Ông Tất Thành Cang lĩnh thêm 6 năm tù

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, sáng 19/10/2022, TAND TP HCM đã tuyên án bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM) và 9 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bị cáo Tất Thành Cang

Cụ thể, bị cáo Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) 13 năm tù. Tổng hợp hình phạt trong vụ sai phạm Sadeco, buộc bị cáo chấp hành chung của hai bản án là 26 năm.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Tân Thuận) 8 năm tù. Tổng hợp hình phạt trong vụ sai phạm Sadeco, buộc bị cáo chấp hành chung hai bản án là 11 năm tù.

Bị cáo Trần Tấn Hải (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) 5 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Bích (cựu kế toán trưởng) 4 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hoàng Việt (cựu kiểm soát viên) 3 năm tù. Bị cáo Nguyễn Xuân Tùng (cựu Trưởng phòng kinh doanh tổng hợp) 4 năm tù.

4 bị cáo thuộc Thành ủy, Văn phòng Thành ủy TP HCM, HĐXX tuyên phạt: Bị cáo Tất Thành Cang 6 năm tù. Tổng hợp hình phạt trong vụ sai phạm Sadeco, buộc bị cáo chấp hành chung hai bản án là 14 năm 6 tháng tù. Bị cáo Phạm Văn Thông, cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM 11 năm tù. Tổng hợp hình phạt trong vụ sai phạm Sadeco, buộc bị cáo chấp hành chung hai bản án 17 năm tù. Bị cáo Phan Thanh Tân, cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM 3 năm tù. Bị cáo Huỳnh Phước Long, cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy TP HCM 9 năm tù. Tổng hợp hình phạt trong vụ sai phạm Sadeco, buộc bị cáo chấp hành chung hai bản án 21 năm tù.

Đối với dự án Khu dân cư Phước Kiển, do đã huỷ hợp đồng chuyển nhượng, thiệt hại đã khắc phục toàn bộ. Đối với số tiền lãi 16,9 tỉ đồng mà Công ty Quốc Cường Gia Lai nộp tại Cơ quan điều tra, Công ty Quốc Cường Gia Lai phải trả lại cho Công ty Tân Thuận. Buộc, các bị cáo gây ra nên các cáo phải bồi thường 16,9 tỉ đồng theo tỉ lệ phần trăm, gồm: bị cáo Thiện 50%, Cang 10%, Thông 10%, Hải, Bích, Việt, Tùng, Long cùng 6%.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Văn phòng Thành ủy làm chủ sở hữu. Dự án Ven Sông và dự án Phước Kiển là hai dự án mà Công ty Tân Thuận là chủ sở hữu. Việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, đưa ra đấu giá và các quy định pháp luật.

Tuy nhiên, các cá nhân tại Công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy và Thành ủy đã đề xuất, quyết định và thực hiện quy trình chuyển nhượng tại dự án Khu dân cư Phước Kiển và dự án Khu dân cư Ven Sông không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản của Nhà nước là vốn của Thành uỷ TP HCM tại Công ty Tân Thuận tổng số tiền hơn 735 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Công Thiện bị cáo buộc chỉ đạo và trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị thẩm định giá. Sau đó, cùng với bị cáo Nguyễn Văn Minh là Chủ tịch HĐTV đã họp và thống nhất thông qua đề xuất chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2.

Các bị cáo tại phiên toà

Bị cáo Phạm Văn Thông bị cáo buộc chịu trách nhiệm trực tiếp trong thẩm định các tờ trình do nhóm đại diện quản lý vốn tại doanh nghiệp có vốn của Thành uỷ để trình lãnh đạo Thành uỷ phê duyệt. Bị cáo Thông đã có bút phê trình bị cáo Tất Thành Cang xem xét, thuận chủ trương cho chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư ven sông Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,2 đồng/m2 theo Tờ trình của HĐTV Công ty Tân Thuận khi hội đồng chưa đủ số lượng thành viên theo quy định.

