Bị can Trần Bắc Hà đã tử vong trong thời gian tạm giam

Ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV, đã tử vong trong trại tạm giam, do bệnh lý, sau hơn 7 tháng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Hành trình thăng tiến

Theo nguồn tin, ông Trần Bắc Hà đang bị tạm giam ở Trại giam T771 thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (Ba Vì, Hà Nội) và lên cơn cao huyết áp. Hồi 6g 30 sáng 18/7 ông Hà được đưa vào Viện 105 (Sơn Tây), nhưng đã chết trước khi vào đến bệnh viện.

Ông Trần Bắc Hà được dư luận biết đến là một trong những chủ tịch ngân hàng có quyền lực và sức ảnh hưởng bậc nhất giới tài chính trong vòng một thập kỷ qua và còn tỏ ra có quyền lực ngoài lĩnh vực tài chính ngân hàng, với cách hành xử nhiều khi bất thường, gây ấn tượng xấu.

Ông Trần Bắc Hà, sinh năm 1956 tại Hà Tây, nguyên quán huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Bắt đầu vào làm việc ở BIDV năm 1981. Sau 10 năm công tác, tháng 7/1991 ông Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi. Tháng 10/1999, là Phó Tổng giám đốc BIDV.

Sau hơn 20 năm, ông Hà giữ chức vụ Tổng Giám đốc BIDV (2003-2007), Chủ tịch Hội đồng quản trị (2008-2016). Năm 2016, ông Hà nghỉ hưu.

Ngoài lĩnh vực ngân hàng, Trần Bắc Hà từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị các công ty: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDDC), Công ty Đầu tư và Phát triển Myanmar (MIDC), Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư phát triển quốc tế (IIDC), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Sau khi nghỉ hưu, ông Trần Bắc Hà còn thành lập Công ty Sy Bun Huong (tên theo tiếng Lào) tại bản Kè, huyện Pakse, tỉnh Champasak, Lào. Tính đến tháng 6 năm 2018, tổng giá trị tài sản của gia đình Trần Bắc Hà tại Lào là gần 15.000 tỉ đồng.

Ở Bình Định, ông và vợ là bà Ngô Kim Lan có Resort 4 sao tên Hoàng Gia Quy Nhơn. Resort này được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chuyển nhượng cho Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn do bà Ngô Kim Lan đại diện pháp luật vào trước năm 2010 với giá 135 tỉ đồng. Đến cuối năm 2017, bà Ngô Kim Lan chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của mình tại công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn cho em ruột là bà Ngô Thị Kim Oanh, sống tại TP.HCM.

Dư luận cho rằng gia đình ông Hà còn có rất nhiều dự án có tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Con gái ông Trần Bắc Hà là Trần Lan Phương hiện đang sở hữu Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Hưng. Công ty này thành lập năm 2014 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng và sau đó đã tăng lên 300 tỷ đồng.

Năm 2017, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Hưng, Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú và một công ty thuộc tập đoàn địa ốc lớn được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng.

Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT. Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú là chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú với tổng vốn đầu tư 298 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tập đoàn An Phú của ông Trần Duy Tùng còn đầu tư vào dự án bò thịt quy mô 5.669 ha ở Hà Tĩnh; đầu tư, nắm 51% vốn Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi Bắc Kạn – Chủ đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/năm và Nhà máy nung tuyển quặng sắt công suất 600.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới.

An Phú từng đề xuất liên danh với đối tác Slovakia để triển khai các dự án chiếu sáng công cộng bằng đèn Led tại các đô thị ở Việt Nam. Doanh nghiệp này cho biết năm 2014 đã ký thoả thuận tài trợ trị giá 200 triệu Euro với Ngân hàng Eximbanka của Slovakia cùng 1 ngân hàng lớn trong nước.

Hành trình lao lý

Cuối tháng 11/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cùng bị khởi tố với ông Hà ở thời điểm đó còn có các bị can Trần Lục Lang (phó Tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa ( Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) và Lê Thị Vân Anh (Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh). Ông Hà và cấp dưới bị bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến việc cho dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh vay vốn gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư có thể nói là một siêu dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc hàng các dự án nông nghiệp lớn nhất miền Bắc.

Theo quyết định bổ sung quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát thực hiện dự án mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành vào ngày 15/04/2015, tổng diện tích dự kiến khảo sát của dự án khoảng 6.119,28 ha; quy mô đầu tư dự kiến là 150.000 con bò/năm; tổng mức đầu tư dự kiến là 4.223 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án này, Công ty Bình Hà đã vay vốn từ BIDV. Theo thông tin từ BIDV, Công ty Bình Hà có kế hoạch vay ngân hàng này 2.190 tỷ đồng (tương ứng 76% tổng mức đầu tư) do BIDV – Chi nhánh BIDV Hà Tĩnh làm đầu mối cho vay, trong đó BIDV Hà Tĩnh sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng. Các chi nhánh trong hệ thống cho vay số tiền còn lại.

Theo tiến độ thực hiện dự án, đến tháng 8/2015, Công ty Bình Hà sẽ nhập 20.000 con bò và đến cuối năm 2015 sẽ nhập đủ 30.000 con theo đúng quy mô giai đoạn 1 của dự án. Tuy nhiên, khi mới đi vào hoạt động, dự án đã gây ô nhiễm môi trường và vấp phải phản ứng gay gắt của người dân địa phương. Sau 3 năm triển khai, số lượng bò của dự án chỉ vào khoảng vài trăm con. Một diện tích rất lớn của dự án bị bỏ hoang. Do đó, mục tiêu BIDV thu hồi khoản cho vay rất khó đạt được.

Công ty Bình Hà là pháp nhân độc lập nhưng lại bị thao túng bởi Trần Duy Tùng thông qua việc giải ngân tại BIDV cũng như sử dụng vốn vay. Mặt khác, các cổ đông góp vốn tại Công ty Bình Hà là do Trần Duy Tùng đứng đằng sau.

Tại kỳ họp thứ 26 năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Theo kết quả điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh thì ông Trần Bắc Hà đã ký 12 báo cáo đồng ý chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn.

Về những sai phạm trong vụ cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: “Những vi phạm của đồng chí Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các đồng chí Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.

Cuối tháng 3/2019, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng – 34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP An Phú, trụ sở tại TP Quy Nhơn, Bình Định – cũng bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

TV