Nghị định 91/2019/NĐ-CP nâng mức xử phạt về hành vi vi phạm hành chính trong đất đai

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được Chính phủ ban hành ngày 19/11/2019 và có hiệu lực kể từ ngày 05/01/2020. Nghị định gồm 48 điều, tăng 6 điều so với Nghị định 102/2014.

Nghị định 91/2019/NĐ-CP đã nâng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm, đồng thời bổ sung thêm một số hành vi vi phạm pháp luật đất đai sẽ bị xử phạt cũng như bổ sung thêm các biện pháp khắc phục hậu quả.

Chuyển mục đích sử dụng đất không được phép của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mức phạt cao.

Nghị định bổ sung quy định tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt cao mức tối đa lên đến 120 triệu đồng. Đối với khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng hai (02) lần mức phạt quy định như vậy mức xử phạt tối đa khu vực thành thị đến 240 triệu đồng.

Cụ thể, theo Điều 9 bổ sung khoản 3 và 4 quy định chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta, mức phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

Về việc chuyển mục đích sử dụng đất không không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

Quy định về mức phạt tăng đến 10 triệu không đăng ký đất đai lần đầu và đăng ký biến động.

Điều 17 Nghị định quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.

Theo khoản 2 Điều 17, mức xử phạt đối với hành vi chậm đăng ký biến động đất đai được quy định dựa trên thời gian chậm đăng ký biến động. Cụ thể, đối với khu vực nông thôn, nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đăng ký biến động mà không thực hiện đăng ký biến động thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, nếu quá thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn đăng ký biến động mà không thực hiện đăng ký biến động thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; đối với khu vực thành thị, mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt ở khu vực nông thôn.

Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người đang sử dụng đất trong các trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định. Với quy định tăng mức phạt khi không đăng ký đất đai là một yêu cầu đối với việc xử phạt nghiêm các hành vi không đăng ký đất đai lần đầu và đăng ký biến động để thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo Luật Đất đai.

Tăng mức phạt và bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi lấn chiếm đất tại khu vực nông thôn, khu vực thành thị

Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt từ 2 triệu đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt đến 120.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

Hành vi lấn chiếm đất là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Đất Đai 2013, việc quy định bổ sung và nâng mức phạt để nhằm tăng tính răn đe đối với việc lấn chiếm đất.Đối với khu vực thành thị hành vi lấn chiếm đất mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Tăng mức phạt đối với việc mua bán đất không có sổ đỏ, đất đang tranh chấp, quyền sử dụng đất đang bị kê biên.

Trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện nêu tại điều 188 Luật Đất Đai thì hình thức và mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khu vực nông thôn, từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khu vực đồ thị trong trường hợp không đủ một trong các điều kiện.

Mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khu vực nông thôn, từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khu vực đô thị trong trường hợp không đủ từ hai điều kiện trở lên quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật đất đai.

Quy định bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: buộc bên nhận chuyển quyền sử dụng đất, bên thuê đất phải trả lại đất cho người sử dụng đất trước khi nhận chuyển quyền, thuê đất; trừ trường hợp có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 82 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại khoản 54 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP. Buộc bên chuyển nhượng, bên cho thuê, cho thuê lại đất, bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê đất không đủ điều kiện trong thời gian vi phạm; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 7 của Nghị định này;

Nhà nước Thu hồi đất đối với trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nhưng đã hết hạn sử dụng đất mà không được gia hạn theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai.

Bổ sung điều khoản quy định cụ thể về biện pháp khắc phục hậu quả

Nghị định 102/2014/NĐ-CP không có điều khoản riêng quy định về biện pháp khắc phục hậu quả mà chỉ lồng ghép trong các điều luật khác và chủ yếu là ba biện pháp: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; buộc trả lại diện tích đất đã nhận.

Nghị định 91/2019/NĐ-CP bổ sung thêm nhiều biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 3 Điều 5, theo đó có 17 biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại; thu hồi đất…

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về đất đai với mức xử phạt tăng cùng các biện pháp khắc phục hậu quả mới sẽ đảm bảo thực hiện tốt các quy định của pháp luật đất đai.

Ảnh minh họa của Thái Vũ

Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO ( Công ty luật TNHH Đức An)