Cơ phó chạy xe ôm mưu sinh chờ thanh lý hợp đồng, Vietjet đòi bồi thường gần 2 tỷ đồng

Giai đoạn dịch Covid 19 diễn ra, Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet) giảm lương xuống chỉ còn thực lãnh 5 triệu, không đủ sống nên ông Huỳnh Phú Tài xin nghỉ việc. Thế nhưng, Vietjet cho rằng ông Tài vi phạm hợp đồng lao động đã ký trước đó và yêu cầu ông Tài phải bồi thường hơn 1,85 tỷ đồng. Bất đắc dĩ, ông Tài kiện Vietjet ra tòa vì ông Tài cho rằng chính Vietjet vi phạm hợp đồng và việc yêu cầu bồi thường là dồn ông vào đường cùng.

Ngày 6/8/2020, Chủ tịch UBND Q.Tân Bình, TP.HCM ra Quyết định số 81/QĐ-UBND về việc cử hòa giải viên lao động tham gia hòa giải tranh chấp lao động theo đơn yêu cầu của ông Huỳnh Phú Tài.

Căn cứ Quyết định 81, trong các ngày 17/8 và 21/8/2020, Hòa giải viên lao động Q.Tân Bình đã tổ chức buổi hòa giải giữa ông Huỳnh Phú Tài và Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet. Tuy nhiên, cả hai lần tổ chức hòa giải, Vietjet đều không đến dự theo thư mời.

Theo biên bản hòa giải ghi nhận, ngày 30/4/2018, ông Tài và Vietjet có ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn 36 tháng (30/4/2018 – 30/4/2021). Chức vụ của ông Tài là Cơ phó với mức lương được hưởng 27.700.000đ/tháng; phụ cấp và thưởng 16.215.000đ/tháng (chưa bao gồm phụ cấp giờ bay).

Tháng 2/2020, Vietjet ra thông báo giảm lương nhưng không có thỏa thuận trước với ông Huỳnh Phú Tài. Tháng 4,5 và 6/2020, Vietjet tự ý cắt giảm lương của ông Tài trong khi ông Tài không vi phạm kỷ luật hay vi phạm khác. Ngày 17/5, ông Tài gửi đơn xin nghỉ việc kể từ ngày 17/6/2020.

Ngày 18/6/2020, Phòng nhân sự và Pháp chế của Vietjet có trao đổi và làm việc với ông Tài nhưng không đi đến thỏa thuận chung do phía Vietjet yêu cầu ông Tài bồi thường hợp đồng đào tạo do đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động.

Đến ngày 23/6/2020, Vietjet ban hành văn bản số 02-20/VJC-PD gửi ông Huỳnh Phú Tài để yêu cầu chi trả số tiền cam kết theo thỏa thuận đào tạo và Hợp đồng lao động. Tổng số tiền hơn 1,85 tỷ đồng được Vietjet yêu cầu ông Tài phải hoàn trả vào tài khoản của Vietjet trong thời hạn 10 ngày.

“Trường hợp Vietjet không nhận được khoản tiền đầy đủ và đúng thời hạn như đã đề cập ở trên, dù không mong muốn nhưng chúng tôi sẽ thực hiện các hành động pháp lý cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm, nhưng không giới hạn các hành động sau đây: Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền, để yêu cầu ông thực hiện nghĩa vụ do vi phạm cam kết thời hạn làm việc đã thỏa thuận với Vietjet; Thông báo cho nhà chức trách hàng không biết về hành vi vi phạm của ông để nhà chức trách có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành; Thông báo cho người sử dụng lao động mới, nơi đang làm việc, về hành vi vi phạm của ông và người sử dụng lao động hiện tại sẽ bị Tòa án triệu tập để phục vụ công tác xét xử theo quy định của pháp luật trong trường hợp Vietjet quyết định khởi kiện ra Tòa án; Tiến hành một số biện pháp hành chính khác bao gồm hạn chế việc xuất, nhập cảnh, để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của ông”, trích văn bản số 02 của Vietjet gửi Cơ phó Huỳnh Phú Tài.

 

Quyết định số 81/QĐ-UBND về việc cử hòa giải viên lao động tham gia hòa giải tranh chấp lao động theo đơn yêu cầu của ông Huỳnh Phú Tài

Ngoài việc liệt kê những biện pháp mà Vietjet có thể làm, văn bản số 02 của Vietjet còn nhắc đến đạo đức: “Tuân thủ nghĩa vụ của người lao động khi ký kết Hợp đồng lao động không chỉ là nghĩa vụ mà còn là đạo đức của người lao động trong việc thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết của mình với người sử dụng lao động và trách nhiệm đói với chính bản thân người sử dụng lao động”.

Thể hiện quan điểm trong biên bản tại buổi hòa giải ở Q.Tân Bình, ông Huỳnh Phú Tài cho rằng Vietjet yêu cầu bồi thường hợp đồng đào tạo là không có cơ sở vì kinh phí đào tạo toàn bộ do người lao động đóng chứ không phải do Vietjet cử đi đào tạo từ nguồn kinh phí của Vietjet. Ông Tài cung cấp đầy đủ các thông tin bằng chứng liên quan đến vấn đề này. Tạp chí Tòa án nhân dân sẽ phân tích bằng một bài viết khác.

Đối với Hợp đồng lao động, ông Huỳnh Phú Tài cho rằng việc Vietjet đơn phương giảm lương khi chưa có sự đồng thuận của ông thì chính Vietjet vi phạm hợp đồng lao động.

“Họ giảm lương và tôi nhận được chỉ có 5 triệu đồng/tháng thì thử hỏi làm sao mà tôi sống được? Chính Vietjet đã vi phạm HĐLĐ và dồn tôi vào đường cùng bằng việc yêu cầu tôi bồi thường hơn 1,85 tỷ đồng trong khi chi phí đi học đều do học viên tự bỏ tiền túi”, ông Huỳnh Phú Tài cho biết.

Ngày 27/8/2020, TAND Q.Tân Bình, TP.HCM có văn bản số 1414/GXN-TA về việc thông báo nhận đơn khởi kiện của ông Huỳnh Phú Tài. Ngày 14/9/2020 TAND Q.Tân Bình tiếp tục ra thông báo “miễn nộp tiền tạm ứng án phí” vì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND Q.Tân Bình và ông Huỳnh Phú Tài thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật.

THẾ MỸ - VƯƠNG PHƯƠNG