VIAM bị khiếu kiện vì tự ý dùng hình ảnh trẻ em để quảng cáo

Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM (Tòa nhà ACE, số 12 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) tự ý sử dụng hình ảnh của trẻ em để quảng cáo, tiếp thị, nên bị khiếu kiện.

Theo đơn thư gửi đến Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, anh Nguyễn Văn L cho biết, ngày 12/7/2020, gia đình anh đưa con là Nguyễn Vũ H. Đ đến khám tại Phòng khám chuyên khóa dinh dưỡng VIAM. Đến đây, gia đình anh bất ngờ khi phát hiện trên tờ rơi quảng cáo của phòng khám có hình ảnh của con mình là cháu H. Đ. Trong khi gia đình không hề nhận được bất cứ sự liên hệ bằng hình thức nào của VIAM về việc xin phép sử dụng hình ảnh của con để in trên tờ rơi như vậy. Gia đình anh cũng không đồng ý bằng bất cứ hình thức nào cho phép  VIAM sử dụng hình ảnh của con để in trên tờ rơi quảng cáo.

Sau đó, gia đình anh L đã có đơn yêu cầu gửi phòng PK phải chấm dứt việc sử dụng hình ảnh của con trên các phương tiện thông tin, các hình thức quảng cáo của VIAM; có biện pháp thu hồi các tờ rơi quảng cáo đã in ấn, phát hành; đồng thời bồi thường thiệt hại về cho hành vi tự ý sử dụng hình ảnh của con mà chưa được gia đình anh cho phép.

Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc, phía PK, mặc dù thừa nhận hành vi vi phạm của mình, song quanh co, chưa xác định trách nhiệm bồi thường.

Văn bản thừa nhận hành vi vi phạm khi tùy tiện sử dụng hình ảnh người khác để quảng cáo, tiếp thị

Theo luật sư Lê Đức Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình là quyền được pháp luật quy định và bảo vệ. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của cá nhân có hình ảnh là hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, trong trường hợp này, người bị sử dụng hình ảnh trái phép là trẻ em, đối tượng dễ bị tổn hại và được Luật Trẻ em và nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo đó, quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình được quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Theo đó, vấn đề xử lý các hành vi vi phạm đối với quyền hình ảnh, theo pháp luật dân sự được quy định tại khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh vụ việc.

Phòng khám VIAM là một đơn vị thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam, do ông Trương Hồng Sơn – Viện trưởng viện này quản lý.

ANH TUẤN

 

 

 

ANH TUẤN