Thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra Công an thị xã Từ Sơn

Sau khi nghiên cứu bài viết “Thẩm quyền giải quyết vụ án lừa đảo, chiếm đoạt xe ô tô” đăng trên mục Theo đơn thư bạn đọc, Tạp chí TAND điện tử ngày 03/11/2018. Tôi thấy có nhiều nội dung cần trao đổi.

Trong bài viết tác giả có trình bày nội dung vụ án và đặt vấn đề về việc xác định cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra vụ án là Cơ quan điều tra công an thị xã Từ Sơn hay là Cơ quan điều tra công an huyện Tiên Du? Xoay quanh nội dung vụ án được thể hiện qua các tình tiết trong bài viết, chúng tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:

Xác định thẩm quyền điều tra

Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai của tác giả bài viết là cơ quan có thẩm quyền điều tra là cơ quan điều tra Công an thị xã Từ Sơn bởi: Việc xác định thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ được quy định tại khoản 4 Điều 163 BLTTHS 2015: “…4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”.

Nội hàm đoạn đầu điều luật xác định khi có tội phạm xảy ra thì cần phải căn cứ vào địa điểm xảy ra tội phạm thuộc địa phận của cơ quan điều tra nào để xác định thẩm quyền điều tra. Trong vụ án nêu trên (giả sử Thức sử dụng thủ đoạn gian dối để ông Sơn giao xe cho Thức đi), do tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là cấu thành vật chất nên chỉ khi có hậu quả xảy ra thì tội phạm mới cấu thành. Do đó thời điểm tội phạm hoàn thành chính là thời điểm sau khi Thức chiếm hữu được tài sản mà Thức có được do dùng thủ đoạn gian dối để ông Sơn giao chiếc ô tô cho Thức. Dựa trên tình tiết của bài viết, thời điểm Thức chiếm hữu được chiếc ô tô chính là thời điểm đưa ông Sơn về nhà nghỉ Mai Anh (thị xã Từ Sơn) và Thức điều khiển xe ô tô của ông Sơn khi đó tội phạm hoàn thành. Do tội phạm xảy ra tại thị xã Từ Sơn nên thẩm quyền điều tra thuộc về Cơ quan điều tra công an thị xã Từ Sơn.

Về tội danh

Dựa theo các tình tiết trong nội dung bài viết thì chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn hành vi của Thức đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015. Bởi đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bên cạnh hành vi chiếm đoạt thì thủ đoạn gian dối là yếu tố bắt buộc được thực hiện bằng những lời nói, hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu tài sản khiến chủ sở hữu tin tưởng vào lời nói, hành vi cụ thể đó để giao tài sản. Thủ đoạn gian dối là tiền đề và có mối quan hệ nhân quả dẫn đến việc chiếm đoạt tài sản, nếu không có thủ đoạn gian dối thì không cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tình tiết vụ án và các lập luận thì chưa thể hiện rõ những thủ đoạn gian dối mà Thức sử dụng là gì? “Khoảng 11h, Thức mời ông Sơn sang nhà Thức ở Bắc Ninh chơi. Ông Sơn lấy xe ô tô và cùng đi. Thức cầm lái” (từ đó khẳng định thời điểm này ông Sơn tự nguyện giao chìa khóa cho Thức chứ Thức không dùng thủ đoạn gian dối gì, và thời điểm này ô tô chưa rời khỏi sự quản lý của ông Sơn).  Sau đó uống rượu say, Thức đưa ông Sơn về nhà nghỉ. Sáng hôm sau ông Sơn mới phát hiện ô tô không còn thuộc sự quản lý của mình mới gọi điện hỏi Thức, thì Thức nói đi Lạng Sơn đòi nợ từ 5g sáng. Khi Thức nói vậy thì tài sản đang thuộc sự chiếm hữu của Thức. Vậy thủ đoạn gian dối ở đây là gì? Về vấn đề này không phải là vấn đề chính mà bài viết hướng tới, nhưng tác giả cũng nêu ra để quý bạn đọc cùng phân tích và trao đổi để xác định tội danh cho phù hợp.

 Về thời hạn giải quyết tin báo tội phạm

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 147 BLTTHS: “1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng”.

Nội dung này được hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC: “1. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết. 

Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh, chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị nêu trên, Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phải xem xét, quyết định. Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (trong trường hợp được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công) ra Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh; thời hạn gia hạn kiểm tra, xác minh là không quá 02 tháng kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này…..”.

Từ nội dung điều luật có thể xác định thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tính cả gia hạn tối đa là không quá 4 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trong vụ án nêu trên, ngày 7/7/2017, ông Ngô Ngọc Sơn đã đến Công an Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nộp đơn tố giác tội phạm, tuy nhiên đến ngày 29/10/2018 (hơn 15 tháng sau), Công an thị xã Từ Sơn mới ra Thông báo số 1652 về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm như vậy có sự vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra Công an thị xã Từ Sơn.

 

 

NGUYÊN XUÂN BÌNH ( TAND tỉnh Bắc Ninh)