Thương lượng tập thể là cơ chế then chốt để xác lập tiền lương và điều kiện làm việc trong một nền kinh tế thị trường

Ngày 6/7/2020, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH đã tổ chức Hội thảo công bố gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Công ước có hiệu lực thi hành tại Việt Nam từ ngày 5/7/2020.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân; Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee; đại diện các tổ chức Quốc tế; các bộ, ban ngành liên quan: VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Việt Nam là quốc gia thứ 167 trong tổng số 187 quốc gia thông qua việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2019 và chính thức có hiệu lực từ 5/7/2020.

Thương lượng tập thể

Theo định nghĩa tại Công ước số 154 của ILO về Thương lượng tập thể, thương lượng tập thể là tất cả các cuộc đàm phán diễn ra giữa một bên là một người sử dụng lao động, một nhóm người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động với một bên là một hay nhiều tổ chức của người lao động, để: (a) xác lập các điều kiện lao động và điều khoản sử dụng lao động; và/hoặc (b) điều chỉnh mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động; và/hoặc (c) điều chỉnh mối quan hệ giữa người sử dụng lao động hoặc tổ chức của họ với một tổ chức của người lao động hay nhiều tổ chức của người lao động.

Thương lượng tập thể là cơ chế then chốt để xác lập tiền lương và điều kiện làm việc trong một nền kinh tế thị trường. Công ước số 98 đặt ra những nguyên tắc cơ bản để thương lượng tập thể phát huy hiệu quả đối với người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội. Nếu thành viên hay lãnh đạo công đoàn lo sợ phải đối diện với sự phân biệt đối xử từ người sử dụng lao động do tham gia các hoạt động của công đoàn và/hoặc là thành viên công đoàn, công đoàn sẽ không thể thực hiện chức năng thương lượng tập thể với người sử dụng lao động một cách thực chất. Công ước số 98 đòi hỏi phải có những biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa và giải quyết vấn đề phân biệt đối xử chống công đoàn.

Bên cạnh đó hệ thống thương lượng tập thể chỉ có thể vận hành một cách thực chất khi công đoàn độc lập và không chịu sự can thiệp của người sử dụng lao động. Công ước số 98 đòi hỏi phải có các biện pháp hiệu quả để đảm bảo các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động không bị can thiệp bởi bên còn lại.

Cuối cùng, Công ước số 98 đòi hỏi chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động xây dựng và sử dụng các thể thức để thúc đẩy thương lượng tự nguyện.

Không xa lạ với Việt Nam

Là một Quốc gia Thành viên của ILO, Việt Nam tôn trọng Tuyên bố 1998 về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động, trong đó có viện dẫn đến 8 công ước cơ bản, bao gồm: Công ước số 98, do đó là các điều kiện lao động cơ bản và phổ quát nhằm đảm bảo giao thương hàng hóa và dịch vụ công bằng trong một nền kinh tế toàn cầu hóa; Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam cũng như hầu hết các tuyên bố về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia đều đòi hỏi phải tuân thủ Công ước số 98 và các công ước cơ bản khác được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO; Cùng với Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền tổ chức, Công ước số 98 tạo nền tảng thiết yếu cho quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đóng góp cho công cuộc phát triển bền vững bằng cách trao quyền cho người lao động và người sử dụng lao động tự tìm ra các giải pháp thông qua đàm phán tự nguyện.

Khái niệm và thực hành thương lượng tập thể không hề xa lạ đối với Việt Nam. Sắc lệnh về Lao động số 29 được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thông qua năm 1947 đặt ra những quy định pháp lý rõ ràng và đơn giản, hoàn toàn phù hợp với Công ước số 87 (năm 1948) và Công ước số 98 (năm 1949) của ILO. Hai công ước này được thông qua sau Sắc lệnh số 29 lần lượt là 1 và 2 năm.

Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018) công nhận đầy đủ vai trò quan trọng của thương lượng tập thể trong việc xác lập mức lương và điều kiện làm việc. Nghị quyết nêu rằng “các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của  doanh nghiệp.”

Áp dụng tốt nhất những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể

Tại Hội thảo, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee cho biết: Công ước số 98 là một trong 8 công ước cốt lõi của ILO trong khuôn khổ Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc cơ bản trong lao động. Tất cả các quốc gia thành viên ILO có nghĩa vụ tôn trọng và áp dụng các nguyên tắc được đề cập trong Tuyên bố 1998. Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc gia nhập Công ước 98 có ý nghĩa quan trọng trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý, kinh tế – xã hội.

Trình bày và phân tích ý nghĩa của việc Công ước số 98 của ILO chính thức có hiệu lực với Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Bình cho biết, Công ước có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ Người lao động và cán bộ đại diện khỏi bị phân biệt đối xử bởi Người sử dụng lao động; Bảo vệ các tổ chức của Người lao động và Người sử dụng lao động khỏi bị can thiệp lẫn nhau; Thúc đẩy thương lượng tập thể.

Tại hội thảo, các tổ chức Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng có những bài tham vấn dưới góc nhìn của các tổ chức về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO.

Hội thảo cũng tập trung góp ý thảo luận Kế hoạch thực hiện Công ước 98 trong thời gian tới. Theo đó, các yêu cầu đối với việc triển khai thực hiện Công ước số 98, nhiệm vụ và vai trò của các bên liên quan đã được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến góp ý với mục tiêu cuối cùng là áp dụng tốt nhất những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể theo Công ước 98.

Công nhân khu công nghệ cao – Ảnh internet

Ths NGUYỄN VĂN LIN ( Trường CĐ Du lịch Hà Nội)