Huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh: Chuyển giao lò đốt rác “phế thải” từ Bệnh viện Bãi Cháy về Trung tâm Y tế huyện Cô Tô?

Lò đốt rác “phế thải” y tế đã cũ hỏng, xuống cấp, bỏ hoang của Bệnh viện Bãi Cháy lại được Sở Tài chính, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh trình UBND tỉnh cho phép điều chuyển tài sản này đến Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Đáng nói, lý do điều chuyển là thực hiện Dự án đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô?.

Xử lý rác thải, nước thải tại các cơ sở y tế là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng bởi nếu không cẩn thận thì đó là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đồng thời có nguy cơ là mầm bệnh dịch cho người dân quanh khu vực, gần các nguồn nước thải. Chất thải nguy hại lây nhiễm sắc nhọn, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, chất thải giải phẫu là những loại chất thải cực kỳ nguy hại của ngành y tế cần được xử lý đảm bảo đúng quy định. Việc xử lý rác thải y tế không đảm bảo sẽ làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bệnh nhân, y - bác sĩ và nhân dân trong khu vực.

Trung tâm Y tế huyện Cô Tô là cơ sở y tế thuộc huyện đảo Cô Tô, nằm cách biệt so với khu vực khác của tỉnh Quảng Ninh, gặp nhiều khó khăn trong công tác vận chuyển, khó có thể đảm bảo được yêu cầu về thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm nếu phải vận chuyển về xử lý tập trung theo khu vực. Nên phải xử lý các loại rác thải y tế, rác thải nguy hại tại chỗ.

Theo phản ánh, hệ thống lò đốt rác thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Cô Tô được xây dựng và đi vào hoạt động hơn 10 năm, đã xuống cấp, hư hỏng, phải sửa chữa nhiều lần, chi phí tốn kém, sau khi sửa chữa cũng hoạt động không ổn định. Vì vậy, Trung tâm đã có đề xuất được đầu tư trang thiết bị hệ thống xử lý chất thải y tế hiện đại, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

QĐ 2979 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc điều chuyển tài sản nhà nước Quyết định số 2979 /QĐ-UBND ngày 23/07/2019 về việc điều chuyển tài sản nhà nước, liên quan tới dự án "đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị y tế cho TTYT huyện Cô Tô.

Ngày 21/8/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 3228/QĐ-UBND về việc phê duyệt thực hiện Dự án đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Đến ngày 13/12/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có quyết định số 5132/QĐ-UBND về việc phê duyệt gói thầu số 5: Chi phí, kế hoạch vận chuyển lắp đặt hệ thống lò đốt rác thải y tế từ bệnh viện Bãi Cháy cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô.

Của biếu là của lo, của cho là của nợ

Ngày 28/5/2019, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 1249/SYT-KHTC về việc điều chuyển lò đốt chất thải rắn y tế từ Bệnh viện Bãi Cháy cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô.

Sau văn bản số 1249 của Sở Y tế, ngày 7/6/2019, một hội đồng được thành lập để xác định tình trạng thực tế hệ thống lò đốt chất thải rắn y tế tại Bệnh viên Bãi Cháy. Hội đồng gồm đại diện Sở Tài Chính là ông Phan Doãn Thức – Phó giám đốc Sở, bà Phạm Thị Hồng Giang – Phó trưởng phòng QLGTS; Đại diện Sở Y Tế là ông Nguyễn Tiến Hưng – Phó giám đốc; Đại diện Trung tâm y tế huyện Cô Tô là ông Nguyễn Thanh Giang – Phó giám đốc; Đại diện Bệnh viện Bãi Cháy là ông Lê Ngọc Dũng – Giám đốc Bệnh viện… hội đồng đã tiến hành kiểm tra thực tế hiện trạng tài sản, đối chiếu với các tài liệu, sổ sách kế toán trên cơ sở báo cáo của Bệnh viện Bãi Cháy và thống nhất lập biên bản xác định hiện trạng.

Theo biên bản xác định hiện trạng của Hội đồng trên thì lò đốt rác thải y tế này có ký hiệu f-2KAH; do hãng ChuwaStar sản xuất tại Nhật Bản; số Serial: 2441201; Sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 2013. Nguyên giá năm 2013 là 3.5 tỷ đồng, giá trị hao mòn đến thời điểm hết năm 2018 là hơn 2,5 tỷ đồng. Giá trị hiện trạng còn lại là hơn 966 triệu đồng.

Biên bản xác định hiện trạng thực tế hệ thống lò đốt chất thải rắn y tế tại Bệnh viện Bãi Cháy theo đề nghị điều chuyển của Sở Y tế tại tờ trình 1249/SYT-KHTC ngày 28/05/2019.

Hiện trạng lò đốt của Bệnh viện bãi Cháy đã dừng hoạt động và đang được bảo quản tại nhà bao che đặt tại khu nhà tang lễ TP Hạ Long, tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Kết quả quan sát cho thấy thân lò đã có một số chỗ có hiện tượng gỉ sét, cửa che rác bị hỏng, pa lăng xích điện không hoạt động. Tủ điều kiển đã được ngắt nguồn điện, phần vỏ ngoài có hiện tượng bong tróc.

Thực tế ghi nhận là vậy, nhưng biên bản của hội đồng vẫn kết luận: “Hội đồng thống nhất đề nghị Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh xem xét cho phép điều chuyển tài sản theo quy định hiện hành”.

