Ngư dân suy tim tự tử, chủ tàu cá phải bồi thường

Vụ anh H là ngư dân của tàu đánh cá tự nhảy xuống biển dẫn đến tử vong xảy ra đã gần 4 năm. Qua bốn phiên tòa xét xử vụ án “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động và tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm”, chủ tàu cứ mãi ấm ức vì phải bồi thường cho thân nhân ngư dân 36 triệu đồng.

Hai lần tự nhảy xuống biển

Anh Cao Thanh H làm nghề ngư phủ cho chủ tàu cá do bà Nguyễn Thị Một (ở thành phố Rạch Giá) làm chủ sở hữu. Theo thường lệ, bà Một hợp đồng miệng với ngư phủ trước mỗi chuyến khơi xa và tạm ứng cho lao động một ít tiền, tạm gọi là khoản tiền “giữ chân”, lời lãi ăn chia sẽ tính với chủ sau khi tàu cập bến. Anh H cũng nằm trong số ấy, được bà Một cho tạm ứng 6 triệu đồng cho chuyến vươn khơi ngày 19/4/2014 trong thời gian 2 tháng.

Chuyện xảy ra vào khoảng 6g30 ngày 22/4/2014, khi tàu mới xuất bến được 3 ngày, trong lúc anh em đang kéo mẻ lưới đầu tiên trên vùng biển gần bờ của huyện Phú Quốc, H bất ngờ tự nhảy xuống biển nhưng được bạn thuyền vớt lên xoa bóp dầu, đến khoảng 7g 30 thì H tử vong trên tàu. Trước đó, vào khoảng 21g ngày 21/4/2014 anh H cũng tự nhảy xuống biển sau đó được anh em kéo lên tàu, nhưng H không nói vì sao mình lại nhảy xuống biển (Biên bản ghi lời khai Võ Văn S của Công an thành phố Rạch Giá – bút lục số 68).

Sau khi nhận đơn tố cáo của gia đình anh H, Cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố Rạch Giá đã xác minh làm rõ và có kết luận số 49/QĐ-CSĐT ngày 04/6/2014: không khởi tố vụ án hình sự, do “ông Cao Thanh H tự nhảy xuống biển ” và nguyên nhân dẫn đến tử vong là do “Bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp kèm xơ hóa hệ thống động mạch vành”.

Vì muốn yên ổn làm ăn, gia đình bà Một thỏa thuận hỗ trợ 35 triệu đồng để lo hậu sự cho anh H, với điều kiện không thưa kiện hay gây khó dễ cho mình. Thế nhưng, thiện chí hòa giải  do Đồn Biên phòng Rạch Giá làm trung gian không được chấp nhận, gia đình anh H vẫn đâm đơn kiện vợ chồng bà Một ra tòa “Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về tính mạng” với các khoản mai táng phí 67.350.000 đồng. Được biết, trước đó chưa có cuộc hoà giải nào về tranh chấp lao động được tổ chức.

Ngày 19/12/2014, Tòa án thành phố Rạch Giá xét xử, xác định cái chết của anh H là do bệnh lý, mà nguyên nhân là từ hành vi tự nhảy xuống biển, không liên quan đến bà Một nên yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận. Nhưng, thay vì phải áp dụng Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2012, cấp sơ thẩm lại áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 về “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” để giải quyết nên cấp phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, bởi giữa anh H và bà Một đã phát sinh quan hệ pháp luật về hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn.

Phiên tòa sơ thẩm lần 2, vụ kiện được đổi thành “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động và tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”, phía nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu bà Một bồi thường tiền mai táng phí 67.350.000 đồng, ngoài ra còn thêm phần trợ cấp cho thân nhân 12 tháng lương là 72 triệu đồng; yêu cầu  bảo hiểm Bảo Việt phải trả 22.500.000 đồng bảo hiểm TNLĐ.

Vẫn như lần xử trước, Tòa nhận định anh H tử vong do bệnh lý, xuất phát từ hành vi tự nhảy xuống biển, nhưng chỉ có điều khác là “đặc điểm nơi làm việc nguy hiểm, không được cấp cứu kịp thời cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh H” nên buộc bà Một phải trợ cấp cho cho thân nhân anh H 36 triệu đồng; ghi nhận sự tự nguyện của bà Một hỗ trợ tiền mai táng phí 10 triệu đồng, tiền chi phí bảo hiểm 2,5 triệu đồng; bác yêu cầu Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt phải thanh toán tiền bảo hiểm TNLĐ 22.500.000 đồng.

Bà Một làm đơn kháng cáo, phiên tòa phúc thẩm sau đó diễn ra ngày 24/6/2016 vẫn giữ nguyên số tiền buộc bà Một phải bồi thường cho thân nhân gia đình anh  H là 36 triệu đồng, nhưng thay vì cấp sơ thẩm cho đây là 12 tháng lương, thì cấp phúc thẩm sửa lại là tiền trợ cấp cho thân nhân người lao động (NLĐ).

