Mất 2,5 tỉ đồng từ tài khoản ngân hàng – Trách nhiệm của những ai?

Tạp chí TAND nhận đơn đề ngày 18/8/2021 của người đại diện ủy quyền của ông Nguyễn Hồng Hải và bà Triệu Thị Thanh, trú tại xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, Tp Hà Nội, là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng kéo dài gần 10 năm qua.

Bảo lãnh cho người không quen

Ngày 11/3/2011, ông Đỗ Hồng Quang và bà Bùi Thị Thảo trú tại quận Hải An, thành phố Hải Phòng ký Hợp đồng tín dụng (áp dụng cho vay từng lần đối với cá nhân) số 29/2011/HĐTDTL – CN, vay 2,5 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) – Chi nhánh Hải Phòng, để thanh toán hợp đồng mua bán sắt thép với bà Nguyễn Thị Xa theo hợp đồng kinh tế số 06/HĐKT, ngày 03/3/2011.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Hải Châu nhờ gia đình ông Nguyễn Hồng Hải và bà Triệu Thị Thanh thế chấp nhà đất cho Saigonbank để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay và bảo lãnh cho ông Đỗ Hồng Quang, bà Bùi Thị Thảo trong việc vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Ông Hải và bà Thanh đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản (Áp dụng đối với người thứ ba là cá nhân thế chấp bất động sản) số 29/HĐBĐ – 2011, thế chấp nhà đất cho Saigonbank, ký tại Phòng công chứng số 1, Tp Hà Nội.

Ngày 12/3/2011, Ngân hàng đã chuyển số tiền 2,5 tỷ đồng vào tài khoản mang tên Nguyễn Thị Xa, số tài khoản xxxxxxxxx001232 tại Saigonbank Chi nhánh Hải Phòng. Ông Đỗ Hồng Quang đã ký giấy nhận nợ số 01-29 (kèm theo hợp đồng tín dụng số 29/2011/HĐTDTL – CN, ngày 11/03/2011). Việc ký hợp đồng vay tiền, chuyển tiền vay như thế nào ông Hải, bà Thanh không được Ngân hàng thông báo.

Ông Đỗ Hồng Quang không trả nợ, ngày 30/7/2012, Saigonbank đã khởi kiện ông Quang, bà Thảo ra TAND quận Hải An đòi nợ, yêu cầu Tòa án phát mại tài sản nhà đất của ông Hải, bà Thanh thế chấp cho ngân hàng.

Vụ án đã được thụ lý xét xử từ năm 2012 đến nay, nhưng chưa kết thúc do còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ một cách khách quan.

Quá trình giải quyết vụ án

Tòa án quận Hải An đưa vụ án ra xét xử và ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 09/2013/QĐST – DS, ngày 30/9/2013, vì HĐXX “Xét thấy: Sự việc phải do cơ quan Cảnh sát điều tra  - Công an thành phố Hải Phòng giải quyết trước mới có căn cứ giải quyết được vụ án”.

Sau khi nhận hồ sơ, Cơ quan CSĐT Công an Tp Hải Phòng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐKTVA – PC44 để điều tra về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng theo Điều 179 BLHS năm 1999.

Ngày 14/5/2014, Cơ quan CSĐT, VKSND Tp Hải Phòng, TAND Tp Hải Phòng đã thống nhất ra quyết định thay đổi khởi tố vụ án hình sự từ tội danh Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 BLHS sang tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS.

Cơ quan CSĐT (PC44) – CATP Hải Phòng đã ra Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐTĐKTVA PC để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS.

Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Hải Châu cùng một số đối tượng có liên quan bỏ trốn nên chưa ghi được lời khai làm rõ nội dung vụ án. Do đó, ngày 15/4/2014, Cơ quan CSĐT– CATP Hải Phòng đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Văn bản số 175/CV – PC01 (Đ2), của Văn phòng Cơ quan CSĐT- CATP Hải Phòng gửi TAND quận Hải An cho biết: “Kết quả điều tra hồ sơ tín dụng theo Hợp đồng tín dụng số 29/2011 – HĐTD ngày 12/03/2011 xác định tài liệu trong hồ sơ đề nghị vay vốn của anh Đỗ Hồng Quang bị làm giả, chứng từ thanh toán không phải là hóa đơn giá trị gia tăng. Ngân hàng Sài Gòn Công Thương – Chi nhánh Hải Phòng không phát hiện ra, vẫn đồng ý cho vay và giải ngân. Hiện nay chưa xác định được người thụ hưởng 2,5 tỷ đồng”.