Bị cáo Huỳnh Phước Long ký tờ trình và trực tiếp trình Văn phòng Thành ủy thuận chủ trương chuyển nhượng các dự án Phước Kiển, dự án Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Từ tờ trình của bị cáo, các bị cáo khác tại Văn phòng Thành ủy, Thành ủy TP HCM đã thống nhất chủ trương, cho phép các cá nhân tại Công ty Tân Thuận hoàn tất quá trình chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại hai dự án trên trái quy định của pháp luật.

Bị cáo Tất Thành Cang buộc phải biết rõ các quy định của Nhà nước đối với chuyển nhượng phần đất đã đền bù, công trình đã đầu tư nhưng vẫn bút phê “Đồng ý” vào tờ trình xin chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù, công trình đã đầu tư tại dự án Khu dân cư Phước Kiển mà không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy quyết định, vi phạm quy định của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn tài sản tại doanh nghiệp.

Bị cáo Phan Thanh Tân quyết định cho Công ty Tân Thuận chủ trương “thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án để thay đổi chủ đầu tư dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong” Phan Thanh Tân đã không xin ý kiến Phó Bí thư Thường trực phụ trách để báo cáo xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy mà tự ý cho chủ trương chuyển nhượng dự án.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh biết HĐTV Công ty Tân Thuận không đủ thành viên theo quy định nhưng vẫn triệu tập họp HĐTV, ban hành nghị quyết và ký tờ trình để xin ủy xin chủ trương cho chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Bị cáo đã không kiểm tra quy trình xây dựng giá chuyển nhượng không đúng nguyên tắc và quy trình xây dựng giá không đúng quy định của pháp luật, dẫn đến việc thống nhất chủ trương và ký văn bản xin ý kiển chủ sở hữu với giá chuyển nhượng không qua đấu giá, không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch gây thất thoát cho tài sản Công ty Tân Thuận.

Các bị cáo: Trần Tấn Hải, Nguyễn Thị Ngọc Bích và Nguyễn Xuân Tùng đã tham dự các cuộc họp xây dựng giá theo triệu tập của bị cáo Trần Công Thiện, là Chủ tịch Hội đồng xây dựng giá và quyết định xây dựng giá chuyển nhượng tại dự án Phước Kiển, dự án Ven Sông không đúng nguyên tắc và quy trình xây dựng giá; sử dụng sai chứng thư thẩm định giá, vi phạm quy định tại Điều 5, Điều 7 Quy chế xây dựng giá bất động sản kinh doanh Công ty Tân Thuận; Khoản 2, Điều 32 Luật giá năm 2012.

Từ nhận định trên, Kiểm sát viên VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX: Tuyên bố bị cáo Trần Công Thiện từ 15 - 17 năm tù, bị cáo Phạm Văn Thông từ 13 - 15 năm tù, bị cáo Huỳnh Phước Long từ 11 - 13 năm tù; Bị cáo Nguyễn Văn Minh từ 9 - 11 năm tù, các bị cáo Trần Tấn Hải, Nguyễn Thị Ngọc Bích và Nguyễn Xuân Tùng từ 6 - 8 năm tù; Bị cáo Tất Thành Cang từ 8 - 10 năm tù, bị cáo Phan Thanh Tân và bị cáo Nguyễn Hoàng Việt từ 4 - 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, căn cứ kết quả định giá tại thời điểm khởi tố vụ án tháng 12/2019 trị giá khu đất hơn 522 tỉ đồng, số tiền thất thoát thực tế hơn 283 tỉ đồng. Do phần diện tích đất này đã được Công ty Quốc Cường Gia Lai đầu tư xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng, việc thu hồi dự án sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và làm mất an ninh trật tự khu vực nên không thu hồi mà cần buộc các bị cáo Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân, Huỳnh Phước Long, Trần Công Thiện, Nguyễn Văn Minh, Trần Tấn Hải, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Ngọc Bích và Nguyễn Hoàng Việt phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền hơn 283 tỉ đồng cho Nhà nước, tương ứng với trách nhiệm hình sự của mỗi bị can đối với hành vi chuyển nhượng tại dự án này.

GIA ÂN