Phạt đến 1 tỉ đồng các trường hợp vi phạm quản lý biển đảo, tiền tệ, ngân hàng…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Trong đó mức xử phạt tăng cao nhất đến 1 tỉ đồng.

Luật đã sửa đổi, bổ sung 66/142 điều, trong đó có 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện. Do đó, có rất nhiều điểm mới trong xử lý vi phạm hành chính.

Nguyên tắc xử lý

Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính với nội dung: Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định; Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị phạt một lần; Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm đó; Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định áp dụng tình tiết tăng nặng.

Quy định chỉ xử phạt một lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” khi có quy định cụ thể của Chính phủ về áp dụng tình tiết tăng nặng đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần đang là vấn đề đáng quan tâm vì liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó đáng lưu ý nhất là các trường hợp liên quan đến ma túy.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại phiên Họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước - Ảnh: Thái Vũ

 

Những quy định này khắc phục vướng mắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định hành vi "vi phạm hành chính nhiều lần" thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, vừa quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, do các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nào thì bị xử phạt về từng lần vi phạm, trường hợp nào thì bị xử phạt một lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” nên gây khó khăn trong áp dụng pháp luật.

Thẩm quyền

Điều 4 của Luật sửa đổi đã bổ sung về thẩm quyền đã quy định, căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện;  hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính…

Trong đó Luật bổ sung khoản 6: Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Tòa án nhân dân có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cơ quan thi hành quyết định xử phạt, thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin về kết quả xử lý vi phạm hành chính.

Luật đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm ngư; Kiểm toán nhà nước; chỉnh lý quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia…

Luật bổ sung thêm 8 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Tăng mức phạt tiền

Luật quy định căn cứ vào hành vi, khung hình phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của mỗi địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương có quyền quyết định khung tiền phạt hoặc mức phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa theo quy định tương ứng trong Luật.

Luật bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như tín ngưỡng; đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; in; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng. Sửa đổi tên của một số lĩnh vực như lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng thành trồng trọt; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi thành chăn nuôi…

Cụ thế, mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như Hành chính tư pháp, Tín ngưỡng, Đối ngoại, Hôn nhân gia đình, Bình đẳng giới: 30 triệu đồng.

Phạt đến 40 triệu đồng các vi phạm về: Cản trở hoạt động tố tụng, An ninh trật tự, Thi hành án dân sự…

Phạt đến 50 triệu đồng các vi phạm về: Cứu nạn, cứu hộ; Phòng cháy chữa cháy; Kiểm toán, Văn hóa...

Phạt đến 75 triệu đồng các vi phạm về: Cơ yếu; Quản lý và bảo vệ biên giới; Bảo hiểm; Giao thông...

Phạt đến 100 triệu đồng các vi phạm về Đê điều; Khám chữa bệnh;  An ninh mangh; Vật liệu nổ...

Phạt đến 150 triệu đồng các vi phạm về: Quản lý giá; Phát triển nhà; Đấu thầu...

Phạt đến 200 triệu các vi phạm về: Sản xuất, buôn bán hàng cấm; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Phạt đến 250 triệu đồng các vi phạm về : Điều tra, quy hoạch; Đê điều; Sở hữu trí tuệ; Báo chí... .

Đặc biệt phạt đến 1 tỉ đồng các trường hợp vi phạm: Quản lý biển đảo, thềm lục địa; Tiền tệ, kim loại quý, ngân hàng, tín dụng; Bảo vệ môi trường, thủy sản…

Thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

So với Luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thủ tục xử phạt để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật thời gian qua.

Cụ thể, Luật đã quy định về lập biên bản vi phạm hành chính theo hướng quy định nguyên tắc “phải kịp thời lập biên bản” và giao Chính phủ quy định chi tiết; tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính từ 24g lên 48g; sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục giải trình; mở rộng lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính…

Luật quy định về hoãn tiền phạt đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên và đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thay vì chỉ áp dụng hoãn tiền phạt đối với cá nhân ở Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Luật cũng sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo xu hướng giảm số tiền được hoãn phạt từ 3.000.000 trở lên ở Luật hiện hành xuống còn 2.000.000 đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo.

Luật đã sửa đổi, bổ sung về đối tượng, điều kiện, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính; bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 6 tháng nhằm giảm bớt thủ tục và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo; bổ sung biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính…

Luật sửa đổi đã bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người trong khi Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chỉ quy định 1 trường hợp. Trong đó, quy định trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”; trường hợp “tạm giữ người để bảo đảm thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Bên cạnh đó, trường hợp “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy” cũng được bổ sung nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy thời gian qua, bảo đảm tính khả thi của quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn của liên ngành y tế, lao động, thương binh và xã hội, công an đang được áp dụng.

Thời hạn, thời hiệu

Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ 7 ngày đến tối đa là 2 tháng tùy từng trường hợp. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức liên quan nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

THÁI VŨ