Án đã có hiệu lực buộc phải thi hành, tuy nhiên bà Một không thể hiểu nổi “tại sao Tòa án không buộc bảo hiểm phải thanh toán tiền bảo hiểm tai nạn lao động 22.500.000 đồng, mà lại bắt mình bồi thường tiền trợ cấp tai nạn lao động cho thân nhân anh H 36 triệu đồng”? Bà Một còn cung cấp thêm: “Anh H chết không chỉ làm chuyến biển của tôi bị thiệt hại lên đến 150 triệu đồng, mà còn tốn biết bao nhiêu là  thời gian công sức trong gần 4 năm trời với 4 phiên tòa”.

Ý kiến bình luận

 

Chợ cá bên bờ biển

Tại Bản án số 01/2016/DS-ST ngày 23/2/2016 “V/v tranh chấp bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động và hợp đồng bảo hiểm” của Tòa án thành phố Rạch Giá (trang 6) nhận định: “Căn cứ vào những chứng cứ nêu trên thì cái chết của ông H không có lỗi của người sử dụng lao động (NSDLĐ) mà phát sinh từ lỗi của NLĐ tự ý nhảy xuống biển và sau đó chết do bệnh lý”.

Tuy kết luận như vậy nhưng Toà án Rạch Giá vẫn áp dụng Điều 144, Điều 145 BLLĐ buộc bà Một trợ cấp cho thân nhân của anh H với số tiền là 36 triệu đồng; ghi nhận sự tự nguyện của bà Một về việc bồi thường chi phí bảo hiểm sinh mạng là 2.500.000 đồng.

Chấp nhận yêu cầu đòi Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt phải thanh toán tiền bảo hiểm sinh mạng của anh H là 7.500.000 đồng, nhưng không chấp nhận yêu cầu buộc Bảo Việt bồi thường TNLĐ là 22.500.000 đồng dựa trên nguyên tắc bảo hiểm tai nạn con người ban hành kèm theo Quyết định số 391/TCBH ngày 20/9/1991, tại Điều 3 Phần II quy định: “Tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm là những tai nạn xảy ra tại Việt nam do một lực bất ngờ ngoài ý muốn của người được bảo hiểm và là nguyên nhân trực tiếp, duy nhất làm cho người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật thân thể”.

Bản án số 01/2016/LĐ-PT ngày 24/6/2016 của Toà án tỉnh Kiên Giang V/v “Yêu cầu BTTH do tai nạn lao động và tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm” dựa trên lời khai của 7 ngư dân làm việc chung với anh H tại thời điểm anh H chết như ông Võ Văn S, Danh T, ông Huỳnh Văn Vĩnh L, ông Trần Minh H, Danh L, Thạch U, Danh L và Kết luận của Công an thành phố Rạch Giá tại Thông báo số 49/QĐ-CSĐT do anh H tự nhảy xuống biển, không có bất cứ lời khai hay chứng cứ nào cho thấy anh H bị rơi xuống biển, nhưng Bản án phúc thẩm lại nhận định “anh H bị rơi xuống biển” (trang 5 Bản án phúc thẩm).

Từ nhận định nêu trên, Toà án đã áp dụng điểm a khoản 2.1 Điều 2 Thông tư số 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐ ngày 08/3/2005 Hướng dẫn việc khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ TNLĐ; điểm b khoản 3 Điều 145 BLLĐ năm 2012 để bác kháng cáo của bà Một.

Xung quanh vụ án này, tác giả có quan điểm như sau:

Thứ nhất, anh H chết không thuộc trường hợp TNLĐ:

Theo khoản 1 Điều 142 BLLĐ năm 2012: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.

Như vậy, để được công nhận là TNLĐ phải thoả mãn cả ba điều kiện sau:

– Điều kiện thứ nhất: Là tai nạn. Cho đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào khái niệm về tai nạn, nhưng dựa vào Từ điển Tiếng Việt phổ thông (Nxb thành phố Hồ Chí Minh, tr 810) khái niệm: “Tai nạn là việc rủi ro bất ngờ xảy ra, gây thiệt hại lớn cho con người”. Có thể hiểu tai nạn còn gọi là chấn thương không chủ ý, là một sự kiện không mong muốn, ngẫu nhiên và không có kế hoạch, dẫn đến bị thương hoặc chết người.

– Điều kiện thứ hai: Tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

– Điều kiện thứ ba: Tai nạn gây hậu quả cho NLĐ, có thể làm tử vong hoặc gây tổn thương một bộ phận, chức năng nào đó của cơ thể.

