnh) mà đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ cho bên cho vay (bên nhận bảo lãnh).

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bên nhận bảo lãnh chỉ được xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ sau khi bên bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ.

Các bản án, quyết định về Dân sự

 14.Về Bản án dân sự phúc thẩm số 313/2016/DS-PT ngày 16-3-2016 của TAND TP HCM về vụ án “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” (Dự thảo án lệ số 14)

Trong bản án này, tình huống pháp lý là: Người mua bảo hiểm không có mục đích che giấu, gian dối thông tin về tình trạng bệnh lý của mình khi ký hợp đồng bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm, quy tắc bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm có yêu cầu không rõ ràng về việc kê khai tình trạng bệnh lý của người được bảo hiểm mà thông tin đó không phải là căn cứ quyết định việc xác lập hợp đồng bảo hiểm.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người được bảo hiểm.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do ngoài vấn đề pháp lý được lựa chọn phát triển thành án lệ, trong vụ việc này còn có vấn đề pháp lý khác nêu tại đoạn 16 phần “Nhận định của Tòa án” nếu được công nhận là đường lối xét xử chính thức sẽ dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm vừa được nhận tiền vừa khởi kiện tại Tòa án, ảnh hưởng xấu đến hoạt động bảo hiểm và hoạt động tái bảo hiểm (LS. Nguyễn Mạnh Dũng).

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thấy rằng pháp luật hiện hành không có quy định trường hợp người thụ hưởng xác nhận doanh nghiệp bảo hiểm đã thanh toán đầy đủ và không còn trách nhiệm gì đối với việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm thì họ không được quyền khởi kiện tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm tại Tòa án. Vấn đề pháp lý được nêu tại đoạn 16 không phải là vấn đề pháp lý được lựa chọn phát triển thành án lệ nên không ảnh hưởng đến ý nghĩa án lệ được lựa chọn.

15.Về Bản án dân sự phúc thẩm số 1308/2012/DSPT ngày 23-10-2012 của TAND TP HCM về vụ án “Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm” (Dự thảo án lệ số 15)

Trong bản án này, tình huống pháp lý là: Bên mua bảo hiểm nhân thọ đồng thời là người được bảo hiểm biết mình bị nghiện chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá,…) nhưng khi khai trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm liên quan đến đối tượng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm chỉ khai thỉnh thoảng có sử dụng chất kích thích.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vô hiệu do bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.

16.Về Bản án dân sự phúc thẩm số 538/2009/DS-PT ngày 31-3-2009 của TAND TPHCM về vụ án “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” (Dự thảo án lệ số 16)

Trong bản án này, tình huống pháp lý là: Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ thể hiện địa chỉ thu phí bảo hiểm là tại nhà của bên mua bảo hiểm. Đến thời hạn đóng phí bảo hiểm và trong thời gian gia hạn đóng phí, nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm không đến thu phí của người mua bảo hiểm.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định hợp đồng bảo hiểm không bị mất hiệu lực vì lý do bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm trong thời hạn theo thỏa thuận.

17.Về Bản án dân sự phúc thẩm số 1477/2015/DS-PT ngày 02-12-2015 của TAND TP HCM về vụ án “Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm” (Dự thảo án lệ số 17)

Trong bản án này, tình huống pháp lý là:

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ quy định ngay sau khi kết thúc thời gian gia hạn đóng phí, nếu bên mua bảo hiểm vẫn không thanh toán phí bảo hiểm thì hợp đồng sẽ mất hiệu lực kể từ ngày bắt đầu gia hạn đóng phí; bên mua bảo hiểm có thể yêu cầu khôi phục hiệu lực của hợp đồng nếu nộp hồ sơ yêu cầu khôi phục hiệu lực của hợp đồng trong một thời hạn nhất định và được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận bằng văn bản.

Trong thời gian gia hạn đóng phí, bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm. Trong thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu khôi phục hiệu lực của hợp đồng, sau khi bên mua bảo hiểm chết, người thân thích của bên mua bảo hiểm nộp phí bảo hiểm, đơn yêu cầu khôi phục hiệu lực của hợp đồng nhưng doanh nghiệp bảo hiểm chưa có văn bản chấp thuận khôi phục hiệu lực của hợp đồng.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định hợp đồng không được khôi phục hiệu lực và doanh nghiệp không phải chi trả quyền lợi bảo hiểm.

18.Về Quyết định giám đốc thẩm số 27/2015/DS-GĐT ngày 16-10-2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” (Dự thảo án lệ số 18)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước; người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia nhà, đất, việc phân chia đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai, thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào; sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định nhà, đất đó không còn là di sản thừa kế mà đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân và giải quyết bác yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do nếu nhìn từ góc độ luật sư bào chữa thì vấn đề pháp lý mà các luật sư có thể tham khảo được rất mờ nhạt, tính pháp lý và tính quy chuẩn còn khá yếu (Chuyên gia JICA); vụ việc này đơn thuần là vấn đề đánh giá chứng cứ, pháp luật đã có quy định rõ (TANDCC tại TP HCM).

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thấy rằng tình huống của vụ việc nêu trên tương đối phổ biến trong thực tế. Theo quy định của pháp luật thì di sản do người chết để lại được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế, tuy nhiên thực tế nhiều trường hợp các thừa kế đã tự thống nhất phân chia và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai. Do vậy, đối với các trường hợp này, nếu việc thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào thì cần công nhận di sản thừa kế đó đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các các nhân để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Đường lối giải quyết như trên cũng phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam.

19.Về Quyết định giám đốc thẩm số 79/2012/DS-GĐT ngày 23-02-2012 của Tòa Dân sự TANDTC về vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” (Dự thảo án lệ số 19)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Hợp đồng đặt cọc để bảo đảm giao kết hợp đồng mua bán nhà có thỏa thuận trong một thời hạn nhất định bên nhận đặt cọc phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sau đó sẽ ký kết hợp đồng mua bán, nếu vi phạm thời hạn đã thỏa thuận thì bên nhận đặt cọc phải chịu phạt cọc; hết thời hạn nêu trên, bên nhận đặt cọc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà do nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định việc bên nhận đặt cọc không thể thực hiện đúng cam kết là do khách quan và bên nhận đặt cọc không phải chịu phạt cọc.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do đường lối giải quyết trong vụ án này thực hiện theo Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP nhưng Nghị quyết này hướng dẫn BLDS năm 1995 nên vấn đề đặt ra là Nghị quyết này còn có hiệu lực hay không? Ngoài ra, việc sử dụng thuật ngữ pháp lý “lỗi chủ quan”, “lỗi khách quan” trong quyết định giám đốc thẩm này là không chuẩn xác (PGS.TS. Đỗ Văn Đại). Có ý kiến cho rằng: BLDS năm 2015 đã quy định rất rõ về chế định đặt cọc. Trong vụ việc này có nhiều tình tiết chưa được làm rõ (các bên thỏa thuận như thế nào, nếu có thỏa thuận khác và lỗi không phải do chủ quan mà do yếu tố khách quan thì việc chi trả đặt cọc như thế nào?) (Chuyên gia JICA).

Về loại việc này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học có tiếp nhận đề xuất của PGS.TS. Đỗ Văn Đại đối với Bản án phúc thẩm số 103/2010/DS-PT ngày 10-6-2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Ngọc Diễm với bị đơn là ông Nguyễn Văn Bạc. Sau khi nghiên cứu, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nhận thấy hai vụ việc trên đều có vấn đề pháp lý và giải pháp pháp lý tương tự nhau; vụ việc do PGS.TS. Đỗ Văn Đại đề xuất là bản án phúc thẩm, chưa khẳng định được có bị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hay không. Do vậy, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học xin được để lại để tiếp tục nghiên cứu.

20.Về Quyết định giám đốc thẩm số 191/2012/DS-GĐT ngày 23-4-2012 của Toà Dân sự TANDTC về vụ án “Kiện đòi tài sản” (Dự thảo án lệ số 20)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được công chứng nhưng trong hợp đồng không thể hiện việc mua bán nhà và các tài sản gắn liền với đất không thể di dời được mà bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng không thoả thuận được về việc giải quyết các tài sản gắn liền với đất.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu do nhầm lẫn.

Đa số ý kiến nhất trí phát triển thành án lệ, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phát triển án lệ với lý do trường hợp này, hợp đồng vô hiệu do đối tượng không thể thực hiện được chứ không phải do nhầm lẫn (PGS.TS. Đỗ Văn Đại). Có ý kiến cho rằng: vụ việc này đơn thuần là vấn đề đánh giá chứng cứ, pháp luật đã có quy định rõ (TANDCC TP HCM).

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thấy rằng trường hợp này Hội đồng xét xử xác định hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn là đúng quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015), không phải là trường hợp hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được (quy định tại Điều 411 Bộ luật Dân sự năm 2005, tương ứng với Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015). Do vậy, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học xin được giữ nguyên đề xuất như đã nêu tại dự thảo án lệ.

Về loại việc này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học có tiếp nhận đề xuất của PGS.TS. Đỗ Văn Đại đối với Bản án phúc thẩm số 05/2017/DS-PT ngày 05-01-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thanh với bị đơn là bà Nguyễn Thị Thu Thủy. Sau khi nghiên cứu, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nhận thấy hai vụ việc trên đều có vấn đề pháp lý và giải pháp pháp lý tương tự nhau; vụ việc do PGS.TS. Đỗ Văn Đại đề xuất là bản án phúc thẩm, chưa khẳng định được có bị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hay không. Do vậy, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học xin được để lại để tiếp tục nghiên cứu.

21.Về Quyết định Giám đốc thẩm số 02/2012/DS-GĐT ngày 12-01-2012 của Tòa Dân sự TANDTC về vụ án “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” (Dự thảo án lệ số 21)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Trong vụ án ly hôn, vợ chồng cùng góp vốn để thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn do một người là giám đốc, một người là thành viên của Công ty. Công ty đang hoạt động bình thường; một người không muốn là thành viên của Công ty mà giao toàn bộ Công ty cho người kia quản lý, điều hành và yêu cầu Tòa án chia tài sản của mình trong Công ty.

Giải pháp pháp lý là: Trong trường hợp này, Tòa án phải xác định người vợ (chồng) đang quản lý, điều hành Công ty phải thanh toán cho người kia giá trị tài sản của người đó trong Công ty mà không được dùng tài sản của Công ty để chia.

22.Quyết định giám đốc thẩm số 06/2017/DS-GĐT ngày 27-3-2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản và chia tài sản chung” (Dự thảo án lệ số 22)

Trong quyết định giám đốc thẩm này, tình huống pháp lý là: Yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản khi người để lại di sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế và căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 để xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế.

23.Bản án phúc thẩm số 1258/2014/DS-PT ngày 22-9-2014 của TAND TP HCM về “Yêu cầu tuyên bố giao dịch mua bán nhà vô hiệu” (Dự thảo án lệ số 23)

Trong vụ án này, tình huống pháp lý là: Giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và sử dụng nhà đất đó thế chấp cho người thứ ba theo đúng quy định của pháp luật.

Giải pháp pháp lý là: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bên nhận thế chấp ngay tình và giao dịch giữa bên thế chấp với bên nhận thế chấp không bị vô hiệu.

Lựa chọn 18 án lệ

Các đại biểu tham dự phiên họp đã thảo luận sôi nổi, phân tích, đánh giá từng sự thảo án lệ được đề xuất. Trên cơ sở thảo luận, trao đổi, Hội đồng tư vấn đã nhất trí lựa chọn 18 dự thảo án lệ ( gồm các dự thảo án lệ số 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10, 12 , 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 21, 22) để trình Hội đồng Thẩm phán TANDYC xem xét, công nhận là án lệ.

Kết luận phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ lưu ý Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học lần sau nên mời thêm cả ba vụ Giám đốc kiểm tra của TANDTC và các Tòa án có nhiều đề xuất án lệ tham dự. Theo báo cáo kỳ này, Vụ Giám đốc kiểm tra III đề xuất 1 quyết định giám đốc thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh  đề xuất 12 bản án, Lạng Sơn 3 bản án, Hà Nội và Đà Nẵng  đều đề xuất 2 bản án, các Tòa án Vĩnh Long, Bắc Kạn, Bình Dương đều đề xuất 1 bản án.

Chánh án cũng nhắc nhở cần chọn tiếp những bản án, quyết định của Tòa án về tội phạm xâm hại trẻ em; liên quan đến giám định tư pháp; tội phạm công nghệ cao; liên quan đến vai trò Công đoàn trong các bản án Lao động;  liên quan đến Bảo hiểm… đề đề xuất làm án lệ vì những loại án này khá phức tạp.

Chánh án cũng đề nghị sau khi những đề xuất này được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua, các thành viên Hội đồng tư vấn tiếp tục quan tâm, viết bài bình luận để những bản án lệ sau khi được xuất bản trở thành công cụ hữu hiệu đối với các Tòa án.

THÁI VŨ - HÙNG LAN