Theo lời khai của ông Quang thì toàn bộ hồ sơ vay do bà Châu và cán bộ ngân hàng làm, ông Quang chỉ biết ký. Ông Nguyễn Hồng Hải thì khai việc gia đình ông thế chấp nhà đất cho Saigonbank là giúp đỡ bà Châu, mọi thủ tục do bà Châu và nhân viên ngân hàng thực hiện.

Theo nội dung của Văn bản số 721/CV – PC 44 (Đ2) ngày 17/7/2017 của Văn phòng Cơ quan CSĐT – CATP Hải Phòng gửi Tòa án quận Hải An, thì sau khi số tiền vay theo hợp đồng tín dụng nêu trên được chuyển vào tài khoản của ông Quang thì ông Quang đã lập ủy nhiệm chi chuyển vào tài khoản có tên là Nguyễn Thị Xa (sinh năm 1983, HKTT tại phường Quán Trữ, Kiến An, Hải Phòng) mở tại Saigonbank, số tài khoản là xxxxxxxx000054. Kết quả xác minh điều tra cho đến nay không xác định được người mở tài khoản Nguyễn Thị Xa. Số tiền 2,5 tỷ đồng được ông Quang chuyển vào tài khoản nêu trên đã bị người mở tài khoản rút tiền. Nhưng đến nay không xác định được người nào mở tài khoản, người nào rút tiền.

Những vấn đề đặt ra

Trước hết, vụ án cho thấy một hệ hụy phức tạp trong việc mang nhà đất thế chấp cho ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay và bảo lãnh, mà không biết người vay tiền là ai. Theo đơn thư, vợ chồng ông Hải, bà Thanh không biết ông Đỗ Hồng Quang, bà Bùi Thị Thảo, không biết họ để kinh doanh gì, như thế nào, chỉ ký do bà Nguyễn Thị Hải Châu nhờ. Thực tế đã có nhiều vụ án liên quan đến ngân hàng tương tự như vậy, hậu quả nhãn tiền có thể mất nhà đất, trong vụ án này là dính vào vụ kiện gần 10 năm chưa được giải quyết.

Để giải quyết vụ án dân sự này, như Tòa án quận Hải An đã xác định, là phải căn cứ vào kết quả của  do cơ quan CSĐT do có dấu hiệu tội phạm. Bước đầu, cơ quan CSĐT Công an Tp Hải Phòng đã xác định có hành vi giả mạo hồ sơ để được vay vốn.

Vấn đề thứ hai là tài khoản có tên là Nguyễn Thị Xa mở tại chính Saigonbank nhưng xác minh điều tra của Cơ quan CSĐT chưa xác định được người mở tài khoản này, cũng không xác định được người nào đã rút số tiền 2,5 tỷ đồng mà chính Saigonbank đã cho vay. Sự cố hy hữu này, không thể không xác định rõ nguyên nhân để tìm ra những người có liên quan ngay tại Saigonbank mà chính ngân hàng phải có hồ sơ theo dõi, tra cứu.

Từ giả mạo hồ sơ đến lập tài khoản rút tiền mà không biết người lập tài khoản, không biết người rút tiền là một chuỗi các hành động diễn ra ở Saigonbank. Những khuất tất này nhiều năm qua chưa được điều tra làm rõ, dẫn đến vụ án bế tắc.

Một khía cạnh pháp lý được đặt ra là nếu hợp đồng tín dụng giả mạo, cho vay không tuân thủ các quy định của pháp luật về tín dụng, tài chính, ngân hàng vốn rất chặt chẽ, thì người bảo lãnh có phải chịu trách nhiệm hay không?

Đây là vụ án có thể nói là một bài học về ý thức tuân thủ pháp luật của công dân, khả năng và trách nhiệm của ngân hàng, là bài học cảnh giác về các thủ đoạn gian dối xung quanh hoạt động tín dụng, Tạp chí Toà án nhân dân sẽ theo dõi, cập nhật thông tin khi có diễn biến mới.

 

Tín dụng ngân hàng phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ - Ảnh minh họa

 

TRẦN VĂN MẠNH