Hành vi của anh H là có chủ ý, tự nhảy xuống biển đến hai lần, hoàn toàn không có yếu tố bất ngờ nào với H, không gắn liền với công việc của ngư dân ở trên tàu. Vậy nên, trường hợp của anh H không thoả mãn điều kiện thứ nhất và thứ hai nên không được coi là TNLĐ.

Tuy nhiên, cả hai cấp xét xử đã không áp dụng Điều 142 BLLĐ năm 2012, không đưa ra được bất kỳ phân tích, nhận định nào thuyết phục rằng anh H bị TNLĐ, mà áp dụng luôn Điều 145 BLLĐ năm 2012 buộc NSDLĐ phải bồi thường TNLĐ cho NLĐ trong trường hợp NSDLĐ không có lỗi.

Khoản 3 Điều 145 quy định: “Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau…”.

Để áp dụng được điều khoản này, phải thuộc trường hợp bị TNLĐ. Nhưng, như đã phân tích ở trên, anh H không thuộc trường hợp TNLĐ nên không có cơ sở để áp dụng Điều 145 BLLĐ. Giá như, thời điểm xảy ra sự việc là ngày 22/4/2014 đã có Luật An toàn, vệ sinh lao động thì đã rõ, bởi điểm b khoản 1 Điều 40 của Luật này quy định NLĐ không được hưởng chế độ từ NSDLĐ động khi bị tai nạn trong trường hợp “Do người lao động cố ý hủy hoại sức khỏe của bản thân”. Nhưng Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 nên mới có việc “nhầm lẫn” đáng tiếc nêu trên.

Thứ hai, áp dụng văn bản hết hiệu lực để giải quyết:

Thời điểm anh H chết là ngày 22/4/2014, thế nhưng cả hai bản án đều áp dụng văn bản hết hiệu lực để giải quyết:

– Bản án sơ thẩm số 01/2016/DS-ST ngày 23/02/2016 của Toà án Rạch Giá áp dụng Quyết định số 391/TCBH ngày 20/9/1991 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy tắc bảo hiểm con người hết hiệu lực từ ngày 16/8/2001 để giải quyết tranh chấp bảo hiểm tai nạn con người (trang 7) là trái pháp luật.

– Bản án phúc thẩm số 01/2016/LĐ-PT ngày 24/6/2016 của Toà án tỉnh Kiên Giang áp dụng Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 08/3/2005 của Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ hướng dẫn việc khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ TNLĐ hết hiệu lực kể từ ngày 04/7/2012 để giải quyết (trang 3, 6) là trái pháp luật.

Thứ ba, về chứng cứ:

Lời khai của 7 ngư dân trên tàu cá chứng kiến sự việc, Kết luận của Cơ quan CSĐT thành phố Rạch Giá đều cho rằng anh H tự nhảy xuống biển và Bản án sơ thẩm cũng nhận định như vậy, nhưng cấp tòa phúc thẩm lại nhận định “anh H bị rơi xuống biển” là thực hiện chưa đúng với Điều 81 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Thứ tư, chưa thật sự công bằng:

Cả hai cấp tòa đều xác định anh H chết là do TNLĐ. Đã là như vậy, tại sao tòa lại chỉ buộc bà Một bồi thường thiệt hại về TNLĐ cho thân nhân của anh H, mà không buộc bảo hiểm Bảo Việt bồi thường về TNLĐ cho thân nhân của anh H theo hợp đồng mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên là 22.500.000 đồng.

Thứ năm, vi phạm nghiêm trọng tố tụng:

Theo Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 Hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo TNLĐ thay thế Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT, trường hợp anh H chết, Sở LĐTBXH tỉnh Kiên Giang phải thành lập Đoàn điều tra tai nạn và có kết luận về vụ tai nạn đó là TNLĐ hay không phải là TNLĐ. Tuy nhiên, cả hai cấp Tòa lại kết luận một cách chủ quan cho là TNLĐ khi không có Đoàn điều tra và kết luận điều tra của Đoàn điều tra TNLĐ do Sở LĐTBXH tỉnh Kiên Giang thành lập.

Tại khoản 1 Điều 201 BLLĐ năm 2012 quy định: “Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết…”. Đây là vụ án tranh chấp lao động, cụ thể là tranh chấp nghĩa vụ về bồi thường TNLĐ phát sinh giữa NSDLĐ (bà Một) và NLĐ (anh H mà người đại diện là bà Đ và chị C) theo quy định tại khoản 6, 7 Điều 3 của BLLĐ năm 2012. Tuy nhiên, cả hai cấp Toà đều vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong việc áp dụng pháp luật chuyên ngành để giải quyết, không yêu cầu hai bên tiến hành hoà giải tranh chấp về lao động trước khi giải quyết vụ án.

Trên đây là ý kiến riêng của tác giả, mong bạn đọc cùng tham gia trao đổi, bình luận vụ án.

BÙI ĐỨC ĐỘ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang