Ông Tất Thành Cang liên quan 3 sai phạm khác

Ngoài việc bị xử lý hình sự vì chấp nhận chủ trương phát hành cổ phần tại Sadeco, cựu phó bí thư Thành uỷ TP HCM Tất Thành Cang còn liên quan đến ít nhất 3 sai phạm khác.

Ông Tất Thành Cang, 49 tuổi, bị Công an TP HCM bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Bị can đã chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn Sadeco, gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng.

Sai phạm của cựu phó bí thư Thường trực Thành ủy xảy ra vào tháng 5/2017 - thời điểm TP HCM trống vị trí Bí thư Thành ủy, do ông Đinh La Thăng được điều động qua làm Phó ban Kinh tế Trung Ương, còn ông Nguyễn Thiện Nhân chưa về nhận nhiệm vụ.

Ông Tất Thành Cang tại cuộc họp HĐND TP HCM hồi tháng 4/2019. Ảnh: Hữu Khoa.

Ông Tất Thành Cang tại cuộc họp HĐND TP HCM hồi tháng 7. Ảnh: Hữu Khoa.

Ngoài ra, ông Cang liên quan đến 3 vụ sai phạm khác trong thời kỳ làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Phó chủ tịch UBND thành phố, theo Thanh tra TP HCM.

Trong việc Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn - IPD (Công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, 100% vốn nhà nước) thực hiện cổ phần hóa, ông Tất Thành Cang với vai trò Phó chủ tịch UBND thành phố đã chấp thuận tỷ lệ vốn nhà nước tại đây là 65%. Tỷ lệ này là trái với chỉ đạo của Thủ tướng về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của TP HCM (IPD khi cổ phần hóa chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ) và cả Quyết định 568 của UBND thành phố.

Sai phạm của ông Cang, và của nhiều người khác, đã khiến UBND TP HCM đứng trước nguy cơ mất quyền chi phối cảng KCN Cát Lái, quận 2.

Cụ thể, năm 2014, IPD có vốn điều lệ hơn 518 tỷ đồng. Lúc này công ty đang được thành phố cho thuê hơn 69 ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng Khu công nghiệp Cát Lái.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty IPD trở thành Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) có vốn điều lệ 652 tỷ đồng. Công ty này phải thực hiện theo phương án cổ phần trước đó là đầu tư xây dựng, khai thác dự án cảng Khu công nghiệp Cát Lái - cảng trung chuyển có tổng vốn đầu tư hơn 660 tỷ đồng. Tuy nhiên, ESL lại góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Cát Lái - Đông Sài Gòn để khai thác cảng, nhưng chỉ góp 20% vốn điều lệ.

Cơ quan thanh tra cho rằng, với tỷ lệ góp vốn này ESL mất quyền chi phối, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng. Hành vi của những người liên quan có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật để "phục vụ cho nhóm lợi ích trong việc thu gom các dự án cảng biển quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược, địa lý, kinh tế và an ninh quốc phòng vào công ty cổ phần...". Đây là những dấu hiệu vi phạm Điều 179 Bộ luật Hình sự quy định về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Hiện, cơ quan chức năng chưa đưa ra hình thức xử lý cá nhân, tập thể liên quan các sai phạm.

Ông Tất Thành Cang (phải) sau khi nhận quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, chiều 16/12. Ảnh: Công an cung cấp.

Ông Tất Thành Cang (phải) sau khi nhận quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, chiều 16/12. Ảnh: Công an cung cấp.

Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, ông Cang bị kết luận vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

4 tuyến đường có tổng chiều dài gần 12 km, rộng từ 11,6 m đến 55 m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến gần 12.200 tỷ đồng.

Theo hồ sơ, ngày 1/12/2014, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Đào Thị Hương Lan (đang bị truy nã) ký kết hợp đồng BT xây 4 tuyến đường này. Nhưng trước đó một năm, tháng 11/2013, ông Tất Thành Cang (lúc này là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải) đã đại diện ký với nhà đầu tư và hợp đồng này được đóng dấu "mật".

Về giá trị hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, khi so sánh suất đầu tư theo Quyết định 634/2014 của Bộ Xây dựng, chi phí được đề cập tính suất đầu tư trong tổng mức đầu tư của dự án 4 tuyến đường không cao hơn suất đầu tư công bố của Bộ Xây dựng năm 2013.

Tuy nhiên, việc ông Tất Thành Cang đại diện cho TP HCM ký kết với nhà đầu tư làm dự án này bị cho là không đúng thẩm quyền. Theo Nghị định 108/2009 quy định về đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), thành phố chỉ được phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.

Khu đất Quốc Cường Gia Lai mua của Công ty Tân Thuận có vị trí đẹp. Ảnh: Quỳnh Trần.

Khu đất Quốc Cường Gia Lai mua của Công ty Tân Thuận có vị trí đẹp. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trước khi các sai phạm trên được công bố, ông Tất Thành Cang bị kết luận vượt thẩm quyền khi chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận (công ty 100% vốn thuộc Văn phòng Thành uỷ) bán rẻ hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Lúc thực hiện hành vi này, tháng 6/2017, ông Cang là Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM. Khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn nhưng Công ty Tân Thuận bán giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng. Giá này được cho là rẻ bất thường, nếu bán theo thị trường có thể thu về hơn 2.000 tỷ.

Ngày 18/4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất cho Quốc Cường Gia Lai, không đồng ý bán chỉ định. Bởi đây là tài sản kinh tế Đảng, nhưng tập thể Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy không biết việc ký chuyển nhượng vào thời điểm giao dịch.

Ban thường vụ Thành ủy TP HCM cho rằng, Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang đã chấp nhận chủ trương chuyển nhượng không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định. Ông Cang cũng bị cho là không báo cáo Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định, khiến việc chuyển nhượng đất có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ Thành phố.

Theo VnExprees

TRUNG SƠN