Hội thảo “Công tác phát triển án lệ”

Ngày 27/4 tại Vĩnh Phúc, TANDTC đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Công tác phát triển án lệ”. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội thảo.

Hội thảo thu hút hơn 130 đại biểu gồm các thành viên Hội đồng thẩm phán TANDTC, các chuyên gia, nhà khoa học, Thẩm phán, đại diện cơ quan, bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế và đại diện của các cơ quan báo chí.

Tại Hội thảo, TANDTC tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện công tác phát triển án lệ 2016-2021; đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; đưa ra định hướng phát triển án lệ giai đoạn 2021-2030; vinh danh và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển án lệ trong thời gian qua.

Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ chính sách công Trường chính sách công và quản lý Fullbright có tham luận “Xây dựng án lệ trong thời đại chuyển đổi số”; TS. LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận “Phát triển và áp dụng án lệ tại Việt Nam nhìn từ góc độ của luật sư - Một số đề xuất, kiến nghị”; PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Khoa Luật Dân sự Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Quy trình phát triển án lệ tại Việt Nam - Một số vướng mắc và giải pháp khắc phục”; Ths Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp trình bày tham luận “Một số đánh giá về thành công trong phát triển án lệ tại Việt Nam giai đoạn 2016-2021 và một số khuyến nghị định hướng cho giai đoạn 2021 – 2030”; Thẩm phán Kim Tae Joon, giám đốc Dự án Koica Hàn Quốc về Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Việt Nam trình bày tham luận “Phát triển án lệ tại Hàn Quốc - Một số kinh nghiệm cho Việt Nam Nam”...

 

Thẩm phán Kim Tae Joon trình bày tham luận - Ảnh: Nguyên Anh

Trong phần thảo luận, đại diện Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, Trung tướng, PGS. TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW; TS Bùi Ngọc Hòa, nguyên Phó Chánh án TANDTC... đã phát biểu nhiều ý kiến sâu, rộng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Theo báo cáo trình bày tại Hội thảo, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, trong những năm vừa qua, TANDTC đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Kể từ khi ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ đến nay, TANDTC đã công bố được 43 án lệ, trong đó có 7 án lệ về hình sự, 23 án lệ về dân sự, 8 án lệ về kinh doanh, thương mại, 1 án lệ về lao động, 2 án lệ về tố tụng dân sự, 2 án lệ về tố tụng hành chính.

 

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Nguyên Anh

Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ cũng được nghiên cứu, đổi mới, thể hiện qua việc Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, trong đó bổ sung quy trình thông qua án lệ theo thủ tục rút gọn, đơn giản hóa quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định là nguồn án lệ, nhằm hướng tới mục tiêu ban hành được nhiều án lệ có chất lượng hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử.

Ngay sau khi các án lệ được công bố, các Tòa án đã chủ động nghiên cứu để áp dụng khi giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự nhau phải được giải quyết như nhau; qua đó bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tại các Tòa án. Theo số liệu thống kê đến ngày 12/4/2021, đã có 1.021 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.

Có được thành tựu trong công tác phát triển án lệ nêu trên phải kể đến tinh thần trách nhiệm của các Tòa án, các đơn vị thuộc TANDTC trong hoạt động rà soát, đề xuất bản án, quyết định là nguồn để phát triển án lệ; sự nhiệt tình, tâm huyết của các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn quan tâm đến công tác phát triển án lệ; sự nỗ lực, cố gắng của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học với tư cách là đơn vị thường trực tham mưu, giúp Chánh án, Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong công tác rà soát, lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

BẢO THƯ