Điều kỳ lạ ở biên bản này là, biên bản được lập lúc 16 giờ 30 phút ngày 7/6/2019 và cũng kết thúc vào đúng lúc 16 giờ 30 phút cùng ngày. Biên bản ghi có sự tham gia của Sở Tài chính, nhưng phần chữ ký của đại diện Sở tài chính lại để trống. Chữ ký của đại diện Bệnh viện Bãi Cháy cũng không phải người ghi trong biên bản,…

Sau khi có biên bản kết luận của hội đồng kiểm tra thực tế lò đốt của Bệnh viện Bãi Cháy, đến ngày 15/7/2019 Sở Tài chính đã có tờ trình số 2909/TTr-STC gửi UBND tỉnh về việc xem xét phê duyệt điều chuyển tài sản là Lò đốt rác thải y tế từ Bệnh viện Bãi Cháy về Trung tâm Y tế Cô Tô.

Chỉ 8 ngày sau tờ trình của Sở Tài chính, ngày 23/7/2019 UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 2979/QĐ-UBND về việc điều chuyển tài sản nhà nước do bà Vũ Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch UBND ký. Theo Quyết định này thì lý do điều chuyển là để thực hiện Dự án đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô theo phế duyệt tại Quyết định số 3228/QĐ-UBND ngày 21/8/2018 của UBND tỉnh (Gói thầu số 5: Chi phí, kế hoạch vận chuyển lắp đặt hệ thống lò đốt rác thải y tế từ Bệnh viện Bãi Cháy cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5132/QĐ-UBND ngày 13/12/2018).

Để làm rõ thông tin phản ánh của bạn đọc về việc đưa máy cũ, hỏng, dừng hoạt động, hoen gỉ từ Bệnh viện Bãi Cháy về để thực hiện dự án hiện đại hóa trang thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Ông Giang là người được bà Bùi Thị Thuy - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô (thời điểm năm 2019) cử đi xác định tình trạng thực tế của Lò đốt rác của Bệnh viện Bãi Cháy, ông Giang cho biết: “Quá trình sử dụng đốt thì hiệu quả xử lý không cao. Mặc dù được điều chuyển thêm lò đốt từ Bệnh viện Bãi Cháy về theo dự án hiện đại hóa trang thiết bị y tế Cô Tô . Nhưng Trung tâm vẫn sử dụng song song với lò đốt cũ. Đến năm 2021 lò đốt cũ hỏng hẳn, từ đó đến nay Trung tâm phải chuyển sang sử dụng lò chuyển từ Bệnh viện Bãi Cháy ra. Hiện nay Trung tâm đang làm hồ sơ thuê tư vấn kiểm định xem có đủ điều kiện hay không. Gói thầu như thế nào chỉ đồng chí Bùi Thị Thuy là giám đốc thời điểm đó nắm rõ nhất, lúc ấy chị Thuy có cử tôi với 2 đồng chí nữa đi kiểm định cái máy đấy. Trong biên bản cũng ghi rồi là máy cũ hỏng đắp chiếu, hoen gỉ,… Nhưng Sở với tỉnh cho thì phải lấy chứ biết làm sao…”

Theo cách nói của vị đại diện Trung tâm Y tế huyện Cô Tô thì từ 2021 đến nay lò đốt rác này là lò đốt duy nhất của Trung tâm để xử lý rác thải y tế, nhưng kỳ lạ là vẫn chỉ đang lập hồ sơ để kiểm định. Theo các hồ sơ mà Trung tâm này cung cấp thì lần quan trắc môi trường định kỳ gần nhất là từ năm 2019. Khi được hỏi từ năm 2019 đến nay là đã 3 năm tại sao Trung tâm không thực hiện quan trắc định kỳ theo quy định? Sở Y Tế có biết hay không? Thì vị đại diện Trung tâm Y tế huyện Cô Tô chưa đưa ra được câu trả lời thuyết phục mà chỉ nói là “kinh phí hạn hẹp”?.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, các chất thải sau khi đốt ra được chôn dưới hầm bê tông ngay phía sau khu nhà làm việc và nhà ăn của Trung Tâm Y tế huyện Cô Tô, tại thời điểm ghi nhận dù trời đang mưa nhưng bể chứa tro xỉ sau khi đốt không được che đậy, lượng nước mưa lớn chảy vào trong bể. Quan sát bằng mắt thường đối với số tro xỉ, chất trơ sau khi đốt bằng lò của Bệnh viện Bãi Cháy thì các loại rác như kim tiêm, bơm truyền dịch, ống nhựa vẫn còn có thể nhìn thấy và nhận dạng dễ dàng. Một số chất thải rắn như vật sắc nhọn, bình thủy tinh cũng vẫn giữ nguyên hình dạng, chỉ chuyển sang màu đen xám.

Việc điều chuyển tài sản, đưa lò đốt cũ không sử dụng của bệnh viện Bãi Cháy về để xử lý rác thải y tế cho Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã đảm bảo đúng quy định hay chưa? Cơ quan nào kiểm định, quan trắc đảm bảo lò đốt này đủ khả năng điều kiện để xử lý rác thải y tế? Tại sao Trung tâm Y tế huyện Cô Tô không thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, không thực hiện kiểm định lại chất lượng lò đốt? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu phát sinh sự cố về môi trường?

Tạp chí Tòa án nhân dân sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về diễn biến sự việc trên./.

 

Thái Nguyễn