Sáu trường hợp bị xóa nơi đăng ký thường trú

Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố những đạo luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, trong đó có Luật Cư trú.

Thay mặt Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Phạm Thanh Hà đã công bố các Quyết định của Chủ tịch nước, công bố Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Cư trú; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi các phóng viên đặt ra đã được đại diện các cơ quan soạn thảo giải đáp, sau khi nghe giới thiệu những điểm mới của của từng đạo luật.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử sẽ lần lượt giới thiệu các điểm mới đáng quan tâm của từng đạo luật vừa được công bố. Trước hết xin giới thiệu về Luật Cư trú.

Luật Cư trú có hiệu lực từ 1/7/2012

Về Luật Cư trú năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, một trong những điểm mới quan trọng của Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sang quản lý điện tử bằng việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Luật bãi bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp đổi, cấp lại, cấp giấy chuyển sổ hộ khẩu. Khi luật có hiệu lực, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày sẽ giảm xuống tối đa là 7 ngày.

Luật đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương,  nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, kể từ ngày này sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.

Về nơi cư trú

Luật có 9 điều quy định về nơi cư trú, quy định cụ thể về nơi cư trú của người sinh sống, làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển; theo đó nơi cư trú của những người này là nơi đăng ký phương tiện đó. Đối với phương tiện không cần đăng ký thì căn cứ vào nơi phương tiện đó thường xuyên neo đậu.

Nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, nhà tu hành, chức sắc tôn giáo, người sinh sống trong các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, trừ trường hợp đã có nơi cư trí khác.

Nơi cư trú của trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được nhận nuôi dưỡng tại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Nơi cư trú của người được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là nơi cư trú của người nhận chăm sóc nuôi dưỡng.

Nơi cư trú của người không có cả nơi cư trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký là nơi ở hiện tại của người đó,

Các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng

Luật quy định 6 trường hợp bị xoá đăng ký thường trú bao gồm: Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; Người đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 24 (điểm e khoản 1 Điều 24); Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 24 (điểm g khoản 1 Điều 24); Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó (điểm g khoản 1 Điều 24); Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật cũng bổ sung quy định về các địa điểm không được đăng ký thường trú mới. Đây là những nơi không an toàn, không thể ở lâu dài hoặc nếu cho phép đăng ký thường trú mới ở đó sẽ phát sinh thêm phức tạp về an ninh, trật tự, quy hoạch tại địa phương.

 

THÁI